Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CÓ MỘT LÀNG NGHÊ

 

Cách đây hàng trăm năm, ở vùng đất cửa sông thuộc trấn Biên Hòa nổi lên một thứ trà ngon nức tiếng mà dân gian mê mẩn đặt biệt danh: “nước Mạch Bà, trà Phú Hội". Chẳng ai biết cây trà có từ bao giờ, nhưng theo miêu tả trong cuốn sách Gia Định thành thông chí: “Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục mét, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon...". Những dòng miêu tả về cây trà Phú Hội khiến không ít người tò mò muốn được mục sở thị, thưởng thức thứ thức uống thơm ngon này.

Đến Phú Hội trong một sáng nắng hanh đầu thu, chúng tôi được anh Nguyễn Huy Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn đi tham quan những vườn chè được bà con nông dân Phú Hội trồng và thu hoạch. Nhìn bên ngoài, cây chè không khác những cây chè ở Thái Nguyên hay ở Đà Lạt, hay bất cứ vùng chuyên canh chè nào, cũng ngang tầm hái của người trưởng thành, cũng cành lá và đọt non tua tủa. Thế nhưng, khi đã qua công đoạn sơ chế để thành những búp chè khô thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Nước trà Phú Hội không phải là thứ nước xanh lá mạ của chè Bắc, không chát đầu ngọt hậu như những loại chè khác, mà chỉ chát nhẹ và ngọt thanh khiến cho người uống không bị đau đầu hay tăng nhịp tim như những thứ trà khác. Điều đặc biệt hơn, trà Phú Hội khi pha ra có màu hổ phách rất đẹp, nhất là cây trà được trồng ở Xóm Hố và Đất Mới, nơi cuối nguồn của mạch nước Mạch Bà.

Người xưa bảo, mạch nước từ Mạch Bà được chảy ngầm trong lòng đất, tua tủa ra khắp vùng Phú Hội, khiến cho cây trái ở đây bốn mùa xanh tươi và mang một vị ngọt khó tả. Giống chè được trồng trên vùng đất này, thẩm thấu những sự tinh túy của nguồn nước Mạch Bà, đã cho ra một thức uống ngon khó cưỡng và cực kỳ bắt mắt. Trà Phú Hội nguyên bản có thể uống độc vị (tức là chỉ có búp chè khô), thế nhưng để thức uống có độ thơm ngon hơn, người dân đã kết hợp với là trà Phật và lá ren. Anh Sang bảo, đây có lẽ là bí quyết để trà Phú Hội có độ thơm ngon khiến cho ai được thưởng thức một lần đều nhớ mãi.

trà phú hội.jpg
Anh Nguyễn Huy Sang (giữa) giới thiệu sản phẩm trà Phú Hội - Ảnh N.H

Cây trà Phú Hội được nhân giống trồng khắp những nương rẫy, những vạt đồi bao la trù phú. Hàng trăm năm trước, trà đã được thương nhân mang đi khắp xứ Biên Hòa - Chợ Lớn. Có những sạp hàng trà nức tiếng vùng đất Sài Gòn - Gia Định đều ăn hàng từ Phú Hội. Diện tích trồng trà lúc cao điểm lên đến hàng trăm ha. Người dân nơi đây sống dựa hoàn toàn vào những nương chè ngút mắt đó. Những cây chè vươn cao hàng chục mét, khắp nơi trong xã đều có những lò chế biến trà và cung cấp cho các thương lái… Thế nhưng, những năm 1960, khi các loại cây ăn trái có năng suất cao bắt đầu được đưa vào trồng để cải thiện kinh tế, người dân Phú Hội đã thay thế dần diện tích trồng chè để trồng các loại cây ăn quả khác. Do đó mà diện tích trồng chè thu hẹp đến mức báo động, các hộ gia đình chỉ còn trồng với diện tích rất nhỏ với đầu ra chủ yếu cho người xa quê về mua làm quà, thậm chí có nhà chỉ còn trồng vài chục gốc để phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình. Lúc này, xã Phú Hội đã bắt đầu nhận ra tương lai cây trà Phú Hội nức tiếng một thời sẽ biến mất như sự biến mất của nhiều làng nghề trên thế giới, nếu không có sự can thiệp kịp thời. Đã có nhiều cuộc họp, nhiều chương trình được triển khai, nhiều cá nhân đứng ra tổ chức, diện tích trồng trà bắt đầu tăng lên đáng kể, nhưng ì ạch mãi, cây trà Phú Hội vẫn không có thương hiệu trên thị trường như từ hàng trăm năm trước nó đã từng có. Đó là việc khiến cho lãnh đạo huyện Nhơn Trạch và xã Phú Hội đau đầu.

Khoảng năm 2018, khi đang công tác tại xã, anh Nguyễn Huy Sang đã được đề nghị khôi phục thương hiệu trà Phú Hội. Thanh niên quyết chí là làm. Năm 2019, anh bắt đầu lên kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, làm thương hiệu, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm và mày mò tìm kiếm đầu ra cho trà Phú Hội. Cuối năm, anh đã thành lập được tổ hợp tác với 32 hộ trồng và chế biến trà, cung cấp thường xuyên trà thành phẩm cho cửa hàng, bỏ mối tại các quán cà phê ở Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Với sự đổi mới về nhãn hàng, logo, cách đóng gói và quảng bá, năm 2020 sản phẩm trà Phú Hội đã đạt sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; năm 2021 được UBND tỉnh trao chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Việc sản phẩm trà Phú Hội được trao chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao là thành công mà bấy lâu nay các cấp lãnh đạo xã Phú Hội nói riêng và huyện Nhơn Trạch nói chung rất mong mỏi. Điều đó chứng tỏ rằng thương hiệu trà Phú Hội đang dần được phục hồi và quảng bá ra khắp mọi miền Tổ quốc.

Anh Sang tâm sự, để sản phẩm trà Phú Hội có được thành quả bước đầu đó, đòi hỏi người làm thương hiệu phải cực kỳ tâm huyết và phải có nghề. Không phải ai có tiền hoặc bỏ công sức ra đều có thể làm được, mà đòi hỏi phải thật sự am hiểu về sản phẩm mình làm; phải có một thời gian dài sống gần gũi và là người trực tiếp làm ra sản phẩm đó. Giống như anh và nhiều người dân khác, việc hái chè, vò chè, sao chè đã được ăn sâu vào ký ức từ những ngày còn chưa đi học. Những buổi sáng theo bà đi hái chè, rồi về phơi, về vò đã khiến cho anh như có duyên nợ với chính đặc sản quê hương. Khi bắt tay vào làm thương hiệu, anh có cái gì đó thôi thúc như từ ngàn xưa vọng lại. Và cứ thế, anh làm với tâm huyết và sự học hỏi không ngừng để có thể đưa thương hiệu trà Phú Hội vươn xa.

Trà Phú Hội công phu ở cả quá trình chế biến. Trà hái về khi búp còn ngậm sương, đem ra phơi nắng khoảng một tiếng đồng hồ rồi đưa vào vò. Công đoạn vò trà là công đoạn quan trọng nhất. Búp chè chỉ hơi héo là đưa vào vò cho đến khi lá chè xoắn lại, dẻo dai và có độ đàn hồi mới đưa ra nắng phơi trong vòng 6-8 tiếng. Phơi chè ăn thua do trời nắng, nên người dân tranh thủ phơi từ khoảng 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Những lúc nắng nhạt hoặc trời mưa, thời gian phơi phải qua ngày khác sẽ khiến trà giảm độ ngon. Chè sau khi phơi đủ nắng sẽ được người dân đem vào sao lại trên chảo gang tầm vài phút. Những bàn tay thoăn thoắt, chắc nịch của người dân đảo từng mớ chè một cách điêu luyện. Những mớ chè sao quá nhanh sẽ không đủ độ giòn, sao quá lâu sẽ bị khét, mà phải vừa đủ độ lửa và thời gian để cho trà đủ chín và thơm ngon. Chỉ cần nhìn vào màu lá trà là người sao có thể biết được trà đã đạt hay chưa. Những bàn tay thoăn thoắt, điêu luyện đó, những sự quan sát tinh tường đó mà người trồng và chế biến trà Phú Hội được gọi là những nghệ nhân trồng trà. Một trong những nghệ nhân nổi tiếng còn sống đó là nghệ nhân Tư Nô (Trà Văn Pháp). Ông là một trong những nghệ nhân trồng trà lâu đời còn sống ở vùng đất Phú Hội này. Làm trà từ lúc bé, đến tận bây giờ, gần 90 tuổi, ông vẫn sao trà và giữ những bí quyết để tạo ra thứ thức uống đặc trưng thơm ngon. Anh Sang học nghề từ bà nội và từ ông. Ông thấy may mắn vì thương hiệu trà Phú Hội đang được những người con nơi đây làm nổi tiếng trở lại, để gìn giữ một nghề truyền thống lâu đời mà tổ tiên đã dày công gầy dựng. Ông cũng không ngại truyền lại những bí quyết làm trà lâu đời cho những truyền nhân như anh Sang để lưu giữ nghề truyền thống. Ông coi đó như là lời cảm ơn với tổ tiên đi trước đã mang đến cho vùng đất này một đặc sản lừng danh.

Với diện tích 8,5 ha hiện tại, tổ hợp tác trà Phú Hội (đại diện là hộ kinh doanh Phúc Bảo) tung ra thị trường từ 2.500 đến 3.000kg trà thương phẩm mỗi năm. Với giá 100.000đ/ 100g, doanh thu dự tính 1 năm đạt từ 2,5 đến 3 tỷ. Đó là con số mơ ước của người trồng trà Phú Hội. Hiện nay, ngoài việc Việt Kiều về mua làm quà, trà còn được mang đi tiêu thụ ở Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng… Trong tương lai gần, anh Sang mong muốn tiếp cận các hệ thống bán lẻ trong nước như Bách hóa xanh và các siêu thị bán lẻ khác.

Nói về dự tính phát triển thương hiệu trong tương lai, anh Nguyễn Huy Sang chia sẻ: Hiện tại, đầu ra của sản phẩm trà Phú Hội khá ổn định, nhiều lúc cung không đủ cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Hầu hết sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ hết và không bị tồn đọng. Anh đang có đề xuất cấp trên dùng những đồi trọc ở hai ấp Xóm Hố và Đất Mới (nơi trồng trà Phú Hội ngon nhất) để cho những người cao tuổi trồng trà; một phần tạo công ăn việc làm và niềm vui tuổi già cho những người quá tuổi lao động còn yêu ruộng đồng; một mặt nhằm mở rộng vùng nguyên liệu cho sản phẩm trà Phú Hội trong tương lai. Ngoài ra, anh Sang cũng đang có dự định sản xuất những sản phẩm mới nhằm tiếp cận giới trẻ như: trà gừng, trà lá dứa, trà chanh cách thủy mật ong… Và mong muốn cao hơn, là việc mở rộng diện tích trồng trà và phát triển du lịch vườn sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm. Nếu những điều đó được thực hiện sẽ đưa được thương hiệu trà Phú Hội vang xa khắp trong và ngoài nước. Đó là điều mong mỏi và tâm huyết của truyền nhân trà Phú Hội - Nguyễn Huy Sang.

Tay nâng ly trà nóng vừa được chủ nhân rót ra từ chiếc ấm sành đựng trong vỏ dừa do nghệ nhân chế tác đồ ủ trà Tư Rớ vẽ, tôi thấy thư thái lạ. Mùi hương thanh tịnh như đang ở một nơi thiền định nào đấy. Tôi chắc mẩm điều đó được mang lại từ mùi thơm của lá trà Phật. Anh Sang vội xua tay: Đã có người mang lá trà Phật, lá ren kết hợp với trà từ nơi khác nhưng không thể ra được màu nước đó, mùi hương đó. Mà đó là sự kết hợp của tinh hoa đất trời, từ chất đất, mạch nước đến cây trà và những thứ gia vị như lá trà Phật và lá ren, mới hòa quyện lại, tạo thành một thức uống đặc trưng mê đắm du khách thập phương; mới tạo ra sự nhớ thương da diết của người con Phú Hội đi làm ăn xa xứ, mà mỗi dịp về quê đều mang theo đặc sản của vùng đất này như mang theo hồn cốt của dân tộc, của quê hương.

N.H

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)


NGÔ HƯỜNG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​