Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
RỪNG GỌI

Rừng gọi 1 - Lê Trí Dũng.jpg ​​

Minh họa: Lê Trí Dũng

1. Cuộc đời tôi luôn phải lang thang lên rừng, xuống biển để thiết kế, xây dựng các công trình mỹ thuật, bia tưởng niệm, phù điêu hay tượng đài ghi dấu các sự kiện lịch sử, làm đẹp cảnh quan môi trường…
 Lần này, Khu tưởng niệm X gửi văn bản nói công trình tượng đài do tôi thực hiện cách nay nhiều năm bị xuống cấp, cần được sửa chữa, tân trang lại để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm một sự kiện chính trị quan trọng. Lời mời đến đúng lúc cuộc hôn nhân của tôi và vợ đang như con thuyền mất lái xoay tít trong vùng nước xoáy. Chẳng có lý do gì rõ rệt, chỉ là cuộc sống chung đang ngày càng nguội lạnh.
Vợ tôi - gái quê lên thành phố học nghề chăm sóc sắc đẹp, vẻ nai tơ mộc mạc khác hẳn đám con gái thành phố chảnh chọe. Nhất thời tôi đã mê mẩn, gấp rút cưới ngay cô nàng kẻo “đêm dài lắm mộng". Nào ngờ sau vài năm hôn nhân, con nai tơ xinh đẹp của tôi biến thành con sư tử cái mê hàng hiệu, tín đồ chung thủy của váy áo xẻ sâu khoe da thịt. Tất cả tiền bạc tích cóp nhờ các công trình mỹ thuật mà tôi phải qua nhiều cửa, nhiều mối quan hệ phức tạp, kỳ công mới có được đều đổ vào cái Spa hoành tráng của vợ, phần tôi sở hữu cái đầu hói trước tuổi và chứng đau bao tử kinh niên. Suốt thời gian ấy tôi chưa có dịp trở lại X. Ở đó tôi đã để lại một phần ước mơ tuổi trẻ và mối tình thoáng qua với Trầm… 
Từ sân bay, tôi theo ô tô lên trạm Cây Muồng, ở đây anh Công - kiểm lâm viên mượn cho tôi một chiếc honda và tháp tùng tôi lên Khu tưởng niệm. Còn đang rù rì chạy vì chưa quen xe thì một chiếc ô tô bán tải dính đầy bùn đất bất ngờ ào qua, tung bụi mù mịt. Những viên sỏi nhỏ cứng và sắc khiến chiếc honda đang cõng tôi trên yên trôi ngang, loạng choạng, đổ vật vào bờ cây dại. Tôi lồm cồm bò dậy dựng xe lên, trống ngực dội thình thịch. Ơn trời, thà ngã dụi vào bụi cây còn hơn là đập mũi xuống mặt đường lởm khởm. Đằng trước tôi, cái áo màu dưa cải của Công như bay trên xa lộ. Liên tiếp những chiếc xe máy ngược chiều chui ra từ đám bụi đất đậm đặc đỏ khé nối đuôi nhau đến chóng mặt. Những công nhân cao su, dân làm rẫy quen đường cứ sầm sập lao tới, hệt những anh chàng bặm trợn vùng viễn tây nước Mỹ trong phim cao bồi cưỡi trên những con nghẽo phì phò, nhễ nhại mồ hôi…
Chúng tôi ghé thị tứ. Trong một quán nhậu mái lá tuyềnh toàng dăm bảy vị khách mặt đỏ nhừ, áo quần nhàu nhĩ đang “zô zô" đầy phấn khích. Cạnh đó là một điểm karaoke với một nhóm “ca sĩ" bụi bặm thả giọng hết cỡ làm phố xá bớt hẳn vẻ đìu hiu. Tôi mừng rỡ vì ở đây cũng có một cửa hiệu bán vật liệu xây dựng khá bề thế, nằm ngay mặt tiền. Công dựng xe bên lề đường, xăm xăm rẽ vào quán “cầy tơ" và trở ra với một túi nylon nặng trịch. Đã nhậu thịt rừng mà vẫn không thể thiếu món quốc hồn quốc túy. Tôi cười thầm, bụng nể phục những anh chàng sống bằng nghề rừng.
Buổi chiều mùa khô, không khí như bị hấp nóng. Trước mặt tôi, rừng đã hiển hiện. Tầng tầng lớp lớp. Dưới những thân cổ thụ mốc meo như mọc từ thời hồng hoang là lớp cây tầng trung, tầng thấp, vạm vỡ, xanh tươi, rồi đến vô số loài dây leo, xoắn xuýt thành từng búi, hình thù kì dị. Chúng như những sinh vật sống đang chuyển động. Giữa trùng trùng màu xanh thi thoảng lại hiện ra một khoảng trống, ở đó có những thân cây úa vàng, lá đã rụng sạch, chỉ còn cành nhánh khô khốc vẽ lên nền trời những đường khúc khuỷu. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng diễm lệ và gợi cảm.
Mải bám theo Công nhưng đôi lúc tôi phải giảm tốc vì những chú gà rừng. Chúng lao vút qua đường với bộ lông tuyệt đẹp, màu sắc rực rỡ, cái mào đỏ thắm nổi bật. Có khi xe tôi lọt vào giữa một đàn bướm trắng lượn quanh vũng nước còn sót lại, chúng lập tức bay túa lên, rập rờn như những bông hoa giấy.
Lâu lắm anh mới quay lại rừng đó nha. Bữa nay cho anh nhậu mút mùa lệ thủy - Công ngoái lại nói khi mắt tôi dõi theo một con vật vừa lủi vào đám cỏ rậm rạp, cái đuôi dài ngoắt lại, trông có vẻ giống con chồn. “Ok", tôi nói như bấm nút điện tử, trong đầu hiện lên những món ăn ngon lành: cheo cheo, chồn, gà rừng, nhím... thứ gì cũng tuyệt. Dễ gì có được dịp may hiếm có, thưởng thức miễn phí món thịt rừng tươi nguyên, ở thành phố thì đừng mơ.
Chúng tôi về tới trạm kiểm lâm, nắng đã lụi. Một kiểm lâm trẻ đang thu dọn cây mật nhân phơi ngoài sân, dồn vào bao bố. Nghe đồn cây mật nhân ngâm rượu uống có công dụng với đàn ông như rượu Ba kích, AmaKông, dâm dương hoắc hay Minh Mạng được quảng cáo rầm rộ qua “vô tuyến truyền mồm" và qua báo mạng. Tôi chưa bao giờ dùng mật nhân vì chưa có nhu cầu phải “bổ dương" và cũng chẳng mấy tin vào “thần dược".
 Công xếp tôi ở riêng trong căn phòng của phó trạm đang đi  học, kê độc cái giường đơn bằng gỗ và chiếc tủ sắt vẽ hình những bông hoa trên cánh cửa sơn xanh, trên bàn có vài tờ tạp chí lâm nghiệp cũ rích, quăn queo. Chiếc đàn ghi ta treo trên tường dây đứt sà xuống lòng thòng. Tôi sẽ ở đây tới khi nào công trình tượng đài được hàn đắp, sơn phết lại những chỗ sứt mẻ, xuống cấp, chuẩn bị cho lễ mừng chiến thắng.
 Bữa chiều dọn ra. Năm chàng kiểm lâm vừa xong ca trực trông như sinh viên vừa ra trường. Mấy đứa này Trạm mới tuyển, toàn dân ở ngoải. Mỗi đứa mỗi quê - anh Chiến - trưởng trạm vui vẻ giới thiệu. Nghe nói tôi là nhà điêu khắc, tác giả tượng đài Đồng đội, mấy chàng trai nhìn nhau ngầm thán phục. Trên chiếc bàn ghép bằng những khúc cây mum lên nước bóng loáng đã bày một đĩa lớn rau rừng luộc, đậu hũ và cá khô chiên, canh măng chua nấu với những con cá suối còm cõi đầu to, thân nhỏ. Thêm đĩa thịt cầy “khủng" Công mua về. Không có thịt rừng. Như hiểu nỗi thất vọng của khách, Công ghé tai tôi nói nhỏ: ở đây chỉ sờ vào cái lông con gà rừng thôi cũng bóc lịch mỏi tay nha nghệ sĩ. Chịu khó ăn đi.
 Sau bữa tối, rúc rích chọc phá nhau một hồi, đám kiểm lâm trẻ đi ngủ. Lâu lắm mới qua đêm trong rừng miền Đông, khung cảnh nửa quen nửa lạ khiến tâm trạng tôi nôn nao. Dạo tôi lên đây lắp đặt tượng đài, đường đi còn độc đạo, khó khăn, rừng thưa thớt, chưa thành thảm thành lớp như bây giờ. Những chiếc lán mới dựng trên căn hầm nửa nổi nửa chìm hầu như chưa có dấu chân khách tham quan. Bây giờ mọi thứ khác xa những gì tôi còn lưu lại trong ký ức. Nhưng vẫn có cái gì đó mơ hồ bàng bạc thân thương khiến lòng tôi nôn nao.

Đêm trong rừng nhiệt độ xuống thấp, tôi co mình trong tấm đắp mỏng. Không có tiếng sột soạt của thú ăn đêm. Không có tiếng vượn hú, cũng chẳng có tiếng gầm xa của loài ăn thịt. Không gian tĩnh lặng. Thi thoảng trỗi lên tiếng một loài chim kêu cốc... cốc, đều đặn như tiếng mõ gõ nhịp, nghe cô đơn và khắc khoải một cách kỳ lạ! Tôi thở dài nghĩ tới Trầm. Hai chục năm có lẻ rồi, chắc nàng đã chồng con đề huề. Nàng có bao giờ hồi nhớ về những ngày tươi đẹp đã xa?

Trằn trọc mãi cũng chán, tôi chui khỏi màn, bước ra ngoài. Màn đêm u tịch thật dễ chịu. Khoảnh sân trước cửa nhà bếp được chiếu sáng bởi một bóng đèn tròn nhỏ có ai đó đang ngồi xoay lưng lại, hút thuốc lá. Mùi khói thuốc lá Trị An nặng và khét. Tôi lại gần anh ta. Ra là Chiến. Người đàn ông này tôi quen từ hồi làm công trình tượng đài. Hồi ấy anh đang nổi đình đám vì vừa đánh nhau với bọn lâm tặc có tổ chức, bị chúng dùng mã tấu chém sả cánh tay. Sau vụ đó, Chiến được báo chí tung hô như người hùng, Trạm kiểm lâm được tỉnh tặng bằng khen. Bây giờ sau vài lần luân chuyển, anh trở về trạm cũ với cương vị Trưởng trạm kiểm lâm kiêm phụ trách Khu tưởng niệm.
- Lạ nhà, không ngủ được hả, ông nghệ sĩ? Chiến hỏi và đẩy cho tôi chiếc ghế nhựa. Anh đưa bao thuốc lá bẹp rúm còn đôi ba điếu nhưng tôi từ chối. Tôi ngồi xuống bên anh, hỏi lại:
- Dạo này rừng còn nhiều thú không anh?
- Còn. Nhưng ít thôi. Bọn thú sợ người rút vào sâu hết rồi.
- Tôi tưởng thịt rừng lúc nào chẳng sẵn. Lâu lâu anh em cải thiện một bữa cho bõ những ngày giữ rừng gian khổ…
- Làm gì có chuyện ấy. Quân lệnh như sơn. Chỉ lấy một khúc cây khô thôi cũng bóc lịch, săn bắn thú thì tùy theo từng loài mà lịch dày hay mỏng.
- Nhưng trong này chỉ có ta với ta, ai biết mà sợ…
- Ha ha…Tưởng thế mà không phải thế. Biết tuốt. Anh biết. Tôi biết. Rừng biết. Chạy đàng trời. Chiến cười to sảng khoái. Tôi nhìn anh ngưỡng mộ. Bổn phận và niềm đam mê đã hòa tan vào nhau, tạo nên người đàn ông cá tính và toàn tâm toàn ý với việc giữ rừng. Chiến rít một hơi thuốc dài, vẻ mặt đang vui bỗng trầm xuống, mắt anh hơi mơ màng và giọng nói chậm rãi như đang tự sự:
- Ở đây đúng là chỉ có kiểm lâm và rừng. Cây cối chim muông thì đâu có biết nói. Nhưng chúng tôi không bao giờ phá hoại rừng dù chỉ là một ngọn lá. Cả đời sống chết với rừng tôi nghiệm ra, ai đã trót làm nghề này rồi thì cứ như bị keo dính chặt, không thể xa rời. Không tin, ông cứ lên đây ở thì biết.
Tôi lặng ngắt. Chả lẽ lại nói với Chiến, tôi không dũng cảm như anh, có thể sống nơi rừng thiêng nước độc. Ngay đến Trầm còn không thể níu tôi ở lại.
 Hồi ấy tôi vừa ra trường, nhờ ông chú VIP của Bộ Văn hóa, tôi có được hợp đồng làm phù điêu và một công trình tượng đài nhỏ. Trầm là hướng dẫn viên của Khu bảo tồn sinh thái rừng. Tôi tình cờ gặp Trầm lúc nàng vừa trở về sau khi đưa mấy vị khách nước ngoài tham quan rừng nguyên sinh và cái hồ đầy cá sấu ẩn sâu trong rừng. Trầm đội mũ jean, áo thun dài tay, quần lửng, đi giày thể thao. Nàng cao ráo mảnh mai gợi nhớ những thân lau mềm mại, làn da mật ong khỏe khoắn, mái tóc tém cá tính và nụ cười răng khểnh sáng bừng. 
- Anh siêu thật đấy - Trầm nói. Mặt nàng hồng lên vì vừa leo mấy chục bậc thang dẫn lên tượng đài đã lắp đặt gần xong. Tôi phải thực hiện công trình dưới xưởng rồi thuê xe cẩu mang lên đây. Riêng bức phù điêu kích cỡ không lớn lắm nên tôi làm ngay tại chỗ, công trường còn đang ngổn ngang. Trầm khoe buổi chiều nàng được nghỉ vì buổi sáng đã đi liền hai chuyến. Nàng tò mò xem tôi làm việc và nắc nỏm khen tôi giỏi.
- Giỏi gì mà giỏi. Tôi có làm được hướng dẫn viên du lịch đâu - Tôi nói.
Chỉ đôi ba lần gặp, tôi đã “say nắng" Trầm. Nàng sống cùng một nữ nhân viên ở Khu bảo tồn sinh thái rừng. Mỗi ngày nàng đều dẫn khách du lịch đi tham quan, giới thiệu về rừng một, hai lần. Chẳng biết nàng lấy đâu ra năng lượng, lúc nào cũng thấy nàng tươi vui rạng rỡ. Trầm khoe nàng sinh ra, lớn lên ở một xóm nhỏ bên bìa rừng, từ bé nàng đã quen ngủ trong tiếng lá rơi ràn rạt, tiếng suối chảy rí rắc, tiếng gió mơ hồ phào qua rừng cây.
- Em không thể sống thiếu rừng. Thật đấy. Có lần em về quê thăm gia đình. Rừng quê em đã bị chặt sạch để làm công trình thủy điện. Em tiếc, khóc sưng mắt. Ông anh trai bảo em hâm. Chưa hết phép em đã nhớ rừng, nhớ khách phát cuồng, phải xin vào sớm. Bị bố mẹ mắng cho một trận đã đời. Trầm nói và cười giòn tan. Tiếng cười trẻ trung của nàng làm người tôi nóng bừng. Tôi bỗng nổi lên ước muốn được ôm hôn Trầm. Nhưng vẻ hồn nhiên trong sáng của cô gái khiến tôi rụt lại, không dám bày tỏ sự thân mật với nàng.  
Một lần tôi theo chân đoàn khách du lịch do Trầm phụ trách. Nàng tỉ mỉ hướng dẫn mọi người cách sử dụng thuốc chống vắt, dặn dò kỹ lưỡng những tình huống có thể xảy ra và cách ứng xử phù hợp. Chúng tôi hăm hở đi theo con đường nhỏ hẹp lát bằng đá và xi măng, uốn lượn như con trăn khổng lồ dưới tán cây. Trầm thoăn thoắt dẫn đầu. Vừa đi, nàng vừa đưa tay chỉ cây rừng, kể vanh vách về đặc tính của từng loại, các loại thú, cả những loài rắn rít côn trùng bé xíu dấu mình dưới lớp lá ngụy trang. Tôi ngạc nhiên vì Trầm thông tỏ muôn loài như thể nàng là cuốn bách khoa về rừng. Trong đầu tôi, cô gái trẻ này là biểu tượng của tình yêu thiên nhiên. Dường như thiên nhiên đã có sẵn trong huyết quản của nàng. Và thật hiển nhiên, nàng đã vô tình truyền tình yêu thiên nhiên kỳ lạ của nàng sang tôi. Lúc rảnh, tôi tranh thủ đi thăm thú mọi ngóc ngách của rừng. Cuốn sổ tư liệu của tôi đầy những phác thảo tranh và tượng, một ngày nào đó, nhất định tôi sẽ biến chúng thành tác phẩm. 
Thế rồi giấc mơ hoang tưởng của tôi đến ngày chấm dứt.
Tượng đài hoàn tất, tôi bàn giao cho đơn vị chủ quản. Chẳng còn lý do gì để tôi ở lại với Trầm. Ông chú lại vừa kiếm cho tôi một công trình tượng đài tầm trung ở một tỉnh vùng biên. Tôi cần thuyết phục cô gái tôi chớm yêu cùng về thủ đô với mình. Nhưng một tiếng nói cất lên từ sâu thẳm bảo rằng tôi thật điên rồ khi tính chuyện đưa Trầm về phố thị. “Ta cảnh báo ngươi. Hãy để nàng được yên. Nàng thanh khiết như bông hoa rừng và sẽ lạc lõng giữa chốn phồn hoa của ngươi. Đố ngốc". Lời cảnh báo thật nghiêm khắc. Tuy vậy tôi vẫn bướng bỉnh tự nhủ Trầm thông minh, lanh lợi, nàng sẽ nhanh chóng hòa hợp với thủ đô, miễn là chúng tôi yêu nhau. Nhưng nàng lắc đầu.
- Anh…đừng giận. Em không thể… xa rừng, xa công việc đang làm. Em hợp với cuộc sống phóng khoáng giữa thiên nhiên. Trầm nói. Nàng nghẹn lời và im bặt, mắt rơm rớm. Chúng tôi đang ngồi dưới gốc một cây bằng lăng cổ thụ vỏ lấp lánh trắng như dát bạc, cành lá vạm vỡ choãi ra. Xung quanh chúng tôi, rừng im ắng. Nghe rõ tiếng suối chảy róc rách. Tiếng một con chim rừng hót tù huýt tù huýt kéo dài như trêu cợt. Tôi thở dài, vuốt ve mái tóc tém của Trầm. Gương mặt nàng dưới bóng cây trở nên u buồn và nhợt nhạt một cách khác thường. Nàng thú nhận nàng thích tôi, nhưng nàng không thể xa rừng, còn tôi cũng không thể thiếu hương vị phố phường. Tình yêu không đủ lớn để chúng tôi hy sinh cho nhau.
Vợ tôi dân tỉnh lẻ, mê Hà Nội như con nghiện mê thuốc. Dung tuyên bố thẳng thừng cô một tấc không đi, một ly không rời thủ đô. Tôi thử dọ ý Dung, bảo tôi muốn về quê sống, vùng trung du phong cảnh đẹp, đất làm vườn rộng, tha hồ có rau sạch ăn. Dung trố mắt nhìn tôi như thể nhìn con vật cổ quái thời tiền sử còn sót lại. Nếu thích nơi nào khác thì anh cứ việc xách ba lô đến đấy mà ở. Em thì không bao giờ. Cô ta thản nhiên nói và quay ngoắt đi. Cô đang thử chiếc áo hai dây lộ bờ vai trần nõn nà, lắc lắc mái tóc nhuộm màu xám tro vô cùng thời thượng. Căn phòng ngủ của chúng tôi thoang thoảng mùi nước hoa Pháp đắt đỏ mà Dung ưa dùng. Phải, từ lâu tôi cũng nghĩ như Dung. Những mộng mơ tuổi trẻ đã rơi rụng như lá mùa thu. Gương mặt Trầm với nụ cười răng khểnh thi thoảng cũng nhói lên trong tim tôi rồi nhạt nhòa. Tôi cảm động, ngưỡng mộ nàng và những người gác rừng, coi họ như siêu nhân, nhưng tôi không thể sống thiếu hội hè, tiện nghi. Kỳ lạ là mỗi khi vợ tôi cằn nhằn chuyện tiền bạc hay tỉ tê dụ tôi mua những món hàng phù phiếm, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến Trầm. Mãi mãi, nàng không bao giờ cùng “kênh" với tôi và Dung.
Chiều nay, tôi tới nghĩa trang thắp nhang cho các liệt sĩ. Những nấm mộ đơn sơ nép dưới tán rừng. Bạn kiểm lâm trẻ đi cùng tôi đưa tay nâng một ngọn dây leo vươn ra lối đi, nhẹ nhàng vắt nó lên nhánh cây ven đường. Anh ta thận trọng bước qua một thân cây rất to đã mục nằm như con trăn chết từ bao giờ. Anh Chiến bảo các anh rất coi trọng sự đào thải và tái tạo của thiên nhiên, không khi nào can thiệp vào đời sống của rừng. Có thời gian công trình tượng đài của tôi bị một cành cây lớn de ra chắn mất tầm nhìn. Vậy là phải họp bàn, nâng lên đặt xuống, xin ý kiến các cấp, mãi mới có quyết định chặt bỏ. Xót lắm! Tôi chưa bao giờ hình dung cây rừng lại được nâng niu đến vậy.

Rừng gọi 2 - Lê Trí Dũng.jpg

Minh họa: Lê Trí Dũng

2.
Từ phòng ngủ của kiểm lâm bỗng vẳng ra tiếng ho nặng như dội lên từ đáy phổi. Anh Chiến chép miệng, thằng Long trắng - dân Hòa Bình. Nó mới về Trạm được vài tháng nay, đang bị cảm. Sáng nay bảo nghỉ đi cho khỏe mà cứ dứt khoát đòi đi ruồng rừng cho bằng được. Cái tiếng ho thế là cảm không nhẹ đâu. Mai tôi bắt nghỉ, đi khám bệnh cho yên tâm.
- Hòa Bình thiếu gì rừng mà cậu ta phải vào tận đây hả anh - Tôi hỏi, chợt nhớ cậu trai có mái tóc xoăn, da trắng môi đỏ như một hotboy chính hiệu. Anh Chiến gọi cậu ta là Long Trắng để phân biệt với cậu Long Đen da ngăm, người săn chắc, dân Quảng Bình. Cậu Long Trắng này chẳng có chút dáng dấp kiểm lâm nào.
- So với nhiều tỉnh thì Hòa Bình cũng còn kha khá rừng tự nhiên. Nhưng dễ gì xin được việc. Vả lại, bọn trẻ đứa nào chả thích bay nhảy.
Anh Chiến bỗng trở nên sôi nổi, khoe trạm của anh giờ trăm phần trăm kiểm lâm viên đều có bằng đại học lâm nghiệp.
- Kiểm lâm bây giờ phải chuẩn hóa có trình độ đại học, thành thạo sử dụng bản đồ số mapintor, máy định vị GPS, giỏi tính tọa độ…Chẳng bù ngày xưa, trước lúc vào nghề kiểm lâm tôi chỉ là thằng …lâm tặc dốt nát, thất học. May mà chưa kịp phá sạch rừng. Anh nói và bật cười khẽ.
- Anh mà là…lâm tặc- Tôi cũng cười theo. Chiến dợm đứng lên.
- Anh ngồi đây đợi chút. Tôi phải vào xem bọn nhỏ ngủ ngáy ra làm sao? Rồi tôi kể cho nghe .
Vài phút sau, Chiến trở ra, chép miệng:
- Mấy đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ. Có thằng vào đây tối còn nhớ mẹ khóc thút tha thút thít, tôi phải dỗ như dỗ trẻ con. Đêm nào cũng có đứa đạp tung mền ra nằm trơ khấc như con cá trên cạn, lại phải vào đắp mền cho chúng nó. Ở rừng bị nhiễm lạnh dễ bệnh như chơi.
- Anh chiều lính thế? Cứ như bố lo cho con.
- Không lo cho chúng nó thì lo cho ai? Ông nghĩ coi, bọn nhỏ đang tuổi trẻ. Vậy mà xa gia đình, người thân, sống tuốt trong rừng sâu không internet, không phây búc phây biếc, không văn nghệ văn gừng, điện thoại di động cũng phập phù lúc có lúc không? Ngày nghỉ chẳng dám ló ra khỏi rừng. Tiền đâu đi chơi? Mà tuổi chúng nó còn mê nhảy híp hốp đấy. Thế có phải là thiệt thòi quá không? Kiểm lâm, nghe thật oai hùng. Thiên nhiên tuyệt mỹ. Nhưng cuộc sống của chúng tôi đâu phải lúc nào cũng nên thơ. Mưa bão, lở đất, thú dữ, sốt rét rừng, lâm tặc, tệ nạn xã hội…101 thứ rình rập. Gỗ quý và lâm sản luôn là miếng mồi ngon mà bọn bất hảo tham lam tìm đủ cách chiếm đoạt, chưa kể những kẻ bần cùng sinh đạo tặc. Tóm lại, cuộc sống của chúng tôi thường trực thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy, buồn tẻ. Nếu không có tình yêu rừng, không chịu được gian khổ thì có mà bọn trẻ nản, nghỉ việc hết.
Tôi im lặng vì cảm nhận được nỗi niềm của Chiến, người đàn ông cả đời gắn bó với rừng. Ngồi một lúc, tôi định nhắc khéo anh về việc hồi nãy anh bảo sẽ kể tôi nghe vụ anh làm lâm tặc. Nhưng chưa kịp hỏi thì Chiến đã rầm rì:
- Hồi nào tới giờ mình vẫn coi thiên nhiên là đối tượng con người phải quản lý,  nhưng thật ra, rừng và con người cộng sinh. Trước khi có con người hàng triệu năm thì trên mặt đất đã có rừng. Chúng ta không tạo ra được điều gì mới, chỉ là đang cố gắng trả lại cho thiên nhiên những gì thuộc về nó đồng thời sửa sai những lỗi lầm do con người tạo ra.
Anh dừng lại, rít một hơi thuốc. Gương mặt khắc khổ với đôi gò má nhô cao của anh trông thật điềm tĩnh an nhiên. Trước mặt chúng tôi, rừng tối mít, hoang vu thăm thẳm, dù vậy có anh Chiến, tôi vẫn cảm thấy ấm áp, yên lòng. 
- Ngày mới vào nghề, tôi nghe nói voi rừng húc đổ những cột mốc sơn vằn trắng và đỏ ven đường. Ai cũng bảo do chúng thù ghét rắn, không chịu được những gì gợi đến hình dáng loài rắn. Nghe có vẻ khó tin. Sau này tôi mới biết, lũ voi cáu giận sự có mặt của con người. Không phải chúng dị ứng với rắn. Những cột mốc đỏ trắng kia là bằng chứng sự can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên, nguyên nhân khiến lũ voi hóa rồ. Không biết đến bao giờ thì những con vật hoang dã trong rừng không phải hoảng hốt tháo chạy khi gặp người! Bọn chúng chạy trốn người ngay tại giang sơn hàng ngàn đời vốn thuộc về chúng, nghịch lý vậy đó.
Chiến rít thêm một hơi dài rồi dụi mẩu thuốc cho tắt hẳn. Tôi hơi chạnh lòng. Mới hồi chiều tôi đã hậm hực vì không được ăn món thịt rừng khoái khẩu. Thật đáng xấu hổ.  Chừng như bắt được suy nghĩ của tôi, Chiến nói, giọng buồn buồn:
-Tôi lớn lên ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật. Mười lăm tuổi, tôi trốn ra ngoài, bỏ học, theo bọn “dạt nhà" đi hoang. Lâm tặc thuê chúng tôi phá rừng lấy gỗ, bẫy thú, lấy mật ong rừng, có khi cả vận chuyển heroin. Tôi từng bị bắt vì chặt cây, đốt rừng trái phép, thậm chí đánh nhau với kiểm lâm. Nhưng tôi chỉ bị giam ít ngày, giáo dục rồi thả ra vì chưa tới tuổi thành niên. Người ta trả tôi về Trung tâm. May mắn tôi được giám đốc tiếp nhận, cho đi học bổ túc hết cấp ba. Rồi tôi thi đỗ vào trung cấp lâm nghiệp. Cái thằng phá rừng lại trở thành nhân viên bảo vệ rừng. Trớ trêu thế. Rồi tôi cưới vợ. Hai mặt con lớn tướng tôi vẫn chưa ra khỏi rừng.
- Và tôi chắc rằng anh sẽ còn sống ở đây lâu hơn nữa. Anh yêu rừng thế mà - Tôi buột miệng nói. Anh Chiến trầm ngâm không trả lời. Thế giới nội tâm của anh thật khó dò, đầy bí ẩn, chẳng phải ai cũng có thể chạm vào..

***

Qua một đêm thắc thỏm dở thức dở ngủ, tôi ăn sáng với các kiểm lâm rồi lỉnh kỉnh vác đồ nghề lên công trình tượng đài bị nứt vỡ, xuống màu. Bức phù điêu phía sau ba nhân vật chính thể hiện cảnh bộ đội sinh hoạt và chiến đấu, rêu xanh đã phủ dày trên những đường nét mềm mại.
Buổi trưa, tôi quay về trạm kiểm lâm. Trong phòng khách anh Chiến đang tiếp một “ông Tây" tóc hoe vàng, râu ria tua tủa như chiếc bàn chải. Anh vui vẻ hỏi han tôi mấy câu và giải thích đây là ông Ivan, một nhà khoa học người Ucraine, qua Việt Nam làm việc từ nhiều năm trước. Còn đây là nhà điêu khắc Tùng Dương - anh Chiến giới thiệu tôi với vị khách nước ngoài. Nhà khoa học có tuổi hấp háy đôi mắt màu xanh nhạt mỉm cười thân thiện chìa tay ra, chào tôi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Chúng tôi bắt tay nhau. Ông Ivan ngồi thêm một lúc rồi ra về, không quên mời tôi ghé nhà ông chơi - một căn hộ nhỏ bằng gỗ xinh xắn trong Khu bảo tồn sinh thái rừng. Chiến bảo tôi, “ông Tây" nghiên cứu về côn trùng. Ông sang Việt nam từ thời còn Liên bang Xô viết và “ định cư" luôn tới giờ. Không gia đình, không bạn bè. Ở tuổi thất thập, ông Ivan vẫn mải mê nghiên cứu côn trùng nhiệt đới, lấy đó làm vui.
- Từ ngày Nga và Ucraine xảy ra chiến tranh, ông ấy buồn lắm. Vợ ông ấy vẫn ở Ucraine nhưng không thể sang đây với chồng. Thường cứ vài năm bà ấy lại sang thăm chồng một lần. Anh Chiến nói, giọng thông cảm. Tôi nhìn theo người đàn ông nước ngoài đang bước đi, đầu hơi cúi như đang suy nghĩ, dáng đi nặng nề của người già, lòng trào lên tình cảm nửa ái ngại, nửa khâm phục.  
Trước ngày trở ra Hà Nội, tôi nói với anh Chiến, tôi muốn dạo xuống Khu bảo tồn sinh thái một vòng, xem ở đó bây giờ ra sao sau hơn hai chục năm, nhân thể tôi muốn thăm ông Tây và cô Trầm hướng dẫn viên du lịch.
Anh Chiến trố mắt sửng sốt:
- Anh bảo gì? Cô Trầm… Anh không biết gì à? Cô Trầm đã…
- Lấy chồng và rời khỏi rừng chứ gì? Tôi cười cười.
- Không…Cô ấy đã…
Linh cảm khiến tim tôi thắt lại. Tôi sợ hãi nhìn anh Chiến. Anh cũng nhìn thoáng qua tôi thăm dò, ngập ngừng một lúc rồi nói:
- Hồi ấy đang mùa mưa, mùa thấp điểm du lịch. Cô Trầm đưa khách đi tham quan thác đá nhảy. Nhóm khách ấy trẻ nên rất táo bạo, coi nguy hiểm không là gì. Bình thường thác đá nhảy nước cũng chảy vừa phải thôi nhưng nếu gặp lũ thì dòng nước trở nên hung hãn, lồng lộn, những người trẻ thích nhìn thác nhảy chồm chồm như nhìn bầy ngựa hoang. Hôm ấy Trầm và du khách sắp tới thác thì dính mưa. Cái thứ mưa rừng hay đến bất thình lình, ngay đến kiểm lâm dày dạn như chúng tôi còn không đoán trước được, không xoay xở được. Sấm chớp như trời long đất lở. Nón mũ, ô dù mang theo bay sạch. Trầm hò hét các cô cậu thanh niên chạy ra chỗ trống, tránh đứng dưới gốc cây lớn, cây cổ thụ. Nhưng đâu có ngờ, chính cô ấy khi đang dìu một bạn nữ bị trặc chân đã hứng trọn một cành cây lớn bị sét đánh toác, lao thẳng xuống đoàn người… Từ bấy đến giờ đã hơn chục năm, tôi tưởng anh biết…

***

Tôi đi lang thang trong rừng. Bước chân vô định. Nhưng cuối cùng tôi vẫn đến đúng những chỗ ngày xưa tôi và Trầm từng ngồi nhỏ to, nơi tôi và nàng hôn nhau. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều về tình yêu cuộc sống, từ buổi sáng có tiếng chim ríu ran ngoài cửa sổ, bầu trời mùa thu xanh cao vời vợi, đến những chùm ổi thơm nức chín vàng, hương hoa ngọc lan giống như mùi kẹo ngọt…Cơn xúc động mãnh liệt đã qua. Tôi cố gắng dứt ra khỏi những hồi ức vừa ngọt ngào, vừa đau đớn, đi tới ngôi nhà gỗ như trong cổ tích của ông Ivan. Từ trong nhà vẳng ra tiếng đàn piano du dương trầm bổng. Ai đó, chắc là chính ông Ivan đang chơi bản nhạc The Blue Danube của nhà soạn nhạc Johann Strauss II, giai điệu vừa cổ điển, vừa hiện đại của bản nhạc lừng danh khiến con tim tôi dịu lại. Tôi chợt nhận ra, đi qua những năm tháng đầy gian truân sóng gió, đi qua sự phù du của kiếp người, trong đáy sâu lòng mình tôi chưa bao giờ hết yêu Trầm, cô gái tóc tém có nụ cười răng khểnh… 
Trời chiều đang sẫm dần. Những bụi cây xào xạc và tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim bìm bịp cất lên từ trong đám cỏ rậm rạp chen chúc phía dưới bờ sông tạo thành bản giao hưởng vừa u buồn, vừa hân hoan khiến tôi phải đứng lại, bồi hồi lắng nghe. Một làn gió chợt ào tới, cuốn những chiếc lá vàng bay lên không trung, chao liệng rồi nhẹ nhàng rơi xuống đất, lật nghiêng. Tôi giật mình trở lại với hiện tại, ngày mai tôi sẽ xa nơi này, xa ký ức có hình bóng Trầm, xa những kiểm lâm hiến cả tuổi thanh xuân để bảo vệ tài nguyên rừng. Cây lá tươi xanh và bản hòa âm đặc trưng của rừng miền Đông khiến tôi muốn khóc, giống như khi tôi ở bên Trầm buổi cuối cùng trước khi chúng tôi xa nhau…

H.N.Đ

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 81 (Tháng 11 năm 2024)


HOÀNG NGỌC ĐIỆP
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​