Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Luận về nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều



Bài viết của Nguyễn Văn Thanh

(Nguồn: Tạp chí VNĐN số 50 - tháng​ 4/2022)



Trong bài viết này, tôi sẽ đi vào phân tích, bình, luận về nhân vật Hoạn Thư, một phụ nữ có tính cách rất đặc biệt. Lâu nay, vì yêu mến Thúy Kiều mà người đời ghét bỏ Hoạn Thư, cho rằng Hoạn Thư nanh nọc, đáo để, ghen tuông khủng khiếp. Vì thế, nói đến Hoạn Thư là người đời mặc định cái sự ghen và có thể nói, câu "Ghen như ghen Hoạn Thư" đã trở thành thành ngữ. 

Hoạn Thư được sinh ra trong một gia đình có cha họ Hoạn, quyền thế dưới một người nhưng trên vạn người - quan thượng thư Lại bộ, đứng đầu các quan trong triều đình - nên được giáo dục đàng hoàng tử tế theo thuần phong mỹ tục và đạo đức của Nho giáo Khổng Tử. Do một duyên may hiếm có mà Thúc Sinh được kết duyên với Hoạn Thư: "Duyên đằng thuận nẻo gió đưa/ Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày". Thúc Sinh vốn ở huyện Vô Tích (Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc), theo cha đến mở ngôi hàng buôn bán ở huyện Lâm Tri (Thanh Châu, Sơn Đông, Trung Quốc), cũng thuộc dòng dõi nhà có học. Thúc Sinh mến mộ tiếng tăm hoa khôi Kiều nhi ở lầu xanh của Tú bà nên không tiếc tiền để mua vui - "Trăm nghìn đổ một trận cười như không" - và "Sớm đào tối mận lân la" để chinh phục Thúy Kiều. Ban đầu, chàng Thúc đến với nàng Kiều chỉ là trăng gió chơi bời, dần dà hai người tâm đầu ý hợp - say sưa uống rượu, xướng họa thơ, chơi cờ, gảy đàn nên ngày càng cảm mến nhau và dan díu tình - rồi chàng tính kế lừa Tú bà, chuộc nàng khỏi lầu xanh và sống chung như vợ chồng. 

Ta hãy xem Hoạn Thư ứng xử thế nào khi biết chồng có vợ lẽ. Như những phụ nữ khác, Hoạn Thư cũng "ngứa ghẻ hờn ghen", "lửa tâm càng dập càng nồng" và giận chồng ra lòng trăng hoa. Nhưng rồi Hoạn Thư cũng bình tâm nghĩ lại: "Ví bằng thú thật cùng ta/ Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên". Khi hai gia nhân mách tin rằng ông chủ (Thúc Sinh) có vợ lẽ, ý muốn tâng công, Hoạn Thư liền nổi giận đùng đùng, mắng: "Gớm! Chẳng qua là chuyện thêu dệt để trêu ngươi thôi. Chồng ta đâu phải là người trăng hoa như ai, điều này chắc hẳn là từ miệng của những người thị phi phao tin". Thế rồi Hoạn Thư ra lệnh: Người thì bị vả miệng, người thì bẻ răng. Thế là không còn ai dám nói năng một lời nên chuyện được giữ kín trong, ngoài.

Có ba sự việc quan trọng mà tôi nghĩ cần phải nói rõ, vì nó sẽ chi phối thái độ và tình cảm của chúng ta đối với Hoạn Thư. 1/ Hoạn Thư chỉ là người lên kế hoạch bắt cóc Thúy Kiều, không hề nhiếc móc, đánh đập Thúy Kiều như nhiều người vẫn nghĩ. Khi Thúc Sinh vừa lên ngựa về Lâm Tri thăm cha sau một năm xa cách theo gợi ý của vợ, hai gia nhân là Khuyển, Ưng được lệnh Hoạn Thư, liền dẫn theo bọn côn đồ đi tắt đường biển bằng thuyền, nhằm đến sớm để kịp thời hành sự trước khi Thúc Sinh về tới nhà. Bọn chúng đánh thuốc mê Thúy Kiều, buộc chân, tay bằng dây xích rồi vực nàng lên ngựa đưa xuống thuyền về Vô Tích. 2/ Có nhiều người hiểu lầm rằng bọn Khuyển, Ưng chỉ làm theo lệnh của bà chủ, là đốt nhà của vợ chồng Thúc Sinh - Thúy Kiều, sau khi đã bắt cóc Thúy Kiều, nên chúng không đáng bị xử tội chết trong sự kiện Thúy Kiều báo ân báo oán sau này, thật ra không phải thế. Khi bọn Khuyển, Ưng bắt gặp một thây người vô chủ bên sông, chúng nảy ra "sáng kiến" ngoài kịch bản của bà chủ - đem xác đó vào nhà Thúc Sinh "lận sòng" là xác Thúy Kiều rồi phóng hỏa đốt nhà. Thúc ông (cha Thúc Sinh) có nhà ở gần đó, trông thấy nhà của con bị cháy thì thất kinh rụng rời, thầy và tớ vội chạy tới dập lửa, thấy một xác người cháy tàn thì đinh ninh là xác Thúy Kiều, ông thương xót đem về mai táng rồi lập bàn thờ. Thúc Sinh về tới nhà, nhìn thấy nhà mình bị cháy hết, sang nhà cha thấy bài vị của vợ trên bàn thờ, chàng đau đớn vật vã vì cũng đinh ninh là Thúy Kiều đã chết. 3/ Về tới Vô Tích, bọn Khuyển, Ưng đưa Thúy Kiều đến trình diện Hoạn bà (mẹ Hoạn Thư). Hoạn bà đã tra hỏi, mắng nhiếc Thúy Kiều: "Con này chẳng phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào/ Đã đem mình bán cửa tao/ Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này". Thế rồi Hoạn bà ra lệnh người giữ việc chấp hành gia pháp đánh Thúy Kiều ba mươi roi dằn mặt, đổi tên thành Hoa Nô và bắt làm thị tỳ. Sự việc này xảy ra ở nhà Hoạn bà, không có mặt và nằm ngoài kịch bản của Hoạn Thư.


vở diến hoạn thư 0906.jpg
Một cảnh trong vở kịch thơ "Hoạn Thư ghen" (nguồn ảnh: Văn nghệ Hà Tĩnh online)


Kịch bản của Hoạn Thư được tiếp diễn như sau: Khi Hoạn Thư về thăm mẹ, sau màn thăm hỏi trò chuyện với con gái, Hoạn bà cho gọi Thúy Kiều ra dạy lời: "Nhà Tiểu thư thiếu người, cho ngươi về bên ấy hầu hạ". Về nhà Hoạn Thư rồi, Thúy Kiều phải giữ phận con hầu nên sớm, khuya chu đáo công việc của mình. Biết Thúy Kiều có tài chơi đàn, một hôm Hoạn Thư yêu cầu nàng chơi đàn. Tiếng đàn nỉ non thánh thót làm say lòng người, Hoạn Thư nghe mà nể mà thương tài Thúy Kiều, qua đó cũng bớt đi mấy phần khuôn uy của chủ nhà đối với con ở.

Phàm ở đời, theo lẽ thường, khi biết chồng có vợ lẽ hay người tình, nói chung người phụ nữ sẽ thóa mạ, đánh ghen tình địch ầm ĩ; đay nghiến, nhiếc móc chồng. Hoạn Thư không như thế, vẫn cười nói ngọt ngào với chồng và Thúy Kiều. Thúc Sinh đi Lâm Tri thăm cha trở về nhà, sau khi thăm hỏi gần xa, Hoạn Thư truyền gọi Thúy Kiều ra lạy mừng ông chủ, rồi mở tiệc tẩy trần cho chồng. Trong bữa tiệc, Hoạn Thư đã bắt tình địch túc trực bên cạnh để hầu rượu, và đánh đàn mua vui cho hai vợ chồng, vờ như không hề biết mối quan hệ của hai người. Trong khi đó, Thúy Kiều và Thúc Sinh thì cay đắng xót xa: "Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm". Hoạn Thư đã cao tay "hành hạ" để trả thù Thúy Kiều và chồng dám giấu giếm, qua mặt mình một cách vụng về trẻ con: "Làm chi những thói trẻ ranh nực cười", "Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho!". Về mặt pháp luật, Thúy Kiều và Thúc Sinh đã là vợ chồng, do vị quan "mặt sắt đen sì" xử kiện vì cảm mến tài thơ của Thúy Kiều nên chủ động tác hợp, sai người sắm sửa lễ công và đích thân làm chủ hôn, với sự chứng kiến của Thúc ông. Thế mà giờ đây trước mặt Hoạn Thư, mối quan hệ giữa hai người lại là ông chủ - con hầu. Thúy Kiều và Thúc Sinh đều biết Hoạn Thư đang diễn kịch nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, thật là trớ trêu làm sao! Cái ghen của Hoạn Thư thật khác người: màn "tra tấn" tình địch của Hoạn Thư là bắt Thúy Kiều hầu đàn, bắt bẻ lời ăn tiếng nói và quỳ dâng rượu thôi: "Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay". Hoạn Thư cảm thấy hả hê tâm đắc vì "Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay!". Đúng là cái ghen vô tiền khoáng hậu, đạt đến trình độ... nghệ thuật. Người ta nói nhà sư, nhà giáo, nhà báo, nhà văn...; ngày trước Nguyễn Công Trứ gọi các kép đàn, đào hát là "một lũ nhà tơ ngồi chờ quan lớn", còn dưới bút Nguyễn Du thì Hoạn Thư là một nhà ghen. Vốn dòng họ Hoạn "ghen" gia/ Con quan Lại bộ, tên là Hoạn Thư. Là một "ghen gia" thật đi chứ, như một pháp gia, luật gia, văn gia...; đã thành "nhà" rồi, có thể lập ra môn phái... Cái thể thức ghen của Hoạn Thư thật là sáng tạo..." (Xuân Diệu - Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều).

Để thoát cảnh trớ trêu, bẽ bàng, khi phải làm con hầu cho vợ chồng Thúc - Hoạn, Thúy Kiều đã xin Hoạn Thư xuất gia (tu tại gia), ra ở ngoài Quan Âm các (am có gác thờ Bồ tát Quân Âm), trong khuôn viên nhà Hoạn Thư để giữ chùa, chép kinh. Một hôm, Hoạn Thư giả vờ về nhà thăm mẹ. Hoạn Thư vừa đi khỏi, thừa cơ, Thúc Sinh vội lẻn ra Quan Âm các để gặp Thúy Kiều. Đi được một lúc, Hoạn Thư quay lại, đến ngay Quan Âm các, rón chân đứng nép hồi lâu nghe hết lời hai người dốc bầu tâm sự, giãi bày nỗi niềm. Theo lẽ thường, khi bắt được tận tay, day tận mặt chồng và con hầu đang tư tình với nhau, nói chung người vợ sẽ nổi cơn tam bành lao vào chửi rủa, đánh ghen tình địch, bởi "Máu ghen ai cũng chau mày, nghiến răng". Hoạn Thư không như thế, vẫn ung dung bước vào, cười nói ngọt ngào, hỏi Thúc Sinh: "Chàng mới ở đâu lại chơi?". Chàng Thúc đành phải liệu lời dối quanh: "Tôi đi ngắm hoa, vui chân quá bước nên vào xem người viết kinh". Hoạn Thư làm ra vẻ không biết chuyện gì vừa xảy ra, tâm đắc khen Thúy Kiều chép kinh với bút pháp tinh thông, ung dung uống cạn chén thiền trà hồng mai rồi thong dong sánh bước Thúc Sinh về buồng đọc sách. Hoạn Thư đã thực hiện xong phép thử, qua đó đánh giá được mức độ tình cảm của chồng và Thúy Kiều vẫn rất sâu đậm, thắm thiết, đồng thời cũng là thông điệp ngầm nhắn gửi đến Thúy Kiều: Tôi đã biết tất cả, cô liệu mà trốn đi! Thật là bản lĩnh! Thúy Kiều chột dạ, hỏi lại con hầu thì được biết, bà chủ đến đã lâu, nghe hết rồi nên vô cùng kinh hãi. Thúy Kiều nghĩ: Người ta đã thực tang bắt được thế này thì giận dữ là dạ bình thường, cười nói mới là điều khôn lường hiểm sâu... Thôi, ta phải liệu mà trốn đi". Rồi Thúy Kiều quyết định canh ba hôm đó trốn khỏi nhà Hoạn Thư, đành phải lấy trộm chuông vàng, khánh bạc trong Quan Âm các, mang theo để làm kế sinh nhai.

Cũng theo lẽ thường ở đời, người ta chỉ nói xấu tình định chứ có ai khen bao giờ? Nhưng Hoạn Thư không như thế, ngược lại là người khen Thúy Kiều nhiều nhất. Chúng ta thống kê xem những ai đã khen Thúy Kiều. 1/ Kim Trọng khen hai lần: lần 1 - "Khen tài nhả ngọc phun châu,/ Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này"; lần 2 - "Rằng hay thì thật là hay,/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào". 2/ Vị quan mặt sắt xử kiện khen một lần: "Khen rằng giá đáng thịnh Đường,/ Tài này, sắc ấy nghìn vàng chưa cân". 3/ Từ Hải khen hai lần: lần 1 - "Khen cho con mắt tinh đời,/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già"; lần 2 - "Anh hùng mới biết anh hùng,/ Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?". 4/ Vãi Giác Duyên khen một lần: "Người sao hiếu nghĩa đủ đường".  5/ Tam Hợp đạo cô khen một lần: "Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,/ Vô duyên là phận hồng nhan đã đành/ Lại mang lấy một chữ tình,/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong". 6/ Hồn ma Đạm Tiên Khen hai lần: Lần 1 - "Xem thơ nức nở khem thầm,/ Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường/ Ví đem vào tập Đoạn Trường,/ Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai"; Lần 2 - "Một niềm vì nước vì dân". 7/ Hoạn Thư khen 4 lần: Lần 1 - "Tiểu thư xem cũng thương tài,/ Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân" - khi Thúy Kiều mới từ nhà Hoạn bà về nhà Hoạn Thư, một hôm Hoạn Thư bảo Thúy Kiều chơi đàn, tiếng đàn nỉ non thánh thót đã làm Hoạn Thư  xiêu lòng, nể phục, nên dường như cái khuôn uy của chủ nhà đối với con ở cũng bớt đi mấy phần; Lần 2 - "Rằng Hoa Nô đủ mọi tài,/ Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe" - Trong bữa tiệc mừng Thúc Sinh về thăm nhà, Hoạn Thư đã khen Hoa Nô có nhiều tài và yêu cầu chơi đàn hầu rượu hai vợ chồng; Lần 3 - "Rằng: Tài nên trọng, mà tình nên thương/ Ví chăng có số giàu sang,/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên/ Bể trần chìm nổi thuyền quyên,/ Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời" - đó là lời khen, cũng là lời sẻ chia, thông cảm của Hoạn Thư về một cô Kiều tài hoa nhưng lận đận, sau khi đọc xong tờ giấy của Thúy Kiều trình bày nguyện vọng được đi tu; Lần 4 - "Khen rằng bút pháp đã tinh,/ So vào với Thiếp Lan Đình nào thua/ Tiếc thay lưu lạc giang hồ,/ Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài" - Khi xem Thúy Kiều chép kinh ở Quan Âm các, Hoạn Thư khen bút pháp đã tinh, không thua gì bút pháp của Vương Hi Chi thời nhà Tấn, trong bài tựa có tên Thiếp Lan Đình của một tập thơ, được đời sau truyền làm chữ tốt, kiểu mẫu. Rõ ràng ta thấy, không những Hoạn Thư là người khen Thúy Kiều nhiều nhất mà còn đánh giá rất cao tài năng của nàng.

Ở trên ta đã thấy Hoạn Thư thể hiện tình cảm, lý trí và bản lĩnh hơn người như thế nào trong việc kiềm chế cảm xúc bản thân và ứng xử có văn hóa mối quan hệ tay ba phức tạp, nhạy cảm Hoạn Thư - Thúc Sinh - Thúy Kiều. Nhưng lý trí, bản lĩnh và cả tài năng, sắc sảo của Hoạn Thư mới được thể hiện đến đỉnh cao trong sự kiện Thúy Kiều báo ân báo oán. Sau khi trở thành phu nhân của đại vương Từ Hải, Thúy Kiều đã ân đền oán trả sòng phẳng. Trong danh sách thủ phạm của Thúy Kiều, Hoạn Thư - người đàn bà "quỷ quái tinh ma" - là người đầu tiên. Thúy Kiều hả hê đắc thắng: "Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau". Ta có thể đọc được suy nghĩ của Thúy Kiều: Phải xử Hoạn Thư thật nặng, cho bõ ghét, cho hả dạ, để bù đắp những ngày phải chịu cảnh bẽ bàng, tủi hờn, ấm ức chất chứa trong lòng mà không thể chia sẻ với ai, đó là: bị Hoạn bà miệt thị, đánh ba mươi roi dằn mặt, bị Hoạn Thư bắt khoan bắt nhặt lời nói, hầu đàn và quỳ dâng rượu đến tận canh ba...

Trước pháp trường gươm tuốt nắp ra, Hoạn Thư đã hồn lạc phách xiêu, khấu đầu, kêu ca. Đó là phản xạ tự nhiên - cái sợ bản năng của con người, bản năng giành giật lấy sự sống trước cái chết cận kề. Tuy nhiên, người đàn bà "dễ có mấy tay" này cũng kịp thời trấn tĩnh để bào chữa cho mình bằng những lời gan ruột: "Rằng tôi chút dạ đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình/ Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Đến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo/ Lòng riêng, riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai" và với thái độ ăn năn: "Chót đà gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?"

Cái lý, cái tình trong thông điệp tự bào chữa của Hoạn Thư như sau: "Tôi chút dạ đàn bà, chuyện ghen tuông cũng là "nữ nhi thường tình" của người ta ở đời. Mong cô nghĩ lại cho chuyện gì khi ở Quan Âm các chép kinh, và khi cô trốn đi, tôi không đuổi theo bắt lại. Trong thâm tâm, tôi "lòng riêng, riêng những kính yêu" cô, nhưng "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai". "Ý tại ngôn ngoại", cái ẩn ý "Nghĩ cho khi gác viết kinh" trong lời bào chữa là Hoạn Thư tế nhị nhắc khéo, không tiện nói rõ ra để giữ thể diện cho Thúy Kiều trước mặt mọi người. Là người thông minh và nhạy cảm, Thúy Kiều hiểu rằng Hoạn Thư muốn nói tới việc không truy cứu, kết tội nàng đã lấy trộm chuông vàng, khánh bạc trong Quan Âm các để trốn đi.

Tuy Hoạn Thư không kể lể dài dòng thêm nhưng Thúy Kiều rất hiểu và ghi nhận thiện chí của Hoạn Thư: Trong thời gian ở nhà Hoạn Thư, nàng không hề bị ai dằn hắt, miệt thị, hành hung mà ngược lại còn được bà chủ không tiếc lời khen, đánh giá cao văn tài và bút pháp. Nàng cũng được bà chủ chiếu cố cho ra Quan Âm các trong vườn nhà - nơi có phong cảnh hữu tình, thanh tịnh - để giữ chùa và chép kinh, một việc làm nhẹ nhàng, tao nhã.

Tựu trung, động cơ hành động của Hoạn Thư chỉ là để bảo vệ hạnh phúc của mình trước một Thúy Kiều nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, vì "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai" - chuyện của "muôn đời và trên khắp chốn" (Xuân Diệu - Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều). Thúy Kiều cũng hiểu rằng, suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa do mình là kẻ thứ ba xen vào hạnh phúc của người ta. Chẳng phải Hồ Xuân Hương cũng đã cay đắng thốt lên rằng "Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung" đó sao? Hoạn Thư chỉ tìm cách làm cho Thúy Kiều cảm thấy lo lắng bất an mà trốn đi và mục đích, kế hoạch ấy đã thành công mà vẫn giữ được thể diện cho ba người trong cuộc tình tay ba. Lời bào chữa của Hoạn Thư đã điểm trúng "huyệt" Thúy Kiều - đó là lòng trắc ẩn, dễ cảm thông chia sẻ với người khác; đó là "một chữ tình" mà nàng "Khư khư mình buộc lấy mình vào trong", như lời của đạo cô Tam Hợp. Thúy Kiều đã bị thuyết phục, khen Hoạn Thư "khôn ngoan đến mực nói năng phải lời", rồi tha bổng. Rõ ràng ta thấy, Thúy Kiều và Hoạn Thư rất hiểu nhau. Nếu họ gặp nhau ở bối cảnh khác, tôi tin rằng hai người sẽ là bạn tốt. Chỉ gói gọn trong 8 câu thơ (từ câu 2365 đến 2372), Hoạn Thư đã dùng những lời lẽ hùng biện thấu tình, đạt lý, khéo léo và đầy tự tin để bào chữa thành công cho mình, chuyển từ tình thế nghìn cân treo sợi tóc thành chiến thắng ngoạn mục. Một cái kết có hậu và rất nhân văn.

Nguyễn Du cũng đánh giá rất cao và tóm gọn tính cách của Hoạn Thư bằng hai câu "Ở, ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Cũng như Thúy Kiều, Hoạn Thư thông minh, sắc sảo, chỉn chu nền nếp gia phong, biết người biết ta và rộng lượng. Nhưng hơn hẳn Thúy Kiều, Hoạn Thư có cái đầu lạnh và trái tim nóng đặt đúng chỗ trong... lồng ngực - đó là bản lĩnh hơn người: biết làm chủ cảm xúc bản thân và làm chủ hoàn cảnh. Đến đây, ta có thể thấy chân dung tính cách của nhân vật Hoạn Thư hiện lên khá đầy đủ và sinh động. Rõ ràng, người đời đã quá yêu mến, bênh vực Thúy Kiều mà thành kiến, thiếu công bằng với Hoạn Thư. Hoạn Thư không xấu xí như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn ở một Hoạn Thư "Ở ăn thì nết cũng hay" và có thể phê phán được gì ở người phụ nữ "Nói điều ràng buộc thì tay cũng già" này? Kể từ đây, tôi trân trọng thêm chữ "nàng" trước chữ Hoạn Thư: nàng Hoạn Thư.   

N.V.T


Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​