Rước kiệu Ông từ Đền thờ Đức Thánh Trần đến Đền Mẫu (Phúc Linh Từ). - Ảnh: Nguyên Hiền
Lễ hội Rước kiệu là một hoạt động chính thức trong lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại Đền thờ Đức Thánh Trần (ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Lễ Rước kiệu Ông từ Đền thờ Trần Hưng Đạo đến Đền Mẫu Phúc Linh Từ luôn thu hút đông đảo người dân tham gia vào dịp lễ giỗ Ông. Lễ giỗ cũng là dịp để người dân tưởng nhớ, ngưỡng vọng và ghi nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cùng nhau đoàn kết, góp phần xây dựng gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.
Lịch sử hình thành ngôi đền
Đền thờ Trần Hưng Đạo do những người phu miền Bắc vào làm công nhân cao su cùng tạo lập từ những năm 1930, ban đầu thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đến năm 2014 thỉnh tượng Quốc Tổ Hùng Vương về thờ phụng, là những vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của người Việt. Gần một thế kỷ qua, bao thế hệ công nhân cao su đã tiếp nối nhang khói thờ phụng các vị thần linh tại đền thờ cho đến nay.
Đền thờ có diện tích 1.250m2 được xây dựng theo kiến trúc lối chữ Nhị, bao gồm có hậu cung; nội điện và tiền tế. Đối tượng thờ chính là danh tướng Trần Hưng Đạo và Hùng Vương. Do ảnh hưởng của tín ngưỡng cư dân Bắc Bộ, đến năm 1975 Ban Quý tế đền thỉnh thêm các vị Tam Tòa Quốc Mẫu, Quan Văn, Quan Võ Triều Trần - Tứ Vị Vương Tử - Nhị Vị Vương Cô - Bà Chúa Thổ, Chúa Rừng (hệ thống thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu) vào phối thờ. Năm 1995, Ủy ban Nhân dân xã Xuân Mỹ thiết lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thờ tự trong đền.
Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn (1231- 1300) là một nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất, anh hùng dân tộc thời Trần. Ông người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Nam Định), với ba lần chỉ huy quân ta đánh đuổi hơn sáu mươi vạn giặc ngoại xâm phương Bắc Nguyên Mông ra khỏi đất nước. Những chiến công hiển hách chống ngoại xâm và tên tuổi của Trần Hưng Đạo vẫn còn mãi giá trị lịch sử, tâm linh trong lòng dân Việt. Ông là người văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn. Sau khi ông mất, nhân dân đã tôn danh là Đức Thánh, lập đền thờ ở Vạn Kiếp và nhiều nơi khác. Hàng năm, người dân tổ chức lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Thành ngữ dân gian “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" là để ghi nhớ ngày vía Đức Thánh Trần Hưng Đạo (20/8 âm lịch) và vía Thánh Mẫu Liễu Hạnh (03/3 âm lịch) trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đối với công nhân cao su và người dân xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), Đức Thánh Trần Hưng Đạo còn được ngưỡng vọng như một vị Thành Hoàng được cư dân Bắc Bộ đem theo và duy trì thực hành tín ngưỡng bản địa khi di cư vào vùng đất Nam Bộ.
Lễ hội rước Kiệu Đức Thánh Trần
Theo lệ, thường niên từ ngày 19 đến 21 tháng 8 (âm lịch), nhân dân xã Xuân Mỹ tổ chức lễ giỗ Đức Thánh Trần. Trong dịp lễ vào ngày lễ chính (chính kỵ 20/8 âm lịch) thường có nghi lễ rước kiệu vô cùng độc đáo được người dân xem là nghi thức quan trọng và sôi động nhất.
Vào dịp lễ từ ngày 19/8, Ban Tế lễ chuẩn bị lễ vật, chưng dọn bàn thờ, trang hoàng khu vực đền thờ và cử hành lễ Tế cáo yết, sang ngày 20/8 là lễ Chính kỵ được mở đầu bằng nghi lễ rước kiệu Đức Thánh. Nghi thức rước bắt đầu vào lúc 7h sáng, theo phân công các Ban tham gia rước kiệu của các ấp trong xã Xuân Mỹ đều tham gia vào đoàn rước kiệu. Đoàn rước sẽ xuất phát từ Đền thờ Trần Hưng Đạo đi đến Đền Mẫu Phúc Linh Từ thờ Thánh Mẫu (ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ) khoảng 1,5 km với ý nghĩa thỉnh Đức Thánh Trần về Đền Mẫu hội tụ cùng các vị Thánh. Tham gia đoàn rước còn có các vị cao niên, các Ban Tế lễ nam nữ và các Ban đền am miếu, tịnh xá, đoàn rước mặc lễ phục rước đi dưới cờ hội của Đền thờ Đức Thánh Trần. Thứ tự đoàn rước như sau: đi đầu là đội lân - sư - rồng, đội rước quốc kỳ rực rỡ sắc màu cờ hoa, đội chiêng - trống, đội rước biểu dấu và bát bửu, đội bát âm, đội rước tàn lọng và đội kiệu, đội khiêng kiệu Ông (các thiếu niên nam), đội nữ cầm cờ, đao đi trước kiệu (các thiếu niên nữ). Trong tiếng trống hội âm vang, tiếng nhạc uyển chuyển xen lẫn mùi hương trầm ngào ngạt, toàn thể đoàn rước và nhân dân trong những trang phục truyền thống với niềm vui tươi, hân hoan, phấn khởi... Hòa cùng với đoàn rước còn có đông đảo khách thập phương nô nức hòa theo đám rước tạo nên bầu không khí rộn rã, vui tươi, vừa linh thiêng nhưng rất đỗi gần gũi. Đoàn rước thể hiện tính cộng đồng đoàn kết trong tín ngưỡng mang lại những kỷ niệm sâu sắc tốt đẹp, an lành trong lòng mỗi người dân khi hòa mình vào lễ hội.
Lễ vật trong lễ rước kiệu thường có: heo quay, xôi, gà, hương, đăng, trà, quả. Ban quý tế đại diện cho dân làng dâng cúng thần. Đến 9 giờ sáng đoàn rước kiệu hoàn thành nghi thức và an vị Đức Thánh trở lại đền thờ. Sau lễ rước là lễ tế được thực hành như điển lệ với ba tuần rượu, một tuần trà, đọc và hóa văn tế. Kết thúc phần lễ, Ban tế sẽ cùng với người dân thọ lộc Đức Thánh. Phần hội trong lễ giỗ hàng năm thường diễn ra nghi thức diễn xướng Hầu đồng (khoảng 12 giá đồng) với mục đích truyền đạt những thông điệp của Đức Thánh và các thần linh đến cộng đồng, đồng thời đây cũng là phần hội thu hút đông đảo sự theo dõi của người xem.
Ngày 21/8 âm lịch, kết thúc lễ Ban Tế lễ thực hiện nghi thức tế tạ, mục đích tạ ơn Đức Thánh đã về chứng giám và cầu mong người dân luôn được Đức Thánh ban ơn phước lộc và bình an.
Ý nghĩa lễ hội rước Kiệu Đức Thánh Trần Hưng Đạo
Lễ hội Đền thờ Đức Thánh Trần ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai từ hàng chục năm qua chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, là di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa đối với cộng đồng dân cư. Lễ hội góp phần gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa cổ truyền của người Việt ở địa phương. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, góp phần nâng cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" và lòng tôn kính đối với các vị danh hùng dân tộc Việt Nam. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng dân tộc, tạo sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động văn hóa dân gian. Sự tồn tại của lễ hội Đức Thánh Trần Hưng Đạo xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ chứng minh sức sống bền chặt của văn hóa Việt đồng bằng Bắc Bộ trong cộng đồng dân cư ở vùng đất mới Đồng Nai - Nam Bộ.
(Nguồn: VNĐN số 79 – tháng 9, năm 2024)