Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐỀN THỦY LÂM ĐỘNG VÀ TÍN NGƯỠNGTHỜ MẪUTAM PHỦ Ở ĐỊNH QUÁN

Quá trình hình thành, phát triển đền Thủy Lâm Động

Đền Thủy Lâm Động thuộc ấp Hòa Bình, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sau khi hoàn thành xâm lược đất nước ta, thực dân Pháp bước vào quá trình khai thác thuộc địa, xây dựng nhiều đồn điền trồng cây cao su vùng Đông Nam Bộ. Năm 1908, tư bản Pháp thành lập Công ty cao su Đồng Nai (Les Caouchoues du Donai - gọi tắt là LCD) với 3 đồn điền chính là Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Để có nguồn nhân lực khẩn hoang, trồng và khai thác cao su, tư bản Pháp tổ chức mộ phu người dân từ miền Bắc, miền Trung vào, do đó hình thành nên các làng phu cao su trong đó có làng Túc Trưng.

z4482035099754_d6bf1192177f11b916ac51330f28f275.jpg

Gian thờ các Mẫu ở đền Thủy Lâm Động (Ảnh: Trí Nghị)

Những người nông dân nghèo khổ khi ra đi làm phu cao su hoàn toàn không có của cải gì đáng giá, thứ duy nhất họ có là niềm tin vào các vị Thần mà họ luôn tôn thờ khi còn ở quê hương xứ sở. Trên vùng đất mới, họ gặp nhiều khó khăn. Đối diện với thiên nhiên còn hoang hóa, các loại dịch bệnh, sự hà khắc của chủ đồn điền cùng bọn cai, xu và tư bản thực dân Pháp; người công tra không biết dựa vào đâu, ngày đêm chỉ biết khấn nguyện mong được Thần phù hộ, bao bọc, che chở cho họ có cuộc sống bớt khổ cực. Để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, họ dựng ngôi miếu nhỏ gần đồn điền Túc Trưng (thuộc làng Túc Trưng) để thờ mẫu Liễu Hạnh và những người có công với đất nước. Theo người dân địa phương cho biết, tại khu vực đền Thủy Lâm động trước kia có giếng nước (Mọi nước - theo cách gọi người dân địa phương) để phu công tra sử dụng và cung cấp cho nhà máy nước Túc Trưng. Hiện nay, do làm đường giao thông nên giếng nước bị vùi lấp. Năm 1957, ông Nguyễn Gia Sản - công tra đồn điền cao su Túc Trưng cùng nhân dân địa phương xin chủ đồn điền xây dựng, mở rộng diện tích miếu và đặt tên đền là Thủy Lâm Động. Tuy nhiên, với việc hình thành sớm đồn điền Túc Trưng (năm 1908) có thể ban đầu được hình thành và xây dựng nhỏ, kiến trúc đơn sơ; sau năm 1957 được sửa chữa mở rộng thành đền thờ.

Kiến trúc bài trí tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền

Trải qua nhiều lần tu sửa lớn nhỏ, đặc biệt đợt tu bổ năm 2002 đã tạo nên diện mạo đền như ngày nay, gồm các hạng mục: Tiền đền, Cung Đệ nhất, Cung Đệ nhị, Cung Đệ tam, Động Sơn Trang, Hậu tổ, Gian thờ Trần Triều, Nhà khách. Các hạng mục được xây dựng, trang trí cầu kỳ với hệ thống bao lam, hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo các đề tài tứ linh, cửu long, hoa lá hóa rồng và hệ thống hàng chục pho tượng cổ có giá trị lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa(1) trong đó các hạng mục chính:

- Cung Đệ nhất tôn thờ Mẫu Tam phủ gồm: Mẫu Thượng Thiên (tức Thánh mẫu Liễu Hạnh, theo truyền thuyết là một vị Thánh trong Tứ bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đ?n th?i?ến thời nhà Nguyễn tôn phong Mẫu nghi thiên hạ, Mẫu Thượng ngàn (cõi rừng núi), Mẫu Thoải (thủy phủ, miền sông nước) và hệ thống tượng thờ Ngũ vị quan lớn.

- Cung Đệ nhị: thờ quan giám sát (được giao quyền giám sát cai quản sơn lâm, do đó ngài còn được gọi với cái tên là Quan lớn Đệ nhị Thượng ngàn), chầu lục, chầu bé và các đệ tử theo hầu.

- Cung Đệ tam: thờ hội đồng quan lớn (Quan lớn Đệ nhất Thượng thiên, Quan lớn Đệ nhị giám sát, Quan lớn Đệ tam Thoải phủ, Quan lớn Đệ tứ khâm sai, Quan lớn Đệ ngũ tuần tranh), Ngũ hổ, Ông Lốt (Thanh xà, Bạch xà), bà chúa Sơn Trang và 12 thị nữ theo hầu.

Ngoài ra, đền Thủy Lâm Động còn bài trí thờ: Lầu Cô (Tứ phủ Thánh cô), lầu Cậu (Tứ phủ Thánh cậu), Quán thế âm Bồ Tát và những người có công tạo dựng đền. Đặc biệt, tại đền có gian thờ Trần Triều với chủ đạo là Vương Ông, tức Trần Hưng Đạo (1228 - 1300) - anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, được Viện Khoa học Hoàng gia Anh bầu chọn là một trong mười vị tướng xuất sắc nhất thế giới. Việc Ngài được “thánh hóa" là hiện tượng hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt: thần thánh hóa người có công với dân, với nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi, được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Ngoài thờ Vương Ông, gian thờ Trần Triều còn thờ: Nhị vị Vương cô (1), Phạm Ngũ Lão, Yếu Kiêu, Dã Tượng... Hàng năm, tại đền tổ chức lễ cúng: Lễ tiệc Mẫu ngày 26/2 (âm lịch), lễ giỗ Đức Thánh Trần ngày 20/8 (âm lịch)… thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

Giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Thủy Lâm Động

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi… được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu và những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

Trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân. Tất cả đều có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng nhau thực hành nghi lễ tại các phủ, điện, đền thờ Mẫu. Với lịch sử lâu đời và các nghi thức thờ cúng độc đáo, đặc sắc, ngày 01/12/2016 di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh trong danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Định Quán - Đồng Nai, đền Thủy Lâm Động tồn tại gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân ở vùng đất Túc Trưng từ lúc lập làng và phát triển đến nay. Với giá trị về lịch sử, nghệ thuật thể hiện qua kiến trúc, hệ thống tượng, tranh thờ và hệ thống hoành phi, khám thờ, bao lam… Tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Thủy Lâm Động còn gắn liền nghi lễ lên đồng do Thanh đồng cùng nhân dân tham gia, hình thức và quy mô tổ chức cơ bản giống miền Bắc nhưng có sự tiếp biến văn hóa khi du nhập vào Nam Bộ, giảm bớt phần nghi lễ, tăng phần giao lưu văn hóa. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nghi lễ lên đồng thực hiện tại đền với hình thức diễn xướng thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian, thể hiện quan niệm về lịch sử, di sản văn hóa.

Đền Thủy Lâm Động là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân trong và ngoài địa phương, thể hiện sự lan tỏa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng đất mới. Nhân dân tham gia các nghi lễ tại đền ngoài việc cầu sức khỏe, may mắn, còn tưởng nhớ đến công đức của các bậc tiền nhân, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

N. T. N

(Nguồn: VNĐN số 65 – tháng 7, năm 2023)


NGUYỄN TRÍ NGHỊ
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​