Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MƯA XUÂN

Nó ngồi soạn túi đồ để chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới. Bà ngạc nhiên khi thấy nó chọn toàn áo quần đơn giản, sơ-mi quần gin với tông màu nhẹ. Nhìn ánh mắt bà, nó cũng đoán ra được câu hỏi nên tỉnh bơ giải thích:

- Con đi làm chương trình nước sạch cho nông thôn ngoại à. Về vùng sâu vùng xa mà áo dài váy đầm lướt thướt, màu mè sặc sỡ, chưng diện quá coi sao được.

Bà gật, vui vẻ cười:

- Ờ, con tính vậy cũng phải. Mà con đi tới khi nào về, tết nhứt tới nơi rồi.

- Dạ đúng ngay ngày đưa Ông Táo thì con về. Hôm qua họp đoàn, chị Loan biên tập coi lịch âm rồi thông báo với mọi người như vậy.

Bà trìu mến ngắm nó. Gương mặt thanh thoát với vạt tóc mai hơi lòa xòa bên má, đôi mắt tròn đen láy, cái mũi thẳng, khuôn miệng đẹp thoáng nét bướng bỉnh. Nó giống bên nội nhiều hơn nhưng bà vẫn luôn thấy nó là đứa cháu gần gũi thân thương, gắn bó với bà nhiều nhất, không chỉ một lần ngồi với nó bà quy về ý nghĩ – nó cứ như là “bản sao" tuổi trẻ của bà, nhưng tất nhiên nó hiện đại hơn, cập nhật hơn, sôi nổi thức thời hơn. Và nữa, cả nhà không ai nối theo cái nghiệp “ăn nói" của bà ngoài nó. Nhớ cái hôm nó trả lời phỏng vấn trên báo, khi nhà báo hỏi về lý do theo nghề MC, nó được dịp kể miên man về bà, người dẫn chương trình yêu quý nhất mà ngay từ hồi bé xíu nó đã coi là thần tượng. Lùi xa hơn về thời niên thiếu của nó, lúc tập tành cộng tác với tờ Tuổi Hoa, nó cũng từng viết một bài báo rất hay về bà, trong đó có nhiều chi tiết thú vị mà đến ngay cả… mẹ nó cũng không hề biết. Hỏi thì nó tỉnh bơ bảo đó là “nghiệp vụ khai thác báo chí", mẹ không đoán được đâu. Vì mỗi lúc ngồi nhổ tóc sâu cho bà, nó không đếm cọng tính tiền như mấy đứa trẻ khác mà chỉ đòi bà kể chuyện cho nghe, loại chuyện nó thích nhất là chuyện bà làm phát thanh viên ở Đài truyền hình. Bà chuẩn bị ra sao để lên sóng, bà tiếp nhận và xử lý văn bản ra sao, bà có bị sự cố nhiều không, lúc đó bà phản ứng như thế nào…

Kể hoài kể mãi tới mức nó thuộc lòng, bà mà kể nhầm hay sót chỗ nào nó mau mắn chỉnh lại liền. Rồi hai bà cháu cùng cười vui, bà nói sau này về già nếu có ý định viết hồi ký chắc chắn bà sẽ phải nhờ nó, không chọn lựa nào thích hợp hơn. Nó được đà lấn tới, nếu vậy bà phải kể hết những câu chuyện tình của bà cho con nghe. Bà đẹp như vầy, giọng nói ngọt ngào du dương, tâm tánh dịu dàng đoan trang, chắc chắn thời thanh xuân phải có cả… ngàn ông theo đuổi. Bà bật cười cú đầu nó, chỉ được cái miệng khéo, bà làm gì có ai khác ngoài ông ngoại con. May mà ông để ý thương, chứ ai cũng nghĩ như con rằng bà có cả ngàn người theo đuổi nên ai cũng né, nếu ông không bước tới ngỏ lời chìa đôi vai vững chãi cho bà nương dựa, chắc là bà… không có mẹ con, và sẽ chẳng có cháu như bây giờ.

Nó cười, con thích cách nói chuyện của ngoại, bà cháu mình đúng là “hợp cạ". Nó vừa xong show quảng bá sản phẩm mới của Hãng X, kiếm được món tiền rất khá, rủ bà đi Phú Quốc chơi. Bà về hưu thoải mái thời gian, ông mất đã lâu, được đi với nó rất thích. Nó nổi tiếng như cồn, tới đâu người ta cũng nhận ra, cũng ngợi khen, nhưng nó luôn khiêm tốn bình dị, chỉ tìm cách khoe về bà, với ai nó cũng hỏi có nhớ hình ảnh bà không, có nhận ra giọng nói của bà trên sóng tivi trong suốt nhiều năm tháng của một thời không. Người nào bảo có biết, nó lập tức bắt chuyện rôm rả hân hoan, tự hào được là đứa cháu cưng của bà. Hòa mình cùng nó trải nghiệm lại cuộc sống tươi trẻ thêm lần nữa, bà như cây đã cỗi bỗng chuyển mình xanh tươi, lộc non lại nhú và hoa phơi phới nở nơi đầu cành. Bà thầm cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho bà người bạn nhỏ vô vàn đáng yêu là nó.

Có tiếng chuông cửa bính boong. Nó nheo nheo mắt:

- Ngoại để con mở cửa, nếu con đoán không lầm thì chắc là… người ấy.

Quả nhiên, một lát nó trở vào cùng Nguyên. Tội nghiệp cái thằng tỉ mỉ chu đáo, mang tới cả bọc đồ nào kem chống nắng, chai xịt chống côn trùng, thuốc cảm ho, thuốc rối loạn tiêu hóa dự phòng, lọ vitamin C… Lại còn một lốc khẩu trang y tế và cả cái kiếng mát gọng lớn, hễ đeo vô là che bít tới nửa mặt, bảo nó mang theo. Bà biết ý nên đi về phòng, để cho hai đứa tự nhiên. Lòng bà thoáng xốn xang khi nhớ lại chuyện xưa, nhớ những ngày ông bên bà, cũng tỉ mỉ tận tình chăm chút. Nhớ những hũ chanh muối ông tự tay làm, những chai mật ong rừng ông chu đáo để dành, phòng khi bà bị ho khan hay viêm họng, tắt tiếng. Nhớ những bài thuốc dân gian giữ giọng, ông cặm cụi sưu tập vì bà. Nhớ từng khúc vải áo dài ông mua tặng, màu sắc đa dạng tinh tế, ít ai biết cả tủ đồ mặc lên hình của bà hầu như một tay ông chọn lựa. Từng màu phấn, màu son, màu mắt bà dùng, ông cũng là người đầu tiên nhận xét, góp ý. Bao nhiêu năm có ông, rất nhiều lần bà lan man suy nghĩ và tự hỏi, cuộc đời sẽ ra sao nếu như bà không may mắn gặp được ông. Vậy mà xuất phát điểm ông vốn là chàng kỹ sư điện, chẳng am hiểu gì cho lắm về văn hóa nghệ thuật, về thanh sắc hay kỹ thuật nói trước đám đông, kỹ thuật truyền thanh truyền hình... Kể từ khi yêu bà, ông mày mò tự học, tự trang bị thêm kiến thức chỉ để quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho bà một cách “chuyên nghiệp", thấu đáo hơn. Còn gì hạnh phúc bằng, khi người ta có được bên mình một người yêu thương, ấm áp đủ đầy, trọn vẹn đến thế… Bà rất vui vì giờ đây đứa cháu gái yêu của bà cũng gặp được người biết nâng niu, quý trọng, chăm chút cho nó, giống y như ông với bà ngày xưa.

Ai ngờ, mới tranh thủ coi được nửa tập phim Chuyện trong gia đình thì bà đã nghe loáng thoáng tiếng nó vang lên căng thẳng, rồi tiếng thằng Nguyên đáp lại cũng căng không kém. Và tiếng cô nàng tiễn anh chàng ra về trong bực dọc, khiến bà phải vội chạy ngay ra xem có sự cố gì. Nguyên lễ phép chào bà và nhất định không nán lại dù bà cố giữ, còn nó nhún vai lạnh lùng bỏ vô trong, tỏ ý không nhân nhượng. Bà chặc lưỡi thở dài, trời ơi hai đứa, sao thế này.

Bà theo nó trở vô phòng.

Nó dằn dỗi ngó bọc đồ của Nguyên mang tới vẫn để y trên giường, này là kem chống nắng, này chai xịt muỗi, thuốc này thuốc nọ thuốc kia… Nó giận dữ bảo sẽ mang trả lại “anh ta" hết, không thèm xài. Thiếu cái gì con khắc tự mua được.

- Mà đầu đuôi tại đứa nào? – Bà ân cần gạn hỏi.

- Ảnh cằn nhằn con. Hỏi nghĩ sao Tết nhứt tới nơi mà chui về vùng sâu vùng xa. Tiếng tăm danh vọng đã có, đâu cần phải vậy. Tiền bạc ít thì không nói, nhưng quá cực. Chương trình này không chú trọng pi-a nên con cũng chẳng được lợi gì về hình ảnh. Thay vì, con đeo theo mấy ở thành phố vừa cao giá vừa đỡ mệt…

- Vậy con trả lời nó sao?

- Con nói cực khổ con chịu được, hồi sinh viên đã từng đi mùa hè xanh mấy lần, con biết. Làm việc nghĩa chẳng ai so đo, mà cuộc đời đâu phải lúc nào cũng tính toán thiệt hơn. Có cái mình quan trọng để kiếm tiền, nhưng cũng có việc mình làm vì thiện nguyện, vì mong muốn tận trong tâm.

- Ừ, nếu bà là con thì bà cũng sẽ nói y như vậy. Rồi nó trả lời con sao?

- Ảnh nói không phải so đo, chỉ là khuyên con thôi. Nghề MC cũng như nghề diễn viên, ca sĩ, ai cũng chỉ một thời xuân sắc… Sợ tới lúc con biết nghĩ cho bản thân, biết tự thu vén, bỏ được cái tánh khoái làm “anh hùng rơm" thì đã quá muộn.

- Nó nói cũng không phải không có lý đâu…

- Trời đất, sao bên nào ngoại cũng khen. Vậy chứ theo ngoại thì con hay ảnh đã sai?

Bà cười. Lúc nó căng lên thì nó giống y cha nó. Bà nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Cả hai đều có chỗ sai chỗ đúng. Không phải vì con là cháu của bà mà bà nghiêng hẳn về phía con, cho là con đúng hết.

Mưa xuân - Lê Trí Dũng.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nó không cãi lại bà nhưng nét mặt xầm xì, chứng tỏ trong lòng nó không xuôi. Và nó đã mang theo nỗi buồn giận đó đi công tác cả tuần lễ ở tỉnh xa. Những cái tin thưa thớt cầm chừng nó nhắn trả lời mỗi lúc bà nhắn hỏi, thay vì tíu tít gọi cả cuộc điện thoại dài để kể chuyện này kia như bao lần đi xa, khiến bà thấy chùng lòng. Bà nhớ nó, lo cho nó, thật muốn làm gì đó để giúp nó vơi đi nỗi muộn phiền.

Cũng may bà có lưu số điện thoại của Nguyên, nên lấy ra gọi. Nguyên vui vẻ nhận lời đưa bà đi thăm mộ ông. Đúng ra phải hăm lăm tháng Chạp mới là ngày quét mộ theo thông lệ, nhưng năm nay bà linh động đi sớm từ hăm hai, vì mai là ngày đưa Ông Táo, ngày mà cái đứa đang buồn đang giận kia hứa sẽ về. Hóa ra Nguyên cũng rất buồn, gần cả tuần nay Nguyên gọi cô nàng không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Bà tủm tỉm cười, vờ vu vơ kể chuyện ông cho Nguyên nghe. Nhớ cái lần cũng lâu lắm rồi bà đi công tác, đó là chuyến theo đoàn phim truyền hình đi quay bộ phim tài liệu về tuyến kênh thủy lợi trên vùng đất hoang hóa vừa khai phá, toàn những kỷ niệm nhớ đời. Dầm mưa dãi nắng, lặn lội bùn sình, phèn chua nước lợ, muỗi mòng rắn rít đủ cả, bà lại còn bị đạp miểng chai đứt khá sâu gây nhiễm trùng, gót chân trái tới tận bây giờ vết thương xưa vẫn còn lượng sượng… Xong chuyến đi đó trở về, ông đùa bảo hết nhận ra bà vì vừa ốm vừa đen, chân tay thì “trổ bông" lốm đốm đủ thứ vết, cả người chỉ còn thấy hai con mắt là không đổi khác… Vậy nhưng ông càng thương hơn, càng chăm chút cho bà hơn. Và ông không hề dựa vô chuyện đó để ngăn cản bà trong nhiều chuyến công tác về sau...

Nguyên lui cui lau chùi sạch sẽ tấm bia mộ, lắng nghe câu chuyện bà kể không sót chữ nào; rồi đứng ngắm ảnh ông, bảo rằng rất thích đôi mắt ông với cái nhìn thẳng băng và rất sáng. Cùng kiểu đôi mắt của cô ấy. Nguyên hỏi bà vậy chứ ngày xưa ông với bà ai nghe ai, ai nhường nhịn ai nhiều hơn. Bà cười đáp cả hai cứ luân phiên nhường nhịn lẫn nhau, vì ai cũng có lúc đúng sai, hễ giận thì không vui nên cố tránh để không phải giận. Rời khỏi nghĩa trang, lúc đang trên đường về điện thoại Nguyên reo, vừa rút máy ra bấm nghe thì đầu kia cúp. Nguyên đưa cho bà coi, thì ra số máy của nó. “Lạ ghê, bữa nay lại còn bày đặt nhá máy con. Vậy là sao hở ngoại?", Nguyên cau mày thắc mắc. “Còn sao nữa!", bà cười.

Đã nói rồi mà, nó thật sự rất giống tánh bà. Điều nó muốn, đâu phải là chia tay hay rời xa Nguyên. Nó cần được thấu hiểu, cảm thông, cần có bên mình một người sẽ ủng hộ nó, cổ vũ và động viên khi nó dấn thân trong những chọn lựa mà nó tin chắc là đúng đắn. Muốn làm được như thế, có lẽ rồi Nguyên cũng phải như ông, sẽ phải học từ từ, dần dần, và nếu đủ yêu thương thì dù khó mấy rồi Nguyên cũng sẽ vượt qua, để thành người đàn ông duy nhất xứng đáng với tình yêu của nó.

Ừ mà sao tự dưng bà đóng vai “quân sư tình yêu" trơn tru trót lọt quá chừng. Giờ thì Nguyên tự hứa ngày mai sẽ canh giờ để đón nó và lấy cớ rủ nhau đi thả cá chép, cùng đưa ông Táo về trời. Xe ngang qua sân trước một căn nhà có cây mai nở sớm, những đóa mai vàng rạng rỡ sáng bừng trong mưa xuân… Bà giật mình khi Nguyên bỗng nhiên vặn lớn radio trên xe, giọng nữ MC vô cùng quen thuộc vang lên, chương trình nước sạch cho nông thôn. Chính là nó, tự tin, ấm áp và gần gũi. Chẳng biết nó đang ở đâu ngay lúc này, có cùng ngắm những giọt mưa lay phay ướt nhẹ trên cây lá, có biết bà và Nguyên đang cùng nghe tiếng nó không…

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 73 (Tháng 3 năm 2024)​


NGUYỄN THU PHƯƠNG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​