Tôi làm báo nghiệp dư đã ngót nghét hơn 20 năm, là cộng tác viên thường xuyên của Báo Đồng Nai và Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Hơn 20 năm, tuy chỉ là cộng tác viên và chưa có thẻ Nhà báo chính thức, nhưng hễ địa phương có vụ việc gì là tôi lập tức đưa tin – nhanh, kịp thời và đều đặn.
Những ngày đầu viết tin gửi báo, các bài đăng đều ghi tên thật của tôi, thậm chí còn kèm theo tên cơ quan công tác. Thấy hơi ngại, tôi bèn trình bày với các anh biên tập. Họ nhẹ nhàng tư vấn: "Anh nên lấy bút danh, đừng để tên thật, vừa làm công chức vừa làm báo, dễ bị dị nghị. Có thể lấy tên con mình để làm bút danh, cũng hay đấy!"
Nghe lời, tôi tìm hiểu và chọn cho mình một cái tên riêng – bút danh "HL". Cái tên ấy đã theo tôi đến tận hôm nay, như một người bạn đồng hành trên con đường báo chí đầy đam mê, từ nghiệp dư trở thành người “chạm cảm xúc".

Đồng chí Phạm Văn Hoàng -Phó Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, người được biết đến với bút danh Hoàng Long
Tôi chưa từng qua trường lớp đào tạo báo chí chính quy nào. Kiến thức, kỹ năng viết lách có được đều từ những buổi tập huấn chuyên đề, những cuộc trao đổi nghiệp vụ quý báu. Nhờ vậy, ngòi bút của tôi ngày càng “lên tay". Bạn bè từng đọc bài viết của tôi có lần nhận xét: “Dạo này ông viết mượt mà lắm, bài nào cũng nhiều cảm xúc. Ghi chép tỉ mỉ, văn phong mộc mạc, đọc lên thấy có bóng dáng quê hương, thấy cả mình trong đó…". Bỏ qua những lời khen, tôi vẫn viết như một thói quen. Viết khi có tạp chí "đặt hàng", viết khi có sự kiện vừa diễn ra, viết cả khi cảm xúc thôi thúc. Có những câu chuyện tôi viết rất nhanh, cảm xúc tuôn trào như mạch nước ngầm, chỉ dừng lại khi con chữ đã trọn vẹn.
Mới đây, trong chuyến đi ngang Bình Phước cùng nhà văn K.V, tôi tranh thủ ghi lại những chi tiết mình thích ngay trên đường đi. Về đến nhà, tôi đã hoàn thành một bản thảo hơn 1.000 chữ. Sau khi chỉnh sửa, bài viết dài hơn 1.500 chữ. Tôi liền gửi cho nhà văn K.V góp ý. Được góp ý, tôi trao đổi lại với biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, và họ thông báo sẽ biên tập để đăng trong số tới. Tôi cảm thấy hồi hộp như những lần đầu tiên viết báo vậy.
Trong quá trình học tập, làm việc và trưởng thành tại thành phố Long Khánh, tôi đã tích lũy được rất nhiều kỷ niệm đẹp. Những ký ức ấy thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để tri ân mảnh đất thân yêu này. Khi được điều chuyển công tác về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi không còn phụ trách địa bàn Long Khánh nữa. Trước ngày rời đi, tôi lục lại trong “bộ sưu tập" cá nhân – gần 200 bài báo đã đăng trên các báo, tạp chí trong tỉnh.
Tôi quyết định tập hợp, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Long Khánh tôi yêu" – như một lời chào tạm biệt đầy nghĩa tình gửi đến vùng đất đã gắn bó với tôi suốt bao năm.
Đồng chí Phạm Văn Hoàng (Hoàng Long, bên phải) và Nhạc sĩ Hoàng Lương - Phó Chủ tịch Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu
Cuốn sách được chia thành 7 phần: Những bài viết về thành phố trẻ Long Khánh; Những bài viết về xây dựng nông thôn mới; Những bài viết về du lịch vườn ở Long Khánh; Dấu xưa Long Khánh; Ký ức về đại dịch Covid-19; Những câu chuyện thường ngày ở Long Khánh; Những bài viết ghi chép trên các chặng đường công tác.
Với gần 500 trang viết, sách được Nhà xuất bản Đồng Nai cấp phép và phát hành vào tháng 3 năm 2025, được mang tặng cho anh em, đồng đội ở Long Khánh. Tập sách mang đậm màu sắc báo chí, và tôi xem đó như món quà tri ân của một người làm báo nghiệp dư, gửi tặng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
Khi giới thiệu về cuốn sách “Long Khánh tôi yêu", Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới nhận xét: “Khó tìm thấy trong trang viết của Hoàng Long những lời có cánh, câu văn hoa mỹ. Thay vào đó là hình ảnh chân chất, lời bình dị, tâm tình chân thật; thể hiện tình yêu nồng nhiệt dành cho Long Khánh, vì Long Khánh. Nếu khắt khe, có người sẽ cho là thô vụng. Nhưng phong cách của tác giả giống như người thư ký của sự thật – 'có sao nói vậy'. Ông mô tả sự việc theo cảm nhận trực quan, không cầu kỳ nhưng lại đậm chất nhân văn, đầy tình người. 'Long Khánh tôi yêu' là sự kết tinh của tấm lòng yêu quê hương – một lời tri ân, một thông điệp dẫn đường."
Tập sách đầu tay không chỉ là dấu mốc quan trọng mà còn là động lực để tôi tiếp tục cộng tác và viết nhiều hơn. Dù vẫn là người viết nghiệp dư, không chức danh, tôi tâm niệm sẽ tiếp tục viết như một nhà báo thực thụ, với tình yêu chân thành dành cho con người, quê hương và đất nước. Đây sẽ tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục viết nhiều hơn. Tôi tin rằng, những bài viết của mình sẽ truyền tải được tình yêu quê hương, đất nước, tình người và những khát vọng cho tương lai tươi sáng của dân tộc.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, với lòng biết ơn sâu sắc đến truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng suốt một thế kỷ qua, tôi xin kính chúc các nhà báo luôn mạnh khỏe, tâm trong, trí sáng; đoàn kết, đồng lòng, vì một nền báo chí chuyên nghiệp – nhân văn – hiện đại; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân; phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.