Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MÊ TÍN NƠI CỬA THIỀN


Thy Đường

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Những năm qua, khi các địa phương tổ chức lễ hội có liên quan đến đình, chùa, đền, miếu, nhất là vào dịp đầu xuân thì báo chí cả nước lại được dịp “nóng” phản ánh tình trạng “buôn thần bán thánh”. Nào chuyện khách thập phương nhét tiền lẻ vào bất kỳ chỗ nào trên tượng thờ, chuyện các đại gia với những mâm lễ “khủng”… dâng cúng. Nhưng, liệu Thần, Phật có chứng giám, phù hộ cho những tham vọng của người đời?

Không hiểu sao, tôi hay nghĩ chuyện buôn thần bán thánh có liên quan mật thiết đến “văn hóa bôi trơn” từ lâu đã thấm đậm trong máu của người Việt. Các quan chức, doanh nghiệp hay dùng “văn hóa bôi trơn” để kiếm quyền và lợi cho mình, nói đơn giản là “hối lộ”. Tư duy hối lộ len chui vào cả những nơi thờ tự thiêng liêng. Lễ hội “Khai ấn đền Trần” ở Nam Định nhiều năm nay đã diễn ra cảnh cướp ấn hỗn loạn mà mục tiêu chỉ là giành “ấn”, người ta tin rằng ai có ấn sẽ được Đức Thánh Trần gia hộ cho việc làm ăn, thăng quan tiến chức...

Mới đây, thiên hạ truyền nhau rằng chùa Đồng trong khu di tích Yên Tử - là một trong những ngôi chùa trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á rất “linh thiêng”, ai cọ tiền vào chuông, cột ở chùa Đồng thì cả năm sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Thế là, trong Hội Xuân Yên Tử năm 2016, ngày khai hội dù địa hình đồi núi hiểm trở, gió lạnh cắt da, hàng nghìn du khách vẫn ùn ùn chen nhau lên đỉnh chùa Đồng. Ai nấy đều cố gắng chạm vào chân, tay Đức Phật hay “mài” tiền để cầu may, có người ra sức giắt tiền lên cột, kèo hoặc bất cứ chỗ nào có thể. Thậm chí chiếc chuông đồng trong chùa cũng bị du khách… xoa đến nhẵn bóng. Thật không thể hiểu sao người ta có thể tin may mắn sẽ đến từ những động tác xoa, mài ngô nghê như vậy. Quả là dân ta đã mê tín đến phát cuồng.

Người đời hám lợi, danh, tận dụng mọi quan hệ cá nhân, xã hội để phục vụ cho mục đích vật chất của mình đã đành, nay họ còn dùng luôn cả những liên kết tâm linh để mưu cầu tài lộc. Tôi đã chứng kiến cảnh các quan chức, doanh nhân lũ lượt trẩy hội, đi đền, chùa cầu xin “hanh thông” thế sự, đến cả giai tầng trí thức trong xã hội cũng tham gia. Báo chí nhiều lần lên án hiện tượng các quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lạm dụng xe công đi lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, Dinh Cô ở Vũng Tàu, Chùa Bà Đen ở Tây Ninh… Một số cơ quan nhà nước ra thông báo cảnh báo và ngăn cấm những hành vi lạm dụng xe công hay thời gian làm việc Nhà nước đi công việc cá nhân – trong đó có những lễ hội ở cơ sở tín ngưỡng, nhưng xem ra, tình hình vẫn chưa mấy cải thiện…

Kinh điển Phật học xác quyết rằng chỉ có những bậc đắc thánh quả như Đức Phật, Bồ tát Thập địa, A La hán mới có thể được ban phước lộc nhưng phải nằm trong cơ chế vận hành của luật nhân - quả. Do vậy, sinh thời Đức Phật từng nói rằng có 3 việc Ngài không làm được: Một là không thể cứu độ hết chúng sanh; hai là không thể thay đổi được định nghiệp của chúng sanh (nghĩa là ai kiếp trước bủn xỉn, keo kiệt thì kiếp này chịu nghèo hèn, Đức Phật cũng không thể làm cho họ giàu sang được, kiếp trước ai sát hại mạng sống nhiều loài, kiếp này chịu bệnh tật triền miên, Đức Phật không thể làm cho họ trở nên khoẻ mạnh được); ba là không thể cứu độ những ai không có duyên nghiệp với Ngài, với Phật pháp. 

Nhà văn Hoàng Hữu Các viết trong bài “Khi người ta hối lộ cả thần linh” rằng: “Nếu cầu cúng mà được giàu có thì người Việt Nam mình không phải sản xuất kinh doanh gì cả, vì nước ta hằng năm có tới hơn 8.000 lễ hội”! Có lẽ quen với cách nghĩ làm gì cũng phải “bôi trơn” mới được việc, người đời cũng hành xử như vậy với thánh thần. Không ít người trong số họ là những Phật tử thường xuyên đến chùa lễ bái, tụng kinh niệm Phật. Nhưng thật sự chẳng mấy ai hiểu Phật. Vì nếu hiểu thì người ta đã không xin xỏ, nhét tiền vào tay Phật, mài tiền trên chuông khánh, cột đồng.  Đức Phật đã dạy rằng mọi thứ tài lộc trên đời đều do luật nhân - quả chi phối. 

Bây giờ không chỉ nhà dân mà ngay cả các tổ chức doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị thuộc nhà nước… đều bày bàn thờ “Thần Tài”, chất đầy  café, thuốc lá, tỏi, nhang đèn…Thế nhưng bất chấp việc thờ cúng khói nhang, rất nhiều chủ doanh nghiệp, cả giới chức của các ngân hàng lẫn những đại gia bất động sản… vẫn làm ăn thất bát, thua lỗ nợ nần, thậm chí phá sản hoặc lâm vào vòng lao lý. Những vị ấy đều có chung một điểm: họ thờ cúng thần Tài, ngày rằm hoặc mùng một rất siêng năng đi lễ chùa, không tiếc tiền đổ vào các thánh lễ. Chắc hẳn họ cũng quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng rõ ràng không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm nên thần Tài, Bà Chúa hoặc thần linh nào họ cầu khấn, cúng lễ cũng không giúp được họ vượt qua được cơn khủng hoảng.

 Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng, các ngành văn hóa, giáo dục, đội ngũ nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian phải chung tay vào việc tuyên truyền để hướng con người hướng thiện cách trong sáng, ứng xử có văn hóa nơi tín ngưỡng, thờ tự, tránh cảnh buôn bán thần thánh… không để xã hội lâm vào cảnh “loạn tâm linh” hay để “mê tín” thấm sâu vào tư duy, cách hành xử của người Việt.

                                                                                  T.Đ

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​