Thi đại học ba năm liền không đỗ, bố mẹ bàn cho Quang đi học Trung cấp Nấu ăn dưới thị xã. Học hai năm rồi cố gắng xin vào một quán ăn, một nhà hàng hay may mắn được bếp núc cho một khách sạn nào đó thì sao? Cũng có thể, ở đời chẳng chuyện gì là có thể đoán trước được.
Do học hệ trung cấp nên nhập trường muộn hơn đại học, cao đẳng. Trồng hết thửa ruộng ngô đông cuối cùng là Quang nhận được giấy báo nhập trường. Chẳng phải thi cử gì đâu, ở làng có người làm kế toán trong trường nộp hồ sơ giúp cho, chị ta nói với bố mẹ: “Cháu chỉ xin cô chú năm trăm nghìn thôi, để nộp lệ phí vào trường cho em".
Ngày 23 tháng10 làm thủ tục nhập học nên Quang đi từ chiều hôm trước, đạp xe cả ngày mệt lử, hơn năm mươi cây số chứ ít gì. Tuy là trường Trung cấp Nấu ăn nhưng đào tạo nhiều ngành nghề: Cao đẳng Tin học, Trung cấp Kế toán, Sơ cấp Điện, cả Trung cấp Du lịch. Nhà trường thông báo lớp Trung cấp Nấu ăn khóa 5 ngày 1 tháng 11 đi lao động, ngày 2 tháng 11 chính thức nhập học và môn đầu tiên là Giáo dục Quốc phòng.
Trong một tuần lễ chờ nhập học, Quang ở nhà chú Thực. Bố chú với ông nội Quang là hai anh em ruột. Trước chú là công an nhưng về hưu non cả chục năm nay. Họ hàng nhà Quang chỉ có chú Thực là làm to, chú là công an nên hồi nhỏ Quang rất tự hào về chú. Quang còn nhớ có lần học lớp 1, lớp 2 gì đó, một buổi đi học về, mấy đứa bạn cùng tranh nhau khoe về gia đình mình, Quang hớn hở: “Nhà mình có chú Thực làm công an nhá, bạn nào đánh mình là mình mách với chú Thực trói lại cho mà coi".
Chú Thực về hưu, rảnh việc nên sáng tập thể dục, chiều chơi thể thao như thím Xuân vẫn nói, vì mấy lần Quang nghe được thím trả lời điện thoại câu ấy, có lẽ mọi người hỏi thím: Ông xã hôm nay làm gì? Mà đúng thật, cứ sáng sớm và chiều tối chú rủ Quang ra cổng đánh cầu lông để giảm tăng cân và tắm cho đỡ lạnh, chú ở sạch, ngày nào cũng tắm ít nhất hai lần.
Thím Xuân kém chú đến cả chục tuổi, phải công nhận thím rất đẹp ở tuổi bốn sáu. Bà Thuần sinh được hai người con: chú Thuần và chú Thực. Chú Thuần là con trai đầu hiện sống ngoài Quảng Ninh (ở quê Quang người ta gọi tên bố mẹ theo tên người con trưởng), Quang đã ra chơi nhà chú Thuần hai lần vào dịp nghỉ hè, nhưng từ lâu rồi. Có lần Quang tò mò hỏi bà:
- Bà ơi, sao ngày trước nhà nào cũng đẻ nhiều, ít thì năm, sáu, nhiều thì chín, mười? Cháu thấy có nhà còn đẻ đến mười bốn người con, mà bà chỉ có hai chú?
- À, do ông đi bộ đội lâu quá, chú Thực sinh được hơn tám tháng thì ông đi, ông đi mười bốn năm mới về, mọi người ở nhà cứ tưởng ông hy sinh.
Bà cười, nụ cười hiền hậu gần tám mươi tuổi để lộ hàm răng ăn trầu đen nhức hạt na, mái tóc bà bạc trắng cả rồi.
Người già thường ít ngủ, nhiều hôm nửa đêm Quang dậy đi tiểu vẫn thấy bà ngồi một mình bên cửa sổ, lẩm bẩm điều gì đó nghe không rõ thành tiếng, tưởng như bà đang thủ thỉ cùng bóng đêm hoặc tâm tình với người thiên cổ. Bà ở riêng một phòng, rất ít khi Quang vào vì lúc nào trông cũng tối om và ẩm thấp. Trong bữa ăn, Quang hỏi vui:
- Bà ơi, bà nhớ ông hay sao mà mấy đêm cháu thấy bà cứ ngồi nói chuyện thì thầm?
- Ôi dào, nhớ với chả nhung, sau này xuống với ông tha hồ mà tâm sự - Thím Xuân đột nhiên nói chen vào - Sao đợt này xóm ta hay mất cắp thế không biết, mới tối hôm kia chứ đâu, nhà bác Đẩu mất cái xe máy, chả biết để ở sân hay hè mà sáng mai dậy trống trơ, cả nhà tá hỏa đi tìm, tìm đâu nữa, có mà tìm ngoài tiệm. Có bà thức thì nhà mình đỡ lo phải không Quang?
Quang cười, nụ cười gượng gạo cho trôi nửa miếng đậu phụ rán trong miệng. Bà Thuần nhỏ nhẻ nhai cơm. Chú Thực im lặng. Quang trộm nhìn chú, không biết có phải chú đang lo mất cắp hay không mà khuôn mặt trầm ngâm đăm chiêu hẳn, lại càng làm thân hình béo núc của chú tròn ú, bệ vệ? Cơ ngơi của chú thím khá thật: nhà hai tầng mái vòm, tiện nghi đầy đủ sang trọng, hai xe máy đắt tiền. Thím Xuân là bác sĩ thú y làm cả năm không hết việc. Quang ở một tuần mà thấy thím chỉ ở nhà buổi trưa và buổi tối. Lâu nay, trâu bò lợn gà nhiều bệnh quá! Do đủ nguyên nhân: ô nhiễm môi trường, do khí hậu thay đổi thất thường, do ngộ độc thức ăn. Tủ thuốc đặt ở hè, người vào mua thường xuyên. Quang chẳng biết bán thế nào cả. Có ai đến mua, chú ở nhà thì Quang gọi chú còn không thì hẹn lại: “Cô ơi, đến trưa thím về thím bán cho".
Ông Thuần mất đã hơn mười năm. Ngày ông mất được một trăm ngày, Quang được bố chở xuống thắp hương kính viếng hương hồn ông. Nói là viếng cho sang chứ lúc đó Quang học lớp ba thì biết gì, đúng dịp nghỉ hè thì bố cho đi nghỉ mát tắm biển, ăn hải sản và mua sách, biển Sầm Sơn cách nhà chú năm cây số, tha hồ mà tắm.
***
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Bây giờ tiết thu chuyển sang những ngày cuối cùng, bầu trời âm u bàng bạc làn mây xám đục, từng chiếc lá vàng rụng tơi tả lối đi, lăn xào xạc trên mặt sân, điểm lơ thơ trong bể nước gợi cảm giác ẩm ướt, hắt hiu. Những hôm trời hửng nắng, bà thường tranh thủ đem quần áo, chăn chiếu ra phơi phóng lại. Có lần bà phơi cả kim, chỉ rồi rải những que tăm vàng xỉn, mốc meo trên một tờ giấy báo cũ. Mấy hôm liền, cứ thím lên xe đi làm được một lúc là bà đem đồ ra hong nắng trong khoảng một giờ. Mang tiếng ngồi vào bàn học nhưng Quang đọc truyện là chính. Thằng Nguyên có tủ sách hấp dẫn quá, nó sưu tầm ở đâu mà có nhiều “Đôrêmon", “Cônan", “Bảy viên ngọc rồng" và trọn bộ “Thần đồng đất Việt" thế này? Quang đọc say sưa ngấu nghiến vì chẳng mấy khi có tiền mà mua, lâu lâu gặp được một quyển đọc từ giữa ra chẳng hiểu đầu đuôi sao cả.
- Trời ơi, bà lại bày cái gì thế kia? Bà nhìn lại xem, nền nhà sạch sẽ láng bóng mà bà bày ra những thứ từ hồi cổ lỗ sĩ xem có được không?
Rất nhanh chóng, thím lấy cây sào dựng ở góc sân gẩy gẩy dồn đống lại. Bà Thuần lụi cụi thu dọn từng chiếc, cất đi.
Thím về lúc nào không biết? Có lẽ do Quang mải đọc truyện nên khi xe máy dựng, Quang không hay.
- Thằng Quang thấy bà làm thế có được không, cháu thấy thím nói có đúng không?
Quang cười mà như mếu, và cảm thấy trong người nhột nhạt. Những lời nói, những cử chỉ của thím Xuân, Quang thấy rất nặng nề với người mẹ chồng khi đó chưa kịp đề phòng, có khác chi trận mưa to bất thình lình đổ ập xuống giữa lúc người nông dân đang phơi lúa. Cơn bão tháng Năm mù mịt nước quất vào mặt chát chúa bỏng rát.
Chú Thực hết xem phim, nghe nhạc lại chơi cờ. Ông là tay cờ có hạng ở thị xã. Trên tường nhà treo cả chục cái giấy khen, bằng khen từ cấp phường tới cấp tỉnh. Là người say mê, chịu khó rèn luyện nước cờ, gặp phải thằng cháu không phân biệt được quân xe với quân pháo, chỉ biết độc mỗi quân mã do có hình đầu con ngựa, ông chỉ còn lắc đầu ngán ngẩm.
Suốt cả tuần, Quang ở cùng phòng với thằng Nguyên. Nhà chú có ba con đều học giỏi: cái Thắng là kỹ sư chế tạo máy đang làm việc tại Nhật Bản, cái Thảo là sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông, Nguyên thì vừa đậu vào lớp mười năng khiếu trường cấp ba thị xã. Hắn to cao, đẹp trai, trắng trẻo nhưng ngoài học ra chẳng biết làm gì. Chú Thực không quan tâm tới con bằng thím Xuân, Quang cảm nhận vậy. Đúng là tình cảm của người mẹ dành cho đứa con của mình.
- Học thêm nhiều, có mệt không con? - Thím vừa nói vừa vuốt lại tay áo Nguyên cho phẳng phiu.
- Dạ, cũng mệt, nhưng ở lớp con có bạn còn đi học cả ngày cả đêm kín tuần mẹ ạ.
- Ừ, cố gắng học cho giỏi rồi hôm sau mẹ mua cho cái xe đạp điện. Mẹ chỉ yêu cầu con trai của mẹ thi đại học bằng điểm chị Thảo là được - Rồi thím quay sang Quang - Anh Quang ngày trước thi đại học gì ấy nhỉ?
- Dạ, cháu thi trường Thủy lợi.
- Em Thảo học năm thứ tư rồi đấy. Thôi, sức anh học trung cấp là hợp, mơ ước chi cho cao sang. Bố mẹ cũng đỡ tốn tiền nuôi bốn, năm năm lại còn ra trường xin việc nữa chứ.
Quang cúi đầu, im lặng.
- À, em Thảo có cái rương, hồi trước thím sắm nhưng ra Hà Nội em lại dùng tủ vải nên lâu nay để không, anh lấy mà dùng - Thím Xuân lôi từ gầm giường ra một cái rương sắt còn mới đưa cho Quang - Cầm lấy đi cháu, thím cho đấy.
Nỗi xúc động, tủi thân và biết ơn làm cổ họng Quang nghẹn lại, không nói nên lời cảm ơn thím.
- Anh Quang giống mẹ, bảnh trai nhưng gầy lắm.
Quang hơn Nguyên năm tuổi nhưng chiều cao, cân nặng không cái gì bằng, chỉ có nước da đen bóng lẵn luội hơn, đó là hệ quả của những ngày cởi trần bêu nắng gió đồng.
- Thằng Quang giống bên ngoại. Bà ngoại thằng Quang cùng tuổi với bà, hồi trẻ bà ấy hát bội hay có tiếng.
Bà Thuần từ phòng bên sang đây từ lúc nào? Mắt bà kém nhưng tai còn nghe rất rõ. Có mấy lần Quang ngồi cùng với Nguyên nói chuyện mà ở phòng bên bà vẫn nghe được, bà nhỏ nhẹ nhắc nhở: “Hai đứa không lo học bài rồi đi ngủ, cứ tào lao thiên địa".
- Bà thì biết cái gì, vào giường ngủ cho khỏe, thanh niên thời giờ nói ít làm nhiều chứ không giống như thế hệ các bà ngày xưa ngày xửa đâu.
- Mẹ…! - Nguyên lay lay tay thím.
Bà Thuần lọ mọ về phòng, Quang cũng theo ra cửa. Qua gian nhà khách thấy chú Thực đang ngồi vắt chân chữ ngũ, chăm chú vào màn hình ti vi. Trong người khó chịu ngột ngạt, Quang lên sân thượng ngắm trăng cho mát. Đã chuẩn bị lập đông, gió biển thổi lành lạnh. Gió ở đây mạnh hơn ở quê Quang nhiều. Từ trên cao nhìn ra xa, cả thị xã Sầm Sơn như bồng bềnh mờ ảo trong sương. Nếu là ba, bốn tháng trước, ở phía bờ biển sẽ sáng lung linh ánh đèn màu và náo nhiệt tiếng hát hò suốt đêm. Nhưng bây giờ không còn mấy khách đến nghỉ mát, phía ấy chỉ le lói vài ba ánh đèn nhợt nhạt.
Trước ngày nhập học, Quang bị trận ốm thập tử nhất sinh mất nửa tháng. Chứng tả khát phải đi bệnh viện cấp cứu ăn mòn Quang ba cân thịt. Sau trận ốm, người Quang lúc nào cũng trong trạng thái đói, đói kinh khủng. Một ngày ăn vặt không biết bao nhiêu lần: ổi, xoài, cóc, bưởi, bụi mía mưng chua lòm ở bờ rào, trái mây chát ngoắm ở rìa ao, Quang nhồm nhoàm tất. Hôm chuẩn bị cho nhập trường, Quang còn tranh thủ rang ngô đùm vào túi nilon cho giòn để vừa đi đường vừa chóp chép. Biết con mình dạo này háu ăn, mẹ dặn:
- Từ nay con đi học xa nhà rồi, sống tập thể phải ăn uống cho đàng hoàng. Đói thì đói cũng phải ăn từ tốn, không bạn bè cười cho. Miếng ăn là miếng nhục, tiền mình bỏ ra nhưng không khéo người ta cười mình.
Quang “dạ" lí nhí trong miệng.
Sống ở nhà chú Thực, Quang mới đỡ chứ chưa chừa được tật ấy. Trong lúc tỉ tê với bà, Quang cũng nói rõ vì sao mấy lần thức dậy nửa đêm xuống bếp lục cơm nguội, pha mì tôm. Bà cười. Một buổi sáng, bà đưa cho Quang năm nghìn mua bánh cuốn. Quang phụ thêm năm nghìn nữa thế là hôm đó ba bà cháu được bữa điểm tâm no nê. Khi căng bụng, đầu óc tỉnh táo, Quang ngồi thoải mái đưa mắt nhìn xung quanh nhà rồi bất ngờ dừng lại trước ảnh ông trên bàn thờ, hào hứng:
- Bà ơi, ông mất thì bà có được hưởng chế độ lương hưu của ông nữa không?
Ông Thuần trước là thầy giáo dạy học trên miền núi, ở ngay sát biên giới Việt - Lào rồi sau này chuyển về xuôi. Ông dạy môn Văn và Địa lý, ông chủ nhiệm mẹ Quang năm lớp bảy.
Chả biết từ đâu thím Xuân để nguyên mái tóc đang búi dở và khuôn mặt lỗ chỗ vài chấm kem chưa xoa, chạy tới:
- Ôi dào, lương ông để lại chưa đủ cho bà ăn trầu. Lương chú ba cọc ba đồng, mới đủ ông ấy cà phê, thuốc lá. Tiền ăn của cả nhà, tiền học của hai em, rồi giỗ kỵ, ma chay, cưới hỏi ở cái nhà này, một tay thím lo hết, không tin thằng Quang cứ hỏi chú mà xem.
Hồi đó, Quang đã bước sang tuổi hai mốt, có khi nào Quang lại hỏi chú mình một câu như thế!
Chú Thực lầm lì, không mấy khi Quang bắt chuyện. Nguyên cũng ít mở miệng, chỉ có thím là hay nói.
Sáng hôm đi lao động, Quang chỉnh đồng hồ báo thức từ lúc năm rưỡi. Trời còn nhợ nhợ tối và hơi sương ướt lạnh mà Quang đã thấy bà ngồi bên cửa sổ nhai trầu bỏm bẻm, thím Xuân đút lá khoai lang vào chuồng cho thỏ ăn. Mấy con thỏ trắng như cục bông, tai to bè đen nhánh, mũi đỏ hỏn, mắt dáo dác nhìn xung quanh, luôn miệng nhai nhí nhách. Bọn thỏ thế mà sướng, được phục vụ tận miệng. Quang lại gần xem thỏ ăn và chợt nhớ ngày trước ở làng có ông Dự nuôi thỏ, bọn trẻ con muốn được vào xem phải “nộp lệ phí" ít nhất nửa rổ lá vông vang xanh rờn, tươi bấn.
- Hôm nay thím có đi làm không ạ?
- Cho thỏ ăn xong là thím đi luôn, phải đi làm chứ Quang, có ai bưng bát cơm đến miệng cho mình đâu, còn sống là còn phải làm, chứ không thể ăn bám vào ai được.
Chợt nhớ vừa rồi là câu hỏi ngớ ngẩn, do hôm nay Quang dậy sớm hơn thường lệ, Quang ngượng chín cả mặt.
Nắng lên, chiếu vào hàng dây thép gai sáng chói lóa, chiếu vào hàm răng trắng của thím Xuân vừa cười vừa lúi húi cho thỏ ăn, Quang không dám nhìn thêm.
Quang chuẩn bị cây chổi xương dừa để đi lên trường lao động. Hơn hai năm gián đoạn việc học, không bằng cấp, không nghề ngỗng như bố vẫn nhận xét, quá thấm thía nỗi chán ngán của kẻ lất thất lang thang, nên trong lòng Quang rất háo hức được gặp thầy mới, bạn mới.
Hai ngày sau, chú Thực chở Quang đi tìm nhà trọ cho gần trường, mặc dù thím Xuân điện cho mẹ, khẩn khoản: “Chị cứ cho cháu Quang ở nhà em, nhà em còn rộng mà". Lúc dọn đồ, Quang đưa cho thím ba trăm nghìn, ấp úng: “Cháu gửi chú thím tiền ăn một tuần vừa qua", thím giật phắt rồi nhét vào túi áo Quang, cười xởi lởi: “Bây giờ thím cho nợ, sau này đi làm có lương thím mới lấy, mà lấy gấp năm lần như thế, anh Quang ạ". Vì lẽ đó, hôm anh Quý chở mẹ xuống thăm, bố mẹ biếu chú thím hai con vịt và mười lon gạo nếp.
***
Một năm học qua đi.
Bước sang năm thứ hai.
Quang đang ôn tập để chuẩn bị thi tổng kết học kì một thì bố điện xuống: “Bà Thuần mất rồi con ạ, sáng mai bố đi xe qua trường rồi hai bố con xuống viếng bà".
Bà già thì bà mất, đó là quy luật của tạo hóa, tuy có buồn thương đau đớn mà không ai cưỡng lại được. Đám ma với năm vòng hoa và hai chiếc ô tô đưa tiễn. Buổi chiều đông có mưa phùn trong không khí âm âm hương khói, đèn cầy càng làm cuộc tiễn đưa ảm đạm, thương tâm, cộng thêm trống kèn não nề bi ai. Đám tang không ồn ào. Đám tang lặng lẽ như cuộc đời người phụ nữ nông thôn Việt Nam tự bao đời. Tính Quang từ nhỏ đã sợ ma, thấy ảnh người chết còn không dám nhìn, nhưng suốt cả buổi hôm đó lâu lâu nhìn vào ảnh bà, Quang cảm thấy không sợ. Có lẽ lúc đi đường bố nói: Bà Thuần sống nhân hậu lắm, bà hay giúp đỡ những người nghèo khổ, và không làm mất lòng ai, con ạ!
Vậy mà đã gần hết khóa học, Quang đăng ký với khoa cho thực tập tại khách sạn Thiên Ân ở ngoại ô thành phố Thanh Hóa. Từ khách sạn về nhà chưa đầy hai mươi phút chạy xe máy nên sáng đi, tối về. Một hôm mở rương lấy kéo cắt ảnh để làm hồ sơ thi tốt nghiệp, mẹ mới hỏi Quang cái rương ấy ở đâu ra, Quang trả lời cho mẹ biết, mẹ lại gần Quang và sờ vào cái rương:
- Ái chà thím Xuân rộng rãi thế! Thím ta gớm mặt lắm, hồi làm nhà, nhà mình có vay hai trăm nghìn chưa kịp trả mà căn đúng vụ tháng Mười thím ta đong hai tạ lúa bắt nợ. Là chị em dâu với nhau làm thế thì quá ư cạn tàu ráo máng, mẹ tủi thân chảy nước mắt. Thím Xuân chỉ được đai đãi cái mồm, nói thì như san cửa sẻ nhà cho người khác vậy mà cấm rỉ cho ai lấy một xu.
Như chợt nhớ ra điều gì và cùng là đồng minh trong suy nghĩ, Quang buột miệng:
- Mẹ ơi, hồi trước ở nhà chú Thực, con thấy thím Xuân chẳng thương bà Thuần đâu, thím ấy hay nói nặng bà, có nhiều câu con thấy chối tai lắm kia.
Mẹ thở dài, chép miệng:
- Chú Thực mày béo trươn mà vô vậy, sợ vợ hơn sợ cọp, để vợ ăn hiếp mẹ mình mà không nói năng gì được, cái người như thím Xuân thì làm gì có chuyện thương bà Thuần.
- Mẹ không biết đâu, hôm bà mất thím ấy còn khóc ngất đi nữa mẹ ạ.
- Các cụ nói cấm có sai: khi cha mẹ chồng chết thì con dâu gào khóc kêu la, ấy vậy mà lúc sống bát nước cà nó cũng không cho.
Khi muối cà, mủ ở quả cà nhữa ra ngấm vào nước muối tạo thành một thứ nước đặc quạnh, thâm xỉn, đắng chát, để lâu còn nổi váng lợn cợn, mùi khăn khẳn. Ngày trước, có nhiều hôm nhà Quang phải dùng nước cà để chấm rau, chưng tép, kho cá. Mẹ bảo thời Bao cấp, cả làng cả nước đói, có cái bỏ vào bụng là may lắm rồi.
Bất giác Quang nhìn mẹ, rồi nghĩ về bà nội, bà nội mất khi bố Quang còn là chàng thanh niên chưa vợ đang đánh giặc trong miền Nam, Quang vội ngó đi chỗ khác, không nói thêm một lời nào nữa.
L.T.V
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 81 (Tháng 11 năm 2024)