Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐẾN MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Mở đoạn đường chiến lược
Từ trong kháng chiến chống Pháp hành lang vận tải, liên lạc từ vĩ tuyến 17 đến Nam Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) đã được xây dựng và sử dụng dựa theo đường mòn có sẵn dọc dãy Trường Sơn. Riêng đọan từ Nam Tây Nguyên vào Nam Bộ luôn trong tình trạng chia cắt, khó khăn. Con đường giao liên từ Trung ương tới Nam bộ phải đi vòng vèo qua nhiều tỉnh miền núi thuộc Đông Nam bộ, Trung Trung bộ núi non hiểm trở, địch uy hiếp, lùng sục từng chặng, hết sức gian nan nguy hiểm. Ta đã nhiều lần cử các đội vũ trang tuyên truyền vào khai mở đoạn đường này nhưng đều bị tổn thất nặng nề, không gây dựng được cơ sở trong quần chúng. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ khu vực tiếp giáp với Nam bộ vẫn là một vùng trắng chia cắt. Trung ương quyết định thành lập một đoàn vũ trang đặc biệt, có nhiệm vụ về miền Nam xây dựng cơ sở và xoi, mở đường vào bắt liên lạc với Xứ ủy Nam bộ, mở ra và hình thành con đường chiến lược thông suốt từ Bắc vào Nam.
Ở Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ đã đề ra nhiệm vụ nhanh chóng mở rộng căn cứ chiến khu Đ ra hướng Đồng Nai thượng (Nam Tây Nguyên) và xoi đường mở ra phía Bắc, móc ráp liên lạc với đơn vị mở đưởng từ Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk) vào, nối liền hành lang Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, thông suốt con đường Hồ Chí Minh trên bộ.
Quá trình mở đường nhiều gian khổ hy sinh
Bộ Quốc phòng đã thành lập Đoàn vũ trang đặc biệt mở đường vào Nam Bộ, lúc đầu dự kiến gồm 50 người, nhưng sau xin ý kiến Hồ Chủ tịch, Bác chỉ đạo phải thật gọn, nhẹ và chất lượng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nhưng phải giữ được tuyệt đối bí mật nên qua quá trình tuyển chọn, cuối cùng còn 25 người. Đoàn mang mật danh là Đoàn B90, được chính thức thành lập ngày 25-5-1959, do đồng chí Trần Quang Sang là đoàn trưởng kiêm bí thư chi bộ; hai đồng chí phó đoàn là Phùng Đình Ấm phụ trách chính trị, Phạm Lạc phụ trách quân sự. Đoàn đã trải qua thời gian luyện tập theo điều kiện chiến trường gian khổ để chuẩn bị sức khỏe dẻo dai cho cuộc hành quân. Trước khi đi, đoàn được gặp Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được Bác và đại tướng thăm hỏi, dặn dò ân cần, chu đáo. Trang phục của đoàn cũng theo nguyên tắc giữ bí mật, mặc quần áo bà ba đen, khăn rằn và đội nón vải rộng vành.
Sáng ngày 20-6-1959, đoàn xuất phát từ Hà Nội bằng xe ô tô vào Nghệ An, Quảng Bình, chở đến Làng Ho (Quảng Bình) là mút đầu của con đường Hồ Chí Minh ở phía Bắc. Sáng ngày 22-6-1959, bắt đầu cuộc hành quân bộ theo từng trạm giao liên trên đường mòn Hồ Chí Minh. Lúc này, để cuộc hành quân được gọn nhẹ, đoàn chia thành 3 toán, do các đồng chí trưởng, phó đoàn phụ trách. Trải qua 4 tháng ròng rã hành quân dọc dãy Trường Sơn theo các trạm giao liên qua các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai với bao khó khăn gian khổ, triệt để thực hiện phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", giữ gìn tuyệt đối bí mật, Đoàn đã đến đích an toàn gặp Đội công tác Đắk Min (Nam Đắk Lắk) và Ban Cán sự tỉnh Đắk Lắk tại căn cứ vào trung tuần tháng 10- 1959. Cuối năm 1959, Ban Cán sự tỉnh Đắk Lắk quyết định hợp nhất Đội công tác Đắk Min với Đoàn B90 thành Đơn vị B4 tiếp tục xoi mở đường vào Đông Nam Bộ.
 Tháng 7 năm 1959, Khu ủy Miền Đông Nam bộ thành lập Đại đội 200 (mật danh là Đoàn 200). Đoàn có nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc Mạ, M'Nông, S'Tiêng dọc bờ sông Đồng Nai, nhằm mở rộng căn cứ Chiến Khu Đ về phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai Thượng (nay là Lâm Đồng). Sang năm 1960, Đoàn C 200 được bổ sung tăng cường thêm quân số, trang bị thành một đại đội hòan chỉnh. Đoàn đã tổ chức đánh một số trận tiêu diệt địch thắng lợi, gây tiếng vang lớn trong nhân dân các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, gây dựng cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, tháng 6- 1960, Khu ủy và Ban Quân sự Miền Đông tách từ Đoàn C200 ra một bộ phận gồm 17 người do đồng chí Nguyễn Trọng Tâm, tức Bảy Tâm là Chính trị viên kiêm bí thư chi bộ (người vừa lãnh đạo Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp thành công, giải phóng gần 500 chiến sĩ cách mạng, sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) và đồng chí Phạm Hồng Sơn làm trưởng đoàn phụ trách quân sự. Ngày 6-6-1960, tại Suối Nhung (Mã Đà, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) Bí thư Khu ủy Miền Đông Mai Chí Thọ và Trưởng ban Quân sự Xứ ủy kiêm Trưởng ban Quân sự miền Đông Nam bộ Nguyễn Hữu Xuyến trực tiếp giao nhiệm vụ cho bộ phận vừa tách ra của Đoàn C200 (vẫn giữ mật danh là Đoàn C 200) có nhiệm vụ xoi mở đường lên phía Bắc (Nam Tây Nguyên) hợp nối với Đoàn B90 đang từ phía Bắc mở vào. Đoàn được trang bị 1 điện đài, vũ khí đầy đủ, có nhiệm vụ phải tự cắt rừng mà đi, cặp theo sông Đồng Nai Thượng lên hướng Bắc, tuyệt đối giữ bí mật, không được gặp dân, không được đi theo đường mòn. Địa điểm gặp Đoàn B90 tại buôn Pu Go (thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay). Đoàn phải cắt rừng, lội suối, vượt sông hết sức khó khăn gian khổ. Lương thực mang theo cạn dần, phải đào củ nầng, củ chụp để ăn. Thực phẩm chủ yếu là muối và rau rừng, măng. Hơn một tháng đầu đoàn được Già làng K Tranh cử em trai là B Ren giúp dẫn đường, sau đó phải tự mình cắt rừng bám theo sông Đồng Nai Thượng để đi tiếp. Cuối tháng 7- 1960, Đoàn đến được buôn Pu Gur phía bên kia sông Đồng Nai, đúng điểm hẹn và thời gian quy định. Chờ lâu không thấy Đoàn B90 đến, Đoàn C 200 tiếp tục mở đường lên phía bắc, ngược sông Đắk Đoeng (đồng bào địa phương ở đây gọi là sông Đạ Dưn) đến buôn Bu Sa Ya. Con đường cắt rừng cách nơi xuất phát hơn 200 km và ròng rã hai tháng trời. Đoàn xin ý kiến Khu ủy và được chỉ thị chốt quân ở lại đó để đợi Đoàn B90.
Khu ủy miền Đông còn tổ chức một trung đội vũ trang, lấy phiên hiệu là Đoàn C300 do đồng chí Lâm Quốc Đăng chỉ huy, được trang bị điện đài, có nhiệm vụ mở đường lên phía Bắc và biên giới Việt Nam - Campuchia. Tháng 2- 1960, Đoàn xuất phát từ Suối Vên Vên (Tân Uyên, Bình Dương) lên Suối Rạt, qua Phước Sang, vượt lộ 14. Tới đây, Đoàn phối hợp với Lực lượng vũ trang miền Đông tấn công Sở cao su Phú Riềng, thu nhiều gạo để dự trữ cho công tác hậu cần của Đoàn. Sau đó, Đoàn tiếp tục hành quân, vượt qua vùng địch kiểm soát, nhiều vùng rừng nguyên sinh, mở đường đến Đắk Nhao, Đắk Duêl (nay thuộc Đắk Nông) và tiếp tục mở đường lên hướng Đông Bắc Campuchia. Tháng 9 năm 1960, Chỉ huy trưởng Lâm Quốc Đăng được lệnh trở về Miền Đông Nam bộ. Đoàn C300 được thống nhất lại với lực lượng quân sự Phước Long thành đội công tác C270, có nhiệm vụ vừa hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng, vừa có nhiệm vụ mở đường đón Đoàn B90 từ Nam Tây Nguyên mở xuống.
Về phía Đoàn B90, sau khi hành quân đến bắc Đắk Min (Đắk Lắk), hoàn thành thắng lợi bước đầu cuộc hành trình mở đường về Nam, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã hợp nhất Đoàn B90 và Đội Công tác Nam Đắk Lắk thành Đoàn B4 do đồng chí Vũ Anh Ba Bí thư Ban Cán sự tỉnh Đắk Lắk làm Bí thư. Đoàn chia thành 3 đội, 1 mũi vũ trang tuyên truyền và vũ trang công tác, đều có nhiệm vụ mở cơ sở, xây dựng phong trào, phát triển về phía Nam, hướng sông Đồng Nai Thượng, tìm móc nối với lực lượng cách mạng Đông Nam bộ từ chiến khu Đ ra.
Khai thông thắng lợi
Khoảng cuối tháng 8-1960, Đoàn C 200 cử một tổ 5 người do đồng chí Đỗ Giáp Xuân phụ trách tiếp cận bờ sông Đồng Nai Thượng để nắm tình hình. Nhóm đã cử 3 đồng chí bơi qua sông để tìm bắt liên lạc với Đoàn B90 ở phía Bắc. Nhóm đã phát hiện thấy dấu vết người nấu ăn, cột võng nhưng đã được ngụy trang rất kỹ tại Vàm Đắk R Tih. Đoàn đã báo cáo Khu ủy miền Đông và được chỉ thị tiếp tục chốt lại đó để đợi Đoàn B90. Những ngày cuối tháng 10-1960, tổ trinh sát của Đoàn C 200 vượt sông Đồng Nai, sang rừng Vàm Đắk R Tih để chờ và tiếp tục tìm dấu vết Đoàn B90 ở phía Bắc vào.
Trong khi đó Đoàn B90 được ban cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk cho biết Đoàn C200 đã mở đường ở phía Nam ra, đã có tổ trinh sát đến Vàm Đắk R Tih tìm liên lạc, nên cử một tổ cấp tốc lên đường đến Vàm Đắk R Tih.
Và chiều ngày 30-10-1960, hai tổ xung kích của hai đoàn B90 và C200 đã gặp nhau trong niềm vui khôn tả. Từ đây con đường Hồ Chí Minh đến miền Đông Nam Bộ đã được nối liền. Ngót một năm trời, cán bộ, chiến sĩ Đoàn B90, C200 và các đơn vị tham gia mở đường hành lang chiến lược mang tên Hồ Chí Minh đoạn cuối dãy Trường Sơn nối liền Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ vượt qua bao gian lao, nguy hiểm, hy sinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khai thông con đường Hồ Chí Minh trên toàn tuyến, chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng và nhân dân miền Nam được tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc và các nước XHCN anh em cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

hình của bố 11111.PNG

Bộ đội hành quân trên đường Hồ Chí Minh - Nguồn: Internet
 

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)​


QUỲNH AN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​