Nhân vật
Ông Công: 60 tuổi, nông dân
Bà Nghệ: 55 tuổi, vợ ông Công, buôn bán nhỏ
Cô Kim: 30 tuổi, con gái ông Công
Bà Thắm: 45 tuổi, hàng xóm của ông Công, buôn bán nhỏ
Giới thiệu: Gần tới tết, gia đình ông Công lo chuẩn bị đón tết và trông ngóng con gái về. Giống như các gia đình truyền thống khác, ông Công luôn muốn có một cái tết trọn vẹn từ việc dọn nhà, gói bánh, làm cơm cúng,... nhưng cô Kim theo quan niệm hiện đại, muốn thuê người làm, ứng dụng công nghệ để cuộc sống thoải mái hơn. Từ đó xảy ra nhiều diễn biến thú vị trong gia đình nhỏ ở một làng quê.
CẢNH
Trong nhà bày trí đơn giản, có bộ ghế dài ở giữa. Trước nhà, sân rộng, có vườn cây.
Lớp 1 - Ngoài sân vườn.
Đèn sáng. Ông Công đang tỉa lá cây mai cảnh, nhạc xuân mở xập xình. Ông vừa làm vừa hát theo nhạc.
Ông Công: (Nhạc và tiếng ông hát) Xuân đã đến bên tôi... đến bên anh... xuân đã đến bên người... xin người cùng tôi vui xuân... (Nhảy theo nhạc) Mang hạnh phúc cho đời, nhớ nhé anh ơi... mang say đắm cho người... xin người cùng tôi yêu xuân...
Bà Nghệ từ trong nhà đi ra, vẻ mặt khó chịu với tiếng nhạc lớn. Nhạc nhỏ lại.
Bà Nghệ: Ông Công ơi là ông Công! Trưa rồi mà công còn ở đó hát hò nhảy múa, hết mai với quýt. Sáng giờ ông cho gà ăn chưa? Hết chỗ này chỗ kia hỏi mua gà tết. Tôi làm không hết việc còn ông cứ ở đó mà hát với hò.
Ông Công: Bà tưởng tôi mê mấy cái hát hò nhạc xập xình này lắm à? Tôi mở to là để át cái tiếng hát Đắp một cuộc tình, Đồi thông hai mộ rồi Mùa lá me bay của cái bà Thắm hàng xóm kia kìa!
Bà Nghệ: Nói tới là nhức đầu, hát từ sáng đến tối không biết mệt. Không biết ngày xưa bà này bao nhiêu cuộc tình mà đắp mộ mấy năm chưa hết.
Ông Công: Tết phải nghe mấy cái nhạc này cho tưng bừng bà ạ! Mà con Kim có nói chừng nào về không?
Vừa lúc đó bà Thắm đi vào, tay cầm cái chổi, vừa đi vừa hát bài Xuân này con không về.
Bà Thắm: (Hát) Con biết bây giờ mẹ chờ em trông... Nhưng nếu con về bạn bè thương mong... (Nghỉ một lúc do quên bài) Gì nữa nhỉ... À... Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm... Mẹ ơi xuân này con vắng nhà...
Ông Công: (Lẩm nhẩm với vợ) Người gì mà vô duyên. Người ta đang mong con về ăn tết thì bả hát cái bài Xuân này con không về.
Ông Công quay vào tỉa cây tiếp.
Bà Nghệ: (Nói lớn với bà Thắm) Cô Thắm sang đây có việc gì thế?
Bà Thắm: Chị Nghệ, em qua trả chị cái chổi.
Bà Nghệ: Ủa cô mượn lúc nào?
Bà Thắm: Hôm qua cả nhà hai bắc đi vắng, em sang không thấy ai em nhắn tin qua Zalo cho bác đấy thôi! Bác không mở Zalo xem à?
Bà Nghệ: Da-dô là cài gì?
Bà Thắm: Chán vợ chồng nhà anh chị! Chồng tên Công, vợ tên Nghệ mà không có cập nhật công nghệ gì hết. Thôi em trả rồi em về. Đang bật loa Karaoke ở nhà.
Bà Thắm quay lưng ra về, rồi quay lại.
Bà Thắm: Ơ, thế con bé Kim chưa về hả anh chị?
Bà Nghệ: Chưa cô, mọi năm phải 29 công ty cháu nó mới nghỉ.
Bà Thắm: Úi giời! Em nói thật, con gái phấn đấu sự nghiệp gì cho lắm chị ơi! 30 tuổi rồi, lo lấy chồng đi chị! Làm sếp này sếp kia không bằng làm sếp của chồng của con. Thôi em về đây!
Bà Nghệ quay vào, vẻ mặt buồn bã, thở dài.
Bà Nghệ: Nghĩ tới là buồn ông ạ!
Ông Công: Ơ cái bà này hay nhỉ! Con gái mình giỏi, thành đạt như thế có gì phải buồn. Giờ đã làm trưởng phòng rồi, quản lý cả mấy trăm người. Bà phải vui mới đúng chứ!
Bà Nghệ: Ừ thì ông nói sao tôi biết vậy. Ông đứng lên đi giao cho tôi mấy con gà trong Trảng Dài đi. Còn tôi giao bên Hố Nai.
Ông Công: Nuôi mấy con gà, lời lãi không bao nhiêu mà đi giao khổ quá bà.
Bà Nghệ: Nuôi cho có việc đi ra đi vào ông ạ! Chứ nhàn cư vi bất thiện. Chơi hoài rồi sinh tật cũng khổ con khổ cháu. Tôi cột sẵn lên xe ông rồi đó. Ông đi sớm đi.
Hai vợ chồng đi ra khuất. Tắt đèn.
Đèn sáng. Trước nhà Ông Công. Kim kéo vali từ ngoài đi vào.
Kim: (Gọi lớn) Ba ơi! Mẹ ơi! Con về rồi này!... Ủa? Ba mẹ đi đâu hết rồi mà để nhà cửa trống huơ trống hoắc thế này?
Kim ngồi xuống ghế trước nhà. Bà Thắm đi vào, hát bài Duyên phận
Bà Thắm: (Hát) Phận làm con gái... chưa một lần yêu ai... nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài... (Nói với Kim) Ủa Kim về hả cháu?
Kim: Dạ, con chào cô Thắm! Cô Thắm khỏe không ạ?
Bà Thắm: Khỏe! Khỏe lắm con! Con về có một mình à... Rồi chừng nào cho cô ăn kẹo mừng đây!
Kim: Nhà cô Thắm là cái tạp hóa lớn nhất xóm này rồi! Cô muốn ăn kẹo lúc nào chẳng được mà phải đợi con.
Bà Thắm: Cái con nhỏ này có lớn mà không có khôn. Ý là cô hỏi chừng nào cho cô đi ăn tiệc đây?
Kim: Tết nào ba mẹ con chẳng làm cơm tất niên tân niên mời cô Thắm sang ăn?
Bà Thắm ngồi xuống cạnh Kim.
Bà Thắm: Con nhỏ này cứ cố tình không hiểu. Cô thấy con cũng 30 tuổi rồi. Lo lấy chồng đi con... để vài năm nữa ế chổng ra chẳng ma nào nó rước đâu. Để cô làm mai cho mấy mối nha.
Vừa lúc đó Ông Công về, nghe được mấy lời bà Thắm nói.
Ông Công: Đúng đấy con! Để lâu quá lại như cô Thắm này. Tới giờ có một thân một mình buồn lắm cô Thắm ha!
Bà Thắm vẻ giận dỗi, bỏ ra về.
Kim: Ơ, thế cô Thắm sang đây có việc gì thế ạ?
Bà Thắm: Cô mượn cái hốt rác.
Bà Thắm xách cái hốt rác về thẳng.
Kim chạy lại cầm nón, áo khoác giúp Ông Công.
Kim: Ba với mẹ đi đâu mà để nhà cửa bỏ không vậy?
Ông Công: Ba đi giao gà giúp mẹ. Giao tận bên Trảng Dài, xa lắm con. Nuôi được mấy con gà, mà việc đem bán cũng phát mệt... Mà sao năm nay con về sớm thế?
Vừa lúc đó bà Nghệ cũng về tới nhà. Kim chạy lại ôm mẹ.
Bà Nghệ: Về rồi hả con? Sao nay đã về rồi? Không phải... con nghỉ việc hay công ty phá sản hả con?
Ông Công: Cái bà này... toàn nghĩ tiêu cực về con thôi. Công ty của con là công ty đa... đa (ấp úng)... cấp quốc tế... sao mà phá sản được.
Kim: Tập đoàn đa quốc gia. Chứ ba nói đa cấp người ta lại tưởng con đi lừa đảo.
Kim nắm tay mẹ.
Kim: Ba mẹ ơi, bây giờ là thời đại công nghệ 4.0 rồi, nơi nơi đang thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống. Giờ chỉ cần có điện thoại, laptop là ngồi bất cứ đâu cũng làm việc được hết. Thế nên, Tết năm nay con về sớm, cùng ba mẹ chuẩn bị đón Tết.
Ông Công: (Nói với vợ, lầm bẩm) Con nó nói gì lùng bùng cái lỗ tai quá đi.
Kim: Rồi, dần dần con gái sẽ cập nhật công nghệ thông tin vào đời sống của ba mẹ. Như việc đi giao hàng đó, ba mẹ từ giờ không phải vất vả đi xa, trời trưa nắng nôi, mưa gió nữa. Chỉ việc ngồi nhà cũng giải quyết được hết.
Bà Nghệ: Được rồi! Gờ con gái xách đồ vào nhà nghỉ ngơi. Mẹ xuống bếp nấu cơm cho con. (Nói với Ông Công) Ông xách cái quạt tôi cất trên gác xép xuống cho con nha ông.
Kim đi vào nhà, Ông Công giúp con kéo va li. Bà Nghệ đi vào trong.
Đèn tắt
Lớp 2 – Trong nhà
Góc nhà có mấy hộp carton đựng hàng. Bà Nghệ ngồi nhặt rau,
Ông Công: (Vào) Con Kim chưa dậy hả bà?
Bà Nghệ: Ừ, hôm qua con làm việc khuya, để con ngủ cho thoái mái ông à!
Ông Công: Mấy hôm nay con về ngày nào cũng ngủ đến trưa. Do tối qua con nói nay dậy sớm để đi công việc nên tôi mới nấu cho con đấy chứ. Haizz... Mì nở bung hết rồi. Mấy cái hộp gì kia bà?
Bà Nghệ: Tôi cũng không biết, của con gái đó ông. Qua nay thấy cứ tự dưng ở trong nhà mà đâu có thấy con mình ra ngoài đâu.
Tiếng bên ngoài của người giao hàng nói chuyện với bà Thắm.
Giao hàng: Cô ơi, cho con hỏi nhà Kim ở đây phải không cô?
Bà Thắm: Đúng rồi! Nhà này này rồi con.
Giao hàng: (Gọi) Chị Kim ơi!
Kim từ phòng ngủ đi ra, bộ dạng còn lơ mơ ngủ.
Kim: Ra liền đây ạ! (Kim ra khuất).
Ông Công: Ai thế bà nhỉ? Ai mà kiếm con mình vậy bà?
Bà Nghệ: Ông hỏi tui thì tui hỏi ai? Đợi con gái vào là biết.
Kim đi vào, tay ôm mấy gói hàng.
Lại có tiếng gọi của người giao hàng khác.
Giao hàng: Chị Kim ơi! Nhận hàng này!
Kim đặt vội mấy gói hàng lên bàn. Chạy ra.
Kim: Ra liền!
Ông Công và bà Nghệ ngơ ngác.
Bà Nghệ: Lạ nhỉ! Con mình đi làm xa gần chục năm nay, có bạn bè gì ở nhà đâu mà lắm người kiếm thế không biết.
Ông Công nhìn mấy gói đồ trên bàn.
Ông Công: Mấy cái gói này là gì không biết!
Kim chạy vào, xách thêm gói hàng nữa. Hào hứng khui mấy gói hàng.
Kim: Mẹ, con mua cái áo này tặng mẹ, mẹ thử xem vừa không? Ba, còn đôi dép này con mua cho ba đi tết cho thoải mái, ba đi thử đi ba.
Bà Nghệ: Con mua ở đâu? Mua hồi nào?
Kim: Con nói ba mẹ rồi mà. Giờ chỉ cần ngồi nhà. Có cái điện thoại là con có thể mua hàng tận ngoài Đà Nẵng, Hà Nội hay bên nước ngoài luôn. Ba mẹ thử vào con xem.
Ông Công: Rồi để ba mẹ thử. Con ăn sáng đi. Mà thôi mì nở rồi. Để ba nấu tô khác cho.
Kim: Thôi, không cần đâu ba ơi. Con đặt đồ ăn online luôn rồi nè! Ba mẹ vào ăn chung với con không?
Bà Nghệ: Đồ ăn mà cũng đặt hả con? Ăn thế có đảm bảo không?
Kim: Con ăn vậy cả năm nay mà mẹ thấy con có vấn đề gì không? Vẫn xinh đẹp giỏi giang đây thôi mẹ. À, con còn mua mấy cái áo dài cho mẹ với áo sơ mi, quần tây cho ba nè. Ba mẹ nhớ thử hết nha! (Vào trong)
Ông Công, bà Nghệ thử đồ. Nhạc vui.
Kim: (Vào) Ôi…! Ba mẹ mặc đồ đẹp quá!
Ông Công: Đồ con gái mua có khác. Đẹp quá. Tết này đi chúc tết cứ phải nói là nhất. Không phải đi giao gà nữa thì hai mẹ con dọn nhà với ra chợ mua sắm đồ cho tết đi. Không mấy bữa nữa đi đông lắm, lại hết đồ ngon. Rồi còn lo gói bánh, làm giò, nấu thịt đông... đủ thứ đấy.
Kim: Ba ơi, con đã nói là tết công nghệ 4.0 rồi. Ba không phải lo mấy việc đó nữa đâu. Hôm nay mẹ cần giao gà cho ai, mẹ ghi ra tờ giấy rồi con đặt người giao cho ba mẹ luôn.
Ông Công ngồi xuống cạnh con gái.
Ông Công: Bữa giờ con cứ nói 4.0 với 5.0 gì gì đó? Là sao con gái?
Kim: Ba hiểu đơn giản như này. 4.0 là không dọn nhà, không đi chợ Tết, không bánh chưng và không làm cơm... vậy đó ba.
Ông Công: Thế thì còn gì là Tết nữa con?
Kim: Giờ con chỉ muốn ba mẹ đón một cái Tết nhẹ nhàng, thoải mái, vui vẻ thôi. Việc dọn nhà, bánh chưng, sắm Tết… ba cứ để đó con lo hết. Ba chỉ cần chăm cây mai của ba thật đẹp là được. Đấy, giờ con mới nhớ, con mua cả đồ trang trí cây mai cho ba nữa nè.
Kim đưa hộp đồ cho Ông Công, rồi ôm mấy cái hộp vào phòng.
Bà Nghệ: Đúng cuộc sống công nghệ 4.0. Tôi thấy hay đó ông.
Ông Công: Ừ, nhưng mà tôi cứ thấy nó sao sao... Ơ thế tô mì này bỏ đi hả bà?
Bà Nghệ: Bỏ cho gà đi ông. Thôi nay không phải nấu ăn cho con nữa. Để nó thích ăn gì nó tự mua.
Ông Công mang đồ trang trí cây mai đi ra. Bà Nghệ cầm chổi quét nhà, thu dọn rổ rau. Bà Thắm hớt hải chạy vào.
Bà Thắm: Chị Nghệ, chị biết chuyện gì chưa?
Bà Nghệ: Chuyện gì mà cô vội vàng gấp gáp thế?
Bà Thắm: Úi giời ơi! Người ta đang đồn ầm lên khắp chợ về nhà chị kia kìa.
Bà Nghệ: Nhà tôi làm gì mà người ta đồn?
Bà Thắm: Thì đồn con bé Kim nhà chị đó! 30 tuổi chưa chồng con mà từ ngày về đây, ngày nào cũng 2-3 anh áo xanh áo vàng tới kiếm, lại anh nào cũng đưa quà đưa đồ nữa... Ủa…! Nó quen nhiều thằng thế hả chị?
Bà Nghệ: (Nổi giận) Con bé Kim nhà tôi là đứa đàng hoàng, chị đừng có nói tầm bậy!
Bà Thắm: Em có nói đâu! Người ta nói đấy chứ! Ờ... Chị cho em mượn cái nồi em luộc con gà.
Bà Nghệ: Tôi để dưới bếp đấy cô xuống mà lấy.
Bà Thắm: Mà chị, mấy cái thằng đó cùng công ty hay sao mà mặc áo giống nhau thế? Cái chữ Gáp Gáp gì đó cũng giống nữa. Thôi nói cháu chọn lấy một thằng thôi chị! Không thương người ta, mà cứ nhận quà của người ta hoài...
Bà Nghệ: Trời ơi, là con gái tôi đặt đồ tết cho vợ chồng tôi, người ta giao tới thôi chứ quen biết gì đâu? Ai ác mồm ác miệng đồn tầm bậy thế hả?
Bà Thắm: Thì ra là vậy, em cũng nói chắc người ta có việc gì mới tới ngày 3-4 người như thế... Chứ con bé Kim nào giờ ngoan ngoãn nhất xóm này ai chẳng biết chị nhỉ!
Bà Nghệ: Vậy là cô đi đồn hả?
Bà Thắm sựng lại, biết mình bị hớ.
Bà Thắm: Thôi em về nhé!
Tắt đèn
Lớp 3 – Ngoài sân vườn
Trước nhà Ông Công, cây mai đã được trang trí rực rỡ. Bà Nghệ mặc cái váy đầm đẹp, tạo dáng bên cây mai chụp hình, rồi ngồi xuống bấm điện thoại, cười khúc khích.
Bà Nghệ: Hahaha... Hay quá! 5 người lai (like) rồi!
Ông Công: Bà làm gì mà vui thế?
Bà Nghệ: Cái này hay lắm ông, con gái mới chỉ tôi. Phây búc (facebook) đấy! Tôi xem từ sáng tới giờ chưa chán. Ông xem cái đầm con gái mua cho tôi có đẹp không?
Ông Công: Đẹp... mà chẳng hợp với bà chút nào!
Bà Nghệ: Ông bớt sống cổ hủ đi. Không nhẽ tôi suốt ngày phải mặc áo sơ mi, quần tây mới vừa mắt ông à? Sao con mua cho quần áo mới không mặc? Ông cứ mặc hoài mấy bộ cũ này con thấy nó buồn thì sao?
Ông Công: Cái thì rộng cái thì chật, cái thì màu chói xanh xanh đỏ đỏ, cái thì hoa lá chim cò... tôi có tuổi rồi mặc người ta cười cho. Nay 29 Tết rồi đấy, thế bà không dọn dẹp nhà cửa đi à? Trần chưa quét mạng nhện, bàn thờ, quạt chưa lau.
Bà Nghệ: Con Kim nói lát nữa thuê người tới dọn rồi. Ông cứ chăm cây chăm cối hay bật nhạc hát hò đi. Việc nhà con gái thuê hết rồi. Không phải động tay vào việc gì hết.
Ông Công: Thế không gói bánh chưng luôn hả bà?
Bà Nghệ: Con gái đã nói tết 4.0. không dọn nhà, không đi chợ tết, không bánh chưng và không làm cơm... Cứ thế mà thực hiện.
Kim đi ra, cắm mặt vào điện thoại, vấp ghế gần té.
Ông Công bà Nghệ vội chạy lại.
Hai ông bà: Có sao không con?
Kim: Con không sao đâu ba mẹ.
Kim ngồi xuống ghế, vẫn dán mắt vào điện thoại.
Kim: Gà người ta giao hết rồi nha mẹ!
Bà Nghệ: (Nhìn chằm chằm điện thoại) Ừ con! (Rồi lại cười khúc khích)
Ông Công hết nhìn vợ lại nhìn con, lắc đầu ngao ngán.
Ông Công: Mỗi người một cái điện thoại, không còn ai nói chuyện với ai nữa. 4.0 cái gì? Chấm với chả nếm... chả ra đâu vào đâu.
Tắt đèn
Lớp 4 - Trong nhà
Kim và bà Nghệ ngồi mỗi người một góc, bấm điện thoại cười khúc khích. Ông Công đi ra đi vào trước mặt bà Nghệ.
Bà Nghệ: Ông làm cái gì mà cứ đi ra đi vào thế? Chóng hết cả mặt.
Ông Công: Hay giờ tôi chạy ra chợ, mua lá dong, gạo nếp các thứ về nhà mình gói chục bánh chưng cúng ông bà tổ tiên nhé bà? Chứ tết không có nồi bánh chưng tôi thấy cứ thiêu thiếu.
Kim: Ba, gói chi cho bừa bộn nhà cửa lại đau lưng nữa. Con đặt hết rồi lát người ta giao tới.
Ông Công: Mua thế sao bằng mình tự làm được con? Như cái việc dọn nhà, con thuê người giúp ba mẹ đỡ mệt mỏi thì ba ghi nhận. Còn này là gói bánh chưng.
Bà Nghệ: Nghe con đi ông. Giờ ông lấy điện thoại ra tôi chỉ ông chơi phây-búc, đảm bảo ông nghiện luôn không còn buồn chán gì nữa.
Ông Công: Thôi, tôi chỉ còn niềm vui với vườn tược, cây cối thôi. (Thở dài) Haizz... tết cứ thế này thì buồn chán quá!
Ông Công đi ra, bà Nghệ và Kim tiếp tục bấm điện thoại.
Kim: (Vẫn nhìn điện thoại, nói với mẹ) Ui... chiều nay con có cuộc họp đột xuất, người ta giao bánh tới thì mẹ lấy vào hộ con nhé!
Bà Thắm thập thò bên ngoài, nghe trộm.
Bà Nghệ: Họp đông không con?
Kim: Khoảng trăm người mẹ.
Bà Thắm: (Lẩm bẩm) Trăm người? Gì mà đông dữ vậy?
Bà Nghệ: Ở nhà mình luôn hả con?
Kim: Dạ mẹ!
Bà Thắm sơ ý làm rớt đồ, Kim với bà Nghệ quay ra nhìn.
Bà Nghệ: Ủa cô Thắm qua hả?
Bà Thắm: (Cười trừ) Hì hì... em qua trả cái hốt rác.
Bà Nghệ: Cô để ngoài đó luôn đi.
Bà Thắm trả đồ xong, đi ra góc sân khấu.
Bà Thắm: Con bé này làm sếp to, họp cả trăm người mà về đây họp. Mà cả cái xóm này có mình tôi bán tạp hóa, giờ phải nhập sẵn chục ký mía, chục thùng ước ngọt, bánh ngọt. Đông người thể nào chẳng ăn uống tưng bừng. Đúng là gần mực thì đen gần đèn thì chói... quên, gần đèn thì sáng. Lại kiếm thêm được một khoản để xài tết. Hehehe... (Ra khuất)
Tắt đèn
Lớp 5 - Trong nhà
Bà Nghệ vừa quét nhà vừa cầm điện thoại. Ông Công ngồi dưới đất lật sổ sách. Bà Nghệ quét cả vào người chồng.
Ông Công: Úi giời ơi, bụi hết người tôi rồi!
Bà Nghệ: Chết! Tôi sơ ý quá. Mải nhìn cái điện thoại chả biết quét tới đâu.
Ông Công: Tôi nói bà rồi, làm gì thì làm bỏ cái điện thoại xuống. Bẩn hết sổ sách của tôi. (Phủi bụi) Mà bánh chưng có chưa?
Bà Nghệ: Mấy giờ rồi ông nhỉ?
Ông Công: 6h rồi.
Bà Nghệ: Ơ, nãy con Kim nói chiều 3-4h là người ta giao mà?
Ông Công: Thì bà vào hỏi nó đi.
Bà Nghệ: Không được. Con đang họp on-nai (online). Nó dặn không được làm phiền rồi.
Ông Công ngồi vào bàn ghế là sổ sách tiếp. Vừa lúc đó bà Thắm đi vào.
Bà Thắm: Ủa chị Nghệ, họp chưa mà không thấy ai tới hết vậy? Mọi người đâu hết rồi?
Bà Nghệ: Mọi người nào? Nay nhà tôi có khách khứa gì đâu?
Bà Thắm: Sao hồi chiều em nghe chị với cháu Kim nói họp công ty gì cả trăm người mà? Em đợi từ trưa tới giờ không dám đóng cửa không dám đi đâu luôn đó!
Bà Nghệ: Là họp on-nai... họp on-nai đó cô.
Bà Thắm: On-nai là cái gì?
Bà Nghệ: Là họp qua máy tính, điện thoại thôi chứ không phải tới trực tiếp. Giờ 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin khắp mọi nới rồi cô ạ!
Bà Thắm òa khóc, ngồi bệt xuống đất.
Bà Thắm: Ối giời ơi có chết em không chứ! Em nghe câu được câu chăng. Lại nghĩ con bé Kim nó làm sếp, nó bắt nhân viên họp tại nhà bác. Làm em nhập về một đống hàng kia kìa bác ơi... thế là hết cả tiền tiêu tết luôn rồi... huhu
Bà Nghệ: Ơ... thế là cô toàn nghe trộm chuyện nhà tôi à?
Bà Thắm: Hình như có người gọi em mua hàng, thôi em về đây. Lần sau nhà bác nói chuyện gì cũng nói đầy đủ rõ ràng lên, đừng để em hiều nhầm thế nhé!
Bà Thắm vội vã đứng lên đi về.
Ông Công: Sao giờ này chưa thấy người ta giao bánh...?
Kim từ trong phòng đi ra, cầm điện thoại nói chuyện.
Kim: Chị nói sao? Giờ hết bánh không kịp giao hả? Cái gì... 2 hôm nữa mới có bánh hả? 2 hôm nữa là mùng 1 tết rồi đó chị? Đêm 30 nhà em thắp hương bằng cái gì?...
Tiếng tắt điện thoại Tút... Tút... Tút
Bà Nghệ: Sao rồi con?
Kim: Họ nói quá tải đơn hàng, bị sót đơn nhà mình... 2 ngày nữa mới có...
Bà Nghệ: Ôi trời ơi... giờ làm sao đây con?
Kim: Để con hỏi mấy chỗ khác... Đầy người bán mẹ lo gì? Sao không chỗ nào nghe máy hết thế này.
Bà Nghệ nóng ruột đi đi lại lại. Ông Công lặng lẽ đứng dậy đi ra ngoài.
Ông Công bê vào thúng gạo với lá dong, đặt giữa nhà.
Ông Công: Thôi, hai mẹ con lại đây, không phải lo nữa, tôi đã lo trước rồi. Xem tôi chuẩn bị gì nào!
Bà Nghệ và Kim tiến lại.
Kim: Gạo, đậu xanh, thịt, lá dong, lạt... đầy đủ hết hả ba?
Bà Nghệ: Ông làm lúc nào mà tôi có thấy đâu?
Ông Công: Bà với con gái cứ bấm miết cái điện thoại có còn để ý chuyện gì, để ý ai nữa đâu. Tôi vẫn nghĩ ngày tết muốn ý nghĩa, đầm ấm thì không thể bỏ qua truyền thống bao lâu nay được. Vẫn phải có nồi bánh chưng bà ạ!
Bà Nghệ: May quá có ông lo liệu mọi chuyện, không là tôi cứ chìm đắm vào cái điện thoại chả còn biết gì nữa.
Ông Công: Bà vào lấy cái chiếu trải ra. Hai mẹ con gói bánh đi, tôi đi sắp cái bếp củi tối nay nhà mình nấu nồi bánh chưng. Đảm bảo thơm lừng khắp xóm.
Ông Công đi ra. Bà Thắm từ ngoài đi vào, vác rổ gạo.
Bà Thắm: Nhà chị gói bánh hả? Cho em ké với! Em có gạo rồi, còn mấy thức khác bác cho em mượn với nha! Có một mình em ăn bao nhiêu đâu.
Bà Nghệ: Sao nhà tôi có chuyện gì cô cũng biết thế nhỉ?
Bà Thắm: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà chị!
Kim: Tính ra từ bữa con về cô Thắm sang nhà con mượn đồ miết đó nha cô Thắm!
Bà Thắm: Cô mượn chứ cô có xin đâu... mốt con cưới chồng cô trả hết.
Bà Nghệ: Sang nhờ mà lại đi nói mỉa mai nhà tôi đó!
Bà Thắm: Hì hì... Em có ý gì đâu! Cháu nó chừng nào tìm được người ưng ý thì cưới, em càng mừng cho cháu thôi.
Bà Thắm ngồi xuống cùng hai mẹ con bà Nghệ.
Ông Công đi vào. Hạnh phúc vì cảnh trước mắt.
Ông Công: (Với mọi người) Cuộc sống 4.0 nhưng cái gì truyền thống thì mình vẫn cần gìn giữ phải không bà con? Để chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan. Để nét đẹp văn hóa của đất nước được truyền lại cho con cháu muôn đời sau.
HẠ MÀN