Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGHỆ SĨ NHÀ QUÊ

 

Nghệ sĩ nhà quê 1 - Lê Trí Dũng.jpg

Minh họa: Lê Trí Dũng

Một gã sồn sồn sáu chục chạy chiếc cúp “cánh én" cũ sì hỏi thăm nhà tôi. Bộ dạng xù xì với tiếng xe bể bô nổ bùm bụp dậy xóm khiến mấy con chó sủa um từ ngoài đường sủa vô. Gã lột nón, một gương mặt nâu sạm râu ria lủa tủa. Trán trợt láng boong, mớ tóc hơi dài lơ thơ đằng sau ra vẻ dân trí thức nghệ sĩ. Gã vừa bắt tay vừa vỗ vai tôi như anh em thân thiết lâu ngày gặp lại. Tiếng trước tiếng sau đã rốp rảng mày tao, chửi thề: “Mẹ rượt họ, tao kiếm mày thấy ông bà ông vải!... Mấy cha nội trên Hội đọc văn đọc thơ mầy nói ông ở dưới đó cố gắng đi kiếm thằng nầy, viết lách được lắm!... Mẹ rượt họ, lâu nay tao đi lùng như tây bố giáp cái xã nầy chẳng ai biết mày là cái thằng mốc xì con mẹ gì!...". À nãy giờ quên giới thiệu, tao tên cúng cơm kêu Tư Ro, dân gốc miền Tây rặt nòi, mần thơ viết nhạc tao lấy bút danh Đồng Cao, quê tao Cao Lãnh - Đồng Tháp mà!... Tôi nói “Em cũng dân Cù lao... mới lên “ống quần chưa ráo nước" mà anh Tư!". Anh vỗ cái bốp: “A, dzậy tao với mầy đồng hương cùng tắm dòng sông Mê Kông!... Đọc văn tưởng đâu mày già dữ, ai ngờ còn trẻ khô dzầy! Mày thua tao con giáp chắc!..". Anh nổi hứng: “Ê mầy, nhà có tí rượu tí đế gì không? Mần ly cho sướng coi!". Tôi bê ra hũ rượu chuối hột mới ngâm với cái tách uống trà. Anh tự tay múc rồi nâng lên: “Đúng ra là tiên chủ hậu khách nhưng kể từ giờ phút này, thay vì thề thốt, tao mần anh tao uống trước, cưa đôi nha!". Hai anh em nâng rót túc tắc trên trời dưới đất muốn cạn hũ rượu chẳng thấy say sưa gì...

 Một hồi anh bước vô nhà chắp tay sau lưng dòm quanh dòm quất. Bước tới kệ sách ngắm nghía gật gật. Ngước lên nóc nhà thấy mấy cây đòn tay tầm vông đang đổ mọt, lắc lắc. Bước vô trong thấy chỗ học tập mấy đứa nhỏ gật gật. Bước xuống bếp, lắc lắc. Bước qua bên hông thấy dựng chiếc xe đạp cà tàng, lựng khựng!... Trầm ngâm một hồi, anh nói: “Mầy ráng kiếm chiếc xe tàng tàng có máy mà đi, kiếm đường mần ăn, cùi bắp cỡ xe tao giờ chừng bốn triệu đổ lại. Mày quơ đâu được vài triệu không, tao cho mày mượn phân nửa, tao cũng có tầm đó thôi, mơi mốt xuống lấy. Anh em mình dân văn nghệ văn gừng, cùng nghèo khổ, nói thiệt tình nghe!..."  

Tôi nói, trước dưới quê cũng đủ cả anh ạ, về đây chân ướt chân ráo, thất nghiệp dài dài, con cái đang tuổi ăn tuổi học, còn gì đâu anh! Anh nói tao lúc trước cũng trần ai khoai củ! Chiếc xe đạp tao chạy về xô ngoài hè cả năm, tụi ve chai còn thấy tội nghiệp không thèm lấy! Nhà dột tanh bành. Vợ con tao lùa cho về thành phố tự kiếm ăn cả chục năm nay!...

Mầy biết, có lần hồi năm tám mấy gì đó, Tạp chí Văn nghệ tỉnh đăng tao bài thơ, mừng quýnh như trúng số. Sáng đó tao thức bốn giờ, vét nồi cơm nguội dằn bụng rồi è ạch đạp hơn ba chục cây số lên Hội đặng lãnh nhuận bút. Chạy lên tới cổng 11 nghỉ mệt, xin nước lã uống. Tới quá Tam Hiệp xe đứt mẹ nó dây sên, chết mẹ không! Túi có cắc bạc nào mà ghé thợ! Vậy là tao lột sợi sên bỏ túi, dẫn tàng tàng gần trưa mới tới. Mệt muốn mất thở. Trèo lên lầu gặp con Lý kế toán kiêm thủ quỹ, nó hỏi: - Chú lên Hội chơi có chuyện chi không chú? - Lên lãnh nhuận bút chớ chi!... Nó lật lật sổ, rồi lật thêm cuốn sổ nữa nói, nhuận bút bài chú được ba chục!... - Ờ, bi nhiêu cũng mừng hết! Đưa viết đây, chú ký... - Nhưng mà... Ba năm rồi chú không đóng hội phí... Một năm mười nghìn, giờ chú đóng cho cháu vị chi là... trừ hết!...

- Mầy... mầy nói thiệt hay nói chơi?!

- Quy định mà chú!...

Tao bắt đầu nóng máu, nghĩ bụng cú này dễ đập đầu tự vẫn quá!!

Liền lúc đó có mấy đứa trai gái nhân viên văn phòng dưới lầu đi lên, tao sửng cồ hỏi có luật nào dzậy không bây?! Rồi tao xổ một dây một lèo cái sự đói khổ, tàn mạt, hấp hối của tao... Tụi nó vuốt ve tao, nói chú bớt nóng, ở đây là Văn phòng Hội, mà Hội mình là Hội Văn Nghệ, đâu phải Hội Chữ thập đỏ mà chú than nghèo kể khổ!... Thôi thì để lần này tụi con giải quyết cho chú, tới đợt sau chú đóng nghe chú! Dzậy là cuối cùng phải trả tao đúng ba chục ngàn!... Mầy viết lách thì biết rồi đó, mần được bài thơ mà đăng báo là trào máu mửa mật, dờ dật như ma đói chờ cúng cô hồn! Dzậy mà nó tính treo nồi tao, không nổi khùng sao được!... Mầy biết, gạo lúc đó ngàn mấy một ký, rượu ngàn hai một lít!... Có thằng nó nói, mần được dăm ba bài thơ nó phải uống cả can rượu hai ba chục lít! Chết sống như chơi chớ đâu phải giỡn!... Trong Hội có vài thằng dân mần thơ cũng ba trợn, cũng “đầu trâu mặt ngựa" lắm. Cỡ tao ăn thua gì! Có một thằng mần thơ cũng hay, nhưng có tật, sáng mở mắt chưa có ly rượu là hai tay nó run như bị kinh phong giựt, dzô vài ly là tỉnh bơ! Đi đâu ai hỏi mần nghề gì nó nói nghề làm thơ... với uống rượu! Chết mẹ hông?!...

Nói gì thì nói, bây giờ trước mắt tao phải lôi mầy vô Hội cái đã, rồi tao dẫn đường cho mà đi mần ăn, kiếm dăm đồng ba xu phụ vợ nuôi con. Nhưng mà phải dzô Hội đã, vô đó được cái danh, rồi cũng có quyền lợi nữa. Hàng năm được Hội cho đi Trại sáng tác. Mầy nghĩ coi, đời thằng cóc ghẻ như tao, không có hội có hè thì “cóc mọc râu" cũng chưa biết tới cái phòng khách sạn nằm ngang nằm dọc ra sao. Bộ dạng tao mà xớ rớ tới cửa cái kêu bằng “hô ten" hai ba sao chi đó, có khi bị tống cổ không kịp!... Nhớ lần đầu tiên đi Trại ở Nha Trang, tao bị quê độ mấy cú nhớ đời. Tao vô nhà tắm, thấy cái bồn tắm nằm dài, mình dân tắm sông quen rồi, dzậy là tao xả đầy nhảy dzô nằm tắm cho thoải mái. Tới hồi tắm xong, không biết chỗ nào mà xả nước ra. Còn mà để dzậy lát sau thằng khác vô nó cười cho thúi đầu! Dòm quanh không có cái thau cái ca nào, dzậy là tao tát bằng hai tay rồi bằng chưn như kiểu tát đìa tát mương bắt cá dưới quê, gần cạn thì không tát được nữa. Lát sau thằng kia vô tao nói thiệt. Nó cười hố hố chỉ cái nút tròn phía dưới, tắm xong anh lấy ngón chân nhấn cái là nó xả. Trời đất mẹ!...

 Hai thằng ở chung một phòng tuốt lầu 4, sáng đó nó nói em đi Cam Ranh chơi thăm thằng bạn, mai về. Tao mừng trong bụng vì được tự do một mình một cõi mà sáng tác, có gì bằng! Tao khóa cửa phòng, ở trần bận tà lỏn ôm cây đờn mở cửa trước ra ngồi ban công, bắt đầu tình tang phiêu diêu. Một hồi gió thổi mạnh, cánh cửa đóng cái rầm, tự khóa lại luôn, tao bị nhốt ngoài! Luống cuống một hồi không biết cách nào. Phòng kế bên cách ban công nhưng cửa đóng. Tao nhìn xuống huơ tay la làng kêu cứu còn hơn cháy nhà. Xe cộ chạy ầm ầm, chẳng ai thấy ai nghe cả! Có mấy người đi đường ngóng cổ lên, tao càng huơ tay hét dữ. Nhưng nhìn tóc tai mình mẩy tao ở trần đen thùi lùi, chắc giống thằng khùng hay thằng ghiền đang lên cơn ngáo đá, họ ngó lơ chỗ khác!... Vô phương! Cú này chắc phóng lầu 4 tự tử quá! Càng gần trưa, nắng càng gắt, tới chiều là đủ chết khô chết khát. Tới mai chết đói chắc, khỏi nhảy lầu!... Tao nghĩ lung tung một hồi rồi ngồi bệt xuống một đống, cầm cây đờn che nắng, mình mẩy mồ hôi ra như tắm! Cổ họng bắt đầu khát, bụng bắt đầu thấy đói. Chắc gần tới giờ cơm. Tao tiếp tục đập cửa may ra mấy thằng rục rịch đi ăn cơm nó nghe. Cửa kính dày quá, dập bằng tay không ăn thua, trong tay chỉ có cây đờn, tao chơi trò “đập vỡ cây đàn", đập cật lực, bể bỏ!... Một hồi tao nghe phòng bên kia ban công có tiếng rục rịch mở cửa rồi một gương mặt ló ra! Tao buông cây đờn thiếu điều chắp tay quỳ mọp xuống mà lạy - Một khứa già tầm tuổi tao coi bộ trí thức lịch lãm. Đúng là tao đang gặp đấng cứu mạng, lạy Thượng đế!... Tao kể đầu đuôi rồi ổng lật đật chạy xuống quầy lễ tân báo sự việc. Vài phút sau, tao như người về từ địa ngục!...

Ba cái chuyện tào lao “trời ơi đất hỡi" này kể tới sáng mai chưa hết. Thôi tao về cái đã, mai mốt gặp lại. À mà mày nhớ vài bữa chạy xuống tao đưa cho mượn hai triệu. Lúc nào có trả, tao thề không đòi! Rồi mày quầng đâu đó thêm mà mua cái xe. Cái cảnh ốm yếu mà đi xe đạp tao từng trần thân bao nhiêu năm, tao biết!...

Anh vừa khỏi ngõ, vợ tôi nãy giờ sau bếp ngóng nghe hết, vừa bước ra dọn dẹp vừa cười cười: “Đúng là nay gặp anh Tư Đồng Tháp Mười minh mông cò bay!... Thiên hạ xưa giờ có câu “dòm nhà có lúa người ta mới cho mượn gạo". Nhà mình trống lổng trống lơ, chạy gạo từng bữa lấy gì mà trả, mà ổng dám kêu cho mượn bạc triệu. Lại mới quen mới biết nữa!". Hai vợ chồng cứ đắn đo do dự. Có xe có cộ phải tính toán mần ăn việc gì cho có mà trả... Vậy mà tới chiều hôm sau, tiếng xe anh nổ bành bạch chạy vô, cũng bộ dạng hệt hôm qua, anh móc ra cục tiền trong cái cặp nhựa có đựng giấy tờ chi đó: “Tánh tao nói cái gì là phải mần rốp rẻng liền, sợ vợ chồng tụi bay ngại, tiền tao cất cũng không làm gì, đây!... Rồi đây nữa, cái nầy mới quan trọng, đây là bộ hồ sơ xin vô Hội, tao có sẵn ở nhà, giờ mày chỉ việc điền vô, tao đem đi nộp, không chần chờ chi hết! Đang tới đợt xét kết nạp hội viên. Cỡ mày dư tiêu chuẩn vô Hội tỉnh!... Vô Hội, có xe rồi tao dẫn đi mần ăn liền! Công việc ngon lành, phù hợp với khả năng viết lách của mày, thu nhập cũng tàm tạm sống được. Lại có cái danh, cái oai oách với thiên hạ. Tới đâu cũng được tiếp đón nể nang như ông cốm ông kẹ cấp trên xuống...". Tôi há hốc ngồi nghe ra vẻ lạ lùng khó tin. Một thằng “cùi bắp" vô danh tiểu tốt như mình, chân ướt chân ráo, chuyên môn bằng cấp cũng không. Bản thân hồi giờ là thằng phó thường dân, chưa tham gia tổ chức nào, vậy mà anh nói như sắp đưa mình lên làm cán bộ lãnh đạo không bằng! Anh nói, mày không tin à?... Đó là công việc thứ nhất, việc thứ hai thì không thường xuyên lắm, thỉnh thoảng mới được mời. Nhưng trước hết mày phải sắm vài bộ đồ vía thiệt ngon lành, một đôi giày cộp, cặp mắt kiếng, cà-vạt, cặp táp... Kiếm được cái áo vét càng ngon, nhưng sơ mi cà vạt là tất nhiên phải có... Mày sẽ xuất hiện như người quan trọng số một. Được tiếp đón trịnh trọng như quan tỉnh, được ngồi hàng ghế cao nhứt, có tên tuổi, danh xưng được in trên biển mi-ca đặt ngay trước mặt. Được giới thiệu với từng tràng vỗ tay nổ trời. Xong cuộc được mời lên sân khấu nhận hoa, nhận những lời cám ơn vàng ngọc của ban tổ chức. Sau đó như thường lệ là tiệc tùng tràn trề, cuối cùng là được nhận cái phong bì, cộm túi áo vét chớ không phải ít!...

Nghệ sĩ nhà quê 2 - Lê Trí Dũng.jpg

Minh họa: Lê Trí Dũng

Tôi cứ tròn mắt, bắt đầu hoang mang. Theo như anh nói thì anh sắp biến tôi thành cái anh “Xuân Tóc Đỏ" của ông Vũ Trọng Phụng không bằng! Nhưng cách anh nói cứ như đinh đóng cột: “Tao mần mấy việc này cũng mấy năm nay rồi, sắp tới tao lôi mày theo... Việc thứ nhứt là mần... nhà báo! Ngon lành hông? Thời buổi giờ mày thấy có nghề nào có uy như nhà báo không?... Số tao cũng hên, mấy năm trước đang xấc bấc xang bang thì gặp lại anh bạn văn chương từ hồi chế độ cũ. Hồi còn trẻ hai anh em cùng thường xuyên cộng tác cho tờ Bán nguyệt san Tuổi Hoa, tờ báo của lứa tuổi học trò thời đó. Sau này, máu yêu nghề yêu học trò thôi thúc, anh liên kết với Sở Giáo dục tỉnh xuất bản tờ Tập san có cái tên Bên Hiên Trường do anh làm chủ biên. Có văn phòng tòa soạn hẳn hoi, báo phát hành hàng tháng đến các trường từ tiểu học tới trung học trong tỉnh. Hiện giờ tao đang làm đại diện cho hai huyện dưới này. Mẹ rượt! Mần báo lớn báo nhỏ cũng là nhà báo! Tao làm phóng viên viết tin bài kiêm luôn phát hành, chạy muốn đứt hơi! Chủ biên kêu tao ở dưới này kiếm thêm một người. Kiếm đâu ra thằng biết viết lách đường được như mày. Tao sẽ giới thiệu, chắc ở tòa soạn đồng ý liền! Rồi! Ô kê chưa?!...

Công việc thứ hai còn được nể nang trọng vọng gấp mấy nhà báo nữa! Mày thấy tao bình thường coi sần sùi bụi bặm dzầy nhưng tới lúc lên vét-tông com-lê, đi giày Tây ôm cặp táp, xe hơi bóng loáng tới đón như cán bộ bự đi họp Trung ương. Mấy cha hàng xóm đứng nhìn há họng lé mắt!... Đó là mấy lần tao được mời đi làm giám khảo! Làm “chánh chủ khảo" các cuộc thi phong trào văn nghệ ca hát cấp huyện, thị trấn rồi các xã. Mày biết, cả hai huyện vùng xa dưới này độc nhứt có mình tao mang danh nhà thơ, nhạc sĩ Hội tỉnh. Mấy tay nhạc sĩ có danh trong Hội cũng đông, nhưng toàn tập trung tuốt ở trên trung tâm thành phố, đường sá xa xôi. Có mời, họ cũng từ chối xuống chấm ba cái văn nghệ quần chúng phong trào miệt vườn. Dzậy là “xứ mù anh chột làm vua". Cuộc thi nào tao cũng được mấy tay cán bộ của Phòng tới mời tận nhà.

Chuyện gì tao cũng ưa cho mau lẹ. Bây giờ trong lúc chờ đợi mày mót đủ tiền mua xe, chờ ngày được kết nạp vô Hội. Bắt đầu từ ngày mai, trước mắt tao chở mày đi một vòng, coi như hướng dẫn tập sự cho mày mần... nhà báo! Nhớ ăn mặc cho tươm tất, sơ mi bỏ vô thùng, tay cầm cuốn sổ, túi áo giắt vài cây viết cho ra vẻ dân trí thức chữ nghĩa, nhà văn nhà báo! Đi tiếp xúc toàn giới giáo chức thầy bà, học sinh giỏi... mình cũng phải lịch lãm mực thước. À, mai tao đem cái máy ảnh cổ lỗ sĩ của tao, mày mang vô nữa, bảo đảm y chang thằng nhà báo chuyên nghiệp!... Ngày mai tao có hẹn làm việc với một vài trường cấp 2. Số báo tới sẽ viết bài giới thiệu về trường nó. Mẹ rượt họ! Cả tỉnh cả nước này có cái trường nào không khoái được ca ngợi, biểu dương thành tích. Rồi được lên báo nữa thì sướng tới mây xanh... Mày theo tao, tao giới thiệu mày cũng là nhà báo hẳn hoi. Lúc tao phỏng vấn, mày lật sổ ghi chép, rồi chụp ảnh các nhân vật thầy cô, trường lớp...

Đúng là như lời anh kể, lúc hai “nhà" vừa vô tới giữa sân, một ông thầy một cô giáo (chắc hiệu trưởng, hiệu phó) bước xuống tam cấp tươi cười, cung cúc tay bắt mặt mừng vô cùng trịnh trọng. Sau mấy câu xã giao trà nước, anh vô đề ngay: “Theo tinh thần chỉ đạo của Sở, trường mình thuộc diện “điểm sáng" về giáo dục của một huyện vùng xa, là tấm gương về dạy và học cần được biểu dương...". Anh làm một lèo ngon ơ như cán bộ Sở vừa xuống. Rồi đến thầy hiệu trưởng, nào là: Mục tiêu, phấn đấu, đạt chuẩn, đạt chất lượng, thi đua, tiên tiến, gương mẫu, vượt khó... Đến cô hiệu phó cầm luôn cả xấp báo cáo, đọc như học sinh đọc bài! Tôi bó tay ghi không kịp, mặc dù chỉ những ý chính. Cuối cùng cô phó đưa cả xấp giấy pho-to, nói nhờ nhà báo cầm về tham khảo. Anh nói giờ tao giao mày viết thử bài này, vài bữa tao đem lên trình sếp thử coi. Viết truyện ngắn khó trời mây mầy còn mần ngon lành, ba cái tẹp nhem này ăn nhằm gì! Vậy là mấy hôm sau anh chạy ào ào tới, chưa kịp tắt máy xe đã vỗ tay rốp rảng: “Mẹ rượt mày! Hai tin vui một lúc luôn! Mày được duyệt kết nạp vô Hội rồi! Hoan hô mày! Còn cái bài báo mày viết tao trình sếp ô kê luôn! Ổng nói thằng này viết được! Trước mắt nhận nó cộng tác viên, từ từ sẽ ký hợp đồng công việc!... Mày thấy “ngon cơm" chưa?! Vừa một lúc có danh có phận, vừa có gạo đổ vô nồi!!...

À, sắp tới dịp 8/3, Hội Phụ nữ Thị trấn tổ chức Cuộc thi hát Karaoke tại Nhà văn hóa, tao giới thiệu mời mày làm giám khảo luôn, cho đủ bộ sậu. Mày bây giờ là người số 2 của huyện này chính danh hội viên của tỉnh rồi! Tôi bắt đầu hơi hoảng, viết bài viết vở linh tinh còn khả dĩ, chớ nhạc nhiếc một nốt bẻ đôi không biết thì làm sao dám ngồi bàn giám khảo cầm cân nẩy mực. Anh nói dễ ợt! Tao nói thiệt mày trên đời này không việc gì dễ như mần giám khảo! Tao hướng dẫn mày chưa đầy nửa phút là xong. Mày là thằng viết văn làm thơ, làm nghệ thuật. Trong nhạc có thơ, thơ với nhạc là một. Cái hay cái dở biết liền. Mày cứ dòm mấy thằng giám khảo trong ti vi đó, cứ ngồi gật gật gù gù, rồi lim dim cảm xúc, rồi gật gù gật gù. Tới gần hết bài mày lấy tờ phiếu, rồi liếc qua tao. Thang điểm thường quy định từ năm phẩy tới chín phẩy năm, mày cứ chấm chênh lệch tao từ một tới nửa điểm hoặc bằng tùy theo đánh giá của mày, rồi chuyển phiếu cho thư ký nó vô bảng điểm. Xếp giải xếp giếc là việc tụi nó. Xong. Có mẹ gì đâu!...

Trước lúc khai mạc chương trình, cả hội trường nổi bật lên với từng tốp chị em thí sinh áo dài đầm váy, môi son má phấn rực rỡ như ca sĩ thứ thiệt. Những “ngôi sao ca nhạc" của Thị trấn cứ tranh thủ lượn lờ quanh mấy thầy giám khảo đang ngồi cà phê ngoài sảnh, cô nào cô nấy tranh thủ liếc mắt cười duyên. Có cô cố tình bắt tay lâu lâu, õng ẹo ý mong mấy thầy lát nữa nhớ để mắt tới mình! Rộn nhứt là cái màn tranh nhau chụp ảnh giao lưu với mấy thầy nhạc sĩ, nghệ sĩ... cấp tỉnh. Cô nghiêng đầu bá vai, cô xoắn tay nắm áo... Các thầy cảm thấy ngại vô cùng, nhứt là cái vai trò mình lúc này...

Hôm đó có thêm một giám khảo chấm bên bộ môn vọng cổ. Anh ta mặc áo chim cò xanh đỏ, mái tóc dài đen nhánh kiểu bom-bê, gương mặt hình như có hóa trang, hệt nghệ sĩ cải lương. Có mấy chị em cứ nhìn thầy giám khảo vọng cổ rồi kéo cổ nhau xầm xì “Tao thấy ông này mặt quen quen!... Ừ, quen lắm...! Hình như là cái ông... Thôi, im! Không bàn tán nữa!". Lúc đó anh khều tôi bước ra ngoài kề tai: “Chết mẹ tao rồi!... Thằng này do tao giới thiệu trên Phòng mời! Nó dân miền Tây, chơi đờn ca tài tử có nghề lắm! Ngày thường nó chuyên bán trái cây đổ đống, đứng la làng ngoài chợ Thị trấn. Chiều tối nào nó cũng mần lai rai vài xị rồi ôm đờn mần mấy bản vọng cổ mùi mẫn lắm! Tao có nhậu chung với nó mấy lần. Phải công nhận, xứ này chưa có đứa nào đờn ca cổ nhạc hay như nó! Nó dư khả năng mần mấy vụ chấm chiết này!... Đời cái thằng nghệ sĩ, “lên bờ xuống ruộng" là chuyện thường!".

Cuộc thi hôm đó phải nói là thành công ngoài mong đợi. Ban tổ chức làm việc hết sức chu đáo, khoa học. Cô thư ký vừa làm bảng điểm vừa làm giấy khen trên máy tính, chương trình kết thúc thì giấy khen cũng được in ra, có chữ ký tươi rói tức thì. Phó Giám đốc Nhà văn hóa lên phát biểu nhận xét cuộc thi. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ của ban giám khảo được lần lượt trân trọng kính mời lên trao giải. Thành công hoàn hảo nhất của cuộc thi là cứ chị em nào có hát là có giải! Ngày tôn vinh phụ nữ toàn thế giới mà! Cả hội trường tràn ngập hoa là hoa. Mấy cô đoạt giải cao ôm hoa cầm giấy khen cứ túm tụm ca ngợi hết lời “Đúng là giám khảo nghệ sĩ nhạc sĩ cấp tỉnh về chấm có khác! Kết quả chính xác tuyệt vời ông mặt trời luôn! Mình hát ở nhà toàn máy chấm tào lao trên trời!... Chừng nào có cuộc thi trên tỉnh tụi mình đăng ký nha! Ha ha!!..."

Sau đó, ban tổ chức mời các vị giám khảo ra nhà hàng. Sau mấy vòng nâng ly, một anh cán bộ Phòng hỏi tôi: “Anh đang ở xã Tâm Phước à? Tôi cũng thường về đó công tác, mấy anh em ở đó cũng thân... Anh đang công tác ở đâu?". Tôi ngập ngừng: “Cũng còn linh tinh, chưa đâu ra đâu cả!". Suy nghĩ một lát, anh nói: “Tâm Phước chỗ anh cũng có Nhà sinh hoạt..., xây dựng xong cả năm nay nhưng đóng cửa để đó, chưa thấy hoạt động gì cả. Trưởng ban Văn hóa xã kiêm chủ nhiệm ở đó bận nhiều việc... Nếu anh không chê, tôi sẽ đề nghị mời anh về phụ trách, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở đó!... Anh Đồng Cao hất hàm nhìn tôi, ý bảo cứ nhận đi, cũng dễ ợt như chấm thi thôi! Ánh mắt anh lại nhìn tôi như muốn nói: Mày là hội viên cấp tỉnh, về làm việc xã là hạ mình chiếu cố rồi, nhận đi!...

Mọi thủ tục đều thuận tiện bởi tôi có ông anh vợ đang là Chủ tịch xã. Vậy là chừng vài tuần sau, tôi được mời nhận công việc: Phó Chủ nhiệm Nhà sinh hoạt... xã!

Việc đầu tiên là tôi được bàn giao một chùm chìa khóa. Nhà Sinh hoạt... cách nhà Ủy ban một khoảng đất trống. Một cơ ngơi khang trang, thiết kế kiểu dáng đẹp, nhưng do lâu ngày không hoạt động, chung quanh cỏ mọc um tùm. Sáng hôm đó tôi vừa tới mở cổng thì có một bác nông dân từ đầu tới chân, chạy chiếc cúp 50 bùn sình như dưới ruộng mới lên, sau yên có cột mấy cái bao phân cũ. Bác dừng hỏi, bộ chú là bảo vệ ở đây à?... Dà... có chuyện chi không bác!... Nói thiệt không giấu gì chú, nhà có nuôi mấy con bò, hôm rày kiếm cọng cỏ muốn đỏ con mắt! Ở đâu cũng xịt thuốc cỏ, bò ăn trúng là toi mạng!... Mấy nay đi ngang thấy trong này cỏ xanh mướt, tươi tốt mà thèm! - Bác chỉ tay vô chung quanh Nhà sinh hoạt... - Chú cho tui vô cắt một mớ nha!... - Bác cứ tự nhiên, cứ cắt thoải mái! Nay cắt không hết mai vô cắt tiếp! - Chú để dành cho tui, đừng cho xịt cỏ, đừng cho ai vô cắt cả nha!...

Tôi bước vào mở cửa cái cơ ngơi mình vừa tiếp quản. Nhìn từ bên ngoài phải nói là... một công trình rất chi là... văn hóa! Nhưng bước vào bên trong thì ôi thôi, bụi đóng thành lớp như nhà hoang!... Tôi chạy qua Ủy ban trình xin ý kiến Chủ tịch, một lúc sau cả tốp dân quân kéo qua. Cuộc tổng vệ sinh kéo dài tới chiều mới xong. Hôm sau, bác cắt cỏ bò tới sớm bửng đứng chờ sẵn ở ngoài. Tôi vừa mở cổng, bác nhào vô quơ một hồi bốn bao đầy cứng. Lúc này tôi mới thấy bộ mặt cái Nhà sinh hoạt... sáng sủa, khang trang hẳn ra. Mấy bữa nay, ngày nào tôi cũng đem theo mấy tờ báo. Đi lui đi tới một mình chán lại ngồi đọc báo, bóp trán suy nghĩ về cái phương án, kế hoạch hoạt động...

Sáng đó, tôi như anh bảo vệ đang ngồi trước cửa thì một cô gái chạy xe tay ga quẹo vô cổng. Một bóng hồng trang điểm trông như ca sĩ thứ thiệt. Tóc hoe vàng, mặc jupe ngắn bó sát đùi, đi giày bốt cao cổ... Vừa đưa tay bắt vừa cười toe toét: “Ôi dào, hôm giờ em ghé mấy lần. May quá, hôm nay mới gặp được sếp!... Em xin giới thiệu, em là giáo viên dạy thể dục nhịp điệu, thẩm mỹ... Em có mở lớp ở Trung tâm... mấy xã gần đây, nay em tới liên hệ các anh, xin mở lớp ở Trung tâm mình...". Tôi gật gật gù gù: “Đúng rồi... Nhưng hôm nay, tôi chỉ là cấp phó, tôi sẽ trình việc này, chắc các anh sẽ chấp thuận thôi!... Vậy thứ Hai cô đến nhe!".

Chừng mươi hôm sau, lớp Thể dục Thẩm mỹ tưng bừng khai giảng, hoạt động từ 6 giờ đến 9 giờ hàng đêm. Học viên được tuyển nhanh chóng qua mạng, trước mắt tầm hơn hai chục. Cái thùng loa kéo to đùng mở hết công suất, toàn nhạc Rock. Già trẻ lớn bé xúm tới coi rần rần như đi coi ca nhạc khỏi tốn vé. Cô “vũ sư" mặc váy ngắn có gắn kim tuyến lấp lánh bó sát thân hình, nhảy biểu diễn mở màn y như trong ti vi...

Cả tuần nay tôi toàn đi làm vào buổi tối. Cơm chiều xong là lật đật chạy xuống mở cổng trước 6 giờ. Rồi như anh bảo vệ, ngồi gác tới sau 9 giờ khóa cổng về. Vợ tôi vẻ mặt buồn buồn nhưng không nói gì, nghĩ chắc công việc, công tác quan trọng mà!... Nhưng nghe đâu sáng hôm qua, cô ấy gặp bà nào đó ngoài chợ ním áo hỏi giật ngược: “Nè, chồng bà làm việc gì mà tối nào cũng thấy ngồi coi đám đờn bà con gái nhảy nhót xập xình chớp nháy ở trong cái Nhà... trên xã dzậy?!..."

Từ lúc ngoài chợ về, cô ấy sa sầm nét mặt, không thèm nhìn mặt tôi! Tới cơm chiều, tôi lùa vội mấy đũa rồi dắt xe đi. Vừa ra khỏi sân, nghe tiếng con gái hỏi mẹ nó: “Ba đi đâu tối nào cũng đi hả mẹ?"

- Ổng đi nhảy! Đi nhót!

D.Đ.K

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 83-84 (Tháng 01 & 02 năm 2025)​


DƯƠNG ĐỨC KHÁNH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​