Hứa Sa Ni
(Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh)
Sự hình thành nghi lễ dâng y Kathina
Lễ hội Kathina về cơ bản là một hoạt động được quy định trong giới luật Phật giáo, đặc biệt giới luật Phật giáo Nam tông. Hay nói cách khác là lễ hội có nguồn gốc từ đạo Phật, được hầu hết các dân tộc, quốc gia theo đạo Phật đặc biệt hệ phái Nam tông tổ chức.
Lễ hội Kathina được ra đời từ thời kỳ đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế. Căn cứ vào Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka nói rằng, sau khi đức Phật thành đạo (giác ngộ) được 14 hạ (14 năm). Bấy giờ Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapindika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy có một nhóm 30 vị Tỳ khưu thuộc xứ Pāveyya, vốn là 30 Hoàng tử huynh đệ cùng phụ Hoàng với Đức vua Pasenadi Kosala đều thọ hạnh đầu đà như: Hạnh đầu đà ở trong rừng, hạnh đầu đà đi khất thực, hạnh đầu đà thọ tam y,... Các vị đều có ý định đến gặp, đảnh lễ Đức Phật tại ngôi chùa Jetavana. Tuy nhiên, trên đường đi khi chưa đến được kinh thành Sāvatthi, các vị chỉ mới đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6 (âm lịch), đó là ngày mà tất cả chư Tỳ khưu bắt đầu phải an cư nhập hạ tại một nơi cố định suốt 3 tháng mùa mưa. Vì lẽ đó, nên cả 30 vị Tỳ khưu đành phải dừng bước tại xứ Sāketa để nhập hạ. Trong thời gian này tâm các vị luôn luôn hướng về Đức Phật, các vị thường nói với nhau rằng: “Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, chỉ cách chỗ ở của chúng ta khoảng có “6 dôch" (tức 6 dặm - tương đương khoảng 120 km, một dôch bằng 20km), nhưng chúng ta không thể đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn được".
Khi qua 3 tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch), sau khi làm đại lễ Pavāranā xong (lễ thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau), các vị liền tiếp tục lên đường đi đến kinh thành Sāvatthi. Mặc dù thời gian này là tháng cuối mùa mưa, song trời vẫn còn đổ những cơn mưa nhẹ hạt, trên đường có rất nhiều vũng nước, đường xá rất lầy lội, nên đã làm cho bộ y cà sa bị ướt đẫm và dính đầy bùn đất. Sau khi đến ngôi chùa Jetavana, vào hầu đảnh lễ Đức Phật xong, Đức Phật thấy vậy, liền truyền hỏi chư Tỳ khưu rằng:
Này các con, các con có kham nhẫn được không?
Các con có điều hòa thân tứ đại này được không?
Các con sống với nhau hòa hợp, đồng tâm nhất trí, không cãi cọ lẫn nhau, sống an cư nhập hạ được an lạc trong suốt 3 tháng mùa mưa phải không?
Hằng ngày các con đi khất thực không vất vả lắm phải không?
Chư Tỳ khưu bạch với Đức Phật rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đều kham nhẫn được; chúng con có thể điều hòa thân tứ đại này được; chúng con sống với nhau hòa hợp, đồng tâm nhất trí, không cãi cọ lẫn nhau, sống an cư nhập hạ được an lạc trong suốt 3 tháng mùa mưa. Hằng ngày chúng con đi khất thực không vất vả. Bạch Ngài.
Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con 30 người xứ Pāveyya đều có ý định đi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, sau đó sẽ an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại kinh thành Sāvatthi. Khi chúng con đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6, chúng con đành phải an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đó, mà tâm của chúng con luôn luôn hướng về Đức Thế Tôn, chúng con thường nói với nhau rằng: “Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khoảng cách chỗ ở của chúng ta chỉ có “6 dôch" tuần, nhưng chúng ta không thể đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn được".
Khi qua 3 tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 chúng con làm đại lễ Pavāranā xong, sáng ngày hôm sau (16 tháng 9) tất cả chúng con tiếp tục lên đường đến hầu Đức Thế Tôn.
Lễ dâng y Kathina của người Khmer Nam Bộ (Ảnh: Sa Ni)
Nghe xong, Đức Phật liền thuyết pháp tế độ cho nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya, sau đó cả 30 vị Tỳ khưu đều chứng đắc quả Arahan (A-la-hán) và thành bậc thánh.
Đức Phật cũng dạy rằng:
- Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, được thọ y Kathina.
Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y Kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu là:
+ Thứ nhất, khi được thỉnh mời, vị Tỳ khưu ấy có thể ra khỏi chùa, mà không báo vị Tỳ khưu khác biết (không phạm giới).
+ Thứ hai, vị Tỳ khưu ấy không giữ gìn đủ tam y (không phạm giới).
+ Thứ ba, vị Tỳ khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị Tỳ khưu trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy (không phạm giới).
+ Thứ tư, vị Tỳ khưu thọ nhận y dư (ngoài tam y) cất giữ quá 10 đêm (không phạm giới).
+ Thứ năm, y phát sinh nơi nào, Tỳ khưu được phép thọ nhận nơi ấy.
Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y Kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu này ( [1])
Sau khi được đức Phật truyền dạy như vậy, các thí chủ Phật tử tại kinh thành Sāvatthi tiến dâng các vị Tỳ khưu những bộ y cà sa mới. Và, đó cũng là nguyên nhân cho ra đời lễ dâng y Kathina. Lễ Dâng y Kathina thật sự có ý nghĩa rất lớn trong giới Phật tử nói chung. Sau khi đã làm lễ thọ y Kathina của chư Tăng xong, Tỳ khưu nào đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y Kathina của chư Tăng, không thay đổi chỗ ở, dù đi nơi nào, tâm vẫn lưu luyến, ràng buộc với ngôi chùa cũ (chỗ đã an cư nhập hạ), vị Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu như đã nói ở trên suốt 5 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu Kathina.
Nếu chư Tỳ khưu Tăng không làm lễ thọ y Kathina, cũng không làm lễ hoan hỷ y Kathina của chư Tăng, thì chư Tỳ khưu ấy chỉ được hưởng đặc ân 5 quả báu trong 01 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến rằm tháng 10, hết hạn quả báu.
Như vậy, Đức Phật đã cho phép chư Tỳ khưu Tăng, sau khi dự mùa an cư kiết hạ suốt 3 tháng mùa mưa, được thọ y Kathina do Phật tử cúng dường. Từ đó đến nay, lễ dâng y Kathina trở thành truyền thống của Phật giáo nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng. Lễ dâng y Kathina được bắt đầu từ sau hạ thứ 14 của Đức Phật và được lưu truyền trở thành truyền thống của Phật giáo mãi cho đến nay.
Ý nghĩa của lễ hội dâng y Kathina trong đời sống người Khmer ở Nam Bộ
Là một trong những lễ hội lớn của dân tộc Khmer, lễ hội Kathina từ rất lâu đời luôn được người Khmer đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, theo quan niệm của người Khmer cho rằng, phước đức từ việc tổ chức lễ hội Kathina đem lại rất lớn. Do đó dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, thì đại đa số người Khmer luôn cố gắng dành dụm tiền bạc, của cải vật chất để được tổ chức lễ hội này ít nhất một lần trong đời mình. Đến tận hôm nay quan niệm về ý nghĩa đó vẫn không thay đổi trong suy nghĩ của người Phật tử Khmer, nó ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của cả cộng đồng dân tộc.
Như chúng ta đã biết, lễ vật quan trọng nhất của lễ hội Kathina chính là bộ y cà sa. Ngày xưa để có được lễ vật này, người Phật tử (người đứng ra làm lễ) và các vị Chư Tăng trong chùa phải tốn rất nhiều công sức, thời gian. Trước tiên, thí chủ phải đi mua vải trắng về, rồi làm lễ dâng vải may y Kathina này đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa. Sau khi thọ nhận vải may y Kathina xong, chư Tỳ khưu Tăng họp nhau lại (trong phạm vi của sây-ma, tức khu vực không gian được thiêng hóa, có thể là trong Chánh điện) để tuyển chọn một vị Tỳ khưu xứng đáng, hội đủ các “tiêu chuẩn", có sự thông hiểu một cách đầy đủ về 8 chi Pháp mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ khưu Tăng. Chư Tỳ khưu Tăng thực hiện các nghi thức Tăng sự, tụng niệm các bài kinh theo qui định, rồi trao tấm vải may y Kathina cho vị Tỳ khưu đã được lựa chọn.
Việc may y để làm lễ thọ y Kathina rất quan trọng và rất cấp bách, bởi lẽ tấm y cần phải được may xong ngay trong ngày hôm đó để làm lễ thọ y Kathina trước lúc rạng đông. Nếu tấm y may chưa xong, để sang ngày hôm sau, thì không thể làm lễ thọ y Kathina với tấm y ấy được. Vì vậy, tất cả chư Tỳ khưu trong chùa, đều phải tập trung cao độ để làm nhiệm vụ may bộ y Kathina này. Trước tiên, người ta cắt tấm vải ra nhiều mảnh ngang, dọc, rồi may nối ghép với nhau để tạo thành tấm y 2 lớp, gọi là săng-khia-đây, hoặc tấm y vai trái, gọi là Ut-ta-ra-sa-ga, hoặc y nội an-ta-ra-vāsaka. Sau đó đem tấm y đi nhuộm sao cho đúng tông màu mà Đức Phật đã chế định. Trong các y trên, thì tấm y săng-khia-đây thường được Chư Tỳ khưu thọ nhận làm y Kathina nhất. Tất cả những việc làm này đủ để nói lên ý nghĩa quan trọng của lễ dâng y Kathina.
Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các thí chủ không còn làm nghi lễ dâng vải may y Kathina cho các Chư Tăng nữa, mà họ đến các cửa hàng chuyên bán các loại vật phẩm liên quan đến đạo Phật để mua những bộ y cà sa may sẵn. Khoảng những năm 1995 trở về trước, đa số Phật tử Khmer ở Nam bộ phải sang tận Campuchia, thậm chí tới cả Thái Lan để mua những bộ y cà sa cũng như các vật dụng khác để làm lễ vật cho lễ Kathina. Hiện tại ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đều đã có cửa hàng bán đồ dùng chuyên về Phật giáo, nhờ vậy các Phật tử và Chư Tăng Khmer đỡ vất vả hơn trong việc mua sắm đồ dùng hay lễ vật.
Trong lễ hội Kathina, ngoài lễ vật chính là bộ y Kathina, chúng ta thấy người Phật tử còn phải sắm thêm nhiều lễ vật khác như: Bình bát khất thực, chiếc dù, cà-men (đồ dùng đựng thức ăn), giường, tủ, chiếu gối, chén bát … và các loại tứ vật dụng thiết yếu khác để dâng vào chùa. Ngày nay, tùy vào tình hình thực tế của từng chùa, các thí chủ tùy vào khả năng của mình có thể thay thế các lễ vật giường tủ, chiếu gối… bằng những thiết bị dân dụng hiện đại như: tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ… Có thể nói đây là cách làm rất thực tế và mang tính hiện đại, phù hợp với thời cuộc, nhằm góp phần làm cho đời sống của các Chư Tăng trong chùa được tiện nghi hơn. Đặc điểm này thường diễn ra tại các ngôi chùa ở khu vực thành thị.
Ngoài những lễ vật như nêu trên, các thí chủ khi làm lễ dâng y Kathina thường dâng kèm một khoản tiền khá lớn, gọi là “Prắc-múc-vót". Qua khảo sát tại một số ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy khoản tiền “Prắc-múc-vót" này ít nhất cũng tầm 20 triệu đồng, còn những thí chủ giàu có thì dâng hơn 100 triệu đồng. Số tiền này thực chất nhằm đóng góp, hỗ trợ cho nhà chùa để trùng tu, tôn tạo hoặc xây mới công trình nào đó trong phạm vi của chùa.
Cùng với Bà-la-môn giáo, Phật giáo đã thâm nhập vào xã hội Khmer từ rất lâu đời. Trải qua bao biến động của lịch sử, Phật giáo vẫn được duy trì và không ngừng phát triển trong cộng đồng phum sróc Khmer. Ngoài những giá trị tạo nên ý thức đạo đức tốt đẹp như tính hiền hòa, chân chất, thật thà, khoan dung, vị tha, bác ái,... Phật giáo còn mang đến cho cộng đồng người Khmer những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo, phong phú và sinh động, không chỉ biểu hiện qua nét đẹp trong phong tục tập quán, trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày, trong kho tàng văn học (văn học viết và văn học dân gian), trong lễ hội... mà còn thể hiện một cách tập trung qua những ngôi chùa cổ kính, đầy vẻ uy nghi. Phải thừa nhận rằng chưa bao giờ và chưa có ở đâu mà nền văn hóa nghệ thuật Khmer, nhất là nghệ thuật tạo hình lại được phô trương một cách khá đầy đủ ở ngôi chùa. Vì thế, việc đóng góp tiền của để xây dựng chùa sao cho khang trang, lộng lẫy được xem như một thứ bổn phận mà các phật tử Khmer luôn sẵn lòng tự nguyện. Đó cũng là hành động xuất phát từ thiện tâm nhằm mang lại phúc đức về sau. Do đó, thời gian diễn ra của lễ hội Kathina chính là dịp tốt để mọi người Khmer được bày tỏ chân tâm trong sáng của mình với đạo Phật. Biểu hiện rõ nét nhất chính là bà con ở các phum, sróc tập hợp nhau lại, làm các “cây bông vàng", “cây bông bạc", rồi gắn lên những tờ tiền đẹp nhất, mới nhất cùng tháp tùng với đám rước lễ vật để dâng lên chùa. Và, cũng chính hình ảnh này mà nhiều người Việt, người Hoa trong vùng thường gọi lễ hội Kathina của người Khmer là “Lễ Dâng Bông".
Tạm kết
Nhìn chung lễ hội Kathina của người Khmer hiện nay, mặc dù còn lưu giữ nhiều nghi thức truyền thống, song cũng đã có nhiều thay đổi. Đó cũng là điều tất yếu khi điều kiện xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống kinh tế của người Khmer Nam Bộ đang ngày càng phát triển tốt hơn./.
______________________________
[1] tr.371-372 trong tác phẩm “Bond-tum-niêm-Khmer" (Lễ hội truyền thống Khmer)- tập 2, của tác giả Chhuan-phan-so-phon, do Pannasastra Univercity Phnom pênh phát hành năm 2000].