Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGƯỜI NÔNG DÂN 4.0 VÀ BÁU VẬT CỦA MẸ THIÊN NHIÊN

Ông Trương Thanh Khoan là một lão nông đẹp. 69 tuổi, thân hình cao lớn, săn chắc; tay, chân to bè; da bánh mật; khuôn mặt vuông và rộng; tai to; mắt sáng; cử chỉ hoạt bát; tuổi gần bảy mươi nhưng dáng người vẫn thẳng và vững chãi như thân cây cổ thụ trong vườn. Ở người đàn ông này, cảm giác mọi đường nét trên khuôn mặt, dáng vóc đều tạo cho người gặp ấn tượng tốt và sự tin tưởng. Còn khi ông cất tiếng nói, cứ ngỡ phải là một giọng kiểu “ăn to, nói lớn" thì lại là một giọng trầm tĩnh, nhẹ nhàng, chỉ nghe vài câu là thấy “lửa", lửa nghề nông dân. Bởi vậy, gặp ông một lần là đủ nhớ, không lẫn lộn trong hàng triệu nông dân ở xứ Đồng Nai hơn ba triệu cư dân này.

Ông sinh năm 1953 tại Sài Gòn; quê xã Ninh Mỹ, huyện Hải Hậu, Nam Định, là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trương Thanh Khoan, trụ sở tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Ông nội của ông vốn là dân Công – tra (contrat, nghĩa tiếng Pháp là hợp đồng, chỉ dân làm đồn điền cao su thời Pháp thuộc) di cư vào miền Nam từ năm 1938. Thuở bé, ông và gia đình sinh sống trên đất bạn Campuchia. Cuộc sống xê dịch vì cha ông là một kỹ sư thời Pháp, hợp tác làm ăn với Nhật, Pháp làm các cầu, đường khu vực Đông Dương. Năm 1949 về nước; năm 1976, dời Sài Gòn về Đồng Nai làm kinh tế mới. Và mối duyên giữa ông với trầm hương cũng nảy nở trên vùng đất này.

* Thuở lên non đẽo dó tìm trầm và điệp khúc “ráo mồ hôi hết tiền"

Tôi nghe có ai đó đã nói rằng, đi tìm dó bầu giống như tìm sự chết: “Lên non đẽo dó tìm trầm, con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng thất kinh", điều đó nói lên gian lao của người đi tìm trầm trong những cánh rừng nguyên sinh khắc nghiệt. Cây dó bầu kia là loại cây trong rừng có khả năng tạo ra trầm hương. Từ vết thương trên cây tạo ra một loại nhựa như kháng thể giúp cây dó chống vết thương rồi tạo ra trầm tự nhiên.

Năm 1979, ông gia nhập vào đoàn người tìm trầm với hy vọng lấy được thứ hương trời bay theo gió để cuộc sống của vợ con bớt khó khăn. Để gia nhập và sinh tồn phải là những người có sức vóc, có khả năng chịu đựng gian khó, thời tiết khắc nghiệt của rừng. Quan trọng nữa là phải biết nhìn cây, phát hiện trong tỷ tỷ cây rừng, cây nào là cây dó; cây nào đã tạo trầm và lưỡi rìu bổ vào thân cây, lách từng thớ gỗ phải như thế nào để có được những miếng trầm đẹp và chất lượng nhất.

Rừng miền Đông Nam bộ những năm sau giải phóng là rừng nguyên sinh bạt ngàn với tầng tầng lớp lớp những tán cây, thảm thực vật, muỗi, vắt và đặc sản… sốt rét. Thú rừng, kể cả loài ăn thịt người hay động vật nguy hiểm còn nhiều vô kể, sẵn sàng tấn công những thợ rừng dám dấn thân vào lãnh địa của chúng. Điều này tôi nghe và hiểu bởi lẽ cho đến nay, hơn 40 năm đã qua, rừng của Đồng Nai vẫn bảo tồn đàn voi 20 con; những đàn bò tót với số lượng mỗi đàn lên đến hàng trăm con hay những đàn khỉ, nai, lợn rừng dạn dĩ. Đó là chưa kể những hiểm nguy lớn hơn đến từ chính những người thợ rừng; giữa những người tìm được trầm và những kẻ trắng tay. Bởi thế, đi tìm trầm đồng nghĩa với nguy hiểm, là đối diện với sự sống, cái chết. Ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt.

Hơn bốn mươi năm ngồi kể lại mà giọng ông vẫn bùi ngùi: Sống được là mạng lớn lắm. Tìm trầm để làm giàu là chuyện trong mơ, thực tế thì ráo mồ hôi là hết tiền. Trong những ngày lội suối, băng rừng, ngủ võng, trong đầu ông luôn thường trực câu hỏi khó: Làm thế nào để mang cây dó từ rừng về vườn và dụ cho cây tạo trầm.

1983, ông giã biệt những chuyến đi để chuyển sang buôn trầm. Việc buôn bán giúp ông có chút lưng vốn, đến năm 1987, ông mua được gần 2 ha đất và bắt đầu làm vườn, trồng dó bầu, kết thúc chuỗi ngày rong ruổi cùng rừng.

z4587923755384_ecc9e898a75352c5595ec7e7639f131d.jpg

Ông Trương Thanh Khoan và sản phẩm khô mộc được tạo từ cây dó bầu trồng trong vườn nhà - Ảnh: T.O


* Mang báu vật của mẹ thiên nhiên về vườn rẫy

Trầm hương được mệnh danh là gỗ của các vị thần, nguyên liệu thô đắt nhất trên thế giới; trầm loại một có thể bán với giá vài tỷ cho một ki-lô-gam, vì vậy việc tạo ra nó cũng không thể dễ dàng.

Trầm hương nghĩa là hương trời bay theo gió đáp vào vết thương trên thân cây dó bầu. Nhiều năm gắn bó với cây dó bầu và trầm hương, ông nói trên thế giới chỉ có một số quốc gia có trầm là Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Srilanka nhưng vượt lên trên tất cả, với mùi thơm phảng phất và tao nhã chính là sản phẩm trầm hương từ Việt Nam. Ông tâm đắc với câu nói trong nghề trầm: “trầm đi tìm người chứ không phải người đi tìm trầm", nghĩa là, trầm chỉ dành cho người thực sự hiểu giá trị của nó. Hiểu và làm theo đúng sự hiểu biết đó thì trầm tự khắc tìm đến. Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều người trồng dó bầu nhưng người thành công chỉ đếm… trên đầu ngón tay. Cây dó theo ông là loài cây dễ trồng nhưng không chịu được những vùng đất trũng. Không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt vì bản thân cây là cây rừng nhưng điểm yếu là hay bị sâu ăn lá và nấm gốc; khi cây đã bị bệnh lại rất khó chữa.

Trầm tự nhiên khác thác mãi phải cạn kiệt, ông có ý tưởng mang trầm về trồng. Ban đầu mua cây của người dân đi nhổ trong rừng về; sau năm 2000 có công ty Phong San nhân giống thành công, ông mua 30.000 cây trồng trong rẫy nhà. Trồng và theo dõi, ông nhận thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt nhưng chẳng lẽ chờ cây tạo trầm như trong tự nhiên? Ông nghĩ phải tìm được cách nào đấy để tạo được cơ chế tương tự như cách cây dó đã tạo trầm trong rừng sâu.

Có một thực tế, theo ông là đa số người làm trầm dùng… hóa chất, một cách làm hoàn toàn sử dụng phương pháp vô cơ, phổ biến là thuốc trừ cỏ Ga-ma-xông (Gramoxone). Đây là loại thuốc bị cấm sử dụng tại Việt Nam. Thuốc này lại được dùng để bôi vào vết thương hở trên thân cây do con người tạo ra. Cách này có thể tạo trầm nhưng là trầm lớp mỏng, mùi trầm không đạt vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật không phân hủy được và tỷ lệ cây bị chết có khi lên đến 70 hoặc 80%.

Cây dó bầu được trồng, chăm sóc, nâng niu từ 5 năm trở lên, đường kính thân cây phải đạt từ 10 đến 15 cm mới đến tuổi để tạo trầm, nếu cây chết sẽ là một thiệt hại lớn cho nông dân. Nhưng lớn hơn là điều làm ông trăn trở trước mẹ Thiên nhiên: Cuộc đời này là của chúng ta. Nhưng hãy nhìn cách chúng ta xử sự với thiên nhiên mới thấy thật là khủng khiếp bởi: “Tao lột da mày (cây dó bầu), bôi hóa chất lên mày, rồi mày chết và đến một lúc nào đó, tao cũng chết theo".

Để tạo trầm cho khu vườn của gia đình, ông cũng phải mày mò nhiều cách, kể cả mua hóa chất tạo trầm bán trên thị trường nhưng chưa có cách nào thực sự mang lại hiệu quả. Thực tế đó cho ông suy nghĩ phải tìm cách kết hợp giữa vô cơ và hữu cơ để khi một chất lạ được cấy vào thân cây, chất đó phải đảm bảo tiếp tục duy trì cho cây sự sống.

Những ngày lội rừng, thấy những đàn kiến xanh thường xuất hiện trên những vết thương của cây dó bầu; hình ảnh đó lưu lại trong trí nhớ của ông. Rừng sâu núi thẳm có nhiều loài côn trùng và nhiều loài kiến nhưng chỉ có con kiến xanh mới là loài gắn với trầm hương. Với tư duy ưa tìm tòi, thích khám phá, mọi hiện tượng, sự vật đều mang đến cho ông những câu hỏi để tự tìm câu trả lời. Tại sao kiến xanh hay xuất hiện ở những vết thương của cây dó bầu có trầm? Mối quan hệ giữa những đàn kiến xanh và những thanh trầm là gì? Trong đầu ông lóe lên ý tưởng mang tên chế phẩm sinh học. Rất có thể, con kiến xanh mang đến một chế phẩm nào đó, buộc cây dó tạo ra kháng thể để chống lại những vết thương, từ đó tạo trầm.

Chưa có câu trả lời, nhưng ông biết chắc chắn một điều, kiến xanh là con kiến cho trầm.

Kể từ năm 1987, vừa làm vừa rút kinh nghiệm ngay trên chính mảnh vườn của gia đình, ông phải “lấy ngắn nuôi dài" bằng cách trồng thêm cam, quýt để có thu nhập. Phải đến năm 2011, ông mới bắt đầu nghiên cứu một cách bài bản và thành công với chế phẩm tạo trầm. Ông phân tích, sở dĩ nhiều sản phẩm trầm nhân tạo không đạt chất lượng cao vì chưa phù hợp với thiên nhiên. Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt ông cố gắng thực hiện để trầm tìm đến mình.

Để tạo vết thương cho cây, ông dùng mũi khoan, khoan vào thân cây. Ngoài thiên nhiên, con kiến tìm đến vết thương làm tổ vì đó là loại cây mềm, dễ bị tổn thương. Sinh hoạt của kiến tạo ra độ ẩm và vô tình, kiến đã làm sứ mệnh tiết dịch, đưa vi sinh vật vào vết thương của cây. Ông hình dung đơn giản và nôm na rất “nông dân": Tại vị trí vết thương, vì bị con vi khuẩn ăn riết, cây dó bầu “sợ", càng tạo ra cơ chế tự bảo vệ, tiết nhựa để bao lại vết thương nên tạo trầm càng nhanh. Không có những đàn kiến xanh như trong rừng sâu, ông đã có chế phẩm sinh học để thay thế.

Ông luôn nhắc, nhấn, sản phẩm tạo trầm của ông là chế phẩm chứ không phải thuốc. Chế phẩm đó được tạo như thế nào, đó là bí quyết của ông nhưng trong thành phần chắc chắn có dịch của những đàn kiến xanh ông nuôi trong nhà. Tại thi hội khoa học sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai năm 2012, với chế phẩm tạo trầm, ông dự thi và đạt giải 3. Chế phẩm sinh học là một phần giữa vô cơ và hữu cơ gồm bào tử nấm dịch kiến, dung môi. Đặc điểm tuyệt vời của chế phẩm này là khi bơm vào thân cây, tỷ lệ cây sống là 100%. Sau khi bơm 1 năm là có thể khai thác. Tuy nhiên, sau khi bơm chế phẩm thì người trồng cây bắt buộc phải dừng việc chăm sóc. Đặc biệt hơn nữa, nếu để cây trồng càng lâu thì trầm trong thân cây sẽ càng lớn và càng chất lượng hơn. Ngoài việc tạo trầm cho vườn cây của gia đình, ông còn mua thêm các vườn đủ 5 năm trở lên để tạo trầm với điều kiện: Chủ vườn phải là người bảo quản.

Tôi đã đến thăm một khu vườn nhà ông. Lúc ấy, vườn dó bầu đã qua kỳ thu hoạch. Những cây bé chưa kịp tạo trầm được ông giữ lại để thu hoạch lần sau. Tôi nhìn, nghe ông giới thiệu, giải thích và vô cùng thú vị bởi cách tạo trầm của người nông dân 4.0 này. Những thân cây dó bầu to cỡ bắp chân người lớn, cao khoảng 5 đến 6 mét được gắn chi chít những ống nhựa trắng cố định vào vết thương để chế phẩm có thời gian ngấm từ từ vào thân cây. Một năm sau, ở những nơi vết thương ấy là trầm. Ông còn cẩn thận dạy tôi cách nhìn để phân biệt cây nào đã tạo trầm. Rất đơn giản, nếu có những đường gờ nổi lên dọc thân cây, dưới đường gờ đó là những rãnh lõm, đó có nghĩa là mọi việc đã thành công.

* Người nông dân yêu khoa học và con đường làm giàu

Đến cơ sở của gia đình ông, ngay từ ngõ đã thấy ngan ngát hương trầm và nghe những tiếng chạm, đục lách cách. Đi vào trong, khách sẽ gặp dàn nồi điện chưng cất tinh dầu và nước cất, tất cả đều tự động hóa. Ông giới thiệu về sự hợp lý, hiệu quả của hệ thống chưng cất do ông tự thiết kế và mướn thợ thực hiện. Hệ thống đó được nội địa hóa, chỉ trừ bộ xoắn ốc thủy tinh – công đoạn ngưng tụ - là hàng nhập khẩu từ Đức. Hiện nay ông cũng đã đăng ký sáng chế bốc hơi ngưng tụ cho hệ thống này. Thế mới biết, ở người nông dân này, không là người chỉ quan tâm đến chuyện lấm lem bùn đất mà còn có một tầm nhìn xa, thấy trước và hiểu trước mọi việc.

Đẽo thân cây dó bầu không cần nhiều lực, việc tìm thớ gỗ cũng không khó nhưng khó ở sự khéo léo, tỉ mỉ và sự cẩn trọng bởi những mảng trầm nằm xen trong thớ gỗ. Cơ sở sản xuất rộng rãi, ngổn ngang thân cây và vô vàn thành phẩm. Gần chục công nhân vừa đục đẽo vừa nâng niu những thân, cành, gốc. Tôi thấy ở họ không chỉ là sự chăm chỉ với công việc mưu sinh mà còn là sự trân trọng với báu vật của thiên nhiên, đúng như cách người chủ ứng xử với cây dó bầu.

Ông tiết lộ, thu nhập của gia đình trung bình một năm từ 5 đến 7 tỷ đồng, một con số đáng khâm phục. Sản phẩm chủ lực mang lại thu nhập là khô mộc và chế phẩm tạo trầm. Cây dó bầu ngày trước phải lấy ra trầm mới có thành phẩm để bán thì nay ông có nhiều cách để biến những thân cây thành tiền. Cây, thậm chí cả những cành, gốc đẹp sẽ được tạo hình khô mộc. Khô mộc ấy, để trong phòng, quanh năm sẽ tỏa ngan ngát hương trầm. Tôi nhìn lớp lớp những thân cây lớn ngay ngắn thẳng hàng, mỗi cây có giá trị hàng trăm triệu đồng, cảm giác như nơi này, thiên nhiên đã được thuần phục để thành bạn bè của con người. Ngoài hai sản phẩm chính còn có tinh dầu, nước cất được chưng cất từ các mảnh vụn gỗ. Hai sản phẩm này không mang lại giá trị lớn như hai sản phẩm trên nhưng lại là hai mặt hàng bán chạy nhất. Ngoài ra, những mảnh vụn từ quá trình đục đẽo được xay, nghiền để làm nhang. Sản phẩm từ trầm, theo quan niệm còn có ý nghĩa phong thủy trừ tà ma nên cơ sở của ông còn sản xuất các loại vòng đeo tay đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đưa đầu ngón tay, nhận một vết quệt tinh dầu từ chiếc lọ tí hon có dung tích… 100 ml với màu vàng sánh như cánh dán, đưa lên mũi, tôi thấy cả hương đất, hương trời; thấy mùi của núi, của rừng, của cây và cỏ. Thơm nhưng lạ lắm, cảm giác thoáng qua ban đầu là mùi gỗ mục rồi ngay sau đó là một mùi thơm nồng nàn, không quyến rũ mà là quyến luyến; không ngào ngạt mà ngan ngát, nhẹ nhàng. Rất lâu, mùi hương ấy cứ đọng mãi nơi đầu ngón tay tôi. Tinh dầu này, theo ông mỗi khi bị ho gió, chỉ cần quệt một chút lên đầu lưỡi, nhấm nháp thì ho sẽ lui. Đây là tinh dầu được dùng làm dược liệu chữa bệnh và phục vụ công nghiệp mỹ phẩm có giá 500 triệu đồng một lít. Đối với sản phẩm nước cất bán tại xưởng, giá 50.000 đồng/lít. Tất cả sản phẩm của cơ sở ông đều được kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu sản phẩm của gia đình ông là Hàn Quốc. Ông khoe, tự hào và phục cái tình, nguyên tắc làm việc của bạn hàng bởi bao bì của những sản phẩm dù in chữ Hàn nhưng vẫn dán tem với xuất xứ tên anh Khoan người Việt Nam. Ông cũng khoe, bạn hàng Hàn Quốc họ nói thích ông, bởi ông có tấm lòng cởi mở.

Người nông dân bao năm qua vẫn diễn mãi điệp khúc được mùa, mất giá. Nhưng theo ông, nông dân, nếu có tri thức, có đất đai và hết lòng hết sức vì nó thì việc làm giàu là việc trong tầm tay. Mình phải chấp nhận “thua keo này, ta bày keo khác". Như ông, để có chế phẩm sinh học và doanh nghiệp vang danh cũng phải trải qua chuỗi ngày thử nghiệm, vấp ngã và sửa sai. Có trình độ, có kiến thức nhưng nếu không có kinh nghiệm thực tế, theo ông ý tưởng sẽ không thể trở thành hiện thực. Và phải biết trân trọng, ắt hẳn sẽ thành công trên con đường, hướng đi đã chọn. Với cây dó và trầm, điều ông chắc chắn là làm trầm nhàn hạ hơn trồng các loại cây khác bởi “một vốn bốn lời" và sản phẩm từ trầm, ông khẳng định, cung không bao giờ có thể vượt cầu.

Với những thành công của mình, ông đã nhận được sự công nhận, khen thưởng của các cấp có thẩm quyền. Nhiều năm là Nông dân sản xuất giỏi, năm 2016, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Cũng trong năm, doanh nghiệp của ông đã đạt Chứng nhân Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ với danh mục các sản phẩm hàng hóa được hình thành từ nghiên cứu khoa học công nghệ, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở trồng cây nhân tạo, thực vật hoang dã. Năm 2020, sản phẩm Tinh dầu trầm hương của Công ty TNHH Trương Thanh Khoan được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (chương trình mỗi xã một sản phẩm), góp phần xây dựng thương hiệu đặc trưng của tỉnh Đồng Nai cùng rất nhiều bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Trầm hương Việt Nam.

* Tấm lòng với cộng đồng và giấc mơ trầm kỳ

Tiếp xúc với người lão nông này, điều ta dễ nhận ra ngay đó là: lời nói luôn đi đôi với việc làm. Ông nói, giản dị mà thuyết phục như một nhà tuyên truyền: Tôi vẫn nghe và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: "Nói đúng, nghĩ đúng, làm đúng cũng chưa đúng; cần phải thi hành đúng mới là đúng". Có như vậy thì thành quả và thành tích mới song hành; để đã ra trận là phải thắng, thắng vinh quang và vang dội.

Có nhiều danh xưng mà báo chí, người đời dành cho ông: Người cấy trầm xuyên quốc gia; người mở lối cho trầm hương Việt Nam; người nông dân yêu khoa học; điển hình nông dân thời công nghệ 4.0; lão nông Khoan trầm… Cũng có nhận xét không mấy tích cực về ông: “Nổ". Khen hay chê, ông bình thản tiếp nhận bởi ông hiểu để được khen cũng chẳng dễ dàng còn chê chỉ là “trâu buộc ghét trâu ăn" mà mình phải biết chấp nhận.

Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, ông còn là linh hồn của những phong trào trong khu dân cư. Những ngõ xóm dài đổ bê tông sạch sẽ chắc chắn là kết quả của chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó ông là “mạnh thường quân" và đứng ra động viên bà con đóng góp. Ông cũng là chủ nhân của ý tưởng “Xóm đoàn kết" với cách thức huy động mỗi hộ đóng quỹ 500 ngàn đồng; số tiền ấy xoay vòng cho các hộ trong xóm vay 6 tháng. Đến nay, mô hình Xóm đoàn kết vẫn phát huy hiệu quả và được bà con hưởng ứng. Tôi cũng biết, Sở Công thương Đồng Nai có ngỏ ý hỗ trợ điện năng lượng mặt trời và nồi chưng cất nhưng ông từ chối. Ông muốn nhường cho một người khác trong hàng vạn doanh nghiệp trên đất Đồng Nai này, bởi ông biết doanh nghiệp khởi nghiệp luôn gặp nhiều gian khó.

Lướt qua các trang mạng xã hội mang tên ông, chủ yếu vẫn là những thông tin về trầm cùng một ít thông tin về sự trưởng thành của con, của cháu. Người nông dân này thừa nhận, điều ngự trị trong đầu ông, lúc nào cũng là trầm. Ông đã bán chế phẩm và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp tại khu vực miền Đông, trong đó có cả những doanh nghiệp đến từ Malayxia, Singapore và kết quả phản hồi rất tích cực. Vẫn còn nhiều bạn hàng từ các vùng miền và cả người nước ngoài mời ông cộng tác nhưng ông không thể bỏ cơ sở. Không đi cũng bởi trong ông còn một ước mơ lớn hơn...

Cô biết không, sự kỳ diệu luồn trong thịt của cây dó bầu rồi tạo ra trầm. Trầm thiên nhiên có màu sắc nhạt hơn trầm nhân tạo nhưng khi khi đốt lên cho khói màu trắng; nếu là trầm nhân tạo nhưng lai tạo từ hóa chất sẽ cho khói màu đen và mùi khét như đốt cao su. Trầm có loại 1, 2, 3, 4 và 5. Kỳ nam là bậc cao hơn so với trầm loại 1. Một ki-lô-gam Kỳ nam có giá 50 tỷ đồng. Kỳ nam khi đốt lên có khói màu xanh còn khi nhấm vào đầu lưỡi sẽ có cảm giác tê tê. Và tôi vẫn còn một mơ ước cuối; mơ ước mang tên Kỳ nam.

Tôi tin, rất tin bởi người nông dân 4.0 này chẳng những đang trên đà thành công lại còn sở hữu trí tuệ hơn người, cộng thêm một cô con gái yêu của dòng họ Trương đã là Thạc sĩ Hóa học. Bao năm qua, cô miệt mài học tập, trau dồi kiến thức dưới Sài Gòn để chờ ngày về giúp cha tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ mang tên trầm Kỳ nam. Với 3 mặt giáp công ấy, người nông dân chân đất, nhà khoa học nông thôn, người nông dân dám nghiên cứu, dám nghĩ, dám làm và đã đi đúng con đường đam mê thì những giấc mơ, tôi tin đã và sẽ thành hiện thực.               

T.O

(Nguồn: VNĐN số 68 – tháng 10, năm 2023)


TRÂM OANH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​