HOÀNG QUÝ
Bên mùa xuân
đặt em bên mùa xuân
xuân lây thơm
xuân luân hồi miên viễn
ngoảnh mặt và thở dài
em tinh khôi
em chồi búp
ngược xuôi trời lộng
mây lao lung hốc hác mặt người
trong mỗi khóc, cười
đời trôi như thác…
chỉ bên em bên em
cỏ biếc!
ĐỖ MINH DƯƠNG
Tàu về Ga Biên Hòa
Con tàu xuyên suốt miền Trung
Mỗi ga - dấu ấn một vùng đất đai…
Vào Trảng Táo, đất Đồng Nai
Tiếng còi chào bỗng ngân dài âm vang
Băng qua ký ức rừng hoang
Cao su khép tán bạt ngàn rừng cây
Gia Rai, Bảo Chánh, Long Khánh, Dầu Dây...
Biên Hòa như ở đâu đây, thật gần
Nhịp dồn ngỡ nhịp bước chân
Âm thanh vó ngựa hành quân thưở nào
Đường xưa, xương trắng, máu đào
Người đi mở cõi đều vào Trấn Biên!
Bất ngờ thành phố hiện lên
Con tàu chậm nhịp, con tim bồi hồi
Đường dài, chốc đã tới nơi
Sân ga thấp thoáng dáng người thân quen
Xin chào vùng đất linh thiêng
Ta về sống giữa yêu tin ấm nồng
Chạnh lòng thương thuở cha ông
Mở đường dựng Nước - ngàn trùng gian lao...
HOÀNG VĂN BẢY
Xuân
Hừng đông tia nắng xôn xao
Gió mơn man thổi xạc xào vườn bên
Sương mai còn đọng trước thềm
Nghe mùa xuân tới mà thêm ấm lòng
Sông Đồng Nai lại thêm trong
Bưởi Tân Triều lại ngọt cùng hương quê
Lâng lâng mỗi độ xuân về
Lại rưng rưng nhớ ngày xưa xa rồi…
Hương xuân toả khắp đất trời
Mai đào rực rỡ rạng ngời đón xuân.
BÍCH PHÚ
Tiếng mùa
Mùa đi qua
Bỏ quên trong em dịu dàng nỗi nhớ
Góc phố xưa hò hẹn
Năm tháng đợi chờ...
Ngoài kia, phượng đã bật lên sắc đỏ
Hồng tươi những nghĩ suy
Trăn trở những con đường
Phía chân trời bừng lên ánh hào quang.
Em và mùa đi qua,
Bằng lăng vẫn dãi dầu trên phố
Tím ngát một góc trời
Thăm thẳm neo đậu miền nhớ.
Mùa đi qua…
LÊ VA
Cái Đáo ngày hơ
Chớm đông
đã nao lòng nhớ lửa
mẹ nhai trầu
cặp nặp luôn tay*
hơi ấm lòng người
mẹ chuyền vào củi lửa
rạo rực con
trong buốt giá mưa dầm
Mười tám tuổi con lên rừng gỡ vắt
hơn hoa giáp rồi
lại mắc nghiện núi rừng xa
sản vật xưa là củ mài củ vớn
nay con nhận về hàng chữ, trang văn
Sách in ra
con mang về làng trên xóm dưới
bỏm bẻm mẹ cười
ùi!
cái Đáo ngày hơ*
* Cặp nặp: dụng cụ bằng tre dùng điều khiển củi trong bếp lửa.
* Cái đáo ngày hơ: “Cái người Kinh ngày xưa".
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)