Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
PHÚC CHA

Mẹ cha con đĩ, có tí nước mà cũng làm đổ tung đổ tóe ra!

Tiếng lão Hinh rít lên làm con Chinh kinh sợ. Không kịp lau vết máu vừa rớm ra trên bắp chân khi vấp té, nó lồm cồm đứng dậy, khập khiễng đi lấy cái chổi quét cái nền xi măng ướt sũng do chậu nước đổ ra. Khệ nệ xách được nửa thùng phi nước mưa vào trong bể, nó lại nghe lão Hinh gào lên:

- Con đĩ, mày ăn cái gì mà ngu thế? Mày không lấy cái gì mà lau, lại lấy cái chổi ông mới mua mà đi quét nước. Thế này thì còn gì là chổi nữa hả trời!?

Lúc quét xong, con Chinh cũng đã nhận thấy điều này. Biết mình sai nhưng nó vẫn làu bàu cãi:

- Thế cha bảo con lấy cái gì lau cho khô bây giờ?! Không lau thì ướt, trơn, không ngã trượt mắt ra mới là lạ!

- Mày lại còn cãi, ông thì đập chết mẹ mày bây giờ, mày lấy cái gì thì kệ cha mày chứ, sao lại lấy cái chổi của ông. Mà nếu mày không đánh đổ ra thì việc gì nó ướt.

Con Chinh không nói gì nữa. Nó lếch thếch đi vào trong buồng, lột bỏ bộ đồ ướt, xót xa nhìn chỗ bắp chân trầy xướt khi nãy. Chỉ tại mấy cái xô nước mưa vừa nặng vừa trơn, mà đúng hơn là tại cái tính tiết kiệm gàn dở của cha nó. Mỗi tháng cả trăm ngàn tiền nước so với việc không tốn đồng nào khi còn ở dưới quê khiến lão xót ruột. Lão mua hoặc xin ở đâu một loạt xô, thùng to tổ bố để hứng đựng nước mưa. Cả dãy thùng vừa đúng chục cái, hứng dưới mái tôn, đầy thì xách đổ vào bể vào phi dùng dần. Khách đến nhà lần đầu ai cũng phải ngạc nhiên khi chỗ nào cũng là thùng, chậu, chum vò, thậm chí chai lọ, đâu đâu cũng có đồ đựng nước, lách được chân qua là cả một vấn đề. Có lần ông Hào, một ông hàng xóm mới của lão Hinh sang chơi đã bảo: Ông đựng nước trong thùng xô như thế, lâu ngày loăng quăng, bọ gậy sinh nhiều muỗi chết. Lão Hinh sĩ diện cãi: Tôi đậy kỹ lắm, chẳng sao đâu. Ông thế nào không biết chứ tôi là tôi kinh cái thứ nước không tên lấy đủ thứ nước dơ bẩn xong cho đẫy cờ-lo vào, bảo là nước sạch… Sạch, sạch cái mẹ gì. Chỉ có nước mưa từ trên trời rơi xuống thì họa may... Hàng xóm mới sau vài lần tới lui, biết tính lão, lảng dần. Bảo sao lão chẳng mấy khi, nếu không muốn nói rằng, chẳng bao giờ có bạn.

Ai cũng biết nước mưa cần thiết nhưng nếu hỏi một trăm người thì có lẽ phải đến chín mươi người không thích trời mưa. Chinh cũng không phải là ngoại lệ. Chinh ghét trời mưa không chỉ vì phải xách nước, hay vì buồn bã, bẩn thỉu và ẩm ướt. Mưa thường làm Chinh thấy lạnh lẽo, cô đơn, vô dụng. Không phải vô cớ mà phim, truyện nào của Việt Nam, Đài Loan cũng cứ đến đoạn buồn bã, chia ly là trời đổ mưa bất kể là mùa đông hay mùa hè.

Mẹ Chinh bỏ chị em Chinh ra đi vào một ngày nắng đẹp nhưng trước đó trời mưa liên tiếp tới cả ba ngày khiến cho đoạn đường mấy trăm mét tiễn mẹ đi, ai cũng nhăn mặt vì phải dẫm chân lên thứ bùn lầy lép nhép. Cả nơi mẹ nằm ngủ giấc trăm năm dù khi hạ huyệt đã được vét cho khô kiệt thì Chinh biết cái thứ nước bùn bẩn thỉu kia vẫn sẽ tràn qua khe lỗ áo quan làm lem nhem bộ đồ trắng mẹ mặc lần đầu.

Khi đưa tang Quý, cậu em út của Chinh trời cũng mưa. Chỉ là mưa nhẹ nhưng nước mắt và tiếng gào thét, trách trời than đất của cả nhà khiến Chinh lúc bấy giờ mới lên sáu, cảm giác như giông bão ầm ầm đổ xuống đầu.

Lão Hinh quyết định bỏ quê vào Nam, một phần vì nghe theo lời khuyên của người anh vợ, vốn cũng chẳng ưa gì lão, nhưng có lẽ phần chính vì đã quá mệt mỏi chán chường với những bi kịch liên tiếp xảy ra. Vụ đánh cãi nhau với mụ Xoa hàng xóm là giọt nước tràn ly ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của một kẻ thủ cựu rất ghét những kẻ bỏ làng ra đi như lão.

 Suốt mười mấy năm sống ở quê, ấn tượng nhất với Chinh là những vụ hàng xóm cãi chửi nhau. Người ta bảo: “Bán anh em xa mua láng giềng gần". Ấy thế nhưng không hiểu sao ở quê cũ của Chinh hàng xóm đánh chửi nhau nhiều thế. Lão Hinh đã gớm mà mụ Xoa lại càng ghê. Mụ người to béo, gồ ghề. Mặt ngang thớ, miệng rộng, mũi to cộng với cái tên nên người làng toàn gọi mụ là Dạ Xoa. Khi mẹ Chinh mất, mụ xăm xắn lo hậu sự cho mẹ rất chu đáo nhưng mới chỉ hơn năm sau hai nhà đã chẳng ai muốn nhìn mặt nhau chứ đừng nói tới chuyện qua lại. Nguyên do là cái hàng rào. Nhà mụ Xoa nuôi gà. Nhà Chinh trồng rau. Cái hàng rào gần như năm nào cũng phải trồng lại. Tốn công, tốn cây, tốn dậu, tốn rào. Ngoài ra cái lằn ranh cắm cây cọc rào xuống cứ bị thay tới đổi lui. Khi Chinh sinh ra, cái hàng rào tạo nên cái cổng của hai nhà đã có rồi. Chinh không biết và cũng không quan tâm tới chuyện mụ Xoa và cha mình ai lấn sang đất của ai, chỉ không hiểu sao đất rộng, để không như vậy mà người ta vẫn sẵn sàng sống chết vì vài mét đất. Thà như đất ở thành phố, mỗi mét vuông mấy chục triệu đã đành, đằng này, khi bán căn nhà mới xây hơn trăm mét vuông trên miếng đất rộng cả ngàn mét vuông ở quê, cộng tiền tích cóp từ trước, thêm cả việc bòn, mót tất tật từ bụi tre, nải chuối, cành dâu… Lão Hinh cũng chỉ mua được miếng đất vừa xấu vừa xa, tính cả cái hẻm hứng nước mưa nữa cũng chưa đầy năm mươi mét này. Khi ấy Chinh mới tròn mười bốn tuổi.

“Nhà giàu xứ quê không bằng ngồi lê phố chợ". Xong cái vụ xây nhà, làm quen với vùng đất mới. Lão Hinh xách bộ đồ sửa xe ra đầu đường, tiếp tục nghề cũ. Chị Chi cũng xin được việc ở một Công ty du lịch. Sau đó, chị lấy cớ chỗ làm xa xôi, dọn ra ở riêng bất chấp sự đe dọa, chửi mắng của cha và ánh mắt xót xa, cầu cứu của em gái. Mười lăm tuổi, Chinh xin được việc bưng bê ở quán phở, mức lương mỗi tháng một triệu, bao ăn sáng. Lão Hinh bảo: Tiền mua đất, làm nhà mới trả được một nửa. Chưa lấy được sổ đỏ thì nhà cũng như nhà thuê. Cái con Chi mất nết, không biết thương cha thương em bỏ nhà ra ngoài ở. Cái thứ bất hiếu như nó rồi thì cũng không khá lên được đâu. Mày ở nhà này phải chung tay với cha mày mà trả nợ! Thế là một triệu đó tháng nào Chinh cũng phải nộp đủ. Phụ nữ ngoài những khoản chi như giày dép, quần áo còn có cả những thứ không thể không chi như tiền băng vệ sinh, quần áo lót. Những thứ đó Chinh không thể nói với cha, may mà thỉnh thoảng chị Chi gặp lại cho Chinh ít tiền để em tiêu vặt.

Chinh sinh ra vốn đã không được nuông chiều, lại thêm cái khoản “chậm mồm chậm miệng" như lão Hinh hay chửi nên rất ít khi Chinh cãi lời cha. Chị Chi thì khác. Chị gọi bố là “lão ác". Chị bảo. Em cứ nói thẳng với lão ấy rằng với số tiền một triệu em thuê được ối phòng trọ giá rẻ mà sạch sẽ, rộng rãi hơn cái xó nhà của lão. Chinh bảo: Dù gì ông ấy cũng là cha mình! Chị Chi bảo: Hay em lên ở với chị nhưng… Chinh không biết sau chữ nhưng ấy là gì nhưng Chinh hiểu: Nếu chị có thể đảm bảo lo được cho Chinh, chị đã đưa Chinh đi từ lâu rồi. Chị Chung ngày xưa cũng vậy. Từ ngày mẹ mất, mấy lần về ôm các em khóc, nói sẽ cố thuyết phục nhà chồng để mang các em về nuôi. Thế nhưng lần này lần nữa, ba, bốn năm sau chị cũng không làm được điều đó. Dù lão Hinh đã hơn một lần thách thức: Có giỏi mày mang chúng nó về nhà chồng mày mà nuôi!

Chị Chung làm sao mang hai em về nhà chồng được khi mà nhà chồng chị cũng rất nghèo, anh chồng vừa yếu vừa hèn. Bố mẹ chồng lại ghét nhà thông gia như xúc đất đổ đi. Nếu không vì cưới chạy tang mẹ thì dù lão Hinh có quá đáng đến đâu chị cũng chẳng để hai đứa em gái còn bé dại lại mà đi lấy chồng.

phuc cha - Phạm công hoàng.jpg 

Minh họa: Phạm Công Hoàng

Với Chinh, đám cưới của chị là đám cưới buồn nhất nó từng biết. Mẹ đã gần như cấm khẩu, nằm trong buồng chả nói được gì, chỉ đôi mắt ầng ậng nước như đang khóc. Các đám cưới khác, cô dâu dẫu có nghèo cũng có soare mặc lúc rước dâu. Chị Chung cũng có áo dài đỏ, voan đội đầu nhưng chị không chịu mặc áo, cài khăn. Vẫn bộ quần áo mặc bình thường hàng ngày, thêm một bó hoa và chút son phấn cùng đôi mắt đỏ mọng là thứ điểm tô cho cô dâu trẻ. Chị Chung cưới được ba ngày thì mẹ mất. Đám tang mẹ sau đám tang em Quý bốn năm. Ngay khi những nỗ lực cuối cùng cũng không cứu cho cậu con trai duy nhất khỏi chết vì bệnh viêm não Nhật Bản, mẹ Chinh đổ bệnh. Thật ra bệnh đã có từ rất lâu trước đó nhưng sự ra đi của Quý như giọt nước làm tràn ly khiến mẹ gục luôn.

 Cuộc sống trước đó của cả nhà do cái nghèo và tính keo kiệt, khó chịu của lão Hinh đã rất khổ sở, bây giờ mới thực là rối rắm, tối tăm như địa ngục. Lão gây sự, đánh chửi nhau với tất cả những ai ở trong tầm mắt lão, từ anh em, bạn bè, đồng nghiệp, học trò cho đến cấp trên. Hệ quả tất yếu là gã mất dạy. Từng là giáo viên dạy địa lý cấp hai. Lão không thể đi làm đồng với lũ con gái mà thực ra chúng cũng chẳng muốn cha đi cùng. Lợn, gà, bếp núc là chuyện của đàn bà. Lão ở nhà mấy năm trời, rượu chè, đề đóm chửi vợ, chửi trời, chửi số, chửi kiếp chán, cuối cùng lão mua thùng đồ nghề sửa xe ra gốc đa đầu làng dựng cái lán. May mắn là từ ngày xe máy Trung Quốc đổ vào Việt Nam, cả làng quê tràn lan xe máy. Nhà nào cũng một hai cái. Đường xá gập ghềnh, sấp sểnh. Xe hư hỏng liên tục. Người cạnh tranh không nhiều. Cái quán tạm của lão cũng khá đông khách.

Từ ngày lão Hinh chuyển sang nghề vá sửa xe, ba chị em Chinh dễ thở hơn. Không hẳn vì lão tự điều chỉnh mình trở nên hiền lành hòa nhã hơn để phù hợp với nghề nghiệp mới mà vì lão có thể trút những căm tức, oán giận sự bất công của số phận vào những miếng cao su sồn sột mà khách yếu bóng vía nghe thấy có thể nổi da gà. Phần nữa lão ít có thời gian ở nhà. Tuy nhiên, sự yên ổn cũng chỉ tồn tại tới khi chị Chung có người yêu. Chị Chung nghỉ học làm đồng, chăm mẹ, chăm em từ năm mười lăm. Đảm đang, hiền lành, mười sáu - mười bảy tuổi chị đã có nhiều người thương. Chinh còn bé, suốt ngày ở nhà chăm mẹ nên chẳng biết gì nhiều. Chỉ qua lời chửi của lão Hinh để biết người yêu chị là anh Đức người xóm mới. Anh chị quen và yêu nhau khi nào chẳng biết, chỉ biết anh Đức cùng gia đình mới chuyển về đây khi cái bãi bồi ven sông Trà có người xây nhà, hình thành xóm mới. Anh Đức trắng trẻo, đẹp trai, nhân khi lão Hinh không có nhà đã tới thăm mẹ Chinh. Chinh nghe loáng thoáng anh nói anh là y tá quân đội đã xuất ngũ, đang xin về trạm xá xã. Khi anh về, mẹ Chinh gọi chị Chung vào hỏi han rất lâu. Đôi mắt mẹ đầy nỗi lo âu nhưng nụ cười của chị Chung lại rạng rỡ tràn đầy hi vọng.

Khi nỗi lo âu trong mắt mẹ thành sự thật cũng là ngày mà lão Hinh ném cái bơm xe trúng mạng sườn chị Chung khiến nó bầm tím suốt tới ngày đám hỏi chị với anh Đồng. Sau này chị Chi mới nói Chinh biết: Những lời chửi và trận đòn của lão Hinh không phải nguyên nhân chính khiến họ chia tay. Anh Đức ngay năm đó cưới con ông chủ tịch xã, người đã giúp anh xin được việc. Bà cô họ tới thăm mẹ, ra sau nhà chửi hạng đàn ông đểu giả, hèn nhát nhưng vẫn nói thêm: Hoàn cảnh nhà mình vầy cũng khó trách người ta được con ơi!

Chị Chung có oán trách anh Đức không thì Chinh chẳng biết. Bệnh mẹ trở nặng, đi lên bệnh viện tuyến trên họ cũng trả về. Mẹ nằm đó, người gầy gò, bụng chướng to, da vàng ệch. Mụ Xoa cùng mấy bà dì, bà cô họ xúm tới họp bàn nói nhà có ba đứa con gái, đứa nhỏ chẳng nói, lớn như con Chung mà đợi hết tang mẹ thì già rồi, ai người ta rước. Không có người hỏi thì thôi. Có người hỏi thì gả phứt đi cho mẹ mày chết nhắm được mắt. Bàn tới bàn lui, chị Chung chỉ ôm mặt khóc. Chinh lại nghĩ chắc những vết thương lão Hinh gây ra vẫn còn làm chị đau. Người lớn quyết định sao đó mà gia đình anh Đồng qua hỏi cưới chị Chung thật. Đám hỏi tuần trước, tuần sau cưới. So ra thì anh Đồng kém anh Đức rất nhiều cả vẻ đẹp trai lẫn tài ăn nói. Nhưng nói như một bà cô: Có thế người ta mới lấy mình.

Mẹ mất. Chị Chung về nhà chồng. Căn nhà trở nên trống trải lạnh lẽo đến kinh người. Chinh nhớ những đêm mưa, tiếng thở dài của lão Hinh ở phòng ngoài vọng vào, tiếng muỗi o o cộng với những âm thanh rền rĩ của cây cối, giun dế ngoài vườn khiến hai chị em Chinh run bần bật vì sợ và lạnh. Chị Chung thỉnh thoảng về cho hai em nải chuối, quả ổi, hỏi có bị đói không, có bị đánh không? Dặn Chi phải giúp Chinh đi học lại. Nói đến học, ba chị em lại cùng ôm mặt khóc. Mấy năm khổ sở với mẹ với em, chị Chung phải bỏ học giữa chừng. Chị Chi thì tuy sắp hết lớp mười hai nhưng học hành thế này có tốt nghiệp cũng là may. Chinh còn tệ hơn, do nghỉ học quá nhiều phải ở lại năm lớp bảy. Chị Chung nói vậy nhưng cuối cùng Chinh cũng không học hết được cấp hai. Dẫu không muốn tốn kém bất kể khoản chi phí nào cho con nhưng lão Hinh cũng không bắt ép Chinh bỏ học. Nhà trường, nơi bố mẹ Chinh đã từng dạy biết rõ hoàn cảnh nên đã quyên góp, cắt giảm hết các khoản đóng góp cho Chinh. Tuy nhiên bầy lợn, bầy gà và một đống công việc mệt nhọc sau khi chị Chung đi lấy chồng đổ lên đôi vai gầy của hai chị em đã khiến Chinh quyết định bỏ học. Chị Chi tốt nghiệp cấp ba cũng ở nhà làm ruộng đó, không thi đại học, không có ngành nghề thì cấp hai, cấp ba có khác gì nhau.

  Ấy vậy nhưng vào trong này nhờ cái bằng cấp ba, chị Chi dẫu chỉ học qua lớp sơ cấp du lịch ngắn hạn cũng xin được việc ở khách sạn. Lương thấp, làm kín thời gian nhưng công việc cũng nhàn, thêm vào đó, chị có cái may mắn được tiếp xúc với nhiều người và nhờ đó mới lấy được Shang. Shang là người Hàn Quốc, không nói được tiếng Việt. Lão Hinh giao tiếp bằng tay, bằng mắt với con rể được một lúc thì cáu tiết chửi: Tổ cha nó chứ, nói mãi mà không hiểu. Ngu quá là ngu!

Shang có ngu không khi chọn chị Chi trong khi trông bề ngoài anh ta khá sáng sủa, đẹp trai, lại mang mác dân ngoại quốc có tiền. Ngay lần đầu chị dẫn Shang về, Shang đã biếu lão Hinh một ký nấm Linh Chi, một hộp sâm Cao Ly mà chị Chi nói là giá mấy triệu đồng. So với anh Đồng chồng chị Chung thì Shang hơn đứt. Chị Chi theo Shang về Hàn Quốc, trước khi đi có cho em ít tiền, dạy cả cách giấu. Chị hằn học bảo: Vào tay lão ấy bao nhiêu cũng hết. Người ta bảo lão ấy tối nào cũng mò vào trong hẻm 69, chẳng biết ghi đề hay chơi gái!

Chị Chi đi được mấy tháng thì có thư về. Lâu nay, chẳng có ai viết thư tay, ngay cả chị Chung cũng dùng điện thoại. Tính từ ngày chị Chi đi, Chinh không nhận được bất cứ thông tin nào ở quê, vì Chinh không biết sử dụng điện thoại, email, máy tính lại càng không. Lão Hinh có một cái điện thoại mua lại hai trăm ngàn. Khổ cái,  nó gần như bao giờ cũng trong tình trạng hết tiền hoặc hết pin, nếu các chị có gọi về,  có lẽ lão cũng chẳng nhận được, đừng nói là Chinh. Dù sao nhận được thư cũng thật là mừng. Chinh xé mép phong bì. Ánh mắt của lão Hinh nhìn hau háu vào tờ giấy gấp tư, hơi thất vọng vì chẳng có một đồng đô la nào rơi ra từ đó. Thư gửi riêng cho Chinh nhưng Chinh vẫn đọc khá to những dòng về sức khỏe, khẽ khàng hơn về cuộc sống của chị, lịm dần khi đến những dòng tâm sự của chị về cảnh tủi nhục nơi xứ người. “Người ta bảo con gái nhờ phúc cha, con trai nhờ phúc mẹ" - Chị Chi viết - … Lão ác chưa bao giờ cho chúng ta tình thương yêu của người cha nên ba chị em ta mới gặp cảnh này. Nhiều lúc chị muốn vất hết để quay về Việt Nam, nhưng phần vì không có tiền, chẳng quen thân ai, phần nữa lại sợ chạy trời không khỏi nắng… Đâu rồi cũng vẫn những gã đàn ông như vậy, người độc ác, kẻ hèn mạt, đứa lại vũ phu. Chị sẽ về quê không được, về nhà không xong. Thôi thì đành bấu víu lấy Shang, biết đâu chị sẽ dính bầu có con, thoát khỏi cảnh osin không công khốn kiếp nơi hoang vu lạnh lẽo này…".

Buổi chiều Chinh về sớm, ngang qua phố, không thấy lão Hinh, Chinh quyết định đạp xe vào hẻm 69. Với con mắt của Chinh, hẻm đó chẳng có gì khác những hẻm 55, 36, 21 trên con phố này. Ấy vậy mà con hẻm đó lại được nhiều người biết tiếng. Có hai dạng nổi tiếng là danh tiếng và tai tiếng. Hẻm 69 thuộc dạng thứ hai. Nó nổi tiếng đến mức dân quanh đây nhắc đến nó không cần kèm với tên đường. Dường như những tệ nạn xã hội như chích choác, mại dâm, ma túy, số đề đều tập trung ở đấy. Dân cư trong vùng rất ít khi đi qua. Người ta mặc định là người đàng hoàng chẳng ai vào đó. Lâu nay Chinh vẫn tự hỏi lão Hinh giấu tiền ở đâu. Dĩ nhiên số tiền kiếm được của cả hai cha con chẳng đáng bao nhiêu, nhưng chi tiêu kiểu như lão thể nào cũng phải com cóp được một khoản kha khá. Nhà chẳng có chỗ nào khả dĩ có thể là nơi giấu tiền. Ngân hàng thì đương nhiên là không. Với tính cách đa nghi của mình, không đời nào lão gửi hay cho ai vay. Hay là chị Chi nói đúng, lão mang cúng vào đâu đó trong cái con hẻm mà ai có việc đi qua cũng nhanh chóng ra về này. Những tiếng chửi thề, ánh mắt, tiếng huýt gió khiến vòng bánh xe dưới chân Chinh quay nhanh hơn. Chinh không nhìn thấy lão Hinh đang nhớn nhác bước ra từ một căn nhà gần ngay chỗ nó vừa đi qua.

Cái đêm mà ba thằng đàn ông, đứa lực lưỡng giang hồ, đứa gầy nhom nghiện hút, dựng Chinh dậy để dí tấm giấy vay nợ vào mặt cũng là một đêm mưa. Số tiền trên mảnh giấy, Chinh không kịp nhìn kỹ, chỉ qua những số không để đoán nó nhiều gấp hàng trăm lần số tiền dành dụm mà chị Chi đã dặn phải giấu kỹ trong chiếc túi khâu đính vào chiếc quần lót vừa bị xé rách của Chinh. Đêm tối giấu đi những tội ác. Tiếng mưa giấu đi những tiếng thét gào, van xin. Lão Hinh biến đi đâu, từ bao giờ nó không biết. Căn nhà cũ và đứa con gái mười tám tuổi - vật thế chấp cho những khoản nợ vay, cho những khoản đề đóm từ đời nào của lão thì bị lục lạo, vặn xoắn, xé rách, cày nát trong đêm. 

“Mất cha thì ăn cơm với cá. Mất mẹ thì liếm lá dọc đường". Câu châm ngôn ngày xưa bà ngoại nó đọc giờ còn đúng một cách bi thảm hơn. Nó sẽ sống làm sao sau khi bị cướp đi tất cả. Sống làm sao với nỗi đau đớn, nhục nhã này. Sống làm sao với nỗi căm giận chính bậc sinh thành uất nghẹn trong đầu. Sống làm sao khi nhìn những gã đàn ông lực lưỡng cũng đau mà nhìn những kẻ xì ke cũng sợ.

Ấy vậy mà khi ngồi trên thành cầu. Nó nghĩ lại. Không nhà cửa, không người thân, không một đồng xu dính túi không phải là lý do để chết. Cuộc sống không có cái kẻ đốn mạt mà nó vẫn gọi bằng cha biết đâu sẽ tươi sáng hơn. Nó sẽ sống. Nó sẽ không làm đĩ như lão đã vô tình hay cố ý đẩy nó vào mà sẽ sống đàng hoàng tử tế để cho lão thấy.

***

Quán phở “Sống chết Kiều Chinh" mới chuyển về đây chưa đầy năm mà đã phải sửa sang mở rộng. Người bảo vì quá đông khách. Người lại bảo: Vì chủ quán kiếm quá trời tiền. “Sống" thì phải mở rộng chứ. Mà ngộ cái tên quán nghe thấy ghét vậy mà nhờ nó khách lại đông chứ thực ra phở đâu có ngon. Người khác cãi: Ăn uống ngon hay dở là do cảm giác. Chủ quán hiền lành, nhân viên vui vẻ, quán ăn sạch sẽ, giá cả bình dân. Những cái đó làm người ta ngon miệng chứ đâu. Ừ ngon hay không, cứ đông là được. Bán hàng bán quán mà như cô ta chả mấy chốc là giàu.

Chinh đứng bên tường rào, nhìn làn mây trắng bay trên cao, bất giác cô khẽ mỉm cười.

B.Đ.Y

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)


BÙI ĐẾ YÊN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​