Lần nào về N. tôi cũng đến quán cà phê này chờ Phượng. Quán cà phê nhìn ra hồ Mây.
Ngày trước Phượng là giáo viên dạy cùng trường với vợ tôi. Tôi làm việc ở một nơi cách trường hơn trăm cây số, mỗi năm chỉ tranh thủ mấy ngày phép đáo qua nhà vài ba lần thăm vợ con. Còn chồng Phượng, cũng là rể của trường, nhưng biền biệt cả năm không thấy mặt. Nghe nói anh ta là dân làm ăn tự do, lang thang làm gì ở đâu ít người biết rõ. Đấy là những năm nghèo túng, khốn khó nhất trong cuộc đời của chúng tôi. Nhiều khi quẫn bách, tôi đã phải tìm cách trốn cơ quan đi buôn vặt. Buôn chè bị phòng thuế bắt mất chè. Buôn xà phòng bị lừa xà phòng đểu, quẳng xuống sông cả túi du lịch toàn đất sét. Ở trường thì vợ tôi chờ đêm xuống leo lên mấy cây nhãn, cây phượng trong sân trường bẻ cành phơi khô làm củi đun. Còn Phượng, ngoài giờ lên lớp lại miệt mài ngồi khâu nón. Chợ họp năm ngày một phiên, cô giáo Phượng đội trên đầu chồng nón che khuất mặt, ngập ngừng đứng đón khách ngoài cổng chợ.
Các thầy cô của trường sống trong dãy nhà tập thể ọp ẹp nằm khuất sau khu lớp học. Những căn phòng chật chội, cũ kỹ, nồng nặc mùi bếp dầu và nheo nhéo tiếng trẻ khóc. Tôi quen biết, chuyện trò thân tình với nhiều người. Riêng với Phượng thì vẫn như người lạ. Có lẽ vì Phượng đẹp. Vợ tôi cũng đẹp. Tôi có thể hãnh diện mỗi khi cùng vợ đi ra đường. Yên tâm gối đầu lên tay nàng mà ngủ, không phải lo bất cứ một gã đàn ông nào bờm xơm. Nhưng Phượng thì khác. Vẻ đẹp của Phượng khiến đàn ông cảm thấy bất an. Nó lạnh lùng mà vẫn có thể thiêu rụi người ta thành tro trong chớp mắt.
Chỉ duy nhất có một lần, vì hai đứa trẻ mà chúng tôi buộc phải nhìn vào mắt nhau.
Thằng con trai tôi nhéo tai con gái Phượng. Đứa bé gái khóc ré lên ngoài sân. Tội nghiệp con bé. Bốn tuổi mà trông nó còm cõi, èo uột như con mèo ốm. Suốt ngày tha thẩn khắp các xó xỉnh quanh khu nhà, gặp ai cũng tròn xoe mắt, như gặp người đến từ thế giới khác.
Khi chúng tôi chạy ra thì thằng con tôi còn cầm trên tay chiếc bánh quy ăn dở. Con gái Phượng ôm cái tai đỏ ửng, nước mắt nước mũi ướt nhèm.
Phượng ôm lấy con. Trong tích tắc, mắt chúng tôi gặp nhau.
Mặt tôi nóng bừng. Tôi hận gói bánh quy quá nhỏ, không đủ chia cho tất cả lũ trẻ trong khu.
Minh hoạ: Lê Trí Dũng
Từ hôm đó, tôi bắt đầu bị ám ảnh vì cái nhìn của Phượng. Tôi cố tìm cách “đọc" nó. Cuối cùng, lại thấy nó hòa lẫn vào cái nhìn của con bé con. Có đêm tôi nằm mơ thấy cả hai mẹ con đang nhìn mình. Hai cặp mắt tròn xoe. Tôi vội vàng thò tay vào túi. Nhưng túi tôi rỗng không.
Và cũng từ hôm đó trở đi, dường như chẳng cần nghe chẳng cần nhìn, tôi cũng biết là Phượng đang đứng đâu, ngồi đâu, làm gì. Cô ấy soạn bài. Cô ấy khâu nón. Cô ấy vừa ở trong bếp ra. Cô ấy vừa tắm xong… Tôi bị đôi mắt vô hình của Phượng dõi theo. Ở trong phòng với vợ không sao, nhưng cứ ra hè ra sân là thể nào cũng có những lúc giật mình sờ tay lên đầu vuốt lại tóc, hoặc nắn nắn cổ áo. Đụng nhau ở cầu ao, ở giếng nước, Phượng tránh nhìn mặt tôi. Cứ thế, cho tận đến ngày vợ chồng tôi chuyển hẳn vào sinh sống trong Nam.
Hôm chúng tôi rời trường, Phượng dắt con sang tiễn. Đợi cho mọi người về hết, Phượng mới đưa cho vợ tôi chiếc túi ni lông đựng món quà mà cô giữ khư khư trong tay. Một cân ruốc đựng trong lọ thủy tinh. Phượng nói vội vàng: “Để làm thức ăn cho cháu… Mấy ngày đầu đến chỗ lạ, chắc anh chị chưa kịp chợ búa gì". Mắt vợ tôi đỏ hoe. Để có một cân ruốc thịt nạc như thế này, Phượng phải nhịn mua không dưới hai tháng tem phiếu thịt. Nhìn vợ tôi và Phượng đùn đẩy nhau món quà, tôi vội lảng xuống bếp. Tôi biết, chỉ cần nán lại thêm vài giây, tôi sẽ phải ôm cả hai người đàn bà vào lòng.
***
Mấy chục năm trôi qua. Trong suốt thời gian đó, thỉnh thoảng tôi mới có dịp quay lại N. Bạn cũ còn dăm ba người, nhưng ngồi lâu lâu với nhau trong quán cà phê này thì chỉ có mình Phượng. N. khác xưa rất nhiều nhưng trước mặt, hồ Mây vẫn thế - mặt nuớc tĩnh lặng, xanh dửng dưng.
- Điền lên hiệu trưởng rồi. Anh còn nhớ Điền không?
Lần này Phượng báo ngay một tin vui.
- Sao tôi quên được?
- Thế còn Phong?
- Nhắc Điền là phải nhớ ngay ra Phong - Tôi cười.
- Phong về Hà Nội, làm thanh tra Bộ.
Phong và Điền là hai thầy giáo ở chung phòng - căn phòng kế bên phòng của vợ tôi hồi nào. Về trường tôi hay ngồi bù khú với họ. Hút với nhau hàng trăm điếu thuốc lào. Uống tàn hàng trăm ấm chè. Thỉnh thoảng hứng lên, chỉ mấy bìa đậu phụ, nắm lạc rang cũng hú nhau, rồi chạy vào xóm mua chai cuốc lủi… Nhưng rốt cuộc, nhắc đến hai người này, tôi lại không thể quên một chuyện. Một chuyện con con, chẳng đâu vào đâu. Chỉ là tình cờ lọt vào mắt mình.
…Lần ấy tôi về trường đúng vào dịp thi tốt nghiệp cho học sinh. Sáng, theo thói quen, tôi dậy sớm tập thể dục rồi chạy tuốt ra con đường băng qua cổng trường. Khi chạy về, cả khu trường còn vắng hoe. Dãy tập thể giáo viên nhiều phòng cửa vẫn đóng im ỉm. Vợ tôi đang loay hoay nấu bột cho con dưới bếp. Phòng bên, phòng của Phong và Điền, bỗng có tiếng kẹt cửa, tiếng người nói rì rầm lẫn tiếng cười rúc rích.
Cần phải nói rõ thêm, những căn phòng trong khu nhà này chỉ được ngăn cách với nhau bằng một lớp ván mỏng. Lâu ngày gỗ thủng, hoặc ngót đi, để trơ ra những khe hở. Nhiều chỗ vợ tôi phải dùng giấy bịt lại. Nhưng ở phòng ngoài, nơi tôi đang đứng, vẫn còn một khe hở thông sang phòng của Phong và Điền. Nghe tiếng cười nói là lạ, tự nhiên tôi ghé mắt nhìn qua cái khe.
Cửa phòng bên ấy đóng kín. Trong ánh sáng mờ mờ lọt xuống từ trên mái qua mấy viên ngói thủng, hai thầy giáo đang châu đầu vào nhau. Dưới nền nhà, một vật đen đen dài dài đặt giữa tấm vỉ buồm thâm sì. Tôi mở căng mắt. Cái vật ấy nằm bất động, ánh lên như một thỏi bạc lớn.
- Của đứa nào thế?
- Thằng K. ở Hải Trung.
- Nó vừa đến à?
- Không, mẹ nó mang đến.
- Dễ phải hơn hai cân chứ không ít. Hí hí…
- Hôm nay mày coi thi ở phòng nó đấy.
- Biết rồi, yên tâm. Hí hí…
Chiếc vỉ buồm nhanh chóng được cuộn lại. Phong tìm sợi dây quấn chặt bên ngoài nhiều vòng. Rồi cẩn thận treo lên khung cọc màn. Cái khung gỗ hơi nghiêng đi. Còn cái bọc đung đưa, đung đưa.
Vẻ đắc ý của hai thầy giáo làm tôi ngượng chín người. Hai thầy chẳng hề hay biết, nhưng tôi bắt quả tang chính mình. Bắt quả tang chính mình vừa nhìn trộm. Tôi lẳng lặng lùi ra khỏi bức vách. Vợ tôi đứng ngay sau lưng lúc nào.
- Cái gì thế?
- Không…
Tôi gượng gạo chống chế. Định bụng đến bữa cơm trưa sẽ kể cho cô ấy nghe. Nhưng đến trưa, mọi chuyện xảy ra không giống như tôi tưởng. Không có tiếng dao thớt bên phòng của Phong và Điền. Không ngửi thấy mùi xào nấu thơm điếc mũi. Thậm chí không nghe cả tiếng mâm bát. Cứ như là họ đã ăn trưa ở đâu đó. Hai ông thầy gớm thật. Kín kẽ đến thế là cùng. Đương nhiên là họ phải tìm cách ăn giấu, ăn vụng con cá. Con cá thu. Chính là con cá thu cuộn tròn trong tấm vỉ buồm. Món quà hối lộ khốn khổ của bà mẹ đứa học trò. Nhiều năm sau này, hình ảnh con cá quấn trong tấm vỉ buồm và nét mặt rạng rỡ của hai thầy giáo vẫn còn in hằn trong trí nhớ tôi.
Trưa hôm đó, tôi đã không kể cho vợ nghe những điều tình cờ bắt gặp lúc sáng sớm. Nhiều năm sau cũng không kể với bất cứ ai. Nhưng bây giờ ngồi cà phê với Phượng thì kể liền một mạch. Câu chuyện được cất kỹ, giờ bày ra không sót một chi tiết.
Nghe xong Phượng hỏi:
- Thế anh có biết tại sao buổi trưa hôm ấy Phong với Điền lại “im lặng" thế không?
- Không.
Phượng bỗng cười thành tiếng. Tôi để ý những lần gặp nhau sau này, Phượng rất hay cười. Không còn cái vẻ ngoài lặng lặng xa lánh như hồi trước. Tiếng cười nghe trẻ hơn tuổi, đôi lúc khiến tôi giật mình.
- Tại vì… con cá thu biến mất.
Tôi ngẩn người:
- Phượng cũng biết chuyện con cá thu?
- Biết.
- Làm sao con cá biến đi được? Biến đi đâu?
- Lúc đầu hai thầy nghi cho mèo. Mèo chui xuống từ nóc nhà rinh mất con cá. Khốn khổ! Ngày ấy làm gì có ai nuôi mèo? Nuôi mình còn chả xong... Mà mèo tha gọn con cá hai cân thì là mèo thành tinh à? Ông Phong chả phải vừa. Đa nghi Tào Tháo gọi bằng cụ. Suốt buổi trưa ông ấy nhịn ăn, nhịn ngủ, lang thang khắp nơi, mắt đảo như bi xổ số.
Giời ạ! Phượng nói thế làm tôi nhớ ngay. Thảo nào!... Trưa đó nắng chang chang, Điền ngơ ngẩn trèo lên mái nhà, dặm lại mấy viên ngói thủng. Còn Phong lại tạt sang tôi, đúng lúc vợ tôi bưng mâm ra. Y bảo y hút nhờ điếu thuốc lào. Thấp thoáng sau luồng khói thuốc cuồn cuộn tuôn ra từ miệng, cặp mắt sắc của y liếc xéo vào mâm cơm. Giọng y gà gà: “Đãi khách Hà Nội đơn sơ thế này thôi à"?
- Nhưng người bị nghi nhất là thầy Bội - Phượng tiếp - Sáng ấy thầy Bội không coi thi, nhưng vẫn vào trường. Ai làm chứng cho thầy không lẻn vào phòng của Phong và Điền?..,
Giời ạ. Lại thế nữa! Tôi biết thầy Bội dạy môn Giáo dục công dân. Thầy có nhà ở ngoài, nhưng hay mang cá vào trường phơi. Một lần đi ngang quá cái nhà tắm công cộng, tôi bỗng nghe ồm ồm: “Mười bốn… mười lăm… mười sáu…". Nhìn quanh không thấy ai. Giọng ồm ồm vẫn dõng dạc: “Hai lăm… hai sáu… hai bảy…". Ngước lên bỗng giật mình: Bội, râu quai nón, cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, chồm chỗm trên cái nóc nhà tắm mái bằng, tay xỉa xỉa những con cá như người chia bài.
“Chào thầy. Thầy làm gì trên ấy thế?" - Tôi tò mò hỏi với lên.
“Không dám. Cán bộ nghỉ phép mới về thăm nhà"?
Thấy thầy vẫn chăm chú xỉa xỉa nên tôi không tiện hỏi thêm. Lát sau về kể lại với vợ. Vợ tôi cười ngặt nghẽo: “Phơi cá khô. Mất một con là ăn nhạt một ngày, nên phải đếm".
Giờ Phượng nói sáng hôm ấy thầy Bội vẫn vào trường, vào để phơi cá. Cá khô trường kỳ, giờ gặp con cá tươi, lại là cá thu, bố ai biết chuyện gì xảy ra thật.
- Nhưng đấy là chuyện buổi trưa. Còn buổi sáng, Phong coi thi cùng phòng với em - Phượng nhẩn nha - Hết giờ thứ nhất, em nói nhỏ với Phong cho em chạy ù về nấu tí cháo cho con. Phong đồng ý liền, mặt giãn ra. Chỉ cần mươi phút không có em ở đấy là hai thầy trò Phong giải quyết trót lọt với nhau bản “hợp đồng". Nhưng mươi phút cũng quá đủ để người ta kịp gỡ cái bọc treo trên cọc màn xuống.
Tôi nín thở, nhìn Phượng cười. Miệng cười rất tươi, buông mấy câu nhẹ như không:
- Con bé nhà em còi xương. Bố nó không có tiền gửi về… Nó cần con cá ấy hơn hai thầy.
Tôi im lặng ngồi nhìn ra hồ Mây.
Mặt hồ vẫn thản nhiên xanh.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)