Thanh Sơn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Định Quán có diện tích tự nhiên là 31.345,40 ha, dân số gồm 6.145 hộ với 26.108 nhân khẩu. Địa bàn xã Thanh Sơn có 19 dân tộc cùng cộng cư trong đó người Kinh đông nhất chiếm 75% dân số, 25% còn lại là dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Thái, Chơro.... Trong các dân tộc, người Tày là một trong những tộc người còn gìn giữ được nhiều sắc thái văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo ở địa phương.
Người Tày ở xã Thanh Sơn có 169 hộ/ 721 nhân khẩu, sống tập trung đông nhất tại ấp 8 (50 hộ), số còn lại sống rải rác ở các ấp trong xã. Người Tày có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên) di cư vào Đồng Nai những năm đầu thập niên 80, thế kỷ XX. Ban đầu họ di cư vào xã Phú Thịnh (khu vực Bàu Kiêng), xã Tà Lài của huyện Tân Phú để sinh sống, năm đó tiếp tục di chuyển về khu vực xã Thanh Sơn, huyện Định Quán để định cư cho đến ngày nay.
Nếu có dịp đến khu vực người Tày ở xã Thanh Sơn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì dấu ấn văn hóa truyền thống của họ hiện diện gần như nguyên vẹn trong mọi lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần như phong tục tập quán, văn học dân gian, tín ngưỡng, lễ hội...
Lễ hội lồng tồng - đậm đà bản sắc dân tộc
Lễ hội Lồng tồng (còn gọi là lễ hội Xuống đồng) là lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm, gắn với nông nghiệp của người Tày tạ ơn và cầu mong thần linh che chở, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, cuộc sống no ấm. Chính vì vậy, lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân sau khi mùa màng thu hoạch xong. Lúc đầu do điều kiện kinh tế khó khăn, người Tày tổ chức lễ hội Lồng tồng ở quy mô hộ gia đình. Từ năm 2017 đến nay, đồng bào mới chính thức tổ chức lễ hội Lồng tồng quy mô cộng đồng với những tập quán, nghi thức truyền thống dân gian.
Người Tày Thanh Sơn tổ chức lễ hội Lồng tồng tại cánh đồng thường ngày canh tác. Trước ngày diễn ra, đồng bào dọn dẹp khu vực tổ chức lễ hội sạch sẽ, đường dẫn vào khu vực tổ chức lễ hội được trang hoàng cờ phướn đủ màu sắc. Nơi tổ chức lễ hội được chia thành các khu vực: bàn thờ để tế lễ; khu dành riêng cho việc tổ chức các trò chơi, văn nghệ dân gian; khu ăn uống... Lễ hội do các thầy cúng chủ trì thực hiện trong 01 ngày với các nghi thức mang đậm màu sắc của Tam giáo (Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo). Lễ vật gồm 01 con heo quay, 01 đĩa trái cây, 01 đĩa bánh dầy, 01 đĩa bánh chưng, 01 đĩa bánh khảo đủ bọc giấy màu đẹp mắt.
Trong lễ cầu mùa, nghi thức Xuống đồng có vai trò quan trọng được thực hiện bởi một người đàn ông to khỏe, có đạo đức tốt, làm ăn giỏi nhất làng. Theo lệ xưa, người Tày phải chọn được một con trâu tốt nhất để vạch những đường cày đầu tiên của vụ mới, mở đầu cho một mùa sản xuất bội thu. Hiện nay ở xã Thanh Sơn bà con sử dụng máy cày thay trâu, phía sau các đường cày là bảy cô gái trẻ đại diện cho các dân tộc anh em cùng canh tác chung trên cánh đồng, gieo những hạt gạo, đậu... với mong muốn một mùa vụ bội thu.
Phần hội tiếp nối với nhiều trò chơi, văn nghệ truyền thống dân gian như trò chơi ném còn, đánh cù, hát sli, hát lượn, múa sạp... thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Mỗi trò chơi dân gian đều mang những ý nghĩa sâu xa, cao quý, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở theo quan niệm của cư dân nông nghiệp.
Các tập quán xã hội - đa dạng và giàu bản sắc
Bên cạnh lễ hội truyền thống, người Tày ở Thanh Sơn vẫn gìn giữ các tập quán xã hội của dân tộc mình thông qua các tục lệ sinh đẻ, hôn nhân, mừng thọ, tang ma, cầu an, cúng chữa bệnh.... Đặc biệt, người Tày Thanh Sơn vẫn duy trì phong tục mời thầy cúng về làm lễ trong dịp đám ma, cúng chữa bệnh, giải hạn... Họ tin rằng thầy cúng là những người có phép thuật có thể nói chuyện được với thần linh, giúp họ truyền tải những lời cầu khấn tới thần linh một cách nhanh nhất. Các nghi lễ này, người Tày gọi là lễ làm Then, được tổ chức thường xuyên vào dịp đầu năm hoặc khi gia đình có sự việc.
Thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng của người Tày, do đó bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được họ đặt ở gian giữa nơi trang trọng, cao nhất trong ngôi nhà. Vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng, người Tày đều thắp nhang cúng kiếng. Ngày 30 tết hay giỗ chạp người đàn ông trong gia đình sẽ đứng ra dọn dẹp bàn thờ và thắp nhang cho Tổ tiên. Đối với người Tày bàn thờ Tổ tiên là nơi linh thiêng, do đó bất kỳ ai cũng không được phép đứng quay lưng lại phía bàn thờ và không được đụng chạm tới ông bà Tổ tiên của nhau. Phong tục tập quán xã hội này đã góp phần tạo nên sự đặc sắc và độc đáo của văn hóa người Tày ở Thanh Sơn.
Lễ vật cúng tại Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Đồng Nai - Ảnh: Trần Minh
Văn nghệ, tri thức dân gian - phong phú và độc đáo
Người Tày có kho tàng văn nghệ dân gian vô cùng phong phú với nhiều thể loại như: hát then, hát lượn, truyện kể... Sinh sống nơi mảnh đất mới với điều kiện ban đầu muôn vàn khó khăn nhưng người Tày ở Thanh Sơn với ý thức cội nguồn, lạc quan, yêu đời... đã bảo tồn gần như nguyên vẹn các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian của mình. Hát Then của người Tày là loại hình hát dân ca đặc trưng, thể hiện nét văn hóa sinh hoạt tinh thần với nội dung ca ngợi quê hương đất nước, phong tục tập quán, tình yêu đôi lứa. Người Tày hát Then với nhạc cụ tiêu biểu là đàn tính trong những dịp như lễ hội, ma chay, cưới hỏi... Tiếng hát Then cùng với âm nhạc của chiếc đàn tính như sợi dây vô hình kết nối con người với các vị thần linh, giúp cho những lời cầu khẩn của họ tới các vị thần một cách nhanh nhất. Do đó, hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và là nét văn hóa đặc trưng nổi bật trong đời sống người Tày Thanh Sơn. Hát lượn là loại hình dân ca hiện còn được một số người lớn tuổi trong cộng đồng người Tày ở Thanh Sơn gìn giữ. Nội dung của hát lượn là những lời hay ý đẹp, những lời ví von sâu sắc đầy tính nhân văn và thường được hát trong những dịp vui giao duyên nam nữ. Truyện kể hiện vẫn còn được một số người lớn tuổi trong cộng đồng người Tày Thanh Sơn lưu giữ như: truyện kể về tình yêu chung thủy hay truyện kể về cậu bé mồ côi...
Ẩm thực truyền thống của người Tày ở Thanh Sơn cũng rất phong phú và đa dạng như bánh khảo, bánh gai, bánh dày, xôi ngũ sắc... Ngoài ra, rượu là thức uống không thể thiếu của đồng bào. Người Tày có loại rượu nếp, được ủ trong hũ sành từ hai đến ba tháng. Các món ăn thức uống là những món ăn được người Tày chế biến trong những dịp lễ hội hay gia đình có khách quý.
Trang phục truyền thống của người Tày vẫn được bảo tồn, mặc trong những buổi giao lưu văn hóa cộng đồng và lễ hội truyền thống. Trang phục của nam giới thường là áo tứ thân được xẻ trước ngực cài cúc vải, cổ tròn và xẻ tà có 2 túi nhỏ ở trước dưới 2 thân áo; quần có đáy rộng, cạp cao khi mặc dây thắt dây ở bên ngoài. Trang phục của nữ giới bao gồm áo cánh, áo dài, quần hoặc váy, khăn đội đầu mỏ quạ, chân đi hài. Áo cánh là loại áo ngắn được xẻ ngực và cài bằng nút có hai túi trước hai tà và thường được mặc bên trong của áo dài. Còn áo dài thì được may dài qua bắp chân, xẻ từ dưới cổ tới bên nách phải và cài bằng nút vải. Ngoài ra, phụ nữ Tày còn buộc thêm thắt lưng bằng vải quấn quanh bụng và được thả dài ở phía sau lưng.
Người Tày ở Thanh Sơn hiện nay vẫn còn thực hành nhiều trò chơi gian dân như ném còn, nhảy sạp, đánh gụ... Các trò chơi dân gian được tổ chức đã thu hút đông đảo nam, nữ, già trẻ, gái trai tham gia nhiệt tình, hào hứng vào các dịp lễ tết.
Với truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc, người Tày ở Thanh Sơn luôn tự hào với những giá trị văn hóa đẹp đẽ và đầy tính nhân văn của dân tộc mình. Cộng đồng người Tày Thanh Sơn luôn có ý thức bảo tồn, lưu truyền và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho cộng đồng khác và thế hệ mai sau.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 74 (Tháng 4 năm 2024)