Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
​NGƯỜI GIỮ GÌN VĂN HOÁ DÂN GIAN CỦA ĐỒNG BÀO HOA - NÙNG Ở ĐỒNG NAI

Người Hoa Đồng Nai bao gồm hai nhóm Hoa là nhóm Hoa Hán và Hoa Nùng (hay người Hoa Hải Ninh). Ở Biên Hòa, người Hoa Nùng tập trung ở hai địa bàn phường Tân Phong và phường Bình Đa. Nếu ai muốn tìm hiểu về nhóm người Hoa Nùng ở phường Tân Phong thì phải liên hệ đến những người am hiểu và có uy tín trong cộng đồng, một trong những người uy tín đó là ông Lý Nàm Sáng. Ông Sáng sinh năm 1966 quê gốc Quảng Đông (Trung Quốc) được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, hiện làm Trưởng ban trị sự chùa Quan Âm, người uy tín Biên Hòa và là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai (nhiều nhiệm kỳ).
Ông Lý Nàm Sáng không chỉ là người uy tín mà còn là kho tàng sống lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian của cộng đồng người Hoa Nùng ở phường Tân Phong. Ông Sáng là người khá nhiệt tình và dễ mến, bất cứ ai muốn tìm hiểu về văn hóa của người Hoa Nùng đều được ông cung cấp rất tận tình những vấn đề mà mình hiểu biết về tộc người.
Ông Sáng có cha là người Hán quê Quảng Đông (Trung Quốc), năm 1935 (lúc đó khoảng 24- 25 tuổi) qua Việt Nam sinh sống bằng nghề mua bán ve chai. Mẹ ông là người Ngái (lúc còn nhỏ theo cha di cư từ Trung Quốc qua Việt Nam) sinh sống tại vùng Hà Cối, Móng Cái. Năm 1954, gia đình ông Sáng di cư từ tỉnh Quảng Ninh vào Sông Mao, Bình Thuận; khoảng năm 1956-1957, gia đình ông cùng nhiều hộ gia đình khác di chuyển vào vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tại Tân Phong, gia đình ông tiếp tục sinh kế bằng nghề mua bán ve chai, làm vàng mã, xì dầu, dấm...
Tân Phong là địa bàn định cư của nhóm người Hoa Nùng từ Sông Mao di cư đến, tại đây bà con lập nên một khu dân cư mang đặc trưng văn hóa tộc người thiểu số dù họ sống xen kẽ với người Việt. Khu vực chợ Phúc Hải, người Hoa Nùng sống tập trung thành những dãy nhà phố liên kế, trước nhà dán giấy đỏ là đặc điểm dễ nhận biết văn hóa Hán nói chung. Cộng đồng người Hoa Tân Phong còn xây dựng một ngôi miếu Quan Âm (thường gọi là chùa) mà ông Sáng làm Trưởng ban Trị sự suốt 5 nhiệm kỳ từ năm 2004 đến nay, thể hiện năng lực, trình độ hiểu biết và uy tín của ông đối với cộng đồng. Bên cạnh ngôi miếu còn có trường học trước kia dạy chữ Hán cho con em trong cộng đồng.
Sống trong cộng đồng và chịu khó tìm hiểu văn hóa từ người lớn tuổi, dần dà ông Sáng tích lũy được nhiều kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, kho tàng văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực... của cộng đồng mình. Bởi vậy, mỗi khi có người hỏi thăm về đặc trưng văn hóa tộc người Hoa Nùng, ông Sáng luôn sẵn sàng đáp ứng được một cách thông thạo và chuẩn mực.
Một điều thuận lợi để mọi người có thể tiếp cận và khai thác từ ông Sáng là do ông có thể nói tiếng Việt khá rành rẽ bên cạnh tiếng Hoa bản địa, trong khi một số người lớn tuổi hơn thường không nói được tiếng Việt rõ ràng. Chúng tôi thường được cung cấp những thông tin về phong tục tập quán, tín ngưỡng rất đặc trưng, phong phú. Chẳng hạn: người Hoa Nùng có tập tục thờ các vị thần linh từ ngoài vào trong nhà qua những biểu hiện như: hai bên cửa chính gắn hai ống nhang có hai tay tạo hình trông giống như con tôm (?). Khi được hỏi, ông Sáng chia sẻ như sau: “Cái ống nhang này là truyền thống. Xưa thì hai cái râu hai bên để cắm thêm nến, khi cúng đốt thêm nến để soi sáng cho vong hồn thấy đường về dự hưởng. Sau này thì ống nhang sản xuất hàng loạt rồi nên tục đốt nến bị mai một hết". Ông nhấn mạnh: Việc cắm nhang ở trước cửa nhà là thờ thần Cửa, ngoài sân là thờ thiên thần. Việc đốt nến đốt là để dẫn đường cho vong hồn hoặc thần thánh, soi sáng để vong hồn hoặc thần thánh biết đường về hưởng dùng đồ cúng khi gia đình cúng tế.
Hoặc khi được hỏi “Tại sao gia đình người Hoa Nùng không thờ Ông Táo ở dưới bếp mà lại thờ ở giữa nhà (bằng bát nhang) cùng với hai bát nhang khác tượng trưng cho Tổ tiên và Quan Âm?". Ông Sáng giải thích rất “bản sắc" văn hóa tộc người như: Do nhà người Hoa Nùng xưa kia ở Trung Quốc có tục bố trí bếp lửa ở giữa nhà (giống như các cộng đồng tộc người thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay) với vai trò quan trọng là nơi có ánh sáng tập trung, nấu ăn, sinh hoạt tạo nên sự ấm cúng quy tụ mọi người trong ngôi nhà cùng quây quần bên nhau. Tục lệ này hoàn toàn khác với người Hán (và người Việt) có tập quán thờ Táo Quân ở dưới nhà bếp do vị trí bếp ở cuối gian nhà. Người Hoa Nùng ở Đồng Nai không thờ thần Cổng như ở Bắc Giang mà thờ các thần Cửa, thần Bếp, Tổ tiên, Quan Âm, Bà Mụ.
Khi hỏi về tục thờ Bà Mụ rất đặc trưng của người Hoa Nùng, ông Sáng trả lời: người Hoa Nùng thờ Bà Mụ trong phòng ngủ có trẻ em dưới 18 tuổi. Theo tục lệ khi đứa trẻ được 12 tuổi thì gia chủ sẽ bỏ bàn thờ Bà Mụ đi. Tuy nhiên, cũng có những gia đình dù đứa trẻ đã lớn nhưng vẫn giữ nguyên bàn thờ Bà Mụ, vì họ tin rằng cứ thờ cúng thêm Bà Mụ trong nhà cũng là điều may mắn và bình an. 

Ông Lý Nàm Sáng.JPG 

Ông Lý Nàm Sáng (Người cài phù hiệu) - Ảnh: Nguyên Thơ

Để có thể thực hành được những nghi lễ và sinh hoạt tín ngưỡng của miếu Quan Âm thì Ban trị sự cần phải có người hiểu biết để đưa ra những nội dung cần thực hành trong những ngày lễ vía liên quan (vía Quan Thế Âm bồ tát, vía Quan Thánh Đế quân, vía Án Thủ Công công... ) và phần hội (đấu giá đèn lồng, đấu giá Phúc pháo), lễ Tả Tài phán... Trong Ban Trị sự, ông Sáng luôn là người cố vấn xây dựng chương trình tổ chức các lễ vía Quan Âm (18/2 âm lịch, 18/6 âm lịch và 18/9 âm lịch); đặc biệt tổ chức được lễ Tả Tài phán sau rất nhiều năm (có khi gần 20 năm) mà cộng đồng không có khả năng tổ chức vì tốn rất nhiều kinh phí. Những lễ vía Quan Âm và lễ Tả Tài phán luôn được Ban Trị sự miếu Quan Âm tổ chức đầy đủ các nghi thức, tính chất quy mô và theo bản sắc văn hóa người Hoa Nùng. Phần hội luôn có tục đấu giá đèn lồng và đấu giá Phúc pháo hay Kim tượng Phật Bà (bàn thờ Phật Bà Quan Âm). Số tiền thu được sẽ được Ban trị sự miếu chi phí trong việc tu sửa và làm từ thiện xã hội. Đây cũng là cơ sở tín ngưỡng người Hoa ở địa phương thường xuyên làm từ thiện, cấp phát gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương... cho các đối tượng nghèo trong và ngoài địa bàn, không phân biệt dân tộc và tôn giáo...
Do những đóng góp tích cực của ông Lý Nàm Sáng trong cộng đồng, ông thường xuyên được Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng vào các dịp tổng kết cuối năm hoặc dịp lễ kỷ niệm của ngành. Ông Sáng cũng là người uy tín luôn được bà con trong và ngoài cộng đồng yêu quý, là người hiểu biết, luôn có ý thức giữ gìn vốn văn hóa dân gian trong đồng bào người Hoa Nùng ở Đồng Nai. Đặc biệt, ông Lý Nàm Sáng còn là cộng tác viên tích cực của các đơn vị quản lý văn hóa dân tộc, thường xuyên kết nối mỗi khi cộng đồng tổ chức lễ vía hay lễ hội liên quan, là nhân chứng thường được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tìm đến khai thác tư liệu sống nhiều năm qua.

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 76 (Tháng 6 năm 2024)


NGUYỆT MINH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​