Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MÙI MỨT GỪNG

Mui mutgungc- Ngô Xuân Khôi.jpg

 Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Muối ba năm muối vẫn còn mặn

Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay

Hai Thơm chạy xe một mình ên. Phía sau xe không có ai ngồi mà là mấy món đồ lỉnh kỉnh. Ngoài cái túi quần áo cá nhân đã dùng ba năm nay bắt đầu thấy cũ, còn thêm cái túi khác mới hơn, bên trong đựng mấy bộ quần áo mới cho má con con Thắm, thằng Lừng. Hai cái túi được chất bên trên một thùng các-tông khá bự mà ông chứa tất cả bánh, kẹo, lạp xưởng, chai rượu vang… gỡ ra từ hai túi quà của công ty và của tỉnh. Tới hai gói quà lận. Gói của tỉnh là dành cho những công nhân về quê ăn Tết tự túc mà không phải nhận vé xe miễn phí. Về quê ăn Tết, sau xe có chừng đó là quá thịnh soạn rồi. Trừ cái nồi, cái chảo để lại, coi như Hai Thơm đã đem hết “gia tài" sinh hoạt cá nhân của mình theo về. Cái thẻ ATM quan trọng nằm gọn trong túi áo. Tài khoản trong điện thoại chắc chẳng phải dùng tới ba ngày Tết. Vậy mà không hiểu sao khi nổ máy cho xe lăn bánh, ông cứ mơ hồ là vẫn còn thiếu thứ gì đó! Ông mỉm cười một mình, nghĩ: “Chắc thiếu tấm vé số trúng… độc đắc mà suốt một năm qua, tuần nào mình cũng mua năm tấm cầu may mà may mắn toàn tới với ai đâu!".

Trời nắng đang lên. Dự báo thời tiết nói là những ngày giáp Tết này, nhiệt độ Nam Bộ khá nóng, lên tới 32-36 độ. Giờ chắc cũng đã tới ngưỡng nóng rồi. Hai Thơm đã vượt qua được nửa chặng đường về. Chừng vài trăm mét nữa là tới cầu Rạch Lớn, bắt đầu vô địa phận tỉnh mình. Nghe nói ngày thường ở khu này, mấy chú cảnh sát giao thông bắn tốc độ, phạt dữ lắm. Tốt nhứt là chạy đúng tuyến, đúng tốc độ được phép cho chắc ăn. Chớ không, mười mấy triệu tiền thưởng phải hao bớt đi vì nộp phạt thì đau lắm! Hai Thơm nghĩ ngợi…

- Hoét! Hoét!

Trời đất ơi! Không chỉ thổi còi mà một chú cảnh sát còn bước ra đường giơ tay chặn xe của Hai Thơm. Mình lỗi gì kia chớ? Chắc là yêu cầu thổi nồng độ cồn đây?

Chú cảnh sát chặn xe giơ tay chào. Má ơi! Còn chưa hiểu rõ điều gì sắp xảy ra thì một chú khác từ bên trong lề đường bước ra với chai nước, cái khăn ướp lạnh trong tay, vui vẻ trao cho Hai Thơm kèm theo nụ cười va câu nói nghe hết sức hởi lòng hởi dạ:

- Chúc chú về nhà ăn Tết vui vẻ!

Thì ra vậy mà làm mình hú hồn hú vía. Hai Thơm cà lăm bất ngờ:

- Cảm… cảm ơn…

Rồi ông dắt xe vô lề, xé cái bao khăn lạnh lau mặt, kế, khui chai nước làm một hơi hết phân nửa. Ngoài đường lại có tiếng còi và ông thấy một chị phụ nữ ngơ ngác dừng xe giống như mình hồi nãy. Bên cạnh ông, một trong số mấy chú cảnh sát đứng chờ lấy chai nước bước ra.

Một giọng gần chỗ Hai Thơm đứng, hỏi:

- Nhà chú ở đâu? Sắp tới chưa hả chú?

Hai Thơm nhìn chú cảnh sát trẻ măng vừa hỏi mình, trả lời:

- À… nhà tui bên xã Láng Xanh…

- Ồ! Quê ngoại của tôi đó chú. Vậy là còn hai chục cây số nữa… Chúc chú đi đường an toàn nha…

Hai Thơm lên xe, nổ máy chạy tiếp. Được một quãng, ông mới sực nhớ một điều, tắc lưỡi nói một mình: “Quên hỏi tên của ngoại nó. Biết đâu là người mình quen cũng nên!".

***

Láng Xanh là cả một vùng tuổi thơ của Hai Thơm. Ngày ông ra đời, đất nước vừa thống nhất nhưng cái đói cũng ập tới. Má không đủ sữa cho con, Hai Thơm phải bú nước vo gạo khuấy đường. Vậy mà rồi nó cũng lớn lên khỏe mạnh. Mười tuổi, khi cuộc sống tạm ổn, Hai Thơm mới có thêm một cô em gái. Nhiều năm trôi qua. Người lớn lo làm ăn kiếm sống. Trẻ con được đi học, thi cử, vào đời. Ba má Hai Thơm kịp cưới vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ rồi mới rủ nhau đi về chốn vĩnh hằng. Hai Thơm cho là mình có phước, vợ chồng tuy nghèo nhưng cũng đủ nếp tẻ, nuôi con ăn học tử tế chẳng thua kém ai trong xã. Má con con Thắm, thằng Lừng có tiệm tạp hóa và vườn rau cây trái gần một công, cơ bản đủ nuôi con. Hai Thơm làm công nhân xây dựng. Công ty đóng ở tỉnh bên, có khi hai ba tháng mới về nhà một lần. Xa nhà, ông vừa làm thợ xây theo tay nghề chuyên môn, vừa nhận trực trông coi vật liệu các công trình để kiếm thêm thu nhập, năm nay chỉ về quê ăn Tết là lần thứ nhì.

Nên chẳng trách Hai Thơm nôn nao về nhà. Láng Xanh quê ông, ông đã nhìn thấy từ xa, thấy rõ con đường bê tông xã hội hóa bắt đầu từ hai bụi cau hai bên lề đường. Hai bụi cau là của chung người dân Láng Xanh. Mấy bà già nhai trầu cứ việc sai con cháu hái cau về ăn. Nhà có đám cưới đám xin cứ việc hái cau về làm lễ. Hồi cưới vợ, chính Hai Thơm cũng leo lên hái cau về cho lễ cưới của mình. Người ta kể về Láng Xanh là luôn kể chuyện hai bụi cau này!

Nhưng vẫn còn một đoạn hơn cây số nữa. Nhà của Hai Thơm ở cuối xã!

***

- Ba về! Ba về!

Cả hai đứa, con Thắm và thằng Lừng cùng bỏ cửa hàng tạp hóa chạy ra đứng “vây" bên chiếc xe máy của Hai Thơm.

- Má tụi bây đâu rồi?

- Má đi chợ mua cá. Má nói bữa nay ba về, má làm cá om dưa cho cả nhà ăn…

Cái bà này, sao mà thuộc tính chồng quá vậy. Lát nữa về, không biết thử cái áo mới, có ưng ý không? Hai đứa nhỏ nữa. Năm nay Hai Thơm chọn màu áo theo sở thích của ba má con chớ không mua đại như năm ngoái nữa. Cô bán quần áo may sẵn nghe ông tả rõ vóc dáng và sở thích màu sắc của từng người, tắc lưỡi: “Chưa thấy ai để ý, chu đáo như chú vậy. Vợ con chú thiệt có phước".

***

Má con Thơm đi chợ về, tay là một giỏ đồ đầy vun.

- Ba thằng Lừng về lâu chưa?

- Mới chừng nửa tiếng…

- Chắc đói bụng rồi. Để tui làm bếp mau mau cho có cái bỏ bụng. Trưa nay ăn thịt kho trứng. Cái món cá om dưa thì để chiều…

Hai đứa nhỏ nhao nhao:

- Tụi con muốn mặc áo mới coi có đẹp không?

- Má cũng mặc thử luôn nha má!

Giọng má con Thắm “dữ" như ánh mắt nhìn con:

- Thử thử cái gì! Tao còn phải làm bếp. Hai đứa bây xuống phụ tao cho mau. Để cho ba tụi bây ngồi nghỉ. Chiều tắm táp sạch sẽ thoải mái rồi muốn thử áo mới sẽ thử!

Hai đứa nhỏ răm rắp nghe theo lời má. Hai Thơm cũng nghe lời… vợ. Vừa pha xong bình trà nóng chờ thấm thì con Thắm đem ra dĩa mứt gừng:

- Năm nay má dạy con làm cùng đó ba. Ba ăn mứt, uống trà là đúng gu củ kiệu rồi đó!

Hai Thơm ngồi võng, trước mặt là cái ghế đẩu thay bàn, có dĩa mứt và bình trà. Ông nhớ lại, cái hình ảnh này của mình sao mà tình cờ giống hệt cảnh ba ông ngày xưa. Nói tình thiệt, hồi đó ba ông “gia trưởng" lắm. Hở chút không vừa lòng là la má ông té tát. Má ông thì luôn nhịn chồng. Cứ như việc không chịu sanh con thêm cho chồng là cái lỗi mà cả đời bà phải trả cho chồng!

Mứt gừng bà Hai Thơm thì nhứt xã rồi! Món này, với cái tên mới thay cho cái tên “Mứt gừng bà Ba Nhỏ" của má ông, từng “vượt biên giới" lên huyện, lên tỉnh. Mùi thơm của mứt không nức mũi mà chỉ thoang thoảng cứ như để dụ khị người ăn. Hồi trước bà Ba Nhỏ thường nói với anh em Hai Thơm như vậy khi hai đứa phụ má làm mứt bán Tết. Hai Thơm bị chê là không kỹ bằng em nên không được nhờ làm khâu cạo vỏ củ gừng, lúc ngâm nước muối cho gừng dịu lại thì quá dễ, nên chỉ được phụ việc xâm củ cho thấm đường rồi đem ngâm. Những việc sau đó thì Hai Thơm đứng ngó và… hít hà! Sên đường là việc của má. Liều lượng và thời gian đều là bí quyết. Phơi nắng nửa tháng đạt yêu cầu tới đâu là việc của ông trời! Những cái Tết qua đi, tuổi thơ với mùa hè thả diều cùng chúng bạn trên khu bóng đá chân đất của xã không còn nữa… Nhưng cái mùi mứt gừng thì cứ đến vào mỗi dịp Tết về. Bà xã Hai Thơm nối nghiệp má chồng, chỉ khác là làm ít hơn, vừa đủ cung cấp cho xã Láng Xanh và một ít hàng đặt từ trên huyện.

Nhón một miếng mứt bỏ vô miệng, Hai Thơm ngậm một chút để thưởng cái vị cay dịu, hít hít cái mùi thơm của đường tới độ:

- Năm nay khách đặt hàng có khá không má con Thắm?

- Má con tui cũng chỉ làm thủng thẳng như năm ngoái thôi. Đủ tiền xài Tết, ông khỏi phải lo…

- Vậy tui yên tâm rồi. Tiền thưởng, tui sẽ mua cho bà chiếc xe đạp điện mà đi lại. Hai chiếc xe đạp của hai đứa nhỏ thì cho sơn lại…

Cả con Thắm và thằng Lừng cũng reo lên:

- Sướng quá! Xe con sơn màu xanh lá cây nha ba.

- Còn xe con thì sơn màu trắng.

Từ dưới bếp, bà vợ Hai Thơm nói vọng lên:

- Mua xe đạp điện chi cho tốn kém. Mà có đủ tiền không đó?

- Yên tâm đi! Tiền thưởng năm nay của tui cũng trọng!

***

Cả bữa cơm chiều, Hai Thơm chỉ gắp đúng hai món: Cá om dưa và lạp xưởng tươi nhấm nháp với củ kiệu.

- Mai Ba mươi cúng cơm rước ba má về ăn Tết, nhớ khui chai rượu vang mời ba, pha ấm trà sen mời má.

Nói tới đây thì ông thợ xây chủ nhà bỗng nghẹn lời. Chưa hết, nhìn lên bàn thờ có hai tấm hình của ba má, ông còn chảy nước mắt. Phải chi ba má ông còn sống thì cũng chỉ ngoài bảy mươi. Gia đình sum vầy ngày Tết ấm áp biết bao nhiêu…

Bữa cơm chiều qua mau vì hai đứa nhỏ nôn nao thử quần áo mới nên lùa cơm vô miệng với tốc độ phản lực. Coi vậy chớ bà vợ Hai Thơm cũng nôn. Dẹp mâm chén xuống bếp, bà nói: “Để khuya sẽ rửa", rồi chạy vô phòng với gói quà của mình.

Hai Thơm ra võng nằm, chờ “ngắm" ba má con con Thắm, thằng Lừng. Kia! Họ đã ra tới! Được quá đi chớ! Hai đứa nhỏ thì khỏi nói rồi, đứa nào cũng tự khen mình mặc đồ mới… đẹp! Cũng chính tụi nó, chớ không phải Hai Thơm, khen má “mặc áo mới ngó trẻ như… hoàng hậu!".

Hai Thơm hào hứng nói:

- Mùng một Tết cả nhà mình chụp một tấm hình đứng trước nhà. Tui sẽ cho rửa cỡ lớn lộng khung kiếng treo trong phòng khách làm kỷ niệm! 

- Làm vậy đi ba. Mỗi năm chụp một tấm ngày mùng Một.

- Vậy là năm nào cũng phải có quần áo mới chớ gì! Hỏi ba tụi bây có lo được không? Ở đó mà mơ!

Hai Thơm nhấm nháp miếng mứt gừng có công của vợ con mình làm ra. Gừng cay muối mặn… Gia đình cứ hạnh phúc thế này thì cỡ gì, ông cũng sẽ lo bằng được…

***

Mười giờ trưa Ba mươi, vợ Hai Thơm mới đi chợ về. Con Thắm đi theo phụ má ôm mấy cây bông cúc vàng tươi. Nó khoe:

- Ba có quà Tết nè ba. Má mua cho ba đó!

Hai Thơm đang lau chùi bàn thờ, ngạc nhiên hỏi:

- Quà gì vậy?

- Ông nghỉ tay một chút đi. Thử cái áo tui mua. Chớ hổng lẽ ngày mai chụp hình, ai cũng mặc áo mới, chỉ có ông mặc áo cũ sao!

Hai Thơm ngẩn người. Bây giờ thì ông đã có câu trả lời cho cái “thiếu thiếu" mình cảm nhận lúc lên đường về quê. Thiệt đúng là gừng cay muối mặn, tình nghĩa vợ chồng… Ông quên mua sắm cho mình, chớ vợ ông đâu có quên…

K.V

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 83-84 (Tháng 01 & 02 năm 2025)


KHÔI VŨ
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​