Luân hồi lá là tập thơ thứ 12 (kể cả thơ viết cho thiếu nhi) của thi sĩ Đàm Chu Văn. Đây có thể coi là tập thơ “lạ", lạ hơn so với 11 tập trước của anh. Lạ ngay từ tên thi tập, lạ ngay cả trong nội dung và cách thức thể hiện của từng bài thơ, hình ảnh thơ, câu chữ sử dụng trong thơ...
Luân hồi lá như bản tình ca về con người và cuộc đời trong nhiều mối quan hệ khác nhau của đời sống. Một thời đạn bom, khói lửa và những năm tháng đất nước hòa bình. Nẻo mờ. Vết đạn còn đau Ru trang cổ tích góp màu đất đai. Đó là những vấn đề riêng - chung, những nỗi niềm trăn trở, lo âu, suy tư, chiêm nghiệm. Ở đó còn là những khát vọng kiếm tìm, giải mã bản chất của đời sống trong sự cảm thông, chia sẻ hướng về giá trị nhân ái, nhân văn nhất. Hơn ai hết, Đàm Chu Văn hiểu sâu sắc về kiếp trầm luân với niềm tin vào sức mạnh vượt thoát, hồi sinh trong cõi người.
Tập thơ Luân hồi lá của Nhà thơ Đàm Chu Văn (ảnh ĐG)
Những nơi Đàm Chu Văn đã đi qua đều để lại những cảm xúc riêng. Dường như trên dải đất cong cong như hình chữ S này đều lưu dấu những bước chân của anh, những bước chân ấy đi vào thơ như sự trải lòng. Và đằng sau mỗi diễn ngôn ấy là sự ám gợi, mở ra những chiều kích, suy ngẫm, liên tưởng đa chiều trong cuộc sống thời hiện đại. Cuộc sống mà anh đã trải qua, anh đang chứng kiến và cả những dự cảm ở thì tương lai...
Luân hồi lá với 66 bài và được chia làm 2 phần:
Phần 1: Lá trung quân (27 bài): khúc ca bi hùng viết về chiến tranh, về lịch sử, văn hóa dân tộc.
Phần 2: Như chừng xanh hơn (39 bài): khẳng định tình yêu quê hương, đất nước, con người trong cái nhìn hồn hậu, trữ tình, lãng mạn đậm chất nghiệm sinh.
Những đau thương, mất mát và tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù được Đàm Chu Văn nói đến trong phần 1 của tập thơ. Đó là nỗi niềm xót xa, lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Vì thế, khi trở về thăm nhà tù Côn Đảo (một thời là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất và khắc nghiệt nhất Đông Dương), nhà thơ bật lên những cảm xúc nghẹn ngào:
Bao người yêu nước thương nòi
Ngực trần khí phách, đòn roi chẳng nề
Dấn thân khắc một lời thề
Thịt xương dù nát cho quê hương lành
Sá chi ngời ngợi tuổi xanh Sá chi gối ấm duyên lành đơm hoa
Đảo xanh giặc biến lao tù
Khốc rên địa ngục, âm u oan hồn
Quỷ người ngậm máu nhai xương
Ngủ cùng rắn rết, thức cùng đòn roi
Trong mơ vẫn giấc hành người
Cho tan lý tưởng, cho vơi tâm hồn
Oán hờn chất núi tày non
Đọa đày khảo đả thân mòn chí lay
Mạng người hạt cát rời tay
Biển tan vào một cõi này thinh không
Hàng dương sóng dội ngàn trùng
Nắm xương vô chủ lẫn cùng cỏ cây...
Không thể nào nói hết, kể hết công lao và sự đóng góp máu xương của bao thế hệ con người Việt Nam vì nền độc lập của nước nhà. Họ đã trở thành biểu tượng đẹp mang đầy đủ hình dáng, tâm hồn cốt cách Việt Nam: cùng chung một lý tưởng, một mục đích, sống và chết vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Hơn bốn mươi năm sau chiến tranh anh lại vào rừng tìm lá trung quân
những lớp lá đã ngủ yên trong mùa xưa cũ?
trung quân
sắc lá bền gan
ai đặt tên cho lá giữa ngợp xanh đại ngàn
cây nghiêng lá
nghiêng màu sức trẻ
ngàn sông suối
ầm ào, dồ dạt
đền nợ nước
tiếc chi đời trai!
trùng trùng trung quân kết nên mái nhà
kháng chiến
gánh nước non dồn vào lá vào cây
bom rải thảm, thuốc khai quang, pháo bầy
giặc trút lên sắc lá
mùa đi
những mắt lá thức đợi
mặc nhiên xanh
(Lá trung quân).
Chiếc lá trung quân đã trở thành biểu tượng đẹp, kiên trung, bền bỉ, bất tử với thời gian...
Trong thơ đương đại luôn chứa đựng những gam màu trái ngược: sự sống - cái chết, vui - buồn, thiện - ác, được - mất, có - không, vinh quang - nhục nhã, quyền uy - bỏ cuộc... Ở đó nhà thơ giãi bày những suy tư, chiêm cảm về cuộc sống, tình yêu trong một cái nhìn biện chứng. Không gian, thời gian của các sự kiện lịch sử dân tộc, các trầm tích văn hóa được khám phá, được chuyển tải từ chính hiện thực mà thi nhân chứng kiến, nghe thấy và cả sự tái tạo xâu chuỗi từ ký ức:
Trăng ơi trăng, ngày mai sẽ vẹn lành
Vầng trăng sáng đoàn viên hẹn ước
Hai mốt năm trời giới tuyến cản ngăn
Cắt xẻ lứa đôi, tan nhà nát cửa
Trăng sẻ nửa, những mái nhà sẻ nửa
Những phố phường, cánh đồng, dòng sông, cánh rừng... sẻ nửa
Máu tuôn xối vết thương chia cắt...
(Đêm tháng Tư năm 1975 và những cây cầu).
Không gian của thời quá vãng bi hùng gợi nhắc cho những người còn sống hôm nay về một thời kỳ lịch sử đã qua trong niềm khắc khoải, day dứt.
Lời thề của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bên Bến Tượng: “Nếu không thắng trận này ta quyết không về bến sông này nữa". Lời thề ấy đã tạo xúc cảm cho Đàm Chu Văn, anh viết ngay bài thơ Lời thề bên Bến Tượng.
Đàm Chu Văn đã đi qua những năm tháng của đời lính, nên hiểu rõ sự tàn khốc của nó. Những anh hùng đã hy sinh, những địa danh nổi tiếng, những địa chỉ văn hóa, những chứng tích còn ghi dấu của cuộc chiến đã qua... hầu như khi đặt chân đến anh đều rưng rưng biết bao cảm xúc: Thăm Đền Hùng ngày xuân, đến Chùa Một mái, về thăm Côn Đảo, Cà Mau, bên cầu Mường Thanh, ghềnh Bến Cự, trên sông La Ngà, đêm tháng Tư năm 1975 của những cây cầu, bên gốc dầu cổ thụ trong di tích chiến khu Đ, những mảnh làng trên sông La Ngà 1978... Truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của quân và dân ta thật đáng tự hào. Hình ảnh “em" - cô gái giao liên thông minh, nhanh nhẹn; Già làng Năm Nổi, linh hồn của làng Chơ Ro Phú Lý hay người họa sĩ tài danh Tô Ngọc Vân đã ngã xuống trong trận bom thù và máu ông đẫm bức tranh chưa kịp vẽ... (Bức tranh Bên đèo Lũng Lô là tác phẩm cuối cùng về chiến thắng Điện Biên Phủ của Tô Ngọc Vân để lại trước khi hi sinh).
Đó còn là lời cảm tạ trước cha ông, tiên tổ, niềm tin tưởng vào tương lai về một đất nước đẹp giàu...
Nhà thơ Đàm Chu Văn có một đời sống tinh thần phong phú, luôn vận động, đặt mình vào trong dòng chảy cuộc đời để lắng nghe, cảm nhận, suy ngẫm về thực tại và cả quá khứ đã lùi xa. Thi nhân vẫn lặng lẽ, vẫn mải miết đi tìm câu trả lời cho chính bản thân mình và cho cuộc đời.
Bên cạnh niềm thành kính thiêng liêng, đức tin, sự tri ân sâu sắc với những con người của lịch sử, của quá khứ; trong thơ của Đàm Chu Văn còn chứa đựng cả những bi kịch:
Hàng dương xanh xõa tóc rối bời buổi sớm chúng đem bắn Chị
Biển vẫn xanh dồ dạt ầm ào như thể thản nhiên
mà không thể thản nhiên
Trắng hay đen màu tang trở, ở đây chỉ có
hàng hàng dương xanh làm chứng
Chúng giết xanh tươi, bắn vào công lý, hòa bình!
Chị có cài hoa Lê ki ma lên mái tóc xanh tuổi mười chín hay không, Côn Đảo có hoa Lê ki ma hay không, điều ấy không quan trọng
Chỉ biết đọng lại trong lòng những người lính có lương tri hôm ấy là dáng vẻ bình thản, yêu tin
Chị ngước về phía mặt trời, đón làn gió biển
Những bàn tay âu yếm cuối cùng
ve vuốt mặt người thân
Mặt trời dậy vội vàng rướm lửa
Khi ánh sáng bừng lên thì Chị đã đi rồi
Chín phát súng kẻ thù thay lời chào tiễn biệt
Người Anh hùng gửi lại Tuổi đôi mươi
(Ngày chị Sáu hi sinh).
Những bài thơ như điệp khúc nhạc buồn về thời cuộc, nhất là nỗi khổ đau, sự hi sinh mất mát của nhân dân. Có người sau 50 năm vẫn chưa tìm được hài cốt, liệt sĩ Chu Công Hoan - người cậu của chính tác giả là một ví dụ. Để rồi nhà thơ người cháu phải thốt lên trong lời đẫm đầy nước mắt:
Năm mươi năm rồi cậu vẫn ở nơi đâu?
Nền đất lạnh, lá rừng đắp tạm
Ngôi mộ gió ở quê cậu có ghé về?
Có thể có người đã lãng quên
Lớp con cháu sinh sau chỉ thấy di ảnh trên bàn thờ
Thời của cậu vì nghĩa lớn xông pha còn trong sử sách
(Nhớ cậu).
Người thương binh trở về sau cuộc chiến cùng với vết thương chiến tranh là những nỗi đau dai dẳng, khôn cùng:
Đôi màng nhĩ thủng toang
không một âm thanh nào của cuộc sống
thường ngày lọt vào tai anh nữa
... bốn mươi năm qua anh chỉ nghe bằng ký ức
ký ức tuổi thơ nghèo khó
tình làng quê trong trẻo, đời chiến sĩ gian lao...
(Về một người thương binh).
Những suy tư, trăn trở về đời, về người, về hiện thực của cuộc chiến tranh và cuộc sống thời đại được mở rộng biên độ khám phá, khai thác và phản ánh. Lời thơ khảng khái, tự tin, chân thành thể hiện rõ cốt cách, phẩm hạnh của một thi sĩ, công dân chân chính, đầy trách nhiệm. Với cái nhìn tinh tế, mẫn cảm trên tinh thần dân chủ, khách quan. Trong bài thơ văn xuôi Biên giới phía Tây Nam có đoạn:
“Biên giới
Bóng tối phả vào những cái đầu quỉ dữ. Máu xối từ ánh nhìn man rợ. Đập đầu người tiếng cuốc dọn sạch chính mình, xóa trắng chính mình. Lưỡi dao găm cắm ngập sườn, cắm ngập họng ân nhân. Cố vấn mỉm cười. Lương tri ngơ ngác.
Biên giới
Màu sen không đổi khác. Hào hiệp nghĩa tình, xương máu hiến dâng đã chưng cất tượng đài. Vị mướp đắng, sầu đâu thêm một lần hòa quyện. Nhớ hay quên, lặng lẽ một dòng xuôi".
Việc ưu tiên chọn thể thơ tự do, những bài thơ dài ngắn khác nhau, những bài thơ văn xuôi dài... phù hợp với việc tự thoại, tự vấn, đối thoại, độc thoại với chính mình, hàm chứa những tầng ý nghĩa sâu xa:
Dàn nhạc mùa đông buông những giọt thanh âm cuối cùng khúc hoan ca phì nhiêu và lầm lụi ba zan
thiếp ngủ mê mải lá
rừng soi gương mặt lạ
ru tròn giấc cây
đi hết chiều đêm
đi hết chiều ngày
rỉ rả bài ca côn trùng, cóng lạnh
veo trong, long lanh bình minh ngũ sắc điệu đàng
thậm thịch, rì rầm
lanh canh, lanh canh, xủng xoảng dao thùng
bài ca mặc nhiên không cần giai điệu
rứt ruột, trắng tươi ròng ròng dâng hiến,
rùng mình lá khẽ khàng cây
bợt vai áo xanh đẫm ngày
thức dậy nào reo xuân!
he hé tươi non luân hồi mắt lá (Luân hồi lá).
Bên cạnh những bài thơ viết về chiến tranh và những gì liên quan đến chiến tranh, Đàm Chu Văn cũng dành những vần thơ viết về tình yêu, khẳng định tình yêu quê hương, đất nước, con người trong cái nhìn hồn hậu, trữ tình, lãng mạn đậm chất nghiệm sinh. Viết về những nơi anh qua: Cầu Long Biên; Núi Oản, núi Xôi; Núi Nhạn; Đất quê Quan họ; Hang Đầu Gỗ; Tà Lài; Suối Tre, Long Khánh; Chợ tình Sapa; Đà Lạt; Chùa Tháp... Hay viết về chính quê nhà của mình, viết cho mẹ, cho em... đều thân thương, ấm áp, thứ tình yêu sáng trong, bình dị đáng yêu đến vô cùng. Chủ thể trữ tình nhớ đến cây thị của bà, tết lại nhớ mẹ, nhớ giọng quê... rồi lại nhớ “em", màu áo của em, nhớ cả những dòng tin nhắn... Từ những dòng tin nhắn qua lời tâm sự của một bạn trẻ lại đặt ra biết bao nhiêu câu hỏi cho cuộc sống phức hợp, đa diện, đa chiều hôm nay:
Những dòng nhắn tin bực bội
Những dòng nhắn tin buồn rầu
Những dòng nhắn tin thảng thốt
Những dòng nhắn tin quán tính
Những dòng nhắn tin nhu cầu
Những dòng nhắn tin tội đồ
Những dòng nhắn tin nợ nần
Những dòng nhắn tin bấu víu
Những dòng nhắn tin làm nhẹ mình hơn
Những dòng nhắn tin mong mỏi đợi chờ
khủng khiếp
Những dòng nhắn tin chẳng để làm gì
Những dòng nhắn tin lang thang
như người trai thất tình
Những dòng nhắn tin chập chờn mê ngủ
Những dòng nhắn tin ...
Ở Luân hồi lá, Đàm Chu Văn luôn hướng về giá trị truyền thống quý báu của lịch sử cha ông, của quê hương, nguồn cội, với bạn bè, đồng đội, người thân... bằng tấm lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc. Anh đã ký thác được nhiều cung bậc, sắc màu khác nhau của đời sống, khám phá những miền sâu thẳm trong tâm hồn người. Vì thế, những vần thơ trong trong tập này có sức lay động đến với bạn đọc. Tuy nhiên, để hiểu, để cảm và nhận ra được cái hay, cái độc đáo, sâu sắc trong thơ Đàm Chu Văn nói chung và tập thơ này nói riêng không phải là điều đơn giản. Do vậy, Luân hồi lá sẽ rất kén độc giả. .