Khi tôi 18 tuổi, ước mơ lớn nhất của tôi là được đặt chân đến một trường đại học ở thành phố, hằng ngày đều được đi qua những con phố sầm uất và toà nhà sang trọng. Sài Thành với tôi khi đó là vọng tưởng đẹp đẽ và tráng lệ. Còn nhớ tôi đã nắn nót viết từng nguyện vọng đại học như đang cẩn thận chọn nơi để bản thân được "nở mày nở mặt" nhất. Tất cả nguyện vọng của tôi đều là các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không phải vì tôi sĩ diện, mà khi ấy tôi nghĩ mình đã lớn. Tôi thấy mình như một chú chim, cố gắng thêm nữa thì sẽ được bay ra khỏi chiếc lồng và tìm đến chân trời mới. Chẳng chú chim nào lại không thích những mảnh vườn màu mỡ, những vùng trời sôi động cả. Nghĩ đến viễn cảnh được sống tự lập, không phải nhìn sắc mặt của bố mẹ để xin xỏ bất cứ điều gì, trong lòng tôi hứng khởi lắm.
Ngày công bố điểm tuyển sinh đại học, tôi đỗ nguyện vọng 1 ngành mỹ thuật ứng dụng. Đó là kết quả sau khi tôi lén lút gạch bỏ nguyện vọng học Sư phạm - niềm mong mỏi của cả “đại gia đình". Tôi đã không khác gì tội đồ vì đã phá vỡ niềm hy vọng của người lớn. Lúc đó sự ấm ức xen lẫn với khát khao được bước chân ra khỏi nhà, được sống tự lập và làm những điều mình muốn lại càng lớn. Và ngày ấy đã thực sự đến, tôi nghĩ ngay khoảnh khắc mình đã được tự do. Tôi như chú chim non đầy ước mơ, khát vọng được chắp thêm đôi cánh thật chắc chắn khi giấy báo tuyển sinh của trường gửi đến nhà.
Và cứ thế, mỗi sáng sớm tôi được đi qua những con phố sầm uất, nhộn nhịp như tôi từng mơ ước. Trường đại học của tôi có đầy đủ thiết bị công nghệ hiện đại, khiến cho một đứa trẻ mới lớn như tôi choáng ngợp. Bạn bè ở Sài Thành của tôi vô cùng sành điệu nhưng cũng rất hoà đồng và dễ mến. Các bạn đã bày cho tôi rất nhiều thứ hay ho: cách ăn mặc, nói năng, ứng xử của nhiều vùng miền trong cả nước. Còn nhớ một chiều tôi cùng vài đứa bạn rủ nhau ra bờ kè Thanh Đa hóng gió và bàn về tương lai, đặng “tập tành" làm người lớn. Tôi chỉ vào tòa nhà Landmark 81 ở phía bên kia sông, hỏi lớn: “Sau này tụi bay có thích ở trên tòa nhà đó không?". Đứa thì bảo thích ở nhà mặt đất, có đứa thì dạn miệng hứa hẹn sau này sẽ mua hẳn một căn rồi rủ cả đám đến chơi cùng. Duy nhất chỉ có nhỏ Kiều nói: “Thôi ở đâu cũng được, bình an là được rồi". Nhỏ Kiều… quê ở miền Trung.
Khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, tôi lại cảm thấy nhớ con đường đến trường đầy sỏi tôi vẫn hay đi trong những năm cấp 3, chỉ cần ra đến đầu ngõ đã có các cô hàng xóm gọi lại hỏi thăm, nhớ hơn là những lời nhắc nhở của bố mẹ mà khi xưa tôi đã cho rằng đó là cằn nhằn khiến tôi khó chịu... Khi tự do, sẽ không ai la rầy khi tôi ra ngoài quên đem áo mưa và trở về với bộ dạng ướt sũng; khi tự do, chỉ cần tôi sụt vài cân sẽ có nhiều người khen rằng như thế trông rất đẹp;... Khi tự do, cũng là lúc tôi biết rằng chỉ bố mẹ tôi mới là người yêu tôi nhất trên đời này.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện, tôi khăn gói trở về với gia đình. Thoạt đầu tôi vui lắm vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi được nếm trải cảm giác… học online. Từ việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô, kiểm tra bài,… đều được thông qua mạng vô tuyến. Cho đến một hôm, giảng viên của tôi nói rằng muốn chia sẻ với lớp vài điều, sau đó cô tắt camera rồi bật khóc nức nở, chị của cô đã ra đi vĩnh viễn do dịch bệnh Covid-19. Thời điểm ấy cả nước đang thực hiện lệnh giãn cách nên cô không thể về quê để gặp mặt chị mình lần cuối. Lúc ấy tôi mới hiểu ra, sự trưởng thành mà tôi hằng khao khát lại phải đánh đổi nhiều đến thế, thậm chí là có nhà nhưng không thể trở về. Còn tôi tự cảm thấy hổ thẹn với chính mình, giáo viên của tôi vì thực hiện trách nhiệm đối với chúng tôi mà không thể bên cạnh người thân của mình vào thời khắc quan trọng nhất, còn tôi thì đáp lại sự dạy dỗ của cô bằng sự lười biếng và vô số lần nói dối. Tôi đã bắt đầu siêng năng hơn, không chỉ trong việc học mà còn là những việc trong nhà. Tôi của bây giờ khác xa với tôi của năm 18 tuổi.
Trong suốt gần 2 năm trời, tôi vừa học online vừa dạy gia sư. Không biết từ khi nào mà dạy học đã trở thành niềm đam mê của tôi. Ở độ tuổi 20, tuy chưa thực sự trưởng thành nhưng tôi đã thấu hiểu bố mẹ mình hơn một chút. Có lẽ họ đã thấy được khả năng của tôi nên khi xưa mới thuyết phục tôi đi theo ngành sư phạm, chứ không phải ép buộc tôi thực hiện ước mơ của họ như tôi từng oán trách. Khi những ngày tháng dịch bệnh hoành hành qua đi, tôi nhận được thông báo quay lại trường học tập. Nhưng lúc này, chú chim non nớt của ngày xưa có lẽ đã trưởng thành hơn. Tôi quyết định ở nhà với bố mẹ và từ bỏ ước mơ tự lập của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải mất đến 3 giờ mỗi ngày cho việc di chuyển đến trường, thời gian dành cho bạn bè cũng không còn nhiều nữa. Đây có lẽ là quyết định trưởng thành nhất của tôi từ trước đến nay.
Trong những năm học đại học, tình yêu quê hương trong tôi được hun đúc và càng trở nên mãnh liệt hơn. Khi tôi 18, tôi chọn một thành phố xa lạ với mong ước bản thân sẽ khám phá được thật nhiều điều mới mẻ. Tôi đã ngỡ rằng mình đã biết và hiểu quá rõ về Biên Hòa - nơi tôi đã gắn bó suốt gần 20 năm nên nó chẳng còn sức hút gì với tôi nữa. Cho đến khi tôi thực hiện một số đồ án về văn hóa quê nhà: vườn tượng ở Văn miếu Trấn Biên, di tích Đình Tân Lân, chợ Biên Hòa, đồ gốm Biên Hòa,… Con đường suốt bao năm ròng tôi đi qua, đến nỗi thấy nhàm chán thì ra là cánh cổng của một làng nghề đã tồn tại mấy thế kỷ; con sông cạnh nhà không chỉ là một thành tố tự nhiên mà còn là dòng chảy văn hóa, một chứng nhân lịch sử... Cảm giác hổ thẹn bao trùm lấy tôi. Tôi liệu có hiểu rõ những giá trị quê hương xứ sở?
Vào thời khắc này, tôi đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp mà tôi từng ao ước và chưa bao giờ hối hận vì đã can đảm theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng giờ đây, mong muốn của bố mẹ đã dần trở thành ước mơ của tôi.
Ngày tôi vào đời không phải là ngày tôi bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ. Ngày tôi vào đời chính là ngày tôi nối vòng tay lớn với gia đình, quê hương, tổ quốc.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 77 (Tháng 7 năm 2024)