Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
DÒNG CHẢY VĂN XUÔI ĐỒNG NAI

Trần Thúc Hà

(Nguồn: VNĐN số 38 – tháng 07 & 08 năm 2020)

 

Bài viết này giới hạn từ tháng 12 năm 1979, ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai cho đến nay của các nhà văn viết văn xuôi truyện ngắn và tiểu thuyết.

Trong bối cảnh đất nước sau 30 tháng 4 thống nhất đất nước, ai cũng nghĩ rằng hòa bình yên ổn làm ăn, hàn gắn những vết thương chiến tranh của 30 năm chống quân xâm lược. Nhưng không phải thế. Ta hằng khao khát như thế, song kẻ thù của ta không muốn thế. Chiến tranh lại nổ ra. Năm 1978 hàng chục sư đoàn quân Khơme đỏ đánh thọc sâu vào biên giới Tây Nam, đốt phá làng mạc, giết hại đồng bào ta. Mạn Bắc, 50 vạn quân Trung Quốc đánh phá 6 tỉnh biên giới vào tháng 2 năm 1979. Ở miền Trung, Tây Nguyên với hàng ngàn tên Fulro quấy phá, lập căn cứ thành lập “nhà nước Đề Ga”. Rồi đến bọn tàn binh của chế độ Sài Gòn luôn tìm cách phá hoại ngầm. Tiếp nữa, đế quốc Mỹ còn cấm vận, bao vây, cô lập làm cho nước ta rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Đất nước ta lúc bấy giờ phải chống đỡ với nhiều loại kẻ thù, cả chiến tranh, kinh tế lẫn ngoại giao. Đồng Nai cũng nằm trong bối cảnh chung của đất nước. Quê hương như một người mẹ đầu tắt mặt tối suốt ngày nhưng không quên dành những lời hát ru cho con trẻ vượt qua những ngày cơ cực ấy; không quên tạo ra những giá trị tinh thần để làm chỗ dựa cho nhân dân xây dựng xã hội mới, vượt qua những thách thức cam go của cuộc sống. Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai được thành lập trong bối cảnh ấy, với ý thức rằng: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận” (lời của Bác Hồ trong thư nhân cuộc triển lãm của các họa sĩ đầu năm 1952 ở Việt Bắc), và xác định rằng: “Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

anhtranthucha.jpg
Nhà văn Trần Thúc Hà trong một buổi sinh hoạt chuyên môn tại Hội VHNT Đồng Nai


Ngày đầu mới thành lập, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai có 63 hội viên, nhà văn Lý Văn Sâm làm Chủ tịch Hội.

Những ngày đầu ấy, văn xuôi Đồng Nai còn non trẻ. Cũng chỉ lơ thơ mươi hội viên viết văn xuôi, không tính đến cố nhà văn Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn. Hai nhà văn này có tác phẩm gây tiếng vang, có chỗ đứng trong nền văn học của cả nước trước năm 1979. Tác phẩm văn xuôi lúc bấy giờ chưa có những tập sách nặng tay, chưa có dấu ấn trên văn đàn Việt Nam.

Hơn bốn mươi năm qua, đất nước đã sang trang mới như chú bé Phù Đổng vươn vai trở thành một tráng sĩ cầm gươm xung trận. Theo đà tiến triển của đất nước, Đồng Nai không chỉ là miền đất của cây cao su, của lúa khoai với khuôn mặt trầm lắng suy tư mà là một tỉnh có hằng trăm xí nhiệp nhà máy, một trong những tỉnh hàng đầu của ngành công nghiệp Việt Nam, với những gương mặt rạng rỡ “ngày mai đang đến sáng vô cùng” (thơ Tố Hữu viết về Đồng Nai). Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai - một mặt trận văn hóa - cũng có những bước tiến lớn mạnh chưa từng có từ trước đến giờ. Riêng đội ngũ viết văn xuôi có thể nói là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, liên tục cả về số lượng nhà văn, cả về về đầu sách.

Xin được không nhắc đến hai cố nhà văn lão thành Lý Văn Sâm Hoàng Văn Bổn mà chỉ nói đến các nhà văn kế tục sau đó của mảnh đất Đồng Nai: Nguyễn Thái Hải, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Một, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Trí, Thu Trân, Lê Bá Ước, Hoàng Ngọc Điệp, Bùi Công Thuấn, Trần Quốc Tiến, Nguyễn Đình Hoàng, Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Bùi Quang Huy, Nguyễn Minh Chung, Bùi Quang Tú, Dương Đức Khánh, Thu Hường, Ngô Hường, Huyền Quy, Nguyễn Duy Đồng, Trần Thúc Hà, Kim Chi, Trâm Oanh,  Đào Sỹ Quang, Nguyễn Thị Khánh… Tất cả các nhà văn trên đều có tác phẩm được giải thưởng văn học từ địa phương cho đến Trung ương. Người được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1990 ghi dấu ấn đầu tiên cho văn chương Đồng Nai và tiếng vang trên văn đàn cả nước, đó là Nguyễn Thái Hải với tiểu huyết “Lời nguyền hai trăm năm”, và là nhà văn đã xuất bản hơn 50 đầu sách, một nửa là sách viết cho thiếu nhi, một kỷ lục mà chưa có nhà văn nào ở Đồng Nai đạt được. Nhà văn Nguyễn Một, đạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 với tiểu thuyết “Đất trời vần vũ”. Tác phẩm thể hiện cái chết trong chiến tranh, tình yêu, sự hận thù và tấm lòng vị tha nhân ái giữa con người với con người. Tiểu thuyết này được tái bản, được chuyển ngữ và phát hành ở Mỹ. Nhà văn Nguyễn Trí với tập truyện ngắn “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” đạt giải thưởng cao nhất hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Lê Đăng Kháng vừa viết văn xuôi vừa sáng tác thơ. Vốn là người lính, nhà văn Phạm Thanh Quang viết về người lính như những gì khốc liệt đã diễn ra trên chiến trường. Huỳnh Văn Tới - Phan Đình Dũng đi sâu khai thác “vỉa quặng” văn học dân gian cội nguồn của các dân tộc bản địa người Mạ, người Chơ Ro… và những di tích, nền văn hóa của Đồng Nai. Nguyễn Đình Hoàng một mình một chiếu xuất bản những tập du ký sau khi đã đi qua 30 nước trên thế giới, làm cầu nối cho những ai muốn đi đó đi đây trên thế giới mà chưa có dịp. Trần Thu Hằng một cõi trong tiểu thuyết lịch sử: “Đàn đáy”…

Mỗi nhà văn là một con suối, dù có con suối quanh co khi lên thác xuống ghềnh nhưng tất cả đều đổ về một con sông lớn. Con sông ấy chứa đựng hồn đất hồn người Đồng Nai: “Ôi miền Đông Đồng Nai oanh liệt - đẹp sao đất đỏ anh hùng” (Nhớ về Đồng Nai của nhà thơ Tố Hữu). Ngắm dòng sông ấy ta thấy mồn một gương mặt con người Đồng Nai trong chiến tranh bất khuất, không ngại hy sinh cho nền độc lập của tổ quốc, trong thời bình đem hết sức mình cho sáng tạo, lao động xây dựng ấm no và hàn gắn những nỗi đau chất độc da cam làm con người biến dạng; của các bà mẹ mất con, mất chồng, cả bên này lẫn bên kia; tình làng nghĩa xóm luôn đậm tình thương, chia sẻ ngọt bùi trong gian khó, buồn vui.

Việc ra đời tiểu thuyết lịch sử là một nhu cầu, một tiến trình của con người. Tiểu thuyết lịch sử là hiện tượng văn học đặc biệt. Đời nay muốn nghe lại tiếng nói, những thời khắc đau thương hào hùng của quá khứ thì lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, các truyền thuyết dân gian, ba thể loại này như kiềng ba chân bổ sung cho sự kiện, làm sáng tỏ các nhân vật, cho ta như thấy được hồn cốt, hình hài của nhân vật bằng xương bằng thịt, bằng cả khao khát yêu ghét, khoái lạc, danh vọng, vốn là đặc điểm của con người. Một trào lưu văn học, một giai đoạn văn học mà không có những tiểu thuyết viết về lịch sử nhất định trào lưu ấy không được phong phú. Giả thử năm 1940, 1945 của thế kỷ XX không có tiểu thuyết Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng thì ta cảm thấy hẫng hụt như thế nào!

Lịch sử tiểu thuyết Việt Nam có người cho rằng bộ sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam, thực ra, trước đó đã có Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm. Hoàng Lê nhất thống chí Ngô Gia Văn Phái soạn đầu triều Nguyễn (1802), Nam khai quốc chí truyện ra đời năm 1719. Trong thế kỷ XX, đã có rất nhiều tác giả cho ra cả hàng chục truyện tiểu thuyết lịch sử. Đơn cử vài nhà văn gần gũi với chúng ta: Nguyễn Huy Tưởng với Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì; Nguyễn Xuân Khánh có Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng ngàn; nữ nhà văn người Pháp Yveline Féray có cuốn tiểu thuyết lịch sử Vạn Xuân dày hơn 1200 trang nói về Lê Lợi và Nguyễn Trãi; có Hội thề của Nguyễn Quang Thân…

Ở Đồng Nai, Trần Thu Hằng có Đàn đáy.

Đàn đáy là một trong số ít tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của đất Đồng Nai sau khi Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai được thành lập (1979). Trong số 10 tiểu thuyết đã xuất bản của nhà văn Trần Thu Hằng, Đàn đáy là 1 trong 20 tiểu thuyết được giải, được thư khen trong số 20 tiểu thuyết vào chung kết cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005.

Bối cảnh của Đàn đáy diễn ra trong thời loạn lạc chưa từng có của Việt Nam là vua Lê - chúa Trịnh. Thời kỳ ấy đã có hàng chục tác phẩm ra đời tưởng như đầy đủ khuôn mặt của xã hội. Vậy mà Đàn đáy ra đời. Đàn đáy không dẫm vào chân ai, nhờ cảm nhận sâu sắc, thông tỏ giai đoạn của lịch sử, biết chọn cái khác biệt để nói lên toàn thể dựa vào năng lực văn chương phong phú của mình. Để không xây dựng nhân vật vua quan quyền thế, danh tài nổi tiếng làm nhân vật trung tâm của truyện, tác giả xây dựng những nhân vật ca nương, kép đàn “xướng ca vô loài”, thứ bậc tận cùng, bị xã hội coi rẻ, và chiếc đàn đáy - nhạc khí cổ truyền của người Việt Nam - hiển hiện lên khuôn mặt của thập loại chúng sinh. Nhà văn khéo chọn đàn đáy làm điểm tựa cho kép đàn, ca nương cất lên những lời ai oán xót xa cho phận người. Trong sáng tác tiểu thuyết rất ít nhà văn dùng tiếng đàn làm một phương tiện dẫn dắt, kết nối xuyên suốt cuốn truyện. Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã trao vào tay Thúy Kiều cây đàn tỳ bà để bốn lần Thúy Kiều ngân lên những lời khát khao yêu thương, những đớn đau tủi nhục cho kiếp người đến độ: “Một cung gió thảm mưa sầu, bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Đàn đáy của Trần Thu Hằng thì hiện diện từ đầu đến cuối trong các mối quan hệ, nêu rõ, nổi bật bản chất tốt đẹp cũng như những dã tâm của con người; của vua quan cho đến thân phận nghèo hèn của chúng sinh. Đó là một nét độc đáo, một thành công của Đàn đáy.

Bãi vàng, đá quý, trầm hương là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Trí. Bãi vàng đá quý trầm hương lạ, khác với dòng văn xuôi trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Hơn một nửa trong tập truyện này là những truyện ngắn đầy nước mắt, mồ hôi, máu và những cái chết vì bệnh tật, vì tranh giành khốc liệt, vì thú dữ trong cuộc mưu sinh, tìm cách đổi đời của những con người lao động ở chốn rừng sâu núi hiểm. Anh hùng, hảo hán, ma cô, bụi đời, cả gái điếm đều được phơi bày như người ta rải thóc trên sân gạch. Tất cả cuộn xoáy vào nhau lừa đảo, kể cả đổ máu cũng chỉ vì đồng tiền. Có thể nói nơi đấy là cái vực chứa đựng tất cả mọi xấu xa của con người làm cho ta rùng mình khiếp hãi. Nhưng không hẳn thế. Nhà văn đã đem lòng thiện của mình thức tỉnh cũng như mong mỏi là dù cái ác đến đâu, lương tri con người cũng còn một chút tình người. Nó được thức dậy khi cái ác lên đến đỉnh làm cho con người ta bám vào đấy để đứng lên, để thấy ngày mai đáng sống hơn.

Thân phận của những người dưới đáy xã hội đã có trong tác phẩm của những nhà văn lớn: Cơm thầy cơm cô, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng; Nguyên Hồng với Bỉ vỏ; Nam Cao có Chí phèo… Nhưng chưa ai đề cập đến nỗi khốn khó, bạo tàn của con người hiện đại như Bãi vàng, đá quý, trầm hương của nhà văn Nguyễn Trí. Với cách viết rất lạ, dùng  ngôn ngữ Nam bộ, ngôn ngữ của chốn anh chị, khi thì nhân vật đối thoại với nhân vật, khi thì nhà văn đối thoại với người đọc, với nhân vật làm cho truyện vô cùng hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Công bằng mà nói, cách viết này chưa thấy có ai, Nguyễn Trí là người đi đầu.

Nguyễn Công Hoan từng nói với đại ý: nhà văn không đứng trên mà nhìn xuống, không đứng cạnh mà quan sát, nhà văn phải hòa lẫn trong cuộc; thì nhà văn Nguyễn Trí không những hòa trong cuộc mà là người trong cuộc, con người lăn lộn cả bao năm trời trong chốn tìm vàng đá quý trầm hương.

Ở chốn mưu mẹo, thủ đoạn, xảo trá kể cả đổ máu, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, mà chốn ấy lại là nơi hun đúc cho Nguyễn Trí một tài năng, một cảm hứng để trở thành một nhà văn, có tác phẩm trong dòng văn xã hội hiện thực của đất nước. Đấy cũng là một điều lạ.

 Con người Nguyễn Trí là con người thép, có trái tim đa cảm và nhân hậu. Không có trái tim đa cảm và lòng nhân hậu, hẳn Nguyễn Trí có thể trở thành tay anh chị. Vì đâu mà Nguyễn Trí có được như thế? Mê đọc sách từ nhỏ, mà sách là một người thầy chỉ bày cho ta sống và phải sống như thế nào, với sự nhạy cảm, trí thông minh cùng nỗi đau của con người và chính nỗi đau của mình đã tạo nên một nhà văn - nhà văn có hàng triệu người đọc. Một trường hợp, một cuộc đời rất lạ.

40 văn xuôi truyện ngắn và tiểu thuyết cùng với thơ, nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu đã làm nên một gương mặt sáng giá để Đồng Nai xứng đáng đóng góp vào nền văn học của nước nhà. Và những ngày tới hy vọng sẽ có thêm những con suối nhỏ hòa chảy vào biển lớn như Nguyễn Một, như các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đạt được.

 

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​