Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÔI ĐIỀU VỀ TRUYỆN THIẾU NHI ĐỒNG NAI


Đồng Nai có nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi. Sự khác biệt về bút pháp, khác biệt về nội dung hiện thực được phản ánh và khác biệt về đối tượng văn chương, tạo nên sự phong phú của văn học thiếu nhi ở miền đất “gian lao mà anh dũng". Tiêu biểu là các nhà văn, nhà thơ: Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Thái Hải, Hoàng Ngọc Điệp, Dạ Thảo Linh, Phạm Thanh Quang, Trần Thu Hằng, Trâm Oanh…

NHỮNG BẦU TRỜI SÁNG TẠO RIÊNG

1.Nhà văn Hoàng Văn Bổn: Thiếu nhi trong cách mạng và kháng chiến

Nhân vật và nội dung truyện thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn là trẻ con trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có tuổi thơ của tác giả.

Xin đơn cử: Theo dấu người xưa (truyện vừa) kể chuyện Út, 11 tuổi, quê làng Bình Long. Út có cha là Bí thư huyện bị Đại úy Chi khu trưởng Tân Phú-Bình Long bắt. Nhưng ông trốn thoát và tiếp tục hoạt động. Hàng ngày, Út gánh bún đi bán dọc xóm Lò Heo, chi khu cây Chàm, trại cải huấn Tân Hiệp. Những thông tin của Út được lão ăn xin Lãng tử vẽ thành bản đồ chuẩn bị cho trận đánh vào sân bay Biên Hòa do cha Út chỉ huy.

Truyện thiếu nhi của Hoàng Văn Bổn được viết theo bút pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, vừa phản ánh hiện thực cách mạng, vừa giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho trẻ.

2. Nhà văn Phạm Thanh Quang: Thiếu nhi ở miền Bắc

Lạc giữa hành tinh (truyện dài, 2003) kể: “Côi hơn 10 tuổi vừa chăn bò vừa vơ

củi, hót phân hoặc bắt cá, bắt cua về cải thiện". Bố Côi (tên Cần) hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Côi ở với bố dượng và luôn bị bố dựơng (tên Xẩm) tìm cách hành hạ.

May nhờ sinh hoạt trong Hợp tác xã Măng Non, Côi được ăn uống tự do, no nê. Côi còn có thơ đăng báo Tuổi Hoa được thầy Hiệu trưởng biểu dương và được cô bé Chính tặng bó hoa dại bé xíu. Kết truyện, Côi cứu được bố dượng khi lão đi uống rựơu say về rớt xuống giếng. Côi sống giữa mọi người, nhưng đơn độc như “Lạc giữa hành tinh".

Đây là truyện viết về trẻ con cho người lớn đọc, kể lại cảnh khổ của trẻ thời miền bắc còn hợp tác xã. Bối cảnh ở Hà Tây.

3. Nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ): thế giới của học trò miền Nam

Tại Hội thảo chuyên đề “Văn học cho thiếu nhi - Nhìn từ miền Đông Nam Bộ" do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai ngày 10.5.2012, nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ:

Tôi chỉ "thuộc" loại viết về sinh hoạt của thiếu nhi trong gia đình, làng xóm, trường lớp... Từ ấy đến nay, với gần trăm truyện ngắn, hơn hai mươi cuốn sách viết cho thiếu nhi, tôi vẫn chọn nhân vật là chính các em, không gian chủ yếu vẫn là gia đình và học đường. Có điều, bên cạnh những nội dung tạm gọi là "tình cảm", thỉnh thoảng, tôi cũng chọn nội dung có chút trinh thám hay hài hước, hoặc truyện loài vật để thay đổi "khẩu vị" cho chính mình và cho các em…"(Nguồn: tư liệu ghi chép tại hội thảo của BCT).

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải phong phú về thể loại và bút pháp. Tính văn chương và tính giáo dục là cốt lõi tư tưởng-nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Thái Hải.


buicongthuan.z4835565390309_d6692e31b69556cfd8c627cc03e4a855.jpg

Chân dung tác giả bài viết - nhà Lý luận Phê bình Văn học Bùi Công Thuấn (ảnh: Nguyễn An)


4. Nhà văn Nguyễn Trí:Tuổi thơ không có cánh diều" (tên tác phẩm) .

Nhà văn Nguyễn Trí xác nhận: “Tuổi thơ không có cánh diều" đích thị là tuổi thơ tôi. Tất cả hầu như bê nguyên xi đời tôi vào. Những chuyến đi, những cái chết, chuyện cắt rào của Ba Gà. Bà cụ Kiền với những cái bánh ít và cái chết của chú Ba Nở cũng như cánh diều rũ rượi trên cánh đồng là thật. Có sao tôi kể lại y khuông. Không hư cấu…

Tuổi thơ của Nguyễn Trí đã đi qua cuộc chiến như vậy, ông nói: “... Tôi muốn nói với mọi người về sự tàn nhẫn của chiến tranh. Tôi đã từng đi qua những đổ nát mà chiến tranh gây nên, tôi rõ lắm tang thương của nó. Tôi muốn tất cả chúng ta hãy cố đừng để xung đột xảy ra."[[1]]

4. Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp: Những đứa trẻ được chăm sóc “như chàng hoàng tử"

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp nói về việc sáng tác cho thiếu nhi [[2]]:

“- Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã sống ở Biên Hòa gần 40 năm. Đó là quãng thời gian tương đối dài. Khi viết truyện cho thiếu nhi, tôi luôn luôn lấy vốn sống ở vùng đất này, hướng về đất và người Đồng Nai làm nền tảng. Tôi muốn được viết và tôi đã viết những câu chuyện đời thường về tình yêu gia đình, tình bạn, trường, lớp... của người trẻ. Viết cho thiếu nhi cũng là cách tôi tái hiện những kỷ niệm, những miền đất, những gương mặt bạn bè trong các tác phẩm của mình".

Những ý kiến của Hoàng Ngọc Điệp giúp người đọc hiểu rõ nội dung, chủ đề,

mục đích sáng tác và tấm lòng của tác giả với con trẻ Đồng Nai.

Tác phẩm: Bướm đi học (tập truyện.2005), Món quà Noel (tập truyện. 2008). Cún

con làm lành (tập truyện. 2008), Cù lao yêu dấu (truyện vừa. 2018), Chuyện Bin mũi hếch (truyện dài. 2018), Ngày hè của chuột con (truyện vừa 2022)…

5. Nhà văn Trần Thu Hằng: Lịch sử và giả tưởng

Nhà văn thổ lộ: “Tôi đến với văn chương như cái nghiệp đã ăn sâu vào gốc rễ, từ sự thôi thúc bên trong của tâm hồn. Thuở nhỏ, tôi đọc lịch sử khá nhiều, bởi vậy tôi cảm thấy mình có “thế mạnh" khi viết về lịch sử…" [[3]]

Chàng thợ gốm (truyện dài. 2005) là kiểu truyện Trạng dân gian, kết hợp dã sử với giả tưởng. Truyện được cấu trúc theo mô típ anh-em trong cổ tích. Chàng thợ gốm Lý Quý con ông Lý Mạnh ở Trấn Biên bên bờ Phước Long giang (hạ nguồn sông Đồng Nai). Quý có tài làm đồ gốm. Chàng được vua Quang Trung đặc cách phong làm Trạng Gốm, và cử đi sứ Trung Hoa để giúp vua Càn Long phục chế những đồ gốm cổ đã bị hư hại trong hoàng cung…

Trần Thu Hằng còn có truyện giả tưởng Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ thủy tháp (Truyện dài thiếu nhi. 2009), và truyện hiện thực về những thảm cảnh tuổi thơ: Cánh đồng tuổi thơ, Phiên tòa trẻ con…

6. Nhà văn Trâm Oanh: Trẻ con trong thế giới xô bồ của người lớn hôm nay

Trâm Oanh có chùm truyện Cậu bé béo ú có cái đuôi nòng nọc, Cậu bé Mỹ già và những trò chơi lạ, đăng trên Văn nghệ Đồng Nai (số 38 năm 2020); có nhiều “Câu chuyện cuộc sống" đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần online như: Rổ rá thì phải cạp, Mẹ biết không, nơi lạnh nhất là nơi không có tình thương; Ứng xử của “NET GEN"; à thương; Mẹ, phong trào của con; Hoài không chết cho; Còn gì cho lớp 1; Xương sườn thứ 7; Lỗi của tờ tiền Polimer, và tập truyện Chuyện Mếu và Máo (2018)

“Câu chuyện cuộc sống" ghi lại tình cảnh những đứa trẻ đáng thương xã hội hôm nay, một xã hội xô bồ, phức tạp, bị tha hóa do kinh tế thị trường toàn cầu hóa. Số phận những đứa trẻ rồi không biết đi về đâu.

Đọc Trâm Oanh tôi nhớ đến Nam Cao. Chất liệu truyện của Trâm Oanh là những sự việc đang diễn ra xung quanh trẻ. Trâm Oanh kể truyện về trẻ con để cảnh tỉnh người lớn. Thảm cảnh của trẻ là do người lớn gây ra. Nhưng người lớn lại quay cuồng trong những cơn giông bão của thời đại. Bên dưới cái cười có tính phê phán là nỗi đau nhân sinh trĩu nặng và lòng yêu thương con trẻ vô vàn.

7. Nhà văn Dạ Thảo Linh (Nguyễn Một).

Tác phẩm viết cho thiếu nhi: Hoa dủ dẻ (tập truyện.1997); Năm đứa trẻ Xóm đồi

(truyện dài.1999); Ngũ hổ tướng (truyện dài. 2000); Màu hoa trắng (Truyện ký. 2001); Long lanh giọt nắng (truyện dài. 2003); Mùa trái chín (Truyện vừa.2004).

Dạ Thảo Linh viết về những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên.

Chẳng hạn, truyện Hương chanh, là chuyện tình cảm nhẹ nhàng tuổi mới lớn của Cu Đen và Hương bắt đầu từ món thịt rắn mối của thằng Đen và mùi hương lá chanh của Hương làm thằng Đen nhung nhớ, nhưng Hương đi Mỹ. Truyện Tắm sông: bọn trẻ rủ nhau tắm sông, chúng bơi ra guồng, mưa lớn, không biết làm sao, nhờ ông Guồng cứu, mỗi đưa ăn một roi của ông. Món quà đầu năm học là chiếc xe cũ ba sơn lại cho Thu đi học. Mẹ ốm, nhà nghèo, chị Mai phải nghỉ học. Thu thương chị quá, tự hứa cố gắng học. Hoa Dủ Dẻ là kỷ niệm với Thảo, một cô bé quê bị tật không đi học được. Tân đã giúp dạy chữ cho Thảo. Tân về thành phố, quên mất người bạn tật nguyền. Khi nhận được thư của Thảo, giờ Thảo đạ biết viết, Tân thấy mình có lỗi, anh tìm chùm hoa dủ dẻ xưa và hứa mùa hè sẽ về thăm Thảo. Long lanh giọt nắng kể những kỷ niệm tuổi thơ (lớp 1) của Linh, Hương với Đạt ở Long Khánh khi Linh, Hương về thăm quê kỳ nghỉ hè chín năm sau khi lên thành phố. Giờ Linh đã là học sinh lớp 10…

CHUNG MỘT TẤM LÒNG

Đọc truyện thiếu nhi Đồng Nai, người đọc thấy rõ bóng dáng, tài năng và tâm huyết của các tác giả.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn kể rõ tuổi thơ của mình trong cuốn Tuổi thơ ngọt ngào. Đó là chuyện của lớp học trường tiểu học kháng chiến Tân Uyên, chuyện trẻ con tham gia tiêu thổ kháng chiến và chuyện “giã từ tuổi thơ" đi kháng chiến. Nhà văn Phạm Thanh Quang cho biết: 90% những chuyện của Côi trong Lạc giữa hành tinh là chuyện của tác giả lúc nhỏ. Nguyễn Thái Hải cho biết: “trong 'Làm chị Hai thật là oai' thì khác hẳn. Đầu tiên tôi chỉ ghi nhật ký để sau này làm tài liệu sáng tác. Hết đợt học 'trực tuyến' của cháu, đọc lại thì thấy đây đã sẵn là một truyện dài rồi. Tôi chỉ còn một việc là viết lại và đổi tên thật của cháu thành tên nhân vật là hoàn thành"[[4]]. Nguyễn Trí xác nhận: “Tuổi thơ không có cánh diều"đích thị là tuổi thơ tôi. Tất cả hầu như bê nguyên xi đời tôi vào"[1, đd]. Truyện thiếu nhi của Dạ Thảo Linh là những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả khi “tha hương" nhớ lại.

Tâm huyết của nhà văn Đồng Nai viết cho thiếu nhi là mong muốn giáo dục những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ tương lai của đất Nước. Nhà văn Hoàng Văn Bổn giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các em qua nhiều tập truyện (Theo dấu người xưa, Tướng Lâm Kỳ Đạt…). Tính văn chương và tính giáo dục là đặc điểm tư tưởng-thẩm mỹ của Nguyễn Thái Hải. Trâm Oanh viết những “Câu chuyện đời sống", ghi lại tình cảnh những đứa trẻ đáng thương xã hội hôm nay để cảnh tỉnh người lớn. Nguyễn Trí kể chuyện những đứa trẻ trong hàng rào kẻm gai chiến tranh cũng để nhắc nhở con người hôm nay phải giữ được hòa bình cho tuổi thơ. Trần Thu Hằng giáo dục trẻ thơ về lịch sử, về truyền thống, và cũng đồng tthời nhắc nhở người lớn về những thảm họa mà trẻ phải nhận chịu (truyện Cánh đồng tuổi thơ, Phiên tòa trẻ con…).

Các nhà văn Đồng Nai, mỗi người một vùng trời riêng, đã phản ánh được rất đa dạng, tuổi thơ Việt Nam ở Đồng Nai (cũng là tiêu biểu cho tuổi thơ cả nước). Đó là tuổi thơ trong kháng chiến (Hoàng Văn Bổn), tuổi thơ trong chiến tranh ở miền Nam (Nguyễn Trí), tuổi thơ ở miền Bắc thời kỳ xây dựng Hợp tác xã (Phạm Thanh Quang); tuổi thơ hôm nay (Nguyễn Thái Hải), có em được chăm sóc “như hoàng tử" (Bin mũi hếch - Hoàng Ngọc Điệp), có nhiều em là nạn nhân của mọi thứ xô bồ tha hóa đạo đức (đọc Câu chuyện cuộc sống của Trâm Oanh)…

Về nghệ thuật, đa phần viết về thiếu nhi là những truyện hiện thực. Nhà văn lấy chất liệu, bối cảnh, nhân vật từ gia đình, nhà trường và môi trường sống chung quanh ở Đồng Nai để kiến tạo câu truyện. Đặc điểm này tạo nên “chất riêng" của truyện thiếu nhi Đồng Nai, đồng thời tạo nên sự gần gũi khi các em tiếp cận tác phẩm; và như nhà văn Hoàng Ngọc Điệp thổ lộ: “Tôi mong, qua các trang viết cho thiếu nhi, các em sẽ thêm yêu thiên nhiên, yêu vùng đất và những con người bình dị quanh mình"[đd].

Sự phong phú về thể loại và bút pháp của truyện thiếu nhi Đồng Nai tạo nên một “vùng miền" văn chương riêng, hòa nhập với nền văn học thiếu nhi cả nước. Truyện đồng thoại, truyện lịch sử, truyện giả tưởngtruyện đời thường được viết với nhiều tài năng, nhiều kiểu kiến tạo tác phẩm, nhiều giọng điệu và nhiều màu sắc vùng miền. Chẳng hạn, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Thái Hải, Dạ Thảo Linh, Hoàng Ngọc Điệp dù có lấy chất liệu trực tiếp từ đời sống, song truyện thiếu nhi của các nhà văn này vẫn là những tác phẩm giàu phẩm chất văn chương-tư tưởng.

Có hai khuynh hướng viết truyện thiếu nhi ở Đồng Nai: viết cho thiếu nhi (để trẻ con đọc) và viết về thiếu nhi (để người lớn đọc). Truyện Lạc giữa hành tinh của Phạm Thanh Quang, Chuyện Bin mũi hếch, Câu chuyện cuộc sống của Trâm Oanh là những truyện viết về trẻ con cho người lớn đọc, bởi tác giả đặt ra những vấn đề cho người lớn, viết bằng kiểu ngôn ngữ người lớn. Truyện viết cho trẻ đọc phải được viết theo kiểu tư duy và ngôn ngữ của trẻ. Sự lẫn lộn giữa hai kiểu viết này sẽ gây khó cho trẻ và hạn chế việc đọc của trẻ. Đây là kinh nghiệm của nhà văn Nguyễn Thái Hải: Tôi thường chọn viết cho các em từ 6-15 tuổi và tùy lứa tuổi để chọn những hình thức phù hợp. Tôi không có cách nào khác hơn là tiếp cận và “chơi" với các em. Ngôn ngữ của chúng rất “ngộ". Khi không “chơi" với các em ở lứa tuổi đó, người viết dễ bị “chìm" trong lứa tuổi của mình và không thoát ra được" [[5]].

Nhìn chung, truyện thiếu nhi ở Đồng Nai là một khoảng trời rộng mở và những gì đã đạt được, văn học thiếu nhi Đồng Nai đã góp phần vào những giá trị chung của văn học thiếu nhi cả nước. Đó là một thành tựu thật quý giá.


_____________________________

[1] Anh Chi: Nguyễn Trí - tuổi thơ không có cánh diều

https://nhandan.vn/nguyen-tri-tuoi-tho-khong-co-canh-dieu-post268302.html

[2] My Ny (thực hiện)-Hoàng Ngọc Điệp dành nhiều trang viết cho thiếu nhi

https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202010/hoang-ngoc-diep-danh-nhieu-trang-viet-cho-thieu-nhi-3026384/

[3] Phạm My Ny- Nhà văn Trần Thu Hằng: hạnh phúc khi cầm bút

http://laodongdongnai.vn/Van-hoa/Tin-van-hoa/0A301E/nha-van-tran-thu-hang-hanh-phuc-khi-cam-but.aspx

[4] Nguồn: Hoàng Hà-Văn nghệ Đồng Nai.

[5] Kim Ngân: Hạnh phúc khi được “va chạm" với tuổi thơ

https://cuoituan.tuoitre.vn/hanh-phuc-khi-duoc-va-cham-voi-tuoi-tho-641968.htm


Bùi Công Thuấn
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​