Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MÙA HÈ THẬT TUYỆT

​- Anh Khoa ơi, bọn mình xuống sông bơi đi. Mùa hè mà bơi thì tuyệt thật đấy.

- Thôi, không được đâu Huy. Anh sợ về nhà bà nội la lắm!

- Sao anh không xin bà nội học bơi? Em ở Biên Hòa mà còn học bơi được, sao anh ở quê lại không biết bơi? Nhà em mà cách sông có chừng hơn cây số thế này thì ngày nào em cũng ra bơi cho khỏe.

- Huy biết không, bà nội sợ nhiều thứ lắm. Hôm nay bà mà biết anh dẫn Huy ra bờ sông, thế nào về bà cũng la cho mà coi. Đừng nói với bà chuyện bọn mình ra bờ sông chơi nha.

Thằng bé Huy ngẩng mặt nhìn trời, thở dài. Khoa nhìn mặt nó tự dưng thấy mắc cười. Mới học hết cấp một như Khoa mà cũng ra bộ người lớn dữ. Còn thở dài nữa.

Năm nào chú Út cũng đưa Huy về Nhơn Trạch nghỉ hè dăm bữa hoặc nửa tháng. Thím Út thường không đi theo vì bận chăm sóc em gái nhỏ của Huy và quản lý cửa hàng vải. Mùa hè về quê cho mát mẻ. Trời xanh. Mây trắng. Nắng lấp lánh. Chim ca hót líu lo. Ve rộn rã trên cây. Gió qua vườn, qua cánh đồng mang theo mùi hương đồng nội. Khác hẳn với không khí ở thành phố, luôn ngột ngạt, bụi bặm.

Huy là em con chú con bác với Khoa. Hai đứa năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Khoa rành hơn Huy những điều thuộc về nông thôn, chẳng hạn như các loại cây quả, các loại gia súc, gia cầm, chúng sinh trưởng thế nào, chăm sóc ra sao. Còn Huy lại rành hơn Khoa những điều thuộc về thành phố, chẳng hạn như xe tay ga mà chú Út vẫn lái, việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông đường bộ…

Huy còn có một thứ giỏi hơn Khoa nữa là bơi lội. Ở Biên Hòa, Huy được chú Út cho đi học bơi từ năm lớp bốn. Cuối tuần, hai cha con thường đến luyện tập ở những hồ bơi khác nhau trong thành phố nên Huy thường xuyên được đắm mình trong làn nước mát. Huy vẫn mơ lớn lên trở thành một vận động viên bơi lội SEAGames.

Nhưng chưa bao giờ Huy được bơi trên sông. Những năm học trước thì Huy còn nhỏ. Giờ Huy đã học hết cấp một, lớn rồi chứ bộ. Huy muốn được thử nghiệm những điều mới mẻ. Sông rộng hơn, tự nhiên hơn hồ bơi, nên được trổ tài trên làn nước xanh, lấp lánh ánh mặt trời với những dợn sóng nhẹ kia quả là hấp dẫn hơn.

- Kệ, bà nội không biết đâu! Có em, anh Khoa đừng lo.

- Anh sợ lắm. Lỡ bà biết thì chết.

- Mình đi bơi rồi lên bờ chơi cho khô quần áo mới về. Bà nội đâu biết được!

- Huy thích thì bơi đi. Anh canh chừng cho. Anh đâu có biết bơi. Xuống nước sợ chìm lắm.

Huy cởi bộ quần áo ngoài, chỉ còn mặc chiếc quần đùi. Trông cậu bé mập tròn nhưng khỏe chắc, không phải thứ mập bệu của những đứa thừa cân lại lười vận động. Huy làm nhanh vài động tác tay chân, hít thở một chặp, rồi nhảy ùm xuống nước, vươn người về phía trước, hai tay quạt hai bên, chân đạp nước. Hết kiểu bơi ếch lại chuyển sang bơi bướm. Hết bơi sấp lại đến bơi ngửa. Dòng nước đang ròng đẩy Huy xa dần, xa dần. Cậu bé thích thú, lạ lẫm khi lần đầu được bơi trong dòng sông miền quê mát trong.

Bơi ra đến giữa sông, Huy bơi trở lại vào bờ. Bỗng dưng, Huy có cảm giác cơ chân như cứng lại, đau nhói, không tiếp tục đạp nước được nữa. Dòng nước lại đang ròng mạnh hơn. Chết rồi! Vọp bẻ! Huy lo lắng gọi Khoa. Khoa đang dõi mắt theo Huy, thấy vậy cuống cuồng sợ hãi, hoảng hốt kêu cứu.

May quá, một bác đang chèo thuyền gần đó vội đến đỡ Huy lên thuyền đưa vào bờ sơ cứu, nên Huy thoát nạn. Nhưng chuyện thằng bé thành phố suýt về chầu Hà Bá chẳng hiểu sao mấy ngày sau đã đến tai bà nội.

***

Mùa hè thật tuyệt - Ngô Xuân Khôi.jpg

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Bà nội giận lắm. Ba Khoa, rồi chú Út cũng giận, nhưng cố năn nỉ bà tha cho hai đứa. Hồi nào đến giờ, chúng có dám vậy đâu.

Cả hai đứa đều có chung sở thích là khám phá, tự làm đồ chơi, xếp giấy Origami. Hè năm ngoái, hai đứa đã hì hụi mấy ngày làm được một con diều giấy thật đẹp. Diều của hai đứa bay cao hơn diều của khối đứa khác trong làng nên hai đứa tự hào lắm.  Ba Khoa đã cho hai đứa một cuộn dây cước mới để thả diều. Còn chú Út thì tặng cho cháu Khoa mấy quyển sách thiếu nhi. Hai đứa trẻ cứ quấn quýt bên nhau. Chiều nào không mưa gió mạnh thì hai đứa cùng chạy ra cánh đồng để thả diều. Mắt đứa nào cũng háo hức dõi theo cánh diều chấp chới giữa tầng không trong xanh. Thỉnh thoảng lại thích thú nhìn mấy con cò trắng sà xuống ruộng lúa hè thu. Lúc mệt, hai đứa lại tìm một gốc cây rợp bóng mát để bàn với nhau về các nhân vật trong những quyển sách vừa đọc tối hôm trước đó. Cả hai đứa đều thích đọc truyện trinh thám, phiêu lưu, hoặc đọc những quyển sách khoa học để ôn lại kiến thức một cách thú vị. Bà nội chỉ ưng như vậy thôi. Có chơi thì chơi trên cánh đồng. Trẻ con không được bén mảng đến chỗ sông nước.

Bà nội không cho cũng có lý của bà. Năm nào cũng có tin trẻ bị đuối nước. Có khi một bé, có khi hai chị em. Đuối nước ở ao rộng, ở giếng sâu, ở hố công trình quên rào chắn... Ngoài sông thì khỏi nói. Cho đến tận bây giờ bà nội vẫn tin là sông có “huông", năm nào cũng có người đuối nước, hoặc bị nước cuốn, hoặc lao mình xuống sông tự tử. Ngày xưa đã từng có một ông là người nhái hẳn hoi, nhưng chèo thuyền ngược nước trong mưa lớn. Thuyền nặng mấp mé mép nước, luồng nước ròng xiết mạnh làm lật thuyền. Ông người nhái đang mặc áo mưa cánh dơi nên không thể thoát thân, bị cuốn phăng, mấy ngày mới tìm được xác.  Lại từng có người bơi rất giỏi nhưng chẳng may đang bơi qua sông thì bị vọp bẻ. Đến lúc người thân phát hiện, đưa vào bờ làm hô hấp nhân tạo cũng không sống được. Cũng có anh bơi giỏi, thấy người bị đuối nước vội lao xuống cứu. Cứu được mấy người thì anh cũng kiệt sức, thân nhân vớt xác lên bờ khóc lóc tiếc thương.  Bà nội đi phúng điếu mấy đám tang đuối nước rồi nên không muốn mấy đứa cháu nội bén mảng đến gần sông. Người xưa bảo: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo", nhưng thà là bà nội thấy Khoa vắt vẻo trên cây ổi trong vườn nhà, hơn là nghe thấy thằng cháu đích tôn của bà đi tắm sông.

Bà cũng nhớ thời ông nội còn sống, có lần bà và ông nội đi chài lưới trong đêm vắng, thấy một xác người chết trôi, nổi trương phềnh lạnh lẽo trên sông nước. Như thông lệ của những người dân chài, bà cùng với ông nội đã kéo xác người chết neo vào một gốc cây ven bờ. Sau đó báo tin ở địa phương để thân nhân đang đi tìm trong nỗi xót xa đau khổ có thể nhận được xác.

Thế nên, bà cấm không cho đứa cháu nào ra sông cả.

Nhưng Khoa thì lại có cái lý của Khoa. Sau vụ cậu em họ suýt đuối nước mùa hè năm ngoái, Khoa thấy cần phải học bơi, học cả sơ cứu nữa. Đó là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho mọi người.

May quá, năm học vừa rồi, ba mẹ Khoa đã xin được phép bà nội cho Khoa đi học bơi. Ở quê giờ cũng có những hồ bơi để dạy cho trẻ em. Chỉ qua một khóa học vài tháng là họ đỡ bớt nỗi lo con cưng của họ bị đuối nước. Trong lịch sử, vùng đất nhiều sông rạch này đã nổi tiếng với Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, những chiến sĩ bơi lội giỏi như rái cá. Những anh hùng ấy đã tạo nên những chiến công vẻ vang trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như trong toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đâu có lẽ nào học sinh, nhất là nam sinh, thời hòa bình lại không biết bơi, để phòng vệ cho bản thân, để cứu người, và để hun đúc thêm sự can trường, quả cảm.

 Khoa đã bơi được rồi. Còn Huy, sau vụ chết hụt, cậu bé vẫn tiếp tục rèn luyện, vẫn mơ một ngày nào đó trở thành vận động viên bơi lội SEAGames, mơ được hãnh diện đứng trên những bục cao nhất để lãnh thưởng trong tiếng quốc thiều như những anh chị Huy Hoàng, Ánh Viên đã làm rạng rỡ màu cờ sắc áo của dân tộc Việt. Hoặc được chọn vào đội tuyển bơi lặn quốc gia tham dự SEAGames như kình ngư trẻ Lê Quỳnh Như của Đồng Nai cũng tự hào lắm rồi. Riêng Khoa thì chỉ ước mơ không bị đuối nước và có thể cứu được người khác khi gặp nạn.

***

Khoa thức giấc khoan khoái sau một giấc ngủ ngon. Cậu bé mở cánh cửa sổ nhìn ra khu vườn rộng. Nắng lung linh sáng trên cây lá xanh tươi. Những cơn gió sớm vui vẻ thổi nhẹ qua vườn chào đón một ngày mùa hạ đẹp trời.

Hôm nay, chú Út sẽ lại về đây chơi. Chú Út mới tậu được một chiếc xe hơi bảy chỗ nên ngay trong ngày đầu tiên về quê, chú sẽ chở cả gia đình đi chơi. Bà nội, ba má Khoa, Khoa và Huy, cả em gái nhỏ của Khoa nữa. Chú sẽ cho cả nhà đi một vòng tham quan các điểm du lịch sinh thái trong huyện, coi như một hình thức “rửa" xe mới.

Khoa và Huy khoái lắm. Chúng mong được biểu diễn công phu tập luyện ở khu du lịch Bò Cạp Vàng. Nhớ có lần đi tham quan với trường, với lớp, Khoa chỉ đứng nhìn dòng sông rộng, nhiều người bơi lội vui đùa trong làn nước mát mà thèm thuồng. Hôm nay, Khoa sẽ có dịp để thỏa nguyện ước mơ vùng vẫy. Có thể Huy sẽ chỉ thêm cho Khoa những chiêu mới để biểu diễn! Nhưng không biết bà nội có cho bơi không. Khoa và Huy sẽ cố năn nỉ bà.

Khi chú Út về Biên Hòa, chú sẽ cho Huy ở lại quê chơi thêm độ nửa tháng trước khi tựu trường. Hai đứa sẽ lại có những ngày vui. Bơi lội, đá banh, đọc sách, ôn tập… Hai đứa có đăng ký học lớp tiếng Anh giao tiếp online, nhưng thời gian tự sắp xếp nên vẫn đi chơi được. Khoa còn định sẽ rủ thêm con bé Mây con ông Hai mới thuê nhà bên hàng xóm cùng chơi với anh em Khoa. Con bé mới học hết cấp một, lanh lẹ, xinh xắn, mỗi lần gặp Khoa, Mây lại nhoẻn miệng cười hồn nhiên.

Cả bọn sẽ có những ngày hè thật tuyệt!

N.K 

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)


NGỌC KHÁNH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​