Mặt trời cất nắng đi từ nửa buổi chiều, gió heo may thổi làm những bụi cỏ ven bờ ao đổ rạp xuống. Hoàng hôn vừa kịp buông, họ hàng nhà dế đã quần là áo lượt, lấy giọng chuẩn bị cho bữa tiệc thanh âm buổi tối. Khi dàn hợp xướng của dế vang lên i i, o o, rích reng… cũng là lúc đàn mối lũ lượt về hang. Thạch sùng mẹ thân hình xồ ra vì sinh đẻ, chậm chạp bò ra khỏi ổ, men theo góc tường. Nó đang rình rập bọn gián, ruồi, kiến hay mối để tóm gọn, tống vào cái bụng rỗng lép xẹp. Thạch sùng mẹ có cái đầu hình tam giác, mõm nhọn, cái đuôi thuôn dài luôn ngoe nguẩy. Lớp vảy bao bọc toàn thân nó có màu vàng dưới bụng, xanh xám trên lưng, đôi mắt trố như hai chiếc đèn pha choán gần hết phần đầu. Tai Thạch sùng mẹ không có vành, nhỏ xíu như vỏ trấu, con ngươi đảo lên đảo xuống liên hồi. Bốn chân có kết cấu đặc biệt giúp nó có thể bám dính vào mọi vật, kể cả cửa kính trơn láng.
Hôm nay trong lúc đi kiếm ăn, Thạch sùng mẹ trượt chân, giáng uỵch thân hình bấy bớt của “bà đẻ" xuống nền nhà. Đau lộng óc, nhưng chủ yếu là mắc cỡ. Thạch sùng mẹ tức tối cho rằng thủ phạm gây ra cú ngã cho nó chính là các công trình xây dựng làm khắp nơi bụi mù. Đã vậy, từ khi mấy quả trứng tọt ra khỏi bụng thạch sùng, cơ thể nó tự dưng cứ phì mãi ra. Thế nên chân nó mới không bám dính được vào tường, làm nó té cái oạch xuống nền đất cứng. Thạch sùng mẹ hậm hực lê cái bụng trống rỗng và khúc đuôi dài ngoẵng về ổ của mình.
Bỗng mắt Thạch sùng mẹ như lồi hẳn ra ngoài: Nó vừa nhìn thấy trong ổ của nó xuất hiện một vật thể lạ. Một quả trứng trắng hồng, to kềnh, chắc gấp đôi những quả trứng từ bụng nó ra. Thạch sùng mẹ hoảng hốt kêu: “Kẹc! Kẹc!". Hàng xóm tò mò ghé mắt sang. Rồi họ thập thò rủ nhau qua nhà Thạch sùng mẹ. Ai nấy trầm trồ. Chúc mừng chị Thạch sùng nhé. Chúc mừng chị. Ôi chao, chị đã sinh được một quả trứng vừa đẹp, vừa to, chúng tôi chưa từng thấy bao giờ. Biết đâu đứa con khổng lồ này sẽ làm rạng danh dòng họ Thạch nhà chị đấy. Thạch sùng mẹ ban đầu hoảng sợ, nhưng sau thấy ai cũng lầm tưởng quả trứng lớn do mình sinh ra thì lại cảm thấy tự hào, luôn miệng cám ơn rối rít.
Minh họa: Hà Huy Chương
Từ hôm có quả trứng khổng lồ, Thạch sùng mẹ thay đổi nếp sinh hoạt. Nó chối phăng những lời mời tiệc tùng, liên hoan của đám bạn, nhất là lời rủ rê đi bắt thiêu thân, chuồn chuồn, muồm muỗm… Nó thậm chí sao nhãng cả với lũ con vừa mới chào đời. Tâm trí Thạch sùng mẹ dốc cả vào việc trông giữ quả trứng khủng cho thật an toàn, chờ ngày khai nở. Những người họ hàng mang đến cho “bà đẻ" rất nhiều thức ăn, nào gián, kiến ba khoang, thậm chí cả một con cuốn chiếu toàn thân tua tủa những chân là chân. Lão Thạch sùng già còn mang tới cho Thạch sùng mẹ một con giời leo béo múp míp. Trong họ thạch sùng, người ta tôn vinh lão Thạch sùng là Già làng, vì lão luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Thân hình “Già làng Thạch sùng" to lớn, ức căng phồng như bọn trẻ trai. Chân lão choãi ra, những ngón chân như có gắn keo, bám vào đâu là dính đét đấy. Lão đưa bàn chân trước trìu mến vỗ vỗ lên lưng Thạch sùng mẹ, dặn dò cách tiêu hóa con giời leo sao cho an toàn. Giời leo là món ăn khoái khẩu của thạch sùng nhưng nếu không cẩn thận sẽ bị những vết thương phồng da, lở lói. Nghe lão Thạch sùng nói vậy, Thạch sùng mẹ rưng rưng nước mắt, nó lấy làm cảm động vô cùng.
Chiều nay trời đất bỗng nổi sấm chớp ầm ầm, rồi mưa xối xả. Lão thạch sùng đang thơ thẩn kiếm ăn vội lao về ổ tránh mưa. Bất chợt lão nhìn thấy mụ Tắc kè hoa đang đội mưa đứng xớ rớ ngay trước ổ nhà Thạch sùng mẹ. Dòng tộc tắc kè hoa xưa nay rất khác đời. Tắc kè hoa cái kêu “Tắc!" nhưng Tắc kè hoa đực lại kêu“Tắc kè". Lão Thạch sùng vừa nhìn thấy thân hình hộ pháp của Tắc kè hoa đã muốn bỏ đi. Nhưng lão chợt dừng lại vì nổi máu tò mò. Mụ Tắc kè hoa to lớn vậm vạp, khỏe mạnh hơn lão nhiều. Lớp vảy đủ màu của mụ xù lên như mặc áo giáp sắt. Từ lớp vảy cáu bẩn tỏa ra một mùi đặc biệt khó chịu. Tắc kè hoa thè cái lưỡi hình phễu dài ngoằng, đầu lưỡi đầy chất dính. Cái lưỡi lợi hại này khiến những con mồi đừng mơ thoát khỏi cái miệng đầy răng của mụ. Lão Thạch sùng nhìn trộm Tắc kè hoa, tự hỏi: “Không biết con mụ to mồm tham ăn này lảng vảng ở nhà “gái đẻ" làm gì. Rõ ràng là Thạch sùng mẹ và lũ con không có nhà. Hay là mụ ta nhân lúc mẹ con nhà thạch sùng vắng nhà để làm chuyện xấu? Nhưng lão không thấy Tắc kè hoa có hành động gì đáng ngờ ngoài việc mụ thả vào ổ của Thạch sùng mẹ những con côn trùng nhỏ.
Mụ Tắc kè hoa vừa đi khỏi, Lão liền chui vào nhà Thạch sùng mẹ, lấy hết sức vần quả trứng to vào bên trong ổ. Ngoài trời vẫn mưa, nhưng quả trứng hoàn toàn khô ráo sạch sẽ. Lão Thạch sùng tốt bụng đã che chắn cho nó.
Trở về nhà, Thạch sùng mẹ bỗng thấy quả trứng “khủng" hình như có hơi cục cựa. Rồi ít phút sau, mắt nó hoa lên khi nhìn thấy một sinh linh lạ lẫm đang gắng hết sức nhoài qua lớp vỏ trứng vỡ toác. Sinh linh bé nhỏ run lẩy bẩy trông rất đáng thương. Ôi con tôi! Thạch sùng mẹ kêu lên và ôm ngay lấy đứa con đỏ hỏn, ủ ấm cho nó.
Thạch sùng con chỉ qua vài ngày đã to lớn lấn át hẳn những người anh em trong nhà. Thậm chí nó sắp vượt cả Thạch sùng mẹ. Lão Thạch sùng hàng ngày đến phụ với Thạch sùng mẹ chăm sóc, bảo vệ và dạy bảo đứa bé lớn nhanh như thổi. Lão bắt chuồn chuồn, ruồi, muỗi, luôn cả nhện về cho Thạch sùng con ăn. Nhưng những miếng mồi thơm ngon đối với Thạch sùng con chỉ như muối bỏ biển, chẳng thấm tháp vào đâu.
Thạch sùng mẹ thấy đứa con càng lớn càng khác thường. Toàn thân nó bao phủ một lớp vẩy đen và cứng như làm bằng sắt. Nó được Thạch sùng mẹ cưng chiều nên cứ no bụng là lăn quay ra ngủ. Lão Thạch sùng khuyên:
- Nó có thế nào thì cũng là con của cô. Con lớn rồi thì nên cho nó ra ngoài tiếp xúc với mưa nắng, gió sương cho quen đi. Nó cũng phải tập kiếm mồi chứ. Chẳng lẽ cứ để mẹ vất vả nuôi nấng mãi à?
Lời khuyên thật chí lí, nên Thạch sùng mẹ bắt đầu dạy con kỹ năng sống. Bài học đầu tiên là tập phát âm. Thạch sùng mẹ cất tiếng kêu “Tạch! Tạch!", “Kẹt! Kẹt!"... Thạch sùng con hòa giọng theo “Ẹc! Ẹc!". Những anh em của Thạch sùng con được dịp lăn ra cười, chế nhạo cậu em to xác mà ngốc ngếch. Bài học thứ hai là di chuyển, lúc cong đuôi, khi trườn, bò, áp sát bụng xuống sàn nhà. Thạch sùng con lăn, trườn, bò dù có hơi vụng về nhưng cuối cùng cũng làm theo được lời dạy của mẹ. Bài học thứ ba là săn mồi. Thạch sùng mẹ hướng dẫn đứa con to xác cách phát hiện con mồi từ xa, cách phóng lưỡi tóm gọn… Hai mẹ con tập đi, tập lại. Nhưng khi Thạch sùng mẹ hỏi có hiểu bài không, Thạch sùng con chỉ biết ấp úng nói “Hiểu ạ" rồi nó…nhắm tịt hai mắt.
Thạch sùng mẹ không hiểu từ đâu thi thoảng trong ổ của chị ta lại có những chú cào cào châu chấu còn tươi nguyên. Chị mang sự lạ hỏi Lão Thạch sùng. Lão liền kể lại hành động bí ẩn của mụ Tắc kè hoa. Thạch sùng mẹ băn khoăn:
- Tắc kè hoa nổi tiếng ham ăn, ham chơi. Lẽ nào bây giờ chị ta đổi tính đổi nết, thảo ăn làm vậy?
- Cuộc đời là thế. Một ngày nào đó, ai cũng có thể trở thành người tốt mà - Lão Thạch sùng nói.
“Tạch! Tạch!", “Kẹc! Kẹc!". Thạch sùng con đệm theo một tràng những lời phụ họa, tỏ ra rằng nó đã lớn và đã hiểu sự đời.
Thời gian trôi qua. Tắc kè hoa vẫn thi thoảng xuất hiện, thả vào nhà Thạch sùng mẹ những thứ mà nó kiếm được. Rồi đột nhiên, nó bỗng… biến mất. Thạch sùng mẹ chợt nhận ra đứa con mà nó chăm bẵm yêu thương bao lâu nay trông giống hệt…mụ Tắc kè hoa. Rồi nó tin chắc rằng, nó đã nuôi đứa con của mụ Tắc kè hoa. Trong bụng tức giận vì bị lừa gạt, Thạch sùng mẹ muốn đuổi đứa con của kẻ gian dối đi. Nhưng nhìn Tắc kè con vô tư đùa chơi với các anh chị em trong nhà, nó lại không nỡ.
Cứ thế lũ trẻ lớn lên bên nhau, vui vẻ, đầm ấm.
Thạch sùng mẹ không biết khi nào thì Tắc kè hoa sẽ trở về. Nó cũng không biết khi nào thì nó không còn phải san sẻ thức ăn cho con của kẻ khác. Nhưng Thạch sùng mẹ hiểu rằng nó sẽ mãi yêu thương Thạch sùng con, đứa trẻ bị bỏ rơi. Vì nó có trái tim của một người mẹ.
H.T.Đ
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 81 (Tháng 11 năm 2024)