Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẢN MẠN RỒNG TRONG MỸ THUẬT VÀ ĐỊA DANH VIỆT NAM

Thiết kế chưa có tên.png 

Xuân Giáp Thìn (2024) mang tên linh vật cao quý là Rồng. Rồng là linh vật tưởng tượng, tuy nhiên lại là sự tổng hợp của những bộ phận hình dáng của một số con vật khác trong thế giới tự nhiên như: đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.

Con Rồng Việt Nam mang dáng vẻ hiền lành hơn con Rồng Trung Hoa và Nhật Bản, có những mô-típ rõ ràng đặc trưng với sự kết hợp của nhiều loài vật khác nhau. Thân rồng uốn lượn hình rắn 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, trên lưng có các vảy nhỏ liền mạch và đều đặn. Thân mềm mại thể hiện sự biến hóa, thay đổi thời tiết, điều tiết khí hậu trong năm, phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cây cối phát triển.

Con Rồng Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước với truyền thuyết về Lạc Long Quân như vật tổ trong tâm thức của người Việt. Người Việt cổ từ xưa đã tôn sùng và sợ loài thủy quái trên sông nước như cá sấu tựa hồ một con vật linh thiêng, vì nó đại diện sức mạnh và uy lực. Từ đó, cá sấu được thần thánh hóa lên thành con “Giao long" mà người Trung Hoa thường gọi. Con Rồng tồn tại khá sớm trong tâm thức của người Việt, trở nên quen thuộc trong văn hóa truyền thống. Con Rồng của người Việt luôn có đặc điểm nhiều lông, phong cách thể hiện cũng hiền lành và thân thiện hơn (khác với các nước phương Đông: con Rồng thể hiện hung dữ và xa cách hơn).

Từ con vật ban đầu trong cuộc sống đời thường, con Rồng huyền thoại được thiêng hóa và nâng lên thành biểu tượng vật linh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đặc biệt hơn, con Rồng cũng được sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật và là biểu tượng cho quyền lực nhà vua trong các triều đại phong kiến tự chủ.

Rồng được đưa vào mỹ thuật qua các môtip trang trí kiến trúc, nghệ thuật cách điệu trên đầu đao mái các công trình cung điện, đình, đền, chùa, miếu… ở Việt Nam. Hình ảnh con Rồng biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, đứng đầu trong bộ “tứ linh" (Long - Lân - Quy - Phụng). Hình ảnh con Rồng thường được thêu trang trí giữa long bào của vua, chúa rất sắc sảo, lộng lẫy, vừa tạo sự linh thiêng, uy quyền và biểu tượng sức mạnh của vương quyền. Hình ảnh rồng được trang trí trên mái cung điện, đình đền chùa miếu (các cơ sở tín ngưỡng dân gian) với mô típ “Lưỡng long triều Nhật" (hai con rồng chầu mặt trời), “Lưỡng long triều Nguyệt" (hai con rồng chầu mặt trăng), “Lưỡng long chầu pháp lam" (hai con rồng chầu hồ lô); các đầu đao cũng uốn cong kiểu mình rồng. Hoặc chi tiết “Cá chép vượt vũ môn" cũng được tạo hình đầu rồng… Thời phong kiến, các tranh ảnh, phù điêu, đồ gốm hoặc các vật dụng sinh hoạt của triều đình hầu hết trang trí ảnh con rồng, với đặc điểm rồng 5 móng. Đối với đồ gốm của vua còn gọi là đồ ngự dụng trang trí “rồng 5 móng", đồ gốm quan dụng là “rồng 4 móng", còn trong dân gian gọi là đồ dân dụng với đặc điểm “rồng 3 móng"…

Không chỉ ảnh hưởng trong kiến trúc mỹ thuật và biểu tượng vương quyền, mà hình ảnh con Rồng còn được thể hiện qua các địa danh mang ý nghĩa con Rồng theo ý nghĩa của tiếng Hán hay tiếng Hán- Việt. Những địa danh nổi tiếng liên quan đến con Rồng như: Thăng Long (Hà Nội), Hạ Long (Quảng Ninh), Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bửu Long (Đồng Nai)…

Thăng Long là tên gọi của kinh đô nước Đại Việt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng từ năm 1010 đến năm 1788, ngày nay là thủ đô Hà Nội. Tháng 8 năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy Rồng bay lên nên ban chiếu dời đô và gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, nghĩa là “rồng bay lên". Thăng Long" báo hiệu điềm lành, sự hưng khởi, phát triển toàn diện của kinh đô và đất nước. Ngày nay, Thăng Long - Thủ đô Hà Nội vẫn là địa danh linh thiêng của tổ quốc, là trung tâm chính trị- kinh tế - văn hóa- xã hội của cả nước.

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là một thắng có vẻ đẹp tuyệt mỹ, được cả thế giới biết đến như kỳ quan thiên nhiên với các đảo đá, hang động và bãi biển đẹp mê hồn. Địa danh mang tên Rồng bắt nguồn từ truyền thuyết Rồng mẹ hạ xuống biển trong buổi đầu lập quốc của người Việt. Cũng trong truyền thuyết về Hạ Long, nơi Rồng con hạ xuống được gọi là vịnh Bái Tử Long, đuôi rồng quẫy nước trắng xóa tạo thành đảo Bạch Long Vĩ.

Bạch Long Vĩ Là một phần trong quần thể di sản vịnh Hạ Long, với những hòn đảo xinh đẹp có bãi cát dài trắng xóa. Bái Tử Long có nghĩa là rồng con bái lạy rồng mẹ. Giữa vịnh Hạ Long có đảo Phù Long (Cát Bà), tức rồng nổi. Đảo Bạch Long Vĩ (tỉnh Hải Phòng) là một hòn đảo có vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ.

Cầu Long Biên (Hà Nội) được xây dựng từ thời Pháp thuộc (năm 1899 - 1902), còn được gọi một cách tự hào là “cầu Rồng", cũng là một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô. Đây là cây cầu thép đầu tiên dài 1.862m bắc qua sông Hồng do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp tên Gustave Eiffel thiết kế, là một trong những cây cầu dài nhất thế giới lúc bấy giờ.

Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, được coi như một biểu tượng cho ý chí quật cường của quân dân Thanh Hóa.

Núi Hàm Rồng (Sapa, Lào Cai) cũng là tên của một ngọn núi nổi tiếng nằm ở thị trấn du lịch Sa Pa. Núi Hàm Rồng mang dáng dấp khá rõ nét của một chiếc đầu rồng đang ngẩng lên trời. Đây là một điểm đến được nhiều du khách ưa thích với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Núi Hàm Rồng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “hàm của rồng" là danh thắng nổi tiếng vùng núi Tây Bắc thu hút nhiều khách du lịch gần xa đến đây.

Tại ngã ba bến sông Sài Gòn, năm 1863 một công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng, trên đỉnh mái của tòa nhà (trụ sở thương cảng) trang trí mô típ hai con rồng chầu đầu vào mặt trăng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt", do vậy nơi đây còn được gọi cái tên quen thuộc là Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu Pháp bắt đầu hành trình cứu nước (ngày 5/6/1911). Bến nhà Rồng là một di tích mang ý nghĩa lịch sử to lớn và trở thành một kiến trúc biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng biển Nam Bộ với bờ biển trải dài xanh biếc như một con rồng biển màu xanh, do vậy nơi đây có tên gọi là Long Hải (Bà Rịa- Vũng Tàu). Bãi biển Long Hải được nhiều người biết đến với những bãi tắm trải dài, uốn lượn, nước xanh trong, là điểm du lịch biển quen thuộc nổi tiếng của Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng.

Sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ của Việt Nam và đổ ra biển qua 9 cửa (ngày nay chỉ còn 7 cửa). Đây cũng là tên gọi của vùng đồng bằng được hình thành do phù sa của các nhánh sông này bồi đắp. Đồng bằng sông Cửu Long với cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, trở thành vựa lúa và nguồn thủy sản chính của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất Chín Rồng là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, tạo nên tính cách phóng khoáng của người dân miền Tây Nam bộ chất phác, hiền lành, dễ mến. Vùng đất với đặc trưng sông nước, mùa nước nổi, ẩm thực dân gian, tính giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ với các tộc người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… Đây cũng chiếc nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử, của các tôn giáo nội sinh, của làn điệu dân ca lý, hò… Đồng bằng sông Cửu Long có văn hóa chợ Nổi trên sông; ẩm thực cá lóc nướng trui, lẩu mắm, bông điên điển; nghệ thuật hát Bóng rỗi - Địa nàng… Vùng đất dạt dào sông nước đi vào trong văn học dân gian và huyền thoại của xã hội Nam Bộ.

Vùng đất Đồng Nai còn có dòng sông mang tên Phước Long (tức sông Đồng Nai) dài nhất Nam Bộ bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang. Con sông Đồng Nai với nhiều trầm tích văn hóa của nền văn hóa Đồng Nai thời tiền sơ sử. Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất và con người nơi đây.

Tại thành phố Biên Hòa, còn có một danh thắng độc đáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia (từ năm 1990), đó chính là danh thắng Bửu Long (phường Bửu Long). Thắng cảnh Bửu Long được tạo thành do quá trình khai thác đá xanh (nguyên liệu phục vụ nghề điêu khắc đá của người Hẹ) với núi và hồ nước nhân tạo. Khu danh thắng Bửu Long với cảnh quan sơn thủy hữu tình, những mỏm đá tự nhiên nổi trên mặt nước trong xanh mang đến vẻ đẹp huyền ảo. Từ thời xưa, hồ Long Ẩn và Long Vân nằm sát bên nhau ở hướng Đông Nam Bửu Long, được tạo nên bởi quá trình khai thác đá suốt nhiều thế kỷ ở địa phương. Hồ Long Ẩn rộng khoảng 18,5ha, nơi sâu nhất rơi vào khoảng 22m. Từ trên núi cao nhìn xuống bạn sẽ thấy khung cảnh hồ nước trong ánh nắng vàng, hòa cùng những tảng đá xanh lớn nhỏ trông như một “vịnh Hạ Long thu nhỏ". Đây cũng là điểm du lịch khá nổi tiếng không chỉ của địa phương mà còn thu hút đông đảo khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh và những vùng lân cận đến tham quan.

Năm Thìn nói chuyện Rồng. Con Rồng thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam. Bài viết chỉ đề cập đến lĩnh vực mỹ thuật và địa danh, phần nào tiếp nối những nội dung về đề tài rồng trong văn hóa phi vật thể đã được khai thác trước đây. 

N. T. N

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)


TS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​