Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
GÀ LẠC

gà lạc - Hứa Tuấn Anh.jpg 

Minh họa: Hứa Tuấn Anh 

Nhận được tin nhắn của Mây: “Chị Dịu và chị Phong từ Bắc vừa vào, có món gà tơ hấp, tớ nhường đằng ấy phần đùi, hi hi". Tôi lập tức trả lời: “Okey". Mây là bạn học thân đã nhiều năm, thỉnh thoảng nhà có tiệc gì cũng hay ới tôi đến chung vui. Bốn người phụ nữ lâu ngày gặp nhau, có món gà hấp lá chanh, thêm vài món xào nấu khác, không khí rôm rả như giấc chợ phiên. Ai nấy đều khen út Mây biết chọn con gà ngon, thịt thơm ngon da béo giòn. Ăn cơm mới lại nói chuyện cũ: bây giờ sướng, không khan hiếm thứ gì. Ngày xưa ấy à, túi thì lủng mà thèm đủ thứ…

Ba chị em gái nhà Mây ai cũng có giọng nói trong veo như chuông. Chị Dịu từng là diễn viên xuất sắc của đoàn chèo, tính tình dịu hiền đằm thắm. Chị Phong có nét đẹp sắc sảo, cách nói thẳng thắn tỏ ra năng động hơn. Chuyện thú vị thời bao cấp thì hằng hà vô số chuyện. Hễ chạm đề tài ôn nghèo kể khổ là như khơi đúng vía. Chuyện đói ăn thiếu mặc một thời khi kể lại vừa gợi thương nhớ, vừa cảm giác lạ đến khó tin.

Khi đĩa thịt gà vơi, Mây mới hào hứng khoe: Gà này em mua tại vườn người ta. Lần đầu được thấy một cảnh thú vị lạ. Trời nhập nhoạng tối, hàng chục con gà rủ nhau bay như chim vù vù bám rợp cành nhãn, cành xoài. Chúng cứ đứng im thế mà ngủ. Em hỏi chủ nhà: “Sao bác không làm chuồng cho chúng, lỡ bay mất sao ạ"? Họ bảo: “Đất vườn rộng mặc sức chúng bay. Điểm danh được hết đâu mà biết con nào mất? Đứa nào thích đào ngũ thì cho đi luôn." Nghe Mây kể, ai cũng phì cười, rồi chị Phong bình luận: “Này, công nhận bây giờ ít nghe hàng xóm réo chửi mất gà nhỉ? Ngày xưa í à, gà nhà bà, gà nhà tôi cứ eo sèo ỏm tỏi nhức hết tai". Chợt Mây tủm tỉm khoe với tôi: “Chị Dịu tớ có chuyện gà lạc hay lắm, đằng ấy bảo chị kể cho mà nghe".

Sau bữa cơm, nhớ lời Mây, tôi lập tức nài nỉ, chị Dịu lắc đầu: “Mây nó đùa ấy thôi, hay ho gì, chuyện đắng nghét mà em". Tôi vẫn tò mò vòi vĩnh: “Đắng ngọt gì cũng được, em muốn nghe chị kể tất tần tật". Như được khích lệ, chị từ từ kể...

Dịp ấy, sau buổi diễn báo cáo vở chèo “Quan âm Thị Kính" của đoàn, chị ghé vào chợ mua một con gà mái về nấu cháo để bồi dưỡng thêm. Khách mời chỉ có anh trưởng đoàn và phó đoàn chèo của chị.

Chồng chị và hai vị khách vừa cụng li chúc mừng vở diễn thì ngoài sân nhà tập thể, tiếng cô Liên hàng xóm - vợ của anh phó đoàn the thé vọng vào: “Con gà mái nhà này sắp đẻ trứng bị đứa nào bắt trộm rồi? Chị ngạc nhiên hỏi anh phó đoàn: “Nhà anh bị mất gà à?" Anh ta khẽ gật đầu: “Chắc là vậy, từ chiều hai vợ chồng rảo tìm khắp mà không thấy nó đâu?"

Chị ra sân xởi lởi mời cô Liên: “Vào đây ngồi cùng các anh ấy cho vui. Hôm nay tớ chiêu đãi món cháo gà ngon lắm". Cô Liên xăm xoi nhìn chị: “Ơ, nhà này vừa bị mất con gà, sao trùng hợp thế nhỉ?". Nghĩ xưa nay cô ta không khéo ăn khéo nói, lại đang bực chuyện mất gà chứ không có ý gì ám chỉ nên chị tiếp tục vào nhà tiếp khách.

Cô Liên không ngừng đi qua, đi lại trước sân nói vọng vào: “Xóm giềng gì mà tệ, nhoáng tí đã trộm ngay con gà?". Chị thấy trong người nhộn nhạo khó chịu, nhưng vì nhà có khách nên cố nói cười để át tiếng hàng xóm đang xiên xéo chuyện mất gà.

Chồng cô Liên gắp miếng thịt được mời trả lại đĩa, rồi đứng lên ngập ngừng: “Thôi… Cảm ơn, tôi xin phép về trước".

Không khí bữa ăn chùng lại. Muốn cho anh trưởng đoàn đừng bận tâm chuyện hàng xóm, chị càng gắng nhiệt tình mời mọc. Thế mà hễ gắp miếng thịt nào lên chén, khách cũng cảm ơn từ chối: “Anh chị cho tôi xin chén cháo là đủ rồi". Chỉ một lát, anh trưởng đoàn cũng chào khéo: “Tôi có chút việc bận, rất tiếc phải về".

Chồng đành tiễn khách ra ngõ. Chị nhìn xuống mâm, em có ngờ được không? Suốt cả bữa, đĩa thịt gà còn nguyên, chưa ai đụng một miếng nào? Vậy là cả chồng mình và khách đều ngại nên không dám ăn, chị thấy lòng bứt rứt bất an…

Quả không sai em ạ, liền đó chồng cô Liên đột ngột quay lại hỏi:

- Cô đã vứt bộ lông gà chưa, đưa tôi xem nào?

Chị nhanh chân vào bếp bê cái thau còn đựng bộ lông gà ướt nhẹp. Anh ta chòng chọc nhìn chậu lông, mặt căng thẳng, thở hắt: “Thôi chết rồi, con này cũng mái đen chân vàng, giống hệt gà nhà tôi".

Chị nóng mặt liền cãi: “Ơ! Giống gà nhà anh là thế nào? Chính em mua nó ngoài chợ mà".

Cô vợ sấn sổ lao vào giằng lấy cái thau, như bắt tận tay day tận trán. Cô ta ra giữa sân hùng hổ xỉa xói chị: “Sờ sờ đây nhá, nó đã làm thịt rồi nhá. Đúng con gà mái đen nhà tôi đây này, còn dám chối nữa không?" Cô ta nhiếc móc gọi chị là đồ ăn cắp. Cô vợ lu loa một hồi đến lượt chồng cô ấy hùa vào: “Không ngờ hàng xóm với nhau mà cô ăn ở tệ thế". Nghe ông phó đoàn bồi thêm câu đó chẳng khác hắt nước sôi vào mình, chị choáng váng mặt mày em ạ.

Tôi buột miệng:

- Chồng chị lúc đó ở đâu? Sao anh không lên tiếng bênh vực vợ?

Chị Dịu cười buồn:

- Ừ… Khó tin phải không em? Anh ấy đứng trước thềm trân trối nhìn về phía chị, không bênh cho vợ được lời nào!

Chị Phong đang rửa chén bát vẫn dõi theo câu chuyện, nghe đến đây phang tiếp anh rể một câu: “Lão ấy nhu nhược lắm, hèn lắm em ơi!"

Chị Dịu tỏ ý phân bua: Cô Liên này rất đanh đá, nói năng ngang ngược. Mình thì nhút nhát không quen dùng lời lẽ hàm hồ thô tục. Mình vừa mở một lời là cô ta gào lên hàng trăm lời. Đã vậy, thấy đám đông xúm xít bâu quanh nhỏ to mình càng xấu hổ. Không có tật mà giật mình sợ hãi, mặt mày xanh xám ngây đơ không thể nào đáp trả người ta.

Chồng chị thấy thần sắc vợ tối rầm hoang mang vậy thì đâm nghi, cuối cùng tin lời hàng xóm. Ngay tối đó anh ấy dằn hắt chị một câu: “Cô làm vậy tôi sống nhục lắm" rồi bỏ thẳng về nhà bố mẹ đẻ.

Mình đau buốt như ai chém ngang thân, đến cả chồng cũng quay lưng bỏ đi ngay lúc ấy, khổ nhục chưa em?

Chị buông tiếng thở dài, kể tiếp: Mà trớ trêu lắm cơ, thời gian đó chị vẫn phải đến nhà hát để diễn vở Quan âm Thị Kính. Tới đoàn chèo, tiếng xì xầm của đồng nghiệp âm ỉ như dây cháy chậm, lọt vào tai mình… Xưa nay, Dịu hiền lành thật thà lắm, sao lần này dại dột thế? Con Liên hay dựng chuyện đặt điều coi chừng nó… Chứng cứ rành rành Dịu không cãi được mà…

Vậy là anh chị em trong đoàn chèo cũng nghĩ mình là đứa ăn trộm gà? Cay đắng làm chị hụt hơi xiêu vẹo, cây ngay mà phải chết đứng? Tinh thần hoảng loạn lắm. Này, em có tin nhiều khi vai diễn cũng vận vào mình không? Mỗi đêm diễn lúc đó cứ hát đến đoạn lâm li oan nghiệt của Thị Kính, chị rút ruột diễn như lên đồng, như hát vì lần cuối… Khán giả nức nở khen chưa ai diễn vai này hay bằng chị.

Người ta mê lụy nghiệp diễn là vậy, mê rồi chẳng khác gì bị thôi miên. Khi diễn viên khóc cho nhân vật chắc họ cũng đang khóc cho chính mình em ạ.

Tôi bị hút vào lời sẻ chia từ tâm can chị:

Gặp oan ức vậy mà còn hát được, nể chị thật.

Chị nhìn xa xăm: “Ai cũng vậy, gặp lúc khốn quẫn họ cũng cố tìm cho mình lối thoát, không thì chết mất. May nhờ chèo nên lúc đó chị không bị điên. Nhọc nhằn trong lòng lắm vẫn tự bảo: Dịu ơi gắng hát, không được bỏ vai. Ngày nào cũng tự vỗ về mình hát. Nếu không say chèo, không thương những làn điệu chèo thì buông nghề lâu rồi".

Chồng chị có quay về không? - Tôi hỏi.

Chị gật đầu cười hiền: May quá không ngờ trời Phật độ trì cho mình… Cách mấy ngày sau, một người đàn ông đứng trên sân thượng đối diện khu tập thể hỏi vọng sang: “Nhà bên kia có ai mất gà không? Con gà mái đen đi lạc sang đứng đây này".

Cả khu nhà chộn rộn í ới bảo nhau, cô Liên le te dành phần chạy sang trước. Một lát thấy về ôm con gà vừa đi vừa nựng: “Đúng mày rồi, thế mà tao tưởng mất, may quá". Cô ta nhơn nhơn cười nói tỉnh bơ như chưa từng đổ lỗi vu oan cho ai. Cả xóm thấy cảnh đó thì sôi gan, họ xúm lại xỉa xói: “Vậy mà cô khăng khăng đổ điêu nhà Dịu ăn cắp, chửi bới người ta? Vu oan thế không sợ trời gieo họa cho à?"

Họ trách lời lẽ nặng lắm, không phải chờ mình lên tiếng gì cả. Chị như được sống lại em ơi.

Tôi tròn mồm tròn mắt khi nghe đến sự thật hi hữu đó.

Chị Phong bức bối xen vào một hơi: Chuyện tày đình tày liếp thế mà nàng dấu biến? Mãi mấy hôm sau mới đến tai mình, tức tốc chạy đến đòi lôi con Liên dần nhừ một trận. Bà chị năn nỉ thôi bỏ qua, ai sống thế nào thì ông giời sẽ biết… Chờ ăn được vạ thì má đã sưng. May là nó mới nghi mất con gà, chứ mất con trâu hay con bò mà tố điêu vậy a, chị không bị án tù thì cũng tự tử là cái chắc. Bị nó hành mặt vàng như nghệ mà còn sĩ. A… này …Thôi em ơi chị lạy mày đừng làm tung tóe lên người ta cười cho nghệ sĩ… Nghệ sĩ gì thứ đó? Nhắc đến nó là điên hết ruột gan đây này.

Nghe vậy Mây đắc ý góp thêm: “Thì vợ chồng nhà ấy kết cục sống có ra gì? Trắng tay rồi". Tôi lại tò mò: “Chúng nó bị sao vậy?". “Cả hai đều bị đuổi khỏi đoàn, nhục lắm. Họ còn bắt trả lại số tiền ăn chặn của diễn viên, đáng mặt". Chị Dịu giải thích rõ hơn: “Không phải chuyện gây ra với chị đâu. Cô vợ hát không hay nhưng ỷ vào hơi của chồng. Đòi đạo diễn cho đóng vai này, kén vai kia… Rồi hay dựng chuyện làm mất đoàn kết. Ông chồng làm phó đoàn mà năng lực chuyên môn yếu, rồi quỵt tiền bồi dưỡng của diễn viên. Cả đoàn bất mãn, họ kiện lên Sở Văn hóa rồi lên tỉnh".

Tôi sốt ruột hỏi ngay:

- Chồng chị bỏ đi bao lâu?

- Mấy ngày sau thì anh ấy cũng về.

- Chị tha ngay được à?

- Không đâu, lúc đầu giận không muốn nhìn mặt nữa. Ông ấy van xin tha thứ mãi làm chị cũng nguôi.

- Vợ chồng với mình, đàng hoàng tử tế bao năm không tin, lại tin người ngoài? Không đáng mặt làm chồng, phải không em? Chị Phong hỏi tôi.

- Đúng, em không thể hiểu sao anh ấy cư xử kém vậy?

- Giả dụ vợ mình trót dại dột, giận mấy thì đóng cửa mà dạy, thế mới đúng đạo vợ chồng chứ?

Tôi nhất trí với chị Phong.

Mây vui vẻ bình thêm:

- Tại chị mình hiền, muốn tha bổng hết, bao la tình thương mến thương. Sau này chắc được hóa thành Phật bà Quan âm đó. Vừa nói Mây vừa làm động tác chắp tay lạy Phật. Chị Dịu bật cười, trêu lại:

- Không dám. Mà tôi hỏi thế này nhá. Bây giờ có em gái nào được chồng cưng chồng chiều bằng tôi không nào? Chỉ mình Dịu là nhất thôi nhá. Giọng chị ngân lên như hát, ánh mắt long lanh hừng tươi gương mặt.

Chợt một thoáng chị thở dài, chép miệng:

- Khi nghèo túng, người ta có thể ứng xử chật hẹp bần cùng với nhau em nhỉ?

- Không hẳn do hoàn cảnh đâu chị, do tâm tính của từng người thôi!

Chuyện vãn dần thì bất ngờ, chị Dịu ngân một đoạn chèo trong vút mê li. Từ ngày vào phương Nam, tôi chưa may mắn nghe ai hát mộc làn điệu chèo mượt mà, tròn nảy như chị. Ngắm chị hát vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Tôi mường tượng hình ảnh người đàn bà dịu dàng óng ả như tơ lụa, dịu dàng theo sóng nhạc, bền bỉ vô cùng mà lay động đến vô cùng.

H.N.L

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 83-84 (Tháng 01 & 02 nă​m 2025)


HUỲNH NGỌC LAN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​