Người Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái – Kadai) cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung đông nhất ở tỉnh Lạng Sơn. Theo số liệu năm 2019, dân tộc Tày có 1.845.492 người, đứng thứ hai sau người Kinh (Việt). Người Tày di cư đến Đồng Nai sinh sống từ những năm 50 của thế kỷ XX. Ở Đồng Nai người Tày có 16.529 nhân khẩu, cư trú tập trung ở các huyện: Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Trong quá trình định cư sinh sống ở Đồng Nai, người Tày luôn thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống của mình, trong đó có phong tục đón năm mới.
Người Tày gọi tết Nguyên đán là “Bươn chiêng pi mứ" là thời điểm quan trọng có ý nghĩa nhất trong một năm, đây là thời khắc giao mùa của đất trời. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, con cháu kính nhớ tổ tiên, báo hiếu bố mẹ ông bà. Tết cũng là dịp để mỗi gia đình tổng kết thành quả trong một năm lao động và đưa ra những dự định cho tương lai.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cúng ông Táo, không khí chuẩn bị đón tết mừng xuân mới trở nên náo nhiệt, các gia đình người Tày đều chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp các đồ dùng sinh hoạt trong nhà cho ngăn nắp, quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới và mời tổ tiên ông bà về ăn tết. Bàn thờ chính là nơi có vị trí quan trọng nhất trong ngôi nhà, thường là đàn ông đảm nhận. Trước khi lau bàn thờ, người Tày nấu nước lá thơm gồm những thứ cây có ngoài vườn như: lá bưởi, lá chanh, lá sả, cây thanh táo… lau rửa các đồ thờ; người Tày cũng bỏ hết chân nhang trên lư hương ra góc vườn, lấy tro hoặc cát bù vào lư hương và đặt lại vị trí cũ. Sau khi vệ sinh các đồ thờ sạch sẽ, người ta trải một tờ giấy đỏ trên bàn thờ với hy vọng một năm mới tổ tiên ông bà sẽ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, con cháu thuận lợi và may mắn trong công việc.
Ngày 28 tháng Chạp, người Tày ở Đồng Nai làm các loại bánh vừa để ăn, vừa để cúng kính tổ tiên. Bánh chưng là loại bánh không bao giờ thiếu trong những ngày tết, người Tày làm bánh chưng hình vuông, bánh tét hình trụ dài, nhưng có một loại bánh mang nét riêng của người Tày, đó là bánh chưng “lưng gù", chiếc bánh dài có phần lưng bánh hơi gù lên giống như chiếc lưng đeo gùi của những người phụ nữ vùng cao. Ngoài ra, trong dịp tết, người Tày còn làm nhiều thứ bánh khác như: bánh dày, bánh khảo, bánh bỏng, bánh chè lam... Trong nhà, ngoài sân cũng không thể thiếu sắc hoa tươi thắm, tùy theo gia đình mà chưng cây mai, cành đào, bông cúc, vạn thọ… Sắc màu của các loài hoa làm cho không khí mùa xuân càng thêm rực rỡ.
Tục lệ gói bánh chưng ngày tết - Ảnh: Nguyễn Anh Đức
Ngày 30 tết, người Tày dùng giấy đỏ dán vào thân cây trong vườn, các vật dụng, công cụ lao động máy móc, chuồng lợn, chuồng gà… Người Tày quan niệm, cây cối và các đồ dùng trong nhà đã hỗ trợ con người trong cuộc sống, cho nên dán giấy đỏ như lời cảm ơn và mời cây cối, các vật dụng cùng ăn tết với gia đình. Chiều ngày 30 tết, một số gia đình người Tày ở huyện Định Quán, huyện Tân Phú dựng cây nêu trước nhà. Cây nêu thường bằng tre hoặc trúc, thân thẳng và không bị sâu mọt, trên thân và ngọn cây nêu buộc nhiều giấy đỏ, túi màu đỏ, bên trong có ít muối, ít gạo, kẹo bánh. Người Tày quan niệm cây nêu có tác dụng đuổi trừ tà ma, xua tan ám khí trong những ngày đầu năm mới, cây nêu cũng là dấu hiệu nhận biết để ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, cây nêu được để đến hết tháng Giêng mới hạ xuống. Sau khi dựng cây nêu, gia đình chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn bày trước bàn thờ, chủ nhà thắp 3 nến hương mời tổ tiên về hưởng lễ cùng con cháu. Ngoài mâm cúng ông bà, một số gia đình đặt thêm mâm cúng bên ngoài nhà, mời những linh hồn tha phương, cô hồn không nơi nương tựa về ăn tết. Sau khi rước ông bà về nhà ăn tết, chính là lúc các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên ấm cúng, tâm sự và đúc kết kinh nghiệm trong một năm lao động sản xuất.
Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng gia đình quây quần chúc nhau trong niềm vui, hạnh phúc khởi đầu một năm mới. Sau thời khắc giao thừa cho đến hết ngày mùng Một, một số gia đình người Tày ở huyện Cẩm Mỹ đưa các món chay lên bàn thờ cúng tổ tiên như: chè nếp, bánh khảo, kẹo… Ngày mùng Một con cháu trong gia đình sẽ dùng các món chay. Ngày mùng Một đầu năm, một số gia đình người Tày ở huyện Định Quán kiêng sát sanh, để cầu cho ông bà, tổ tiên được siêu thoát.
Sáng sớm mùng Một tết, người Tày có truyền thống đi lấy nước ở suối, chủ nhà đem đĩa gạo, đĩa muối ra giếng nước, thắp ba cây nhang tạ ơn thần nước, xin thần nước cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm và hạnh phúc. Cả nhà đứng trước bàn thờ thắp nén nhang kính lạy tổ tiên, ông bà cha mẹ mừng bao lì xì cho con cháu, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương nhau trong cuộc sống, ngược lại con cháu cũng có bao lì xì lại chúc tuổi bố mẹ ông bà, sau đó mọi người đi chúc tết anh em trong dòng họ. Mùng Hai tết, mọi thành viên trong gia đình đi chúc tết bên ngoại, đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia. Trong những ngày tết, hàng xóm láng giềng đến nhà nhau với lời chúc“hát lăng cù mì, chi lăng cùng đẩy", nghĩa là “ước gì được nấy, làm gì được nấy", mọi người cùng nâng ly rượu chúc mừng làm cho không khí ngày xuân càng thêm rạo rực. Ngày mùng Ba hoặc mùng Bốn tết, nhiều gia đình người Tày làm mâm cơm tiễn ông bà tổ tiên về cõi âm, cầu mong tổ tiên ban phước lành cho con cháu một năm nhiều may mắn, sức khỏe và thịnh vượng.
Trong dịp Tết, người Tày cũng có vài kiêng kỵ nhất định giống như người Việt; người Tày kiêng không quét nhà ngày mùng Một vì sợ quét của của ra ngoài, gia đình nào có tang thì kiêng không đi chúc tết anh em, làng xóm, vì sợ đem điều không may đến cho người khác.
Trong những ngày đầu năm mới, người Tày mời bà Then hoặc thầy mo về làm các nghi lễ: cầu an, giải hạn, chúc phúc, chúc thọ cho người thân. Trong dịp tết, người Tày tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian theo truyền thống. Hàng năm, thường vào ngày 5 tháng Giêng người Tày ở xã Thanh Sơn lại tổ chức lễ hội “Lồng Tồng" (xuống đồng) để tạ ơn và cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ hội có nhiều loại hình văn hóa dân gian diễn ra như: ném còn, đánh cầu, biểu diễn đàn tính, hát then... thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái ở địa phương cũng như dân cư các vùng lân cận khác cùng tham dự.
Phong tục đón tết Nguyên đán của người Tày không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, mà còn là dịp để con cháu đoàn tụ, sum vầy cùng dòng họ, gia đình, dịp để các thế hệ đi trước trao truyền lại bản sắc văn hóa truyền thống và những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Mùa xuân về mang theo hương sắc của đất trời và tình người gần gũi nhau hơn, ở những địa phương có người Tày sinh sống lại vang lên những điệu hát then ngọt ngào trong niềm vui về một năm mới may mắn, hạnh phúc và bình an.
---------------------------
(Bài viết tham khảo các tài liệu: Hà Đình Thành (2010), Văn hóa dân gian Tày - Nùng ở Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; Lã Văn Lô, Hà Văn Thư (1968), Văn hóa Tày Nùng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; Hoàng Nam (2001), Dân tộc Tày - Nùng ở Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội; Tài liệu điền dã năm 2013, 2014, 2015 của tác giả)
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 73 (Tháng 3 năm 2024)