Bùi Công Thuấn
(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: BCT
1.Vài nét các hoạt động tại hội nghị
Trong hai ngày 24 và
25/06/2016, Hội nghị LLPB lần thứ IV
được tổ chức tại thị trấn Tam Đảo - Vĩnh Phúc, với chủ đề: “Văn học 30 năm, Đổi
mới - Hội nhập và Phát triển”. Tham dự hội nghị lần này có gần 200 nhà thơ, nhà
văn, nhà LLPB trong cả nước (theo nhà phê bình Nguyễn Bích Thu, đội ngũ LLPB nữ trong HNV chỉ có 13 người). Các tham luận ở tất cả
các hội đồng bộ môn được in thành một tập tài liệu gồm 74 bài, tổng cộng 422
trang A4 (nếu in thành sách sẽ gần 1.000 trang). Vì thời gian giới hạn, nên các nhà văn phải tuân thủ Quy chế hội nghị (được in và phát cho từng người). Quy chế nêu rõ: Không phát biểu ra ngoài chủ đề, không làm
tổn thương người khác, không phát tán tài liệu và thông tin của hội nghị. Đề
cao văn hóa tranh luận và trách nhiệm nhà văn, giữ gìn trật tự và lắng nghe ý
kiến của người khác...
Buổi chiều 24/06, các
hội đồng sinh hoạt riêng. Ở Hội đồng lý luận Phê bình, chủ tọa đoàn là TS Nguyễn Văn Dân và PGS.TS Phan
Trọng Thưởng. Có nhiều tham luận và ý kiến phát biểu tại hội trường như của TS.
Trần Hoài Anh, nhà văn Nguyên An, nhà phê bình Đông La, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh,
TS. Nguyễn Văn Dân, nhà văn Trần Thị Trâm, TS. Lê Thành Nghị…
Ngày 25/06/2016,
tham luận và thảo luận chung. Nhà văn
thuộc cả 4 hội đồng tập trung tại hội trường khách sạn Ngôi Sao Tam Đảo. Phòng
hơi chật, âm thanh yếu. Hội nghị diễn ra liên tục, không giải lao. Nhà thơ Hữu
Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn đọc diễn văn khai mạc. PGS.TS Phan Trọng Thưởng đọc
đề dẫn: “Để có cái nhìn toàn diện về văn
học thời kỳ đổi mới”. Nhiều nhà phê bình đặt ra các vấn đề bàn luận như TS.
Nguyễn Văn Dân đặt vấn
đề chưa có tác phẩm đỉnh cao; và cần chỉ ra văn học Việt Nam nằm ở đâu so với văn
học trên thế giới? Nhà phê bình Nguyễn
Hòa (tham luận Một số lý thuyết ngoại
nhập và văn học Việt Nam gần đây). Nhà văn Trần Văn Tuấn (Đôi điều cảm
nhận về đổi mới văn học), nhà thơ Trần
Nhuận Minh (Thơ đổi mới và Thơ Mới
thời kỳ thứ hai). Ngoài ra còn có tham luận của các nhà văn Thùy Dương, nhà thơ Lê Minh Quốc, dịch giả Thúy Toàn, nhà văn Nguyễn Khắc Phê…
2. Tổng kết hội nghị
LLPB lần thứ IV
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn
Việt Nam đã tổng kết hội nghị. Ông đã chỉ ra nhiều thành tựu của Văn học trong 30 năm Đổi mới (1986 – 2016), tóm lược như sau:
Vấn đề 1: Đổi mới đã
giải phóng tiềm năng sáng tạo. Điều làm thay đổi toàn
bộ nền văn học là, văn học ba mươi năm qua nói về cái bình thường, cái tự nhiên, cái hài hòa, không lấy cái
bất thường, cái phi thường như giai đoạn trước. Nền văn học 30 năm đổi mới
phát triển hài hòa, vì thế ta có điều kiện quan sát con
người trong nhiều bình diện. Vai trò cá nhân nhà văn, cá tính sáng tạo được tôn
trọng.
Vấn đề 2: Từng bước hiện đại hóa nền văn học.
Văn học hôm nay hiện đại hơn rất nhiều, đó là, khả năng tiếp nhận đời sống
ở diện rộng. Hiện đại là ở chỗ: Xu hướng mở, không áp đặt. Văn học đổi mới thực
sự là một nền văn học dân chủ. Đổi mới là nhu cầu
nội tại của văn học. Hãy đánh giá nền văn học dưới góc độ Văn hóa học. Không chỉ đánh giá giá trị phản ánh mà phải đặt
văn học trên hệ giá trị văn hóa.
Vấn đề 3: Hội Nhà văn
đã khôi phục những giá trị một thời, như phục hồi danh dự nhà văn
cho Trần Dần, Hoàng Cầm, Lan Khai, Vũ
Trọng Phụng...
Vấn đề 4: Đã xuất
hiện một lực lượng trẻ.
Vấn đề thứ 5: LLPB có những bước tiến mới. Nhiều trào lưu được giới thiệu,
cái nhìn cởi mở hơn. Tuy nhiên, LLPB còn có nhược điểm là tầm bao quát chưa hết, chưa sâu. LLPB
phải bao quát được tình hình văn học.
Vấn đề thứ 6: Về phân kỳ văn học đổi
mới. Vấn đề
phân kỳ văn học đổi mới chưa thống nhất. Đổi
mới văn học là dòng chảy của nhiều thế hệ, sức lực của cả đội ngũ. Không nên
quy kết đổi mới chỉ ở lớp trẻ.
Vấn đề nhân vật trung tâm hay vấn đề trung tâm của văn học, cái nào là
chính? Nhân vật nào gánh vác hai nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thì nhân
vật ấy là nhân vật trung tâm. Vấn đề trung tâm mới là vấn đề quan
trọng. Văn học phải vì con người, tiếp sức cho con người. Vấn đề trung tâm là: xây dựng cho con người tới đâu?
Vấn đề 7: Sắp tới chúng ta làm gì? Có
nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó cần quan tâm: Đẩy mạnh quá trình kết tinh tác phẩm. So với văn học hiện
thực và Thơ Mới, quá trình kết tinh tác phẩm của ta chậm; Lo âu lớn nhất hiện nay là vấn đề suy thoái đạo đức; Hội Nhà văn đặt hàng nhà LLPB viết về đề tài: bản chất
của đổi mới văn học là gì? Mối quan hệ của cái Mới, cái Hay, cái Truyền thống là gì?; Cải tiến phương pháp đầu tư; Chăm lo cho văn học
dịch... Trong đó, vai trò của Ban Chấp hành Hội Nhà văn là hết sức quan trọng,
cách thức đánh giá, thẩm định tác phẩm cũng như thông tin, truyền thông phải
thay đổi cho phù hợp với tiến trình đổi mới của văn học và xã hội.
3. Những vấn đề còn đó
Lần đầu tiên tham dự
Hội nghị LLPB Văn học, tôi có vài suy nghĩ:
Nếu chỉ nói đến Văn
học 30 năm đổi mới (1986-2016) thì văn học 10 năm trước đó (1976-1986) đặt vào
đâu? Văn học dân tộc là một dòng chảy liên tục, không thể cắt một khúc lịch sử
để xem xét. Giai đoạn 10 năm (1976-1986) đất nước lâm vào tình trạng cực kỳ khó
khăn và khủng hoảng, bao nhiêu vấn đề dầu sôi lửa bỏng, bao nhiêu thân phận như
bị rang trên chảo lửa. Đó là bối cảnh lịch sử ít nhiều có chất “bi tráng” để
sản sinh những tác phẩm lớn. Văn học cách mạng và kháng chiến vẫn tiếp tục dòng
chảy, đồng thời bắt đầu xuất hiện những tác phẩm viết về hiện thực mới. Không
thể bỏ qua 10 năm văn học này.
Chủ đề của hội thảo là “Văn học 30 năm Đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhưng
trong
hội nghị, người ta vẫn đặt lại vấn đề: Thế
nào là đổi mới? và câu trả lời là không thống nhất. Dường
như chủ đề này quá lớn so với khả năng bao quát của nhiều người. Thành ra, các
tham luận chỉ như kiểu “thầy bói xem voi”. Vấn đề là, Hội
thảo đánh giá thành tựu của văn học giai đoạn 30 năm đất nước đổi mới
(1986-2016), hay hội thảo về LLPB về một nền văn học đổi mới?
Hội nghị chưa chỉ ra những thành tựu và những giá trị
của văn học 1986-2016 (và chưa làm rõ về giá trị của những “cách tân”). Những
tác phẩm, tác giả nào là tiêu biểu nhất cho thành tựu và giá trị của giai đoạn
văn học này? Văn
học này được định vị bằng những đặc điểm gì về tư tưởng, thi pháp và phong cách? Trong khi đó
người ta nói nhiều đến những đổi mới ngoài văn chương, như việc hiện đại hóa
nền văn học, về phục hồi giá trị cho những nhà văn bị “án” một thời, về tinh thần dân chủ, về
mở rộng biên độ nhận thức và sáng tác, về tiếp nhận các lý thuyết văn học
phương Tây, về các hoạt động của Hội Nhà Văn…
Tôi nhận thấy văn chương Việt Nam hiện nay có 3 khuynh hướng: Văn học cách mạng
và kháng chiến tiếp tục viết như văn học kháng chiến, đó là
khuynh hướng tụng ca - sử thi. Dòng Văn học nhân văn và dân chủ
mang khuynh hướng “phê phán hiện thực”,
mà người ta còn
gọi là văn chương sám hối, văn
chương nghiền ngẫm hiện thực. Mỗi khi nói đến văn học đổi mới, người ta
không thể không nói đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Thiên sứ của
Phạm Thị Hoài, Thời xa vắng của Lê
Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của
Nguyễn Khắc Trường, Những thiên đường mù
của Dương Thu Hương và sau này là Nỗi
buồn chiến tranh (Bảo Ninh)... Dòng văn chương thị trường mới xuất hiện sau này (thực ra, ở miền Nam, trước
1975 đã có dòng văn học này). Đây là văn chương giải trí,
chủ yếu là truyện ngôn tình. Nhưng dòng văn học này đang lấn át thị trường và
ảnh hưởng lớn
đến giới trẻ, vì độc giả của dòng văn chương này là người trẻ. Dòng văn học này có giá trị
gì trong sự phát triển văn học của dân tộc? Hay chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí
của đời sống thị trường?
Khi nói về sự đổi mới văn học như là quy luật nội tại, Hội nghị đã bỏ qua
những yếu tố tư tưởng cơ bản thúc đẩy sự đổi mới văn học (1986-2016). Đó là Nghị quyết trung ương 5
về “xây dựng và phát triển nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và nghị quyết 23 của Bộ chính
trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết 33 của BCH Trung
ương Đảng về “xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... Nhiều
vấn đề lý
luận và phê bình văn học đã được mở ra. Nhà văn được hoàn toàn tự do trong lựa
chọn đề tài, nội dung, phương pháp sáng tác, không còn bị trói buộc trong
phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Tinh thần nhân văn và dân chủ thấm
nhuần trong tư tưởng và sinh hoạt văn học với cái nhìn cởi mở hơn. Cách tiếp
cận vấn đề đa chiều, không còn độc tôn chân lý. Nhà văn có điều kiện thể hiện
cá tính sáng tạo, không phải “mặc đồng phục và hát đồng ca”. Và
đến bây giờ, sau nhiều năm háo hức tiếp cận các lý thuyết mới về văn học của
phương Tây, các nhà LLPB nhận ra rằng, lý thuyết văn học của phương Tây là viết
cho nền văn học phương Tây, ta cần tiếp thu sao cho phù hợp với văn chương Việt
Nam, văn hóa Việt Nam. Đã có những ý kiến kêu gọi xây dựng một nền Lý luận văn
học Việt Nam. Nhưng cho đến nay vẫn còn là ý tưởng.
Tôi đồng ý nhiều điểm trong tổng kết Hội
nghị của nhà thơ Hữu Thỉnh. Văn học 1986-2016 giải phóng tiềm năng sáng tạo của
nhà văn, có được một đội ngũ đông đảo, dù vẫn còn trong một dàn đồng ca nhưng
mỗi người đang cố gắng hát giọng riêng. Văn
học 30 năm đổi mới (1986-2016) đang từng bước hiện đại hóa để hội nhập với
thế giới. Chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, và còn phải chờ đợi
những thế hệ nhà văn nối tiếp.
B.C.T