Cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống giữa trưa khiến cho con đường càng trơn trượt. Chẳng thiết quàng áo mưa nữa, chị Lệ nhanh chóng cùng anh Trường đẩy nhanh xe hàng chở 3 bao hạt sen vào dưới chái nhà. “Lại bị trả hả anh?". “Ừ, lọt sàng hết". “Rồi có ai đi được bao nào không". “Không. Trả về hết". Chị Lệ ngồi phịch xuống hiên nhà đăm chiêu. Đó là những bao hạt sen chất lượng nhất trên đám ruộng 4 ha của vợ chồng chị chăm bón bấy lâu nay. Khi công ty mới về thu mua và bao tiêu sản phẩm thì còn đỡ, nhưng càng ngày, đòi hỏi bên phía Đài Loan càng cao. Những hạt sen to nhất của bà con xã Long Tân cũng không thể đáp ứng được yêu cầu. Nhìn những bao hạt sen được lựa đều đặn, hạt bùi, dẻo, thơm phưng phức bị trả về, lòng chị đau như cắt...
Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Bích Lệ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - đơn vị có đến 16 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, trong đó có 14 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 02 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Vậy điều gì đã khiến cho một cô gái tuổi đôi mươi có thể vực dậy thành công những cánh đồng sen khô héo, vực dậy kinh tế của rất nhiều hộ dân trong xã Long Tân và đưa hàng loạt sản phẩm được chế biến từ sen tiêu thụ khắp cả nước và gây tiếng vang vươn ra nước ngoài?
Đến gian trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Trường Phát, người phụ nữ nhỏ nhắn Bích Lệ khiến chúng tôi khá bất ngờ với một gian trưng bày hơn 30m2 treo la liệt các loại giấy khen, bằng khen và chứng nhận sản phẩm. Phía dưới là dãy kệ với những hộp, những túi bịch sản phẩm được chế biến từ sen.
Chị Lệ nhớ lại lúc những cánh đồng sen bị bỏ khô héo không người chăm sóc, chị đã mang những bao hạt sen ra bóc vỏ và bán lẻ ở chợ. Thế mà người mua rất nhiều. Hết của nhà, chị mua lại những bao hạt sen bị loại của các hộ khác, bóc vỏ và mang ra chợ bán. Mối hàng ngày càng nhiều, không những giải quyết được số hạt sen tồn đọng, chị và bà con trong xã yên tâm phục hồi lại những ruộng sen bị bỏ phế bấy lâu nay. Năm 2000, chị mạnh dạn đăng ký Hộ kinh doanh Trường Phát gia công hạt sen đem ra chợ bán. Đến năm 2002, khi đã có nhiều mối hàng và quan hệ, chị thành lập cơ sở chế biến sen và bắt đầu thu mua hoàn toàn sen nguyên liệu cho bà con. Gần 20 năm vừa xây dựng vừa phát triển thương hiệu, cùng việc học hỏi kinh nghiệm từ các vùng trồng sen khác, chị Lệ đã đầu tư xây dựng dự án chế biến các sản phẩm từ sen để tham dự cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2020 do Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức và xuất sắc đạt giải Nhì (trong tổng số 922 dự án tham dự cuộc thi). Đạt kết quả cao tại cuộc thi là động lực để chị Lệ thành lập HTX trồng và chế biến các sản phẩm từ sen với 50 hộ tham gia. Sau tiếng vang từ cuộc thi, nhận thấy dự án của Trường Phát thực tế và có tính ứng dụng cao, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam và các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ hết mình từ máy móc, kỹ thuật đến việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Trường Phát.
Chị Lệ bên những sản phẩm được chế biến từ sen tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Từ ngày đầu thành lập với 09 sản phẩm được chế biến từ sen, đến hiện tại với 16 sản phẩm, chị Lệ đã xây dựng cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát một hệ thống 58 đại lý khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài ra, sản phẩm từ sen của HTX còn được bán trong các khu du lịch, trong hệ thống các siêu thị bán lẻ. Chị Lệ cũng nhanh chóng xây dựng quảng bá thương hiệu trên các mạng xã hội như facebook, zalo, panpage và xây dựng một đội ngũ cộng tác viên bán hàng hùng hậu. Ước tính doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.
Sản phẩm từ sen của HTX Trường Phát không chỉ thơm ngon nhờ được trồng bằng giống sen nghệ truyền thống, không chỉ được chăm bón hoàn toàn hữu cơ, mà còn nhờ vào chị Yến - cố vấn đông y đặc biệt đồng hành cùng chị Lệ hơn 10 năm nay. Hầu hết những sản phẩm của chị Lệ trước khi tung ra thị trường đều được chị Yến xem công thức và hỗ trợ về chuyên môn từng khâu chế biến. Do vậy, sản phẩm của HTX Trường Phát khi đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm mang tính dưỡng sinh, rất phù hợp để nâng cao sức khỏe.
Tâm huyết với sen, chị Lệ đã 3 lần được nhận bằng khen cấp Trung ương, hàng chục bằng khen cấp tỉnh, vô số giấy khen cấp huyện, xã. Và chị cũng đã từng được tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của cả nước. Bộn bề với công việc của HTX, nhưng khi được bà con tín nhiệm bầu vào BCH Hội nông dân huyện, Hội nông dân tỉnh, chị cũng nhiệt tình tham dự. Bởi theo chị, vào đó chị sẽ có cơ hội để giúp những bà con nông dân có tâm huyết với nghề phát triển được những thương hiệu, những mặt hàng mà thị trường đang cần. Chị sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những hộ nông dân mới khởi nghiệp để họ vững vàng hơn trước lựa chọn của mình. Tại Đại hội Hội nông dân tỉnh Đồng Nai vừa rồi, chị cũng được giới thiệu vào BCH Hội nông dân Việt Nam với số phiếu tuyệt đối.
Công việc phía trước còn rất nhiều, nhưng chị Lệ vẫn mong muốn phát triển thêm nhiều sản phẩm được chế biến từ sen. Đó là làm sữa hạt sen, trà sen đóng chai, snack từ củ sen. Để phát triển vùng nguyên liệu, chị Lệ đang trồng 10 ha sen tập trung tại các ruộng trũng với mong muốn làm du lịch sinh thái. Sen miền Nam nở theo mùa, nhưng kéo dài tận 8 tháng và cho thu hoạch liên tục. Đó là một lợi thế rất lớn cho việc phát triển mô hình du lịch sinh thái mới lạ này.
Từ những cánh đồng sen bỏ hoang, từ những hộ sản xuất lỗ vốn, đến nay, cánh đồng sen tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch đang ngày càng mở rộng và mơn mởn xanh tươi. Với 16 sản phẩm được chế biến từ sen và những sản phẩm đang ấp ủ khác, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát đang mở ra một tương lai sán lạn cho kinh tế xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Bây giờ sen không chỉ là thương hiệu OCOP nữa, mà sen đã giúp người dân Long Tân vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Điều đó nhờ công lao rất lớn từ những bàn tay, khối óc của những thanh niên dám nghĩ dám làm trên mảnh đất Nhơn Trạch anh hùng. Mai sau, những thanh niên như chị Lệ sẽ tiếp nối, phát triển để đưa Nhơn Trạch vươn cao, bay xa.
(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)