Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THỜ CÚNG TRONG NHÀ NGƯỜI HOA NÙNG

Người Hoa Nùng (còn gọi là người Hoa Hải Ninh hoặc Hoa Quảng Ninh) đa số là người Ngái, người Hắc Cá và một số dân tộc thiểu số bị Hán hóa. Người Hoa Nùng từ Trung Quốc di cư qua Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, định cư ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang. Sau năm 1954, người Hoa Nùng di cư vào Nam Bộ, định cư đông ở tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh… Hiện nay, người Hoa Nùng định cư chủ yếu ở Nam Bộ, đông nhất ở Đồng Nai khoảng vài chục ngàn người (chiếm khoảng 80% tổng số người Hoa ở địa phương). Qua tác động lịch sử, người Hoa Nùng có mối liên hệ xã hội với người Nùng ở Việt Nam. Theo Tuấn Quỳnh (1974: 15) thì các dân tộc Ngái Lẩu, Tsín lẩu và Hắc-ka đều thuộc sắc tộc Nùng. Người Hoa Nùng thường được phân biệt là nhóm Hoa vùng nông thôn (gốc thiểu số bị Hán hóa) so với nhóm Hoa ngũ bang (gốc Hán) vốn định cư đa số ở đô thị (Chợ Lớn, trung tâm các tỉnh thành).

Văn hóa người Hoa Nùng thực chất là văn hóa của người Ngái (kết hợp văn hóa người Nùng và văn hóa người Hán do quá trình Hán hóa). Nói cách khác, văn hóa người Hoa Nùng là sự tổng hợp văn hóa người Ngái (cơ bản), văn hóa người Hán, người Nùng và một số tộc người thiểu số. Nhìn tổng thể, đặc trưng văn hóa của người Hoa Nùng có nhiều điểm tương đồng với văn hóa người Ngái, Nùng, Tày, Sán Dìu... Tuy nhiên tương đối khác biệt so với nhóm Hoa gốc Hán ở Chợ Lớn và các đô thị.

Tín ngưỡng dân gian của người Hoa Nùng khá đặc trưng, người Hoa Nùng thờ đơn giản hơn (đối tượng và hình thức) so với cách thờ trong nhà của người Hoa Hán ở Việt Nam.

1. Vị trí nhang khói đầu tiên trong ngôi nhà của người Hoa Nùng có thể nhận thấy đó là ban thờ thần Cửa. Ban thờ này xưa bài trí là một ống tre nhỏ (ảnh hưởng của người Nùng các vị trí thờ đều tượng trưng bằng ống tre để thắp nhang), gắn ở trên tường phía bên phải cửa chính ra vào. Thần Cửa có chức năng ngăn chặn “ma gà, ma xó" không cho vào nhà, vì vậy bàn thờ thần được đặt ngay cạnh cửa chính. Người Nùng, Tày gọi là Ông Bàn ngoài hay Ông gác giữ Cửa nhà.

Sau này, cửa trước nhà người Hoa Nùng thường bài trí một hoặc hai ống nhang bằng kim loại có chữ “Phước", hai bên gắn hai tai cắm nến để thờ thần Cửa và thiên thần (ngoài sân). Nhìn tổng thể, ống nhang khá giống con tôm càng do hai bên ống có hai tai vươn lên trên để cắm nến nhằm soi sáng cho vong hồn hoặc thần thánh thấy đường về dự hưởng lễ vật cúng trong nhà. Có gia đình ở huyện Thống Nhất còn gắn hai con tôm bằng gốm Biên Hòa làm bàn thờ thần Cửa, miễn sao có lỗ trống để thắp nhang. Sau này, người Hoa ít thắp nến ở hai tai, mà chỉ cắm nhang trong ống ở giữa. Có nhà còn gắn thêm tấm bảng nhỏ có bốn chữ Hán “Bảo hộ Môn thần" trên ống nhang cho kiểu cọ (giống với người Hoa Hán thờ Môn thần), bài bản trước vị trí thắp nhang trước nhà. Hàng ngày, gia chủ thắp nhang hai lần để mong mọi sự suôn sẻ đến với gia đình.

Không chỉ hai bên cửa, người Hoa Nùng còn dán giấy đỏ trên cửa, số lượng giấy dán luôn là số lẻ: 3, 5, 7, 9. Ngoài cửa, nơi có các bàn thờ, bài vị, ống nhang (bát nhang) đều dán giấy đỏ và gắn các cặp Kim Huê - Thần Hồng tạo cho không gian thờ vừa mỹ thuật vừa đặc trưng. Theo Tuấn Quỳnh (1974: 74), người Hoa Nùng còn có tục lập bàn thờ (trước đây là ống nhang) ngoài hông cửa. Mục đích là thần linh sẽ canh giữ không cho ma quỷ xâm nhập vào nhà. Vì muốn tôn vinh vị thần có công lao với gia đình, dòng họ mình nên lập nên ống nhang bên hông cửa ra vào để thờ thần Cửa.

2. Không gian linh thiêng nhất của ngôi nhà người Hoa Nùng là bàn thờ chính giữa nhà đặt các bát nhang thờ Ông bà Tổ tiên, Quan Âm Bồ Tát và Ông Táo. Khác với bàn thờ nhóm Hoa (Hán) thì bàn thờ Tổ tiên được thể hiện bằng một bài vị kiếng màu đỏ. Thứ tự bát nhang: ở giữa thờ Tổ tiên, bát nhang bên phải thờ Táo Quân và bát nhang bên trái thờ Quan Âm (từ trong nhìn ra). Quan niệm bên trái thờ Quan Âm quan trọng hơn bên phải thờ Táo Quân. Tuy nhiên tùy từng gia đình, số lượng bát nhang thờ Tổ tiên không thống nhất nhưng ít nhất là một, song cũng có gia đình là 2, 3 hoặc 5 bát nhang tượng trưng Tổ tiên tùy gia phả của từng gia tộc, có thể thờ nhiều chi, nhiều nhánh. Điều này khá trùng hợp với tư liệu của Tuấn Quỳnh (1974: 74) như sau: “Nếu 2 hoặc 3 ống nhang cũng tùy ngôi thứ trong gia tộc mà gia phả đã phân định sẵn". Hoặc gia chủ trước thuộc dòng họ này, nhưng sau được dòng họ khác nuôi dưỡng nên họ thờ nhiều bát nhang tượng trưng cho những dòng họ đó. Những thành viên mới mất sau khi mãn tang một năm hoặc ba năm (trước đây người Hoa để tang 3 năm, ngày nay biến đổi chỉ còn 1 năm) thì gia đình làm lễ nhập bát nhang chung với bàn thờ Tổ tiên. Lúc này, bài vị người mới mất được nhập vào một bài vị chung (tượng trưng là bát nhang) gọi là bài vị Tổ tiên trên bàn thờ chính của gia đình.

z4763602272080_7cc70120b257f7c9175867c3d34ffd3a.jpg

Bàn thờ Tổ tiên, Quan Âm, Ông Táo giữa nhà người Hoa Nùng - Ảnh: Nguyệt Minh​

Người Hoa Nùng thờ Quan Âm bồ tát như là vị nữ thần phù hộ cho họ trong đời sống tâm linh. Trong những hội lớn như Tả Tài Phán hay lễ vía Quan Âm, một số miếu thường tổ chức đấu giá đèn lồng và Phúc Pháo. Những gia đình có điều kiện hoặc có uy tín đấu giá trúng “Phúc Pháo" tức Kim tượng Phật bà thì trong gia đình thờ Quan Âm Bồ tát bằng một bức tranh kiếng đặt trang trọng trên bàn thờ đặt riêng trong nhà. Bài vị của Bà thường là một khung kiếng hình chữ nhật tráng thủy ngân vẽ hình Bà đứng tay cầm bình nước cam lồ, xung quanh tỏa vòng hào quang rực rỡ. Cũng có khi là hình ảnh Bà ngồi giữa Tiên Đồng và Ngọc Nữ đứng hai bên. Phía trên bài vị được kết dây bằng lụa đỏ có gắn bông ở giữa, hai góc trên bài vị cắm lông công màu xanh điểm những chấm màu đen và vàng nhạt.

Táo Quân (thần Bếp) được người Hoa thờ ở giữa nhà với hình thức bát nhang như Tổ tiên và Quan Âm. Người Hoa Nùng không thờ Táo Quân ở dưới bếp mà thờ ở bàn thờ chính giữa nhà. Cũng có khi bát nhang tượng trưng thờ Táo Quân đặt ở tầng dưới bàn thờ Tổ tiên (05 bát nhang) và Phật Bà Quan Âm (khảo sát nhà ông Ung Phú Quốc, phường Tân Phong, Biên Hòa, Đồng Nai). Theo Huỳnh Ngọc Trảng (2012: 141), ở Trung Quốc, Táo Quân được thờ ở nhà trước cùng với Quan Âm Bồ tát, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Văn Xương Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân và Phước Đức Chính thần. Việc thờ Táo Quân ở nhà trên có lẽ ảnh hưởng của tục lệ xưa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Lý Nàm Sáng (người uy tín người Hoa Nùng phường Tân Phong, Biên Hòa), bởi người Hoa Nùng trước kia ở vùng núi, do vậy cái bếp thường được bố trí ở giữa nhà, giống như cách bố trí trong nhà sàn phổ biến ở đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Cái bếp sưởi ấm ngôi nhà vừa là nơi chế biến, vừa là không gian chính quy tụ mọi người trong nhà quây quần ăn uống sinh hoạt. Do vậy có thể ảnh hưởng đó mà Ông Táo được thờ ở giữa nhà chung với bàn thờ Ông bà Tổ tiên và Quan Âm Bồ Tát. Người Hoa Nùng không có tục lệ đưa đón ông Táo về trời như nhóm Hoa Hán và người Việt.

Trang trí xung quanh bàn thờ Tổ tiên, Quan Âm và Ông Táo là các cặp “kim huê" tượng trưng bông hoa vĩnh cửu. Ngày xưa là tấm giấy đỏ trơn, tượng trưng cho Quan Thánh trừ tà dán trước cửa nhà, sau này viết thêm chữ Phước. Dần dà thay đổi bằng tấm vải đỏ. Tùy điều kiện kinh tế gia đình mà dán giấy đỏ hoặc dán vải đỏ viền xung quanh, không có trân châu. Sau này gắn thêm kim huê hoặc tấm kiếng và lông công... Kim huê là những cục trân châu tròn quấn bằng sợi tơ từ 5, 7, 9, 13, 21… 30 viên trân châu làm cho đẹp hơn. Trang trí kim huê cũng là đặc trưng mỹ thuật trang trí trên bàn thờ người Hoa Nùng so với các dân tộc khác.

3. Người Hoa Nùng thờ Thổ thần bằng một bàn thờ nhỏ (khám thờ) đặt dưới đất gần cửa lối đi vào bên trong. Khám thờ Thổ thần khá nhỏ và đơn giản, thường chỉ tờ giấy đỏ dán lên vách nhà, phía trước có bát nhang. Còn nhà khá giả thì đặt bát nhang trong khám thờ bằng gỗ nhỏ. Tuấn Quỳnh (1974: 74) mô tả: Bàn thờ Thổ thần ở giữa nhà nhưng khá nhỏ, cách trang trí không khác bàn thờ Tổ tiên, bên trong đặt một ống nhang, gọi là “Thủ Tì Tsần" (Thổ thần). Ngày nay, người Hoa Nùng ảnh hưởng nhóm Hoa Hán và người Việt nên cũng thờ Thổ thần (qua tượng Ông Địa) và bộ tượng thần Tài chung một trang thờ (khám thờ) sặc sỡ sắc đỏ.

4. Đối với những gia đình người Hoa Nùng có trẻ nhỏ dưới 12 tuổi thường có bàn thờ Bà Mụ trong phòng ngủ của trẻ. Bàn thờ Bà Mụ khá đơn giản chỉ là một khám thờ nhỏ bằng gỗ đóng lên vách tường trong không gian phòng ngủ có trẻ em. Trên khám thờ dán giấy đỏ đặt một bát nhang hoặc có thêm bình hoa nhỏ. Mỗi ngày hai lần sáng chiều, gia chủ thắp nhang nơi bàn thờ Bà Mụ cầu mong Bà phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh hay ăn mau lớn, thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn... Sau này khi đứa trẻ qua 12 tuổi, gia đình cúng tuổi trưởng thành cho trẻ em và hủy bàn thờ đi. Tuy nhiên, cũng có những gia đình không bỏ mà để luôn bàn thờ mặc dù đứa trẻ đã trưởng thành (nhà bà Xì Cẩu Muối, Biên Hòa, Đồng Nai; nhà bà Cam Như Hiền, Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu). Vì họ tin rằng cứ để bàn thờ đó thì Bà Mụ sẽ ban phúc lành cho con cái của họ trong gia đình. Có gia đình đặt bàn thờ bà Mụ trong phòng người con trai đã trưởng thành: “Sau này con trai cũng sẽ có gia đình nên đặt trước trong phòng con trai luôn và sau khi em bé lớn lên sẽ hủy bàn thờ. Còn ở gia đình của cô chú không hủy bàn thờ vì khi hủy bàn thờ thì con của cô chú đột nhiên bị bệnh nên cô không hủy nữa để vậy cho yên tâm" (ông Dín Chăn Hổi, xã Kim Long, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Tùy theo gia đình, hủy bàn thờ Bà Mụ theo thời gian thích hợp, không quy định rõ ràng là đứa trẻ bao nhiêu tuổi. Tục thờ Bà Mụ khá tương ứng với tục lệ của người Nùng, còn người Hoa Hán thì không có.

Ngoài ra, một bộ phận gia đình người Hoa Nùng ngày nay chịu ảnh hưởng của văn hóa Hoa (Hán) dùng gương đồng trấn trạch đe dọa ma quỷ, về sau dùng gương thủy tinh làm vật trấn yểm trước cửa nhà. Tục dán bùa bát quái để trấn yểm, có gia đình treo một chiếc gương soi vẽ hình bát quái, hoặc có nhà dán giấy đỏ trước cửa có hình con hổ để trấn yểm, trừ tà ma. Một số gia đình có tục dán lá bùa và giấy đỏ có chữ Phúc hoặc dán các giấy đỏ “Ngũ phúc lâm môn" hay “Xuất nhập bình an" (giống người Hán) vào các dịp đầu năm để cầu phúc, cầu may và xua đuổi những rủi ro, xui xẻo.

N. T. N

(Bài viết tham khảo các tài liệu: Tuấn Quỳnh (1974), Đồng bào sắc tộc Nùng; Nguyễn Thị Nguyệt (2010), Văn hóa - Văn vật Đồng Nai; Huỳnh Ngọc Trảng (2012), Đặc khảo văn hóa người Hoa ở Nam bộ). 

(Nguồn: VNĐN số 68 – tháng 10, năm 2023)

NGUYỄN THỊ NGUYỆT
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​