Tiến đã phải vượt qua gần hai nghìn cây số để bắt đầu cuộc sống mới nơi đất phương Nam sau khi thi rớt đại học. Buồn như mưa phùn chiều đông. Lời khuyên của chú Đức vẫn còn nóng hổi: “Nhà nghèo trúng đại học liệu có theo nổi không? Mà cần gì cứ phải đại học, như chú đây chỉ là công nhân, thế mà cũng lên được cái chức quản đốc phân xưởng, to lắm chứ! Tướng con làm thợ hàn tốt. Vào Nam đi chú xin việc cho".
Rồi chú Đức xin cho Tiến vào học trường công nhân kĩ thuật, ngành hàn.
Ngành hàn, mới nghe tưởng đơn giản, nhưng khi vào học rồi mới thấy không phải dễ. Thợ hàn cũng phải có cái tâm thì mối hàn mới thấu; phải biết đọc bản vẽ kĩ thuật; nắm bắt số liệu trên các thiết bị cần hàn; phải thông thạo các công cụ để hàn; phải biết kiểm tra chất lượng mối hàn; bảo dưỡng thiết bị hàn; chịu trách nhiệm về mối hàn… Tiến nhớ lời chú Đức khuyên, muốn thành công phải kiên trì, khiêm tốn, nhẫn nhục, phải như Lỗ Đức học nghề đục một trăm lỗ giống cả một trăm. Tiến học tập ngày một say sưa. Con người ta ai cũng có tướng riêng. Tướng Tiến là tướng thợ hàn. Nghĩ mà Tiến bật cười.
Bài thi thực hành tốt nghiệp Tiến đạt loại giỏi, vỡ oà trong niềm vui sướng. Thế rồi Tiến xin được việc làm, rồi tiền lương cũng tăng dần nhờ vào trình độ chuyên môn giỏi. Chú Đức tỏ ra vui mừng không thể kiềm chế. Chú là em ruột bố Tiến, công nhân gang thép Thái Nguyên được điều động vào Nam để bổ sung thợ lành nghề sau những năm giải phóng.
*
Thời gian trôi nhanh như tên bay, đã mười năm Tiến rời quê nhà để đi tìm cái cần câu cơm. Tiến đã phải trả giá về những nỗ lực, vượt qua những thiếu thốn, những áp lực. Không có nghề gì là dễ cả, nếu như mình học về nó bằng cái tâm cầu tiến. Cuộc sống dạy cho Tiến, đừng biến mình thành cây tầm gửi. Tiến phải làm thêm nhiều loại việc; phải mang hết những nỗ lực và khả năng thiên bẩm để đạt được mục đích tồn tại. Mười năm Tiến xa gia đình, chưa một lần được chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau. Tiến không thể mang cái lí do, rằng: phải đi kiếm tiền. Tiến không thể ngửa tay xin tiền cha mẹ và chị gái mãi được. Tiến có danh dự. Tiến phải biết tự đứng lên, dẫu có lúc trái tim như bị xé nát bởi xung đột trong môi trường ô hợp mà nhìn bên ngoài không thấy.
*
Tiến quyết định năm nay về quê cùng gia đình vui xuân mới. Nhớ ngày trước cha mẹ dạy hai chị em Tiến đủ điều, nhất là vào những ngày tết đến: đầu năm phải tránh vấp ngã để cả năm suôn sẻ...
Mỗi đêm về Tiến càng nhớ gia đình da diết, nhớ mỗi khi tết về, mẹ là người sốt sắng nhất. Chị em Tiến thi nhau rửa lá dong để gói bánh chưng. Mẹ gói bánh chưng vuông cũng giỏi mà bánh chưng tày cũng hay. Tiến như đang thấy mùi thơm của bánh, mùi hương của rơm rạ và làn khói làm đẹp bản làng. Nơi phương xa Tiến đã phải gác lại nỗi nhớ nhung cả mười năm trời. Thành phố nơi Tiến ở giờ nhiều cây xanh và tiếng chim lắm. Tiến ngó đầu ra cửa sổ hát “chim ơi đừng bay nhé". Rồi Tiến bỗng thấy tiếng chim cô liêu, thảm sầu miên miết. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Tiến buồn vì nỗi nhớ nhà! Rồi bất chợt cơn mưa ập đến. Tiến nằm nghe mưa rơi thiêm thiếp…
Tiến đi tàu để nhớ lại mười năm xưa nghe tiếng còi tàu, tiếng âm thanh xình xịch. Tiến phải tìm cách về thành phố quê mình, rồi phải đi mấy chặng đường nữa mới về bản. Đường đi bây giờ dễ hơn xưa - “cái gì không biết thì … tra gu gồ". Chị gái điện: “Về thành phố em ở đó, sẽ có người đưa em về…".
Thành phố nơi Tiến từng có những ngày ôn thi đại học, giờ đã thay bằng tấm áo mới, làm Tiến đến ngỡ ngàng. Đã tám giờ hơn, ngoài trời vẫn lạnh cùng tiếng rít của gió. Người đón Tiến tên Hưng, kém Tiến năm tuổi, làm ở cơ quan chị gái Tiến, chắc nhà khá giả nên anh ta có xe hơi đời mới. Chàng trai vui tính và lanh lợi, đưa nhanh vali vào thùng phía đuôi xe và bảo Tiến ngồi vào ghế trên. Bánh xe quay nhanh trên đường mùa đông, lòng Tiến lâng lâng đến miệt mài…
Chị gái Tiến làm Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện. Cũng oách đấy chứ! Tiến cười thầm. Hưng bảo, nhà em mở đại lí trà lớn nhất thành phố, nhưng em thích đi làm công chức.
Tới thị trấn huyện, Hưng dừng xe đưa Tiến vào một quán giải khát khá đông khách. Tiến không thể hình dung nổi nơi này lại sầm uất đến như vậy. Từ trong quán, Tiến nhìn ra con đường năm xưa cùng bạn bè xuống thị trấn học cấp ba mà lòng xốn xang đến rơi nước mắt. Hai người cùng uống trà, tiếp tục chuyện trò như quen nhau từ lâu. Một âm giọng từ bàn bên làm Tiến giật mình. Tiến lắng nghe và càng thấy giống giọng của người quen. Tiến định quay sang mà lại thôi. Tiến như trong mơ. Hay Tiến đang mơ thật? Con người ta theo năm tháng có thể thay đổi về hình thức nhưng giọng nói thì không. Chắc chắn là Linh, Tiến khẳng định. Tiến nói với Hưng về chuyện này và nhờ Hưng tới hỏi, có phải chị là Linh không? Anh Tiến gửi lời hỏi thăm chị… Hưng lắng nghe, sốt sắng như một hiệp sĩ muốn giành chiến thắng. Tiến cúi mặt, hai tay chống trán, vẻ đang suy tư, “vểnh tai", thu mình trong chiếc áo phông chống rét.
…
Minh họa: Lâm Văn Cảng
- Anh Tiến ở trong Nam mà, em gặp bao giờ?
- Hôm em vào Nam chơi chị ạ.
- Thế anh Tiến làm gì, dạo này thế nào?
- Anh Tiến làm công nhân. Anh ấy bảo nhớ một cô bạn hồi học cấp ba tên là Linh!
- Thế hả! Có đúng không? Anh Tiến ngày xưa giỏi toán lắm mà thi trượt đại học, nghe phong thanh giờ làm kĩ sư rồi, chị có tìm trên “phây" mà không thấy.
- Chị có muốn gặp anh ấy không?
- Có phải là người ngồi kia?
Câu nói của Linh làm Tiến giật bắn người. Đúng là cô nàng thông minh và tinh nghịch. Linh liền chạy đến chỗ Tiến: “Khỉ gió, ra lúc nào vậy?"...
Sao đời lại có những điều diệu kỳ đến khó tin. Tiến đã đọc đâu đó những điều kỳ diệu - như chuyện một thanh sắt xuyên qua đầu một người mà người đó không chết! Thì chuyện Tiến gặp lại Linh cũng có gì là lạ…
Tiến vẫn nhớ ánh mắt, làn môi, nụ cười tinh nghịch ngày ấy vừa như thôi miên lại vừa như chọc tức. Thằng Hách cổ cò khẳng định câu chắc như móng cầu: “Con Linh không yêu mày tao sẽ bé bằng con kiến!". Tiến bỗng như rơi vào mê cung. Chả nhẽ mình lại hấp dẫn đến độ làm cho Linh phải mê say? Lần va chạm với con Hồng đen, nó nhìn Tiến “cười đểu": “Ông thì hơn chó gì thằng Hách cổ cò, có hơn là hơn cái lùn". Thú thật, Tiến rất bất bình về cái chiều cao của mình, đàn ông mà chỉ có “mét năm chín" thì đúng là một “tai nạn" trong cái thời buổi chuộng “chân dài". Vỗ vai Tiến, chị gái bảo: “Con gái yêu đàn ông bởi cái đầu, chứ đâu phải chiều cao cân nặng!". Chắc chẳng phải mình Tiến thầm yêu trộm nhớ Linh, mà cả “đám giống đực" lớp Tiến nữa. Linh không đẹp đến độ nghiêng nước nghiêng thành, nhưng có duyên, đặc biệt đôi mắt sáng trong, hút hồn. Chỉ cần thế thôi cũng thành “cục nam châm" làm điêu đứng cánh mày râu. Hồi ôn thi tốt nghiệp phổ thông, Linh đem đến cho Tiến một bài toán, đôi hàng mi nàng chớp chớp, nói như ra lệnh: “Giải cho người ta bài toán này! Sao mà ghét cái loại số phức(*) thế không biết. Rõ là phức tạp!". Tiến liền “ngoan ngoãn" giải bài, lòng vui khó tả. Con Phán Phó Đoan chạy tới ngó nghiêng, buông câu: “Đúng là lệnh ông không bằng cồng bà, hôm người ta nhờ giải thì chối đây đẩy!". Tiến chưa kịp phản ứng thì Phán Phó Đoan đã mất hút. Mà có bao giờ hắn nhờ Tiến giải toán đâu? Không biết Linh còn nhớ chuyện xưa không? Những năm tháng sống trong Nam, hình bóng Linh vẫn chập chờn trong tâm hồn Tiến mỗi ngày…
Tiến và Linh nói chuyện với nhau không dừng được, đến nỗi cô bạn ngồi cùng bàn bên đã rời đi lúc nào không biết. Linh học ngành ngân hàng, làm việc ở thành phố, sáng đi tối về bằng xe buýt.
- Chồng làm gì? - Tiến hỏi Linh.
- Còn phải cống hiến cho xã hội, chồng con gì. Thế bên ấy mấy con rồi?
Tiến biết Linh có tính hài.
- Hai con!
- Chúng làm gì, ở đâu?
- Chúng đang nhìn người ấy đấy! - Tiến nhìn vào đôi mắt Linh, chớp chớp.
- Trời ơi, quỷ sứ!
*
Tiến rủ Linh về nhà mình chơi, đấu tranh một hồi, Linh liền đồng ý. Thế là ba người lên ô tô chạy về bản Kéo. Ngồi hàng ghế sau, cùng bạn gái Tiến tưởng tượng bao điều, sự lãng mạn bùng phát nhưng Tiến không cho phép mình bộp chộp. “Công nhận anh chị đẹp đôi thật", Hưng nói câu làm hai người bật cười.
- Anh làm gì có ai yêu! - Tiến nói.
- Thôi đi ông tướng, mười năm trong Nam chắc cũng yêu cả tá phụ nữ rồi! - Linh nhìn xoáy vào Tiến, đôi mắt như phát ra câu hỏi.
Hôm nay vợ chồng chị và hai con gái cũng lên nhà cha mẹ Tiến từ sớm. Nhà chị ở thị trấn này, chồng chị làm bên Điện lực huyện.
Vừa xuống xe mẹ liền ôm Tiến khóc nức nở: “Bầm tưởng mày quên mất đường về!". Chị gái của Tiến ngỡ ngàng khi thấy Linh xuất hiện. Thì ra hai người cũng đã biết nhau. Chị gái của Linh cùng làm cơ quan anh rể Tiến.
Linh nhanh chóng hòa nhập cùng không khí gia đình Tiến, rồi bỗng bật lên lời hát: “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ. Mây bay bao năm tưởng tình đã quên. Như mưa bay đi một trời thương nhớ", kéo bố mẹ Tiến lại: “cả nhà mình ơi có còn mắt buồn…", nhìn vào Tiến: “trong anh hôm nay thấy tình còn đây…". Bao tiếng cười giòn tan.
Hưng đóng vai nhiếp ảnh gia, sắp xếp gia đình chụp chung kiểu ảnh và không quên: “Anh Tiến và chị Linh đứng riêng ra để em làm một kỷ niệm Mười năm tình cũ… Linh nhìn Tiến âu yếm. Câu nói của thằng Hách cổ cò ngày nào: “Con Linh không yêu mày tao sẽ bé bằng con kiến!". Phải chăng thằng Hách cổ cò là một nhà tiên tri?
Tấm ảnh mà Hưng chụp Tiến và Linh bằng smartphone không dùng “app" nhưng đẹp tuyệt vời, đôi khuôn mặt cùng nụ cười thật sáng trong. Tiến đâu ngờ bữa cơm trưa nay ở gia đình mình lại đủ đầy đến như vậy, có cả “người yêu Tiến". Thằng Hách cổ cò phải chịu trách nhiệm về nhận định này. Tiến cười rạng rỡ. Thật sự Tiến yêu Linh từ mười năm trước.
- Cười gì vậy? - Linh hỏi Tiến.
- À, nhớ thằng Hách cổ cò. Linh biết số máy của nó không?
- Biết, giờ nó ở Hà Nội!
*
Tiến và Linh đã nhiều lần cà phê. Linh chưa nhận lời yêu ai, thấy ai cũng không hợp. Thế còn bên ấy thì sao? Cũng chẳng nghĩ đến yêu vì phải lo cuộc sống nơi xứ người, mấy lị chỉ nhớ một người. Điêu! Chỉ nhớ một người!? Mà đã “băm" đâu mà phải vội phải vàng. Và Tiến đã nói ra cái điều mình mong muốn, sau khi đã “rào trước đón sau". Cứ biết thế…
Tiến thắc mắc, tại sao một người có duyên như Linh mà lại chưa có người yêu? Xã hội này biết bao sự dối gian. Nhưng vẫn có những điều kỳ diệu chứ, giống như người ta không tin nổi, một thanh sắt xuyên qua đầu một người mà người ấy vẫn sống! Đời còn ý nghĩa gì khi ta không có niềm tin? Thế rồi bất ngờ Linh đưa ra tờ giấy nháp mà Tiến giải bài toán số phức năm xưa. Tiến không thể tin vào mắt mình “ngày xưa vẫn còn đây", nó như một bằng chứng chứng tỏ thằng Hách cổ cò nói đúng. Không yêu thì sao “em" vẫn giữ làm kỷ niệm?
*
Sau mười lăm ngày phép, Tiến phải trở về Nam. Tiến nhìn Linh lần cuối trước khi vào phòng chờ ở sân bay Nội Bài, thấy những giọt long lanh lăn trên đôi gò má người yêu…
Linh đã nhận lời yêu Tiến “con nhà nghèo" thuở nào. Hai người đã có những hẹn hò. Linh tin tình yêu của Tiến dành cho mình. Linh đã khóc, khâm phục một ý chí biết phấn đấu vươn lên để thành một người thợ giỏi, một kĩ sư giỏi. Linh bỗng thấy yêu thành phố nơi người yêu mình đang sống và làm việc; yêu những nhà máy và những con người nơi ấy. “Cảm ơn mùa Xuân đã cho tôi một tình yêu đến bất ngờ". Linh thốt lên trong lòng…
Đ.S.Q
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)