Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẾT TRUNG THU, BÀN THÊM HAI TỪ VIẾT VỀ NÀNG KIỀU


Hơn 200 năm kể từ khi ra đời đến nay, đã có rất nhiều công trình, bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu, người yêu Truyện Kiều tham gia bình, chú giải, tranh luận về câu chữ, sự kiện và điển tích Truyện Kiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc chú giải vẫn chưa thỏa đáng hoặc chưa tìm được tiếng nói chung. Với bài viết này, tôi góp thêm lời bàn đồng thời làm rõ thêm vài chi tiết liên quan đến hai từ "phù dung" và "đùng đùng", mong được quý vị độc giả góp ý, trao đổi.

Về từ "phù dung"

"Vực nàng vào nghỉ trong nhà/ Mã Kiều lại ngỏ ý ra dặn lời / Thôi đà mắc lận thì thôi / Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh / Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết mấy cành phù dung / Đà đao sắp sẵn chước dùng / Lạ gì một cốt một đồng xưa nay / Có ba mươi lạng trao tay / Không dưng chi có chuyện này trò kia".

Đó là mười câu, từ 1155 đến 1164, trích trong đoạn lời của Mã Kiều - một gái làng chơi trong lầu xanh của Tú bà - nói với Thúy Kiều. Thúy Kiều trốn khỏi lầu xanh trong đêm theo kế hoạch của Sở Khanh, bị Tú Bà cùng bọn tay chân đuổi theo bắt lại. Tú bà hung hăng đang tay đánh Thúy Kiều đến "Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa". Mã Kiều thương xót nàng nên phải đứng ra bảo lĩnh, vực nàng vào phòng nghỉ, rồi nói rõ bộ mặt thật của Sở Khanh cùng màn kịch mà Tú bà đã thuê Sở Khanh dàn dựng với giá ba mươi lạng cho Thúy Kiều biết.

Từ điển Tiếng Việt phổ thông - nhóm tác giả: TS. Chu Bích Thu (chủ biên), PGS. TS. Nguyễn Ngọc Trâm, TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, TS. Nguyễn Thúy Khanh, TS. Phạm Hùng Việt - của Viện Ngôn ngữ học (tái bản lần thứ nhất, tháng 8/2006) định nghĩa từ "phù dung" như sau: "Cây nhỡ, trồng làm cảnh, cùng họ với cây bông, hoa to và có màu sắc thay đổi dần trong ngày, từ trắng sang hồng, đỏ".
Từ điển chuyên ngành mở trực tuyến (Tra từ Soha) định nghĩa từ "phù dung": "Cây trồng làm cảnh, cùng họ với cây bông, lá hình chân vịt, hoa đẹp nhưng rất chóng tàn, có màu sắc thay đổi theo thời gian (buổi sáng nở thì màu trắng, buổi trưa màu hồng, buổi chiều sắp tàn thì màu đỏ)..."

Bản Truyện Kiều Chú Giải của Lê Văn Hòe, giảng: "Phù dung: là hoa phù dung. Hoa sen có khi cũng gọi là phù dung. Đây "phù dung" là hoa phù dung. Bản của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chua (chú, từ cũ - TG) là hoa sen, thì sai. Nếu là hoa sen, tất không có cành...".

Bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh, chú giải từ "phù dung": "một giống sen, hoa sen, dùng để tỷ dụ sắc đẹp của phụ nữ".

Bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam (Văn bản kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du) thì chú thích từ "phù dung": "Phù dung: là loài hoa có sắc đẹp, thường ví với người con gái đẹp. Quốc Sắc Thiên Hương Ký có câu "Nhất thủ nhi mai phù dung kỷ độ" (một tay mà chôn cây phù dung mấy lần)".

Từ các viện dẫn trên, ta có thể khẳng định các học giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh (có thể còn nhà chú giải khác nữa?) đã nhầm khi chú giải "phù dung" là một giống sen, hoa sen. Tôi đồng ý với nhận định của học giả Lê Văn Hòe - nếu là hoa sen, tất không có cành - nhưng lại vướng phải chữ "cành" trong câu ca dao "Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen" và trong câu dân ca xứ Thanh "Lên chùa bẻ một cành sen/ Lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng". Vậy phải lý giải chữ "cành" như thế nào đây?

Rất tình cờ và may mắn, tôi đã được đọc bài báo có tựa đề "Đã tìm thấy "cành hoa sen" gây tranh cãi trong ca dao ở Hà Nội?" của tác giả Hà Tùng Long, đăng trên "dantri.com.vn" ngày 11/6/2016. Theo bài báo: Cách đây chừng 7 đến 8 năm (thời điểm báo đăng - TG), trong hành trình đi tìm hiểu về các nghệ nhân hát xẩm, những câu hát xẩm, hát trống quân..., nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã phát hiện cây hoa sen ở chùa Bối Khê, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cây được gắn biển "cây sen đất", có nơi gọi là cây sen núi. Theo mô tả của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Cây sen đất có thân gỗ, gần giống cây hồng xiêm, lá giống lá đa. Hàng năm, sen đất chỉ nở vào mùa Hạ, từ tháng Tư đến tháng Sáu âm lịch. So với hoa sen sống dưới nước thì hoa sen đất có cánh màu trắng và dày, nhị vàng, to tương đương sen nước, cánh hoa khum khum như hai bàn tay chụm lại. Đặc biệt, nụ của hoa sen đất rất giống nụ sen trắng dưới nước, thơm hơn sen nước nhưng đời hoa thì sớm nở tối tàn. Như vậy đã rõ, cành cây sen đất này chính là "cành sen" trong câu ca dao và dân ca nói trên.

Về từ "đùng đùng"

"Một mình cay đắng trăm đường/ Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi / Mảnh trăng đã gác non đoài/ Một mình luống những đứng ngồi chưa xong /Triều đâu nổi tiếng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường / Nhớ lời thần mộng rõ ràng/ Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây".

Đó là tám câu, từ 2615 đến 2622, trích trong đoạn nói về tâm trạng của Thúy Kiều trước lúc trẫm mình trên sông Tiền Đường, sau khi Hồ Tôn Hiến nài tình không được, mới ép gả thô bạo nàng cho viên thổ quan (thổ tù).

Hầu hết các giả thuyết cho rằng, Nguyễn Du sáng tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Sau đây là trích đoạn trong Kim Vân Kiều truyện, đoạn trước lúc Thúy Kiều tự vẫn: "Viên tù trưởng thấy Thúy Kiều ủ liễu phai đào, trăm phần chẳng có phần nào phần tươi, cũng nể lòng không nỡ ép sự trăng gió. Thúy Kiều bấy giờ một mình nghĩ ngợi đắng cay trăm đường, chí đã nát ngọc tan vàng mới thôi, nhưng lại sợ có người cứu vớt (do biết Kiều trẫm mình - TG) thời không được như ý. Ngồi mãi đến trống canh Ba, bỗng nghe có tiếng sóng dội ầm ầm, từ cửa bể đến tòa Băng Sơn, vang sông dậy núi, nghe rất dữ dội. Thúy Kiều thấy vậy càng thêm ngao ngán, nghĩ thầm rằng: Chân trời mặt nước lênh đênh, nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào? Nghĩ xong, nhân hỏi viên tù trưởng rằng:

- Chẳng hay tiếng dữ dội đó là tiếng chi?

- Đó là triều tín!

Thúy Kiều nghe nói, liền tỉnh ngộ ngay, lại hỏi luôn rằng:

- Đây có phải là sông Tiền Đường không?

- Phải, chính phải! ..." (Hết đoạn trích).

Trong cuốn "Cõi người ta" (Tập 1) của Hội Kiều học Việt Nam có bài "Bàn luận về hai chữ "đùng đùng" của tác giả Trần Hạnh Nguyên. Tác giả viết: "... Nhưng còn một điều khiến mọi người phải nghi vấn vào tài bút lực của tác giả Nguyễn Du, nhưng không ai dám nhúng tay chỉnh sửa mà chỉ thấy thấp thỏm trong lòng: Sóng ở cửa sông Tiền Đường dẫu mạnh mẽ đến cỡ nào thì cũng chỉ réo ầm ầm hay rầm rầm là cùng, đâu tới mức "đùng đùng" như tiếng súng nổ, nghe quá lạ tai so với sự cảm nhận của các văn sĩ xưa nay về các dòng sông thi ca...". Rồi tác giả cho biết: "Trong một lần lên lớp về văn hóa thế giới ở Trường Viết văn Nguyễn Du (Khóa III, năm 1989 - 1992), giáo sư Hoàng Thiếu Sơn đã rất vui mừng nói với anh chị em học viên rằng: ông đã làm sáng tỏ được điều nghi hoặc trong câu lục bát trên của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhân một chuyến đi công tác tại Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông đã có dịp đến tận cửa sông Tiền Đường, tận mắt nhìn ra trùng khơi mịt mùng sóng nước. Đứng trên bờ sông một lúc, bỗng ông giật mình nhận ra sự nhạy cảm và bộ óc quan sát hết sức tinh tường của đại thi hào Nguyễn Du. Thủy triều tại biển nơi cửa sông Tiền Đường đổ ra khơi có độ chênh cao trên chục mét nước. Mỗi khi triều xuống, khối nước khổng lồ trên dòng sông Tiền Đường đổ ra biển đúng là phát ra tiếng nổ "đùng đùng" như tiếng súng... Không thể có âm thanh nào êm ái nhẹ nhàng như ta vẫn tưởng" (Hết đoạn trích).

MH.jpg
(Minh hoa: Phạm Công Hoàng)

Hồi thứ 119 truyện Hậu Thủy hử của tác giả Thi Nại Am - La Quán Trung (Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch), có đoạn viết: "Bấy giờ Tống Giang và các tướng dẫn quân mã rời Mục Châu nhằm phía Hàng Châu tiến phát... Chuyện trên đường đi không có gì đáng nói. Chẳng mấy chốc, đại quân về đến Hàng Châu. Trương Chiêu Thảo đem quân mã vào thành. Tống tiên phong tạm đóng quân ở tháp Lục Hòa, các tướng đều vào chùa Lục Hòa nghỉ ngơi. Tiên phong sứ Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa hàng ngày hai buổi sáng tối đều vào thành nghe lệnh.

Lại nói Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng cùng nghỉ ngơi một nơi trong chùa Lục Hòa. Thấy ngoài thành phong cảnh núi sông tươi đẹp, Lỗ Trí Thâm trong lòng rất thích. Đêm ấy trăng thanh gió mát, trời nước một màu, hai người ngủ yên trong căn phòng. Đến nửa đêm, chợt nghe trên sông tiếng sóng cuộn ầm ầm (Lời thuyết minh trong phim Tân Thủy Hử là "đùng đùng" - TG), Lỗ Trí Thâm vốn là người đất Quan Tây, không quen tiếng sóng triều miền Chiết Giang, ngỡ là trống trận, giặc giã nổi lên đâu đây. Lỗ Trí Thâm bèn chồm dậy cầm thiền trượng quát lên một tiếng rồi chạy ra ngoài. Các sư sãi chùa Lục Hòa sợ hãi xúm đến hỏi:

- Sư phụ làm sao thế? Định chạy đuổi ai?

Lỗ Trí Thâm đáp:

- Lão gia nghe tiếng trống trận vội lao ra đánh!

Chúng tăng cười rộ bảo Lỗ Trí Thâm:

- Sư phụ nhầm rồi, không phải trống trận đâu! Đó là tiếng sóng (triều tín) trên sông Tiền Đường đấy!" (Hết đoạn trích).

Đối chiếu các đoạn trích trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, hồi thứ 119 truyện Hậu Thủy Hử và bài viết của tác giả Trần Hạnh Nguyên trong sách Cõi người ta (Tập 1), ta thấy có mấy chi tiết trùng hợp thú vị: 1/ Cũng là thủy triều gây ra tiếng động "đùng đùng", hay "ầm ầm"; 2/ Cũng trên sông Tiền Đường; 3/ Địa danh cũng là Hàng Châu. Câu hỏi đặt ra là, tại sao tiếng sóng trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện là "ầm ầm" mà Nguyễn Du lại sửa thành "đùng đùng"? Theo bài viết "Đầu năm Quý Dậu 1813 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc" của tác giả Thái Văn Kiểm (trong sách "200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều" do tác giả Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu) thì lộ trình trở về nước sau khi đã tuế cống nhà Thanh, Nguyễn Du đã đi qua Hàng Châu. Như vậy, cụ phải đi qua sông Tiền Đường và được chứng kiến cảnh tượng sóng thủy triều vào dịp trung tuần tháng Tám âm lịch phát ra tiếng động "đùng đùng". Vì thế, trong Đoạn Trường Tân Thanh cụ đã sửa "ầm ầm" thành "đùng đùng" - điều tưởng chừng vô lý. Qua đó, ta có thể khẳng định tác giả tả sự vật, hiện tượng trong Truyện Kiều bằng sự quan sát tinh tế các hiện tượng tự nhiên, chỉ có điều đôi khi chúng ta chưa hiểu hết mà thôi.

Nhân đây, tôi cũng đặt vấn đề: Thúy Kiều trẫm mình vào đêm nào của tháng mấy âm lịch? Theo quy luật, trong khoảng thời gian 24 giờ, thủy triều lên - xuống hai lần, con nước lớn nhất và ròng nhất ứng với ngày rằm rồi giảm dần đối với các ngày còn lại của tháng. Quy luật này được các nhà khoa học lý giải là do lực tương tác giữa trái đất và mặt trăng: Quỹ đạo quay của mặt trăng quanh trái đất có hình e-líp, khoảng cách cực tiểu từ Mặt trăng đến trái đất ứng với ngày rằm, khi đó lực tương tác trái đất - mặt trăng là cực đại, gây ra biên độ con nước cực đại. Trong một năm, vào khoảng trung tuần tháng Tám là thời điểm mà khoảng cách mặt trăng - trái đất nhỏ nhất, tương ứng với lực tương tác trái đất - mặt trăng lớn nhất, theo đó sóng thủy triều trên sông Tiền Đường sẽ có biên độ lớn nhất, gây ra tiếng động "đùng đùng". Như vậy, phải chăng Thúy Kiều đã trẫm mình vào đêm trung tuần tháng Tám?

Sông Tiền Đường mà Nguyễn Du nói tới trong Truyện Kiều là phần hạ lưu của sông Chiết Giang (Trung Quốc) chảy quanh co qua thành Hàng Châu rồi đổ ra biển ở vịnh Hàng Châu. Tương truyền, ngày xưa sau khi Ngũ Tử Tư - Tướng Quốc nước Ngô thời Xuân Thu (Trung Quốc) - tự vẫn do bị ép, Ngô vương Phù Sai ra lệnh bỏ xác ông vào bao ném xuống sông Tiền Đường. Oan hồn Ngũ Tử Tư không tan, ngày đêm thường dâng sóng gió trên sông nên sóng thủy triều sông Tiền Đường nổi tiếng là nguy hiểm và dữ dội.

Cửa sông Tiền Đường có chiều rộng khoảng 100 km, càng vào sâu trong đất liền, bề rộng của mặt sông càng thu hẹp nhanh và đột ngột, tạo thành hình phễu. Với đặc điểm khác thường đó, sóng ở sông Tiền Đường dâng rất cao, tạo ra cảnh tượng hùng vĩ đã nói ở trên.

Theo các nhà nghiên cứu, cường độ sóng thủy triều ở cửa sông Tiền Đường chỉ xếp sau hiện tượng tương tự ở cửa sông Amazon. Vào dịp Trung thu, sóng có biên độ lớn nhất năm và đạt đỉnh vào ngày 18/8 âm lịch - thời điểm mặt trăng, mặt trời xếp thẳng hàng với Trái đất và lực tương tác với Trái đất cộng hưởng vì cùng một hướng - nó có thể cao đến 10m với tốc độ di chuyển đến 40 km/h. Tiếng ồn của sóng giống như sấm, sét hay âm thanh của hàng nghìn con ngựa chạy. Hàng năm vào ngày 18/8 âm lịch, hàng nghìn người bất chấp nguy hiểm đến đây để tận mắt chứng kiến cảnh tượng thiên nhiên độc đáo, kỳ thú và ngoạn mục này.

NGUYỄN VĂN THAN​H

(Nguồn: VNĐN số 55 – tháng 9  năm 2022)

 

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​