Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÊN NỒI BÁNH TÉT ĐÊM GIAO THỪA

BÊN NỒI BÁNH TÉT.jpg 

Đêm giao thừa - Tranh sơn dầu Nguyễn Một

…Tôi còn nhớ mỗi lần lẽo đẽo theo ông cắt bổi, nhìn núi Chúa ông kể câu chuyện dòng sông:

- Trên núi đó có ấn của ông Cao Biền gọi là ấn Hòn Đền. Ngày xưa Cao Biền được người Tàu cử qua làm tiết độ sứ xứ này, ông cởi diều lụa bay trên trời để xem long mạch. Thấy phát ở đầu nguồn sông Thu Bồn, ông ta rèn gươm vàng ếm bùa bay lên thả xuống, con rồng đất đứt đầu chết tức tưởi, máu tuôn đỏ dòng sông và cứ độ tháng mười là nước sông Thu Bồn đỏ như rứa! Ông ta còn làm cái ấn trấn trên đỉnh núi để đất nước mình mãi mãi lệ thuộc.

Ông thở dài nhận xét: “Tụi nó ác quá nên nước mình chiến tranh miết!".

Sau này lớn lên mới biết đó là phù sa chứ chẳng phải máu rồng. Nhưng tôi thích các truyền thuyết qua câu chuyện của ông. Đời tôi từ nhỏ gặp nhiều bất hạnh nhưng may mắn được sống trong không gian đầy truyền thuyết. Cuộc đời sẽ buồn biết bao nhiêu nếu con người chỉ có vật chất mà thiếu đi nhưng truyền thuyết để nuôi dưỡng tâm hồn… Tôi luôn nhớ những câu chuyện ông kể bên nồi bánh tét đêm giao thừa, những câu chuyện đó giúp cho tâm hồn tôi trở nên phong phú.

Ông kể cụ Tiền hiền chọn vùng đất cao này để tránh lụt lội, ông hay nói: “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai canh". Nơi cụ Tiền hiền chọn không bị lụt lội, nhưng không lụt lội thì không có phù sa như bên Đại Lộc nên đất đai cằn cỗi. Quê hương chỗ nào đẹp thường nghèo, thiên nhiên trớ trêu như vậy. Nơi tôi ở rất đẹp nhưng vun vồng khoai lang muốn kiếm cái củ phải tốn cả hai ba gánh bổi. Cũng may là cây cỏ hôi, sim, mua, đuôi diều mọc đầy dưới chân tháp, chặt về bỏ chuồng trâu rồi mang ra gò trồng khoai, trồng sắn. Quê nghèo nhưng bù lại được vây bọc bởi vô số huyền thoại, và tôi thấy mình may mắn khi được lớn lên trong không gian huyền thoại đó.

Tôi tin một cách chắc chắn rằng “vùng đất nghèo nhất chính là vùng đất không có một manh huyền thoại, chứ không phải vì thiếu lúa gạo". Quê nghèo nhưng nhà nào cũng chừa ra mảnh ruộng tốt nhất để trồng vạt nếp gặt vài ang (*) để dành tết nấu nồi bánh tét. Nồi bánh tét không đơn giản chỉ là những đòn bánh được vớt ra sau khi nấu chín, giá trị nằm ở chỗ những đứa trẻ ngồi bên ngọn lửa reo vui, mang lại không khí ấm áp cho đêm trừ tịch lạnh giá, háo hức chờ đợi những đòn bánh nhỏ xíu được gói riêng cho mình cùng những câu chuyện của cổ tích của người lớn.

Ngày ấy, bên ngọn lửa ấm ông kể cho tôi nghe những câu chuyện, những huyền thoại về quê hương.

Từ ngày 28 Tết, ông ngoại sai cậu và tôi đi rọc lá chuối. Chúng tôi chọn những tàu lá xanh của cây chuối hột mà quê tôi gọi là chuối sứ, rọc kỹ giữ cho tàu lá không bị rách, còn những mảng lớn để có thể gói bánh. Ông ngoại chặt tre chẻ lạt, những sợi lạt mềm mại đúng như câu “lạt mềm buộc chặt". Bà ngoại thì ngâm nếp, đãi đậu, đi chia thịt heo của làng xóm, xâu thịt bằng lạt chứ không phải đựng bao nilon như bây giờ. Ngày ấy, trao đổi với hàng xóm qua hàng rào dâm bụt, cái hàng rào đầy tình nghĩa và lòng tin vào con người. Cái hàng rào xanh chỉ ngang thắt lưng chỉ để phân chứ không để ngăn. Bây giờ ngồi nhìn những hàng rào cao vút của nhà mình tôi thấy chạnh lòng lắm! Sao bây giờ thời bình cơm no áo ấm mà con người nghi kỵ nhau như vậy?

Buồn! 

Những đòn bánh dài hai gang tay tròn vành vạnh được ông ngoại sắp vào cái thùng lớn bắt sẵn trên bếp kê ngoài sân, phía trên đặt mấy đòn bánh nhỏ và chùm bánh ú ông gói cho lũ trẻ. Đêm trừ tịch, làng quê vắng lặng. Trời lạnh. Lâu lâu vài tiếng cú rúc, ông bảo: “Ma hời đi chơi tết". Ông kể, hồi xưa làng mình có ông Trần đi chơi về khuya thấy bầy heo vàng đang đủng đỉnh trên đồi ăn hoa trắng. Ông Trầm say rượu cả ngày không sợ trời, không sợ đất, thấy heo vàng nên rượt theo bắt được một con. Về nhà ông gọi mọi người xem, đang tính toán xem con heo được bao nhiêu lượng vàng, bán được bao nhiêu tiền thì bất ngờ ngã vật xuống đất mắt trợn tròn, mồm hộc máu tươi chết ngay tức khắc. Con heo vàng vùng chạy về phía Tháp Chàm khiến ai cũng xanh mặt. Rồi chuyện một người đàn bà nhặt được buồng cau vàng mang về chôn dưới đất, được một ngày phát điên, người nhà phải mang trả lại trong tháp mới khỏi. Làng quê tôi rất sợ ma hời nên ai đi củi ngang qua tháp cũng bỏ mũ lầm rầm khấn vái. Có lẽ được vây bọc bởi nhiều huyền thoại như vậy nên trải qua hàng trăm năm mà tháp Chàm không bị phá!

Trong nồi bánh tét của ông luôn gói chùm bánh rò có hình dạnh như tháp Chàm, trước giờ giao thừa mấy chùm bánh này chín trước, ông vớt ra đặt trên cái bàn tre trước sân, nghiêm cẩn hướng về Tháp Chàm lầm rầm khấn vái. Xong tuần hương ông bóc bánh cho chúng tôi ăn, miếng bánh ngon nhất trần đời đối với lũ trẻ quê.

Thỏa cơn thèm, chúng tôi lại ngồi quanh nồi bánh hóng chuyện của ông. Thuở ấy không ti vi, không sách báo, kiến thức duy nhất mà tôi nhận được là những câu chuyện kể từ ông ngoại. Trong số những câu chuyện đó, tôi nhớ nhất là chuyện các cụ thời Tiền hiền di dân vào lập ấp đàng trong đã nghĩ ra bánh tét thay cho bánh chưng ngoài Bắc. Vì bánh chưng khi mở ra phải ăn hết không thể mang theo đi tiếp, các cụ bèn nghĩ ra cái bánh có thể ăn một khúc rồi cuộn lại mang theo đi tiếp để ăn dọc đường. Từ đó bánh tét xuất hiện, trở thành một món ăn đặc trưng của đàng trong. Ông ngoại nói có lý đến nỗi mai sau này khi đã lớn khôn, tôi nghe một vị giáo sư sử học nói trên truyền hình là  bánh tét có nguồn gốc từ miền Bắc, người Bắc gọi là cái bánh chưng dài, nhưng ông giáo sư không giải thích vì sao người Bắc đã có bánh chưng rồi còn làm bánh chưng dài chi nữa? Vì vậy, tôi tin ông tôi và đoan quyết bánh tét chính là một sản phẩm độc đáo của di dân trong hành trình về phương Nam, một biểu tượng cho nền văn hóa khai khẩn. Sự thay đổi văn hóa từ cung đình qua khai khẩn thì việc thay đổi đầu tiên là văn hóa ẩm thực. Từ bánh chưng sang bánh tét, từ  kiểu ăn gỏi cá cầu kỳ mà rau được thái chỉ ở ngoài Bắc chuyển qua lá rừng để nguyên cuốn cá sống ăn rào rào của kiểu miền Nam…

Quanh nồi bánh tét của ông ngoại đã cho tôi biết bao nhiêu hành trang để bước vào đời. Từ ngọn lửa reo vui đến hương lá chuối thơm lừng và những câu chuyện huyền thoại mà ông kể, tôi trở thành kẻ “giàu có". Bây giờ vì sợ hành trang ký ức của các con nghèo nàn nên năm nào nhà tôi cũng gói bánh và nấu bánh, dù siêu thị và chợ bán đủ loại bánh cho ngày tết.

Sau này xa quê cái mùi lá chuối gói bánh tét cứ vương vất mãi trong ký ức của tôi.

Tôi nhớ một buổi chiều mùa thu trên đường về thăm quê, cậu tài xế mở băng chị Khánh Ly nghẹn ngào hát: “Em theo đoàn lưu dân mà bờ vai em nhỏ quá chừng…". Nhớ mấy câu thơ của anh Phạm Hòa Việt mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc:“Em theo đoàn lưu dân, bỏ ruộng nương hương lúa, sắn khoai ngày nghèo khó, cà rau xanh lá đỏ, miếng ngọt chiều phai hương…". Chợt nghe lành lạnh bên trời, mới đó mà đã ngoài năm mươi năm. Tôi theo đoàn “lưu dân" rời quê lúc chưa đầy mười tuổi, trong thời chiến cái tuổi ấy thấy mình già lắm, biết khá nhiều chuyện. Tính ra lúc tôi có chút trí khôn là năm sáu tuổi, cậu đưa tôi đến gởi cho thầy Hồng ở đình làng để “kiếm cái chữ mà sống với người ta", cho tới ngày rời quê hương “chôn nhau cắt rốn" ra đi được có bốn năm mà nhớ đủ thứ hết trơn!

Có được cái chữ thấy “đau đời" hơn, nhiều bữa về quê ngồi bệt trên đống rơm nhìn ông Hoành - ông cậu bà con lùa bò từ đồng về, sống cuộc sống thanh thản cho đến gần trăm tuổi, thèm chi lạ! Thấy ông lấy miếng cơm nắm còn sót lại trong miếng lá chuối héo ăn nốt, ực gáo nước mưa phủi chân vào nhà, ký ức lặng lẽ tràn về nhẹ nhàng và róc rách trong đầu như nước tràn khe Đá Lan. Hồi nhỏ cái chi cũng lá chuối. Sáng mắt nhắm mắt mở vác đòn xóc lủn đủn theo cậu đi núi, lưng đeo cơm nắm trong lá chuối. Trưa bẻ vắt cơm chấm muối, ngụp xuống suối vừa tắm vừa húp vài ngụm nước rồi gánh củi về. Nắng đổ lửa trên đầu, vừa túm chặt hai bó củi xộc xệch vừa cun cút chạy theo cậu. Bà hàng xóm kẽo kẹt gánh củi sau lưng:

- Huớ chú Hai gánh củi thằng Xít sắp đổ tề!

- Đi tới Huế không đổ!

Soạt - gánh củi tụt

 - Chu choa Huế bữa ni gần hỉ? Hồi nớ nghe giọng nói “gay" kiểu Quảng tức muốn khóc, chừ lại nhớ muốn khóc!

Về tới nhà bà ngoại hồ hởi nói:

- Củi nhiều rồi, mai gánh xuống chợ La Tháp bán!

Gà chưa kịp gáy canh hai cả nhà lục đục dậy. Ông gánh củi, bà gánh củi, cậu gánh củi, thằng nhỏ quảy mấy con gà theo sau.

Giờ về ngồi ô tô thấy chợ La Tháp nhoáng cái là tới, có hơn mười cây số mà hồi đó đi từ nửa đêm đến tờ mờ sáng. Bây giờ người bán kẻ mua cũng tấp nập, củi, heo, gà nếp la liệt. Thấy sàng bánh đúc trên miếng lá chuối xanh mướt, bánh trắng muốt, tôm xay lốm đốm đỏ rắc lên nghe trong bụng cồn cào. Nhớ hồi đó bán được củi bà mua cho miếng bánh đúc, bà hàng khéo léo xén miếng bánh hình tam giác ăn xong còn thèm thuồng. Theo bà đi chợ, mua tôm khô, cá nục hấp, cá nướng… Mua cái gì người ta cũng đùm trong lá chuối. Đến mắm nục, loại mắm muối bằng cá nục to như ngón chân cái cũng được bà hàng xén mo miếng lá chuối hơ lửa rồi khéo léo đùm lại, sau đó dùng dây chuối cột thêm cho chặt .

Qua hàng bánh rò, nhớ cây chuối. Ở quê ai cũng trồng vài bụi, lá gói bánh, cây non làm rau sống ăn mỳ Quảng. Thân cây chuối non bóc vài bẹ bên ngoài, bên trong trắng như ngó sen, thái ra trộn với vài loại rau thơm như húng dũi, lá quế thành rổ rau sống để ăn mỳ. Tôi cũng đã ăn nhiều rau nhưng chưa có loại rau sống nào ăn mỳ mà ngon hơn rau thân chuối. Nhiều nơi cũng chế biến rổ rau sống từ cải non, rau đắng… nhưng dường như món ăn đặc trưng của nền văn hóa khai khẩn này chỉ hợp với loại rau sống chuối cây. Chuối cây ngòn ngọt cân bằng vị béo của dầu phụng và vị thơm của củ nén trong nồi nước nhưn thịt gà hay cá tràu thì đủ sức “đạp đổ" hết cao lương mỹ vị của các nhà hàng năm sao - tất nhiên chỉ với người Quảng. Nhớ thì lan man vậy chứ thời chiến khó khăn cả năm cũng chỉ được vài bữa mỳ vào dịp giỗ, tế xuân, mùa mới, bà con trồng loại chuối này để lấy lá là chủ yếu. Lá chuối hơ lửa cho héo, để gói bánh ít, bánh tét, bánh tổ và đặc biệt làm bao bì để gói ghém đủ thứ.

Lang thang trong chợ hết hàng bánh xèo, mỳ Quảng, xôi đường, bánh rò, thịt, cá mắm… Các mùi vị “thập cẩm" lạ lùng của chợ quê cứ nằm mãi trong “hành trang ký ức" mấy chục năm qua chưa bao giờ phai nhạt. Bây giờ siêu thị, chợ phố đủ cả, “chừ cái chi cũng bỏ bô (bao), về tới nhà vứt trắng lăng cả đường làng". Lời nhận xét đặc sệt giọng Quảng của chị Ba nghe cứ quê quê, buồn buồn và chợt hiểu vì sao qua hàng trăm chợ phố, siêu thị không khi nào cảm nhận được cái mùi lạ lùng của chợ quê xưa - Cái mùi lá chuối thân thương.

N.M

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 83-84 (Tháng 01 & 02 năm​ 2025)


NGUYỄN MỘT
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​