Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
​BÓNG DÁNG NGUYỄN MỘT TRONG TUYỂN VĂN HỌC "MIỀN ĐÔNG"


Chúng tôi đã thấy rờ rỡ chân dung ba nhà văn “hườm hườm tuổi xế” (chữ của Nguyễn Hiệp) trong một tụ điểm sách in tay ba năm 2021 có tên “Miền Đông” khá đặc biệt. Mỗi người một dáng vẻ khác nhau tạo nên thế chân kiềng độc đáo! Họ gom tụ lại để cùng cho ra ấn phẩm có tên “Miền Đông” (lấy từ tên truyện của Nguyễn Một) rồi tạo tác từ những con số cũng khá độc đáo. Mỗi người chín truyện, điều này thiết nghĩ cũng có gì đó ẩn tàng ý nghĩa khi số chín là bội số của số ba!? Cách bố trí đó thì liệu có khi nào tiềm tàng ý nghĩ này chăng: Là càng để lâu theo thời gian thì giá trị cuốn sách sẽ càng ngày càng vững vì công trình được tạo lập bắt nguồn từ thế kiềng ba chân na ná “ba chàng ngự lâm pháo thủ”? Ba ba là chín, ba chín hai mươi bảy… Ở giới hạn bài viết này chúng tôi chỉ xin nhận dạng chân dung nhà văn Nguyễn Một qua cửu phẩm của ông trong cuốn sách, hai chân dung còn lại chúng tôi sẽ xin đề cập đến ở những bài viết sau.

Mở những trang truyện đầu tiên của tập sách ra ta bắt gặp ngay chân dung con chữ Nguyễn Một. Nhà văn của mảnh đất “Miền Đông” với những trang viết đẫm đặc chất lao động khởi nghiệp. Nguyễn Một khéo gói những ước mơ kiến tạo bằng chính sức lực và trí tuệ của người lao động qua con chữ. Con chữ anh nghiêng hẳn vào người làm thuê xa xứ, bởi thế câu từ luôn cháy sáng lên khát vọng tự lập: “Tôi miễn cưỡng gật đầu rồi lầm lũi dẫn Hương đi theo ông Hoành, đầu óc mông lung với niềm mơ ước về một vườn cây trái xanh tốt của riêng chúng tôi. Lúc ấy tôi sẽ về quê xây mộ cho bà và cha mẹ tôi. Chắc chắn như vậy tôi sẽ làm được điều ấy” (truyện “Miền Đông”, trang 24, sách “Miền Đông”).

Đọc Nguyễn Một, lắm khi cao hứng chúng tôi toan nhảy cẫng lên thử làm một cuộc du ngoạn cùng câu từ của anh để thử xem có chút gì đó lãng mạn không, vì trộm nghĩ mảnh đất “Miền Đông” nơi xum xuê xanh um cây trái mà không lãng mạn thì phí lắm, để muốn hưởng cái bồng bềnh con chữ chút thôi mà… cũng không được, bởi con chữ mang đẫm chất hiện sinh của văn sỹ nó lôi đi, cứ là lang thang quanh quẩn đâu đó với những khoảng lặng của khốn khó, của vượt thoát, của mơ ước làm giàu. Hiện sinh tung chài và hiện thực níu chân thì mong ước lãng mạn cũng thật khó dẫu chỉ tí chút. Bởi thế truyện của Nguyễn Một dồn ứ chất đời trong một sự sắp xếp quá ư gọn gàng.

Tôi đồ rằng cái chất ước mơ vượt thoát luôn canh chừng và thẩm thấu trong con người nhà văn nên chỉ cần có cốt truyện thì mọi thứ ấy tuôn ra hệt như đã có sẵn trong con chữ của anh vậy. Cuộc sống xã hội mở cửa đã ngồn ngộn cho anh những mảng vỉa hiện thực tươi ròng. Anh khai thác tối đa đề tài công nhân và làm thuê, anh thổi vào họ những ước mơ vượt thoát kia. Bởi vậy, trong chín truyện ở “Miền Đông” của anh thì phải đến sáu bảy mươi phần trăm nhân vật của nhà văn luôn mang những ánh sáng lấp lánh của ý chí và lòng quyết tâm đổi đời đến cháy bỏng!

Lối kể chắt gọn đã như một liệu pháp nghệ thuật làm tăng sức gợi cho nhân vật. Nhân vật của Nguyễn Một là những nhân vật luôn lao tới phía trước với tâm thế hừng hực của sự sẵn sàng với biết bao những khát vọng, điều ấy rất hợp với tâm thế khởi nghiệp chung đang được đề cao trong xã hội ta hiện nay. Đó là nhân vật “tôi” trong “Miền Đông”; đó là nhân vật Phong trong “Trước mặt là dòng sông”; đó là nhân vật “tôi” trong “Xứ người”… Anh lấy con người tiềm tàng khát vọng kia ra để làm nhân vật trung tâm cho truyện, cho mọi sự kích hoạt thắt mở châm ngòi. Bởi thế, nhân vật trung tâm truyện của anh thường xuất hiện với sức mạnh của con tàu phá băng, mọi khó khăn chỉ như là những tảng băng xung quanh đeo bám, trước sau gì cũng bị con tàu phá băng kia khuất phục. Bởi vậy, kết thúc truyện của Nguyễn Một thường là viên mãn mà ít khi xuất hiện những éo le, khổ sở để khiến người ta phải tốn thêm thời gian sụt sịt cho sự thương xót. Cái hậu tròn trịa có thể làm cho người đọc vui mừng nhưng cũng lại có thể làm cho người ta phải thòm thèm vị đắng của cà phê khi người ta phải uống quá nhiều nước ngọt.

Do vậy, yếu tố khổ đau xuất hiện trong truyện ngắn Nguyễn Một như là những phương tiện hà hơi để tiếp sức đẩy nhân vật vọt lên mà khẳng định với cuộc đời. Nguyễn Một không cố đẩy hiện thực khốn khó đến chỗ tận cùng, nên khi đọc Nguyễn Một, độc giả có cảm tưởng nhân vật của anh mang hơi hướng chút ít dáng vẻ anh hùng ca cho dù đa số nhân vật chính của anh hầu như đều bước ra từ bùn lầy rơm rạ.

Mặt khác, chúng tôi thấy sự ác độc và thủ đoạn hầu như không có chỗ đứng trong truyện ngắn ở “Miền Đông” của Nguyễn Một, thành thử mảng vỉa cuộc sống cho nhân vật trui rèn có chi đó thiêu thiếu sự va chạm gắt gao với cuộc đời cho dù nhân vật của anh không thiếu những pha hụp lặn kiếm sống.

Lương tri và nhân cách sống cao đẹp luôn là đích hướng đến cho những nhân vật trung tâm của truyện Nguyễn Một trong “Miền Đông”. Bởi thế, hầu như mọi nhân vật chính đều được nhà văn hướng đến cái đích mang màu sắc nhân đạo và nhân văn kia chăng? Anh gọt đẽo cuộc sống tối đa để cho con đường đi của nhân vật hiện ra nhằm hướng tới mục đích ấy, cho nên tìm ra những chi tiết của cái ác, cái xấu nhằm cản đường ngăn lối nhân vật trung tâm là một sự khó khăn. Tác giả để cho ý chí và lòng quyết tâm khá mạnh của nhân vật cuốn họ đi. Tất cả như dòng chảy, ào ào phăng phăng. Và cũng từ đó, những nét tính cách của nhân vật ngày một rõ dần. Đấy là giọng văn giàu nội lực, tiềm tàng sức mạnh nội tâm khá lớn được kích hoạt bởi sự chủ động truyền tải năng lượng tích cực chăng?

Yếu tố địa lợi được khai thác gần như triệt để trong văn Nguyễn Một ở “Miền Đông”: “Hồi xưa, nhà này là chủ vườn giàu có khét tiếng miền Đông Nam bộ. Cà phê cao su cả ngàn mẫu chó chạy ngay đuôi” (Miền Đông, trang 19, 20). “Tôi sẽ đến một vùng đất màu mỡ. Nghe anh Nam kể, xứ đó cây sắn vứt ngoài hàng rào, vài tháng sau nhổ lên củ to bằng bắp chân” (“Xứ người”, Sđd trang 45). Thoạt đầu, địa lợi có sức vẫy gọi ghê gớm đối với nhân vật: “Ngày xưa, trước khi Lễ Thành Hầu đặt chân đến đây, Cù Lao đã có người ở. Dân ngoài Quảng đi thuyền mấy ngày đêm gặp con sông lớn, ngược nước độ nửa ngày, thuyền đến vùng sông rộng và êm như mặt hồ, nước lại sâu, ghe thuyền có thể vào tận bờ. Trên đất liền, đất đai trù phú, cây cối xanh tốt, trên trời cò bay trắng như mây, dưới đất từng bầy nai đủng đỉnh xuống dưới sông uống nước. Dân di cư biết đây là đất lành bèn trụ lại lập nghiệp” (truyện “Lửa bên sông”, Sđd trang 96). Trong tận cùng suy nghĩ của nhân vật địa lợi như một yếu tố góp phần cực kì quan trọng cho nhân vật đổi đời. Điều ấy là tự nhiên, song cũng chỉ đúng với sự tự phát không thể kìm chế khi di dân đã trở thành phong trào lớn của con người. Chính sự lệch pha này đã tạo nên sức hút và sự ám ảnh cho tác phẩm Nguyễn Một. Đất lành chim đậu xưa nay có sai bao giờ!

Nhân vật của Nguyễn Một trong “Miền Đông” được anh chú trọng và đề cao tính người ngay từ nền gốc giáo dục gia đình mà ra. Đấy là nguyên nhân chính cho mọi sự phát triển và bung tỏa tính cách con người nhân vật sau này. Phải chăng chính điều trên đã tạo ra những nhân vật bản lĩnh, luôn đứng vững trước mọi xao động và sóng gió của xã hội? Nhân vật “tôi” trong “Xứ người” đã phải “khổ sở” rũ bỏ ám ảnh xác thịt như thế nào để rồi cuối cùng đi đến quyết định khước từ vị trí hứa hẹn là một ông chủ vườn giàu có mà về với tiếng nói tình yêu chân thật: “Và chính lúc ấy, bất chợt tôi nhớ những giọt nước mắt nóng hổi của người con gái quê nhà. Tôi khẽ rùng mình, bởi vì đây là lần đầu tiên tôi nhớ nàng sau ba năm bôn tẩu xứ người”. (Truyện ngắn “Xứ người”, trang 55, sách “Miền Đông”). Trước khi đi đến quyết định trên, nhân vật “tôi” đã có thoáng kí ức: “Tôi cố nhớ những bài học luân lí “đói cho sạch, rách cho thơm” của cậu tôi giảng dạy trong những lúc hai cậu cháu lang thang kiếm củi trong rừng”. (trang 55, truyện ngắn “Xứ người”, sách “Miền Đông). Điều gốc nhân nghĩa ấy cũng giải thích khá hợp lí cho hành động Phong quyết định bỏ lá thư của mình vào thùng thư cho nhân vật mà Phong âm thầm yêu như là một giải pháp hợp lí “Phong rảo bước, thu hết can đảm cho tay vào túi lấy phong bì màu xanh trịnh trọng bỏ vào hòm thư” (Truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông”, trang 44, sách “Miền Đông”). Đấy là hướng đi tất yếu của trái tim khi cái tình người và lòng chân tình thức dậy dẫn dắt họ đi.

7f2b43b5-b3d3-4755-9572-442e616d010f.jpg
Nhà văn Nguyễn Một

Cho nên, có thể nói nhân vật của Nguyễn Một trong “Miền Đông” là những con người tuy vật lộn với cuộc sống rất mệt mỏi nhưng không bao giờ họ đánh mất đi căn nguyên thiện tính người trong cuộc mưu sinh còn rẫy đầy những khốn khó. Họ làm được điều đó vì họ đã được rèn giũa nền tảng bởi sự răn dạy của gia đình, dòng tộc. Những mâu thuẫn nội tâm xuất hiện giữa bản năng và tính người ở trong từng nhân vật chẳng qua là nhằm khẳng định sự chiến thắng của tính người. Bởi thế, nhân vật của Nguyễn Một thường lấp lánh một vẻ đẹp nhân văn tròn trịa, ăm ắp thiện lương mà ít thấy có gì đó chệch choạng để rồi có thể bị méo mó nhân phẩm đi. Tôi đồ rằng, đấy là sự ảnh hưởng từ những tháng ngày mà Nguyễn Một xách cặp và cầm phấn! Anh hiểu hơn ai hết điều gì cốt lõi tạo đà và thúc đẩy con người trưởng thành. Trang viết của anh về con người như những tay thợ mộc đẩy thoi bào để tạo ra sản phẩm tốt nhất trong cái thế đẹp nhất và hữu dụng nhất. Trân trọng thay!

Nhưng khi Nguyễn Một đưa con chữ sang đề tài khác thì hình như giọng văn của anh bị nhạt dần đi. Chắc có lẽ sự lấn sân ấy không đúng với sức vóc sở trường câu từ của anh. Truyện ngắn “Như là cổ tích” trôi tuột đi trong những câu chuyện khác, nó không đủ lực để cất bước cùng những tác phẩm nhà văn viết về người lao động cho dù nhân vật nhà thơ “thiên sứ” có thể được anh thổi vào một nhãn quan thẩm mỹ mới về cái đẹp. Tác phẩm “Giấc mơ bay” cũng tương tự, tuy truyện được kể rất nghề về câu chuyện tình yêu giữa Hạ và Nguyên vì ở họ vẫn có những rào cản vô hình từ lịch sử để lại nhưng nó vẫn bị thổi dạt đi cho dù giọng văn ngợi ca tình yêu thánh thiện và cao đẹp giữa họ. Tình yêu chiến thắng tất cả như “giấc mơ bay” phiêu lãng, song câu chuyện thì có vẻ không được tự nhiên khi tiếng sét ái tình đã nổ ra để rồi một nữ phó giám đốc sở giáo dục sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Nguyên - một giáo viên ngoại ngữ bình thường, sống có chiều sâu, khổ nỗi con của “người phe kia!”- nghe có gì đó hơi áp đặt!.

Nhưng rồi, sự ám ảnh từ con chữ Nguyễn Một lại xuất hiện khi ngòi bút nhà văn lao theo hình hài nghệ sỹ nhép. Anh cũng chỉ vẽ lên những dòng nghuệch ngoạc thôi mà rờ rỡ hiện ra chân dung cuộc đời một nghệ sỹ tưởng bình thường mà lại không hề bình thường. Nhân vật Trọng chỉ xuất hiện gián tiếp qua kí ức Hạnh nhưng để lại ấn tượng khá đậm nét. Đâu chỉ “bảy đứa tất cả” mê Trọng? “Trọng hạnh phúc quá. Em nào cũng tưởng được anh Trọng yêu” (“Viễn xứ”, sách “Miền Đông”, trang 66)? Hạnh đã khóc khi là người cuối cùng vụt ra mưa để đưa tiễn Trọng: “Hạnh lao ra đường, mưa quất vào mặt rát rạt. Hạnh cắn môi. Mưa tràn trên mặt cô có vài giọt mằn mặn. Vĩnh biệt Trọng” (“Viễn xứ”, sách “Miền Đông”, trang 66)? Rõ ràng, nhà văn cố ý đưa đến cho độc giả một sự thật, rằng sức cuốn hút và ảnh hưởng của nghệ sỹ quả là có thật với công chúng. Nó là sức mạnh vô hình ghê gớm hiện hữu trong xã hội. Song, đôi khi ta lại dửng dưng với nó vì có thể chính ta không tìm được lời giải thích phù hợp. Cái mơ hồ lắm lúc chiếm lấy không gian tâm tình cuộc sống mà chỉ có những ai trong cuộc mới có thể trân trọng nó, vì người ta đã có những giây phút ở với nó, sống thật với nó. “Viễn xứ” là một câu chuyện kiệm lời và gần như không có lời bình của tác giả. Nhà văn chỉ dựng câu chuyện ấy lên, rồi để tự cho người đọc cảm nhận, lối viết ấy kiệm lời nhưng lại tạo được ấn tượng. Nó mang dáng dấp khách quan hơn là sự chủ quan được kể. Thành thử, nó tạo ra được dư âm. Có cái gì đấy như là hấp dẫn, như là lôi ghì cho dù chỉ là vụt qua.

Nói tóm lại, với chín truyện ngắn đóng góp trong tập sách “Miền Đông”, nhà văn Nguyễn Một đã khắc dựng cho mình một chân dung con chữ riêng biệt khá độc đáo - chân dung nhà văn của sự khởi nghiệp được đặt trên nền tảng nhân nghĩa cội rễ đầy những ưu tư. Do đó, nhân vật của Nguyễn Một gần gũi thân thương, sức mạnh thiện lương luôn được nhà văn chú trọng trong việc xây dựng tính cách cho nhân vật, nó là bệ phóng cho những phẩm chất con người nhân vật của anh tỏa sáng. Bởi thế có thể nói đây là sự thành công đẫm đặc những trở trăn của một nhà văn luôn trăn trở (kiểu trăn trở của một nhà giáo đúng nghĩa) về một vùng đất vốn cực kì màu mỡ mà chưa phát triển xứng tầm. Trở trăn ấy đi kèm với những khao khát làm giàu cho nhân vật chẳng lẽ không làm cho chúng ta trân quý mà giật mình?


  KHANG QUỐC NGỌC

(Nguồn: VNĐN số 53 – tháng 7 năm 2022)

 

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​