Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VỀ SÓC BOM BO


Bút ký của Nguyên Thơ

(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)

 

Lâu lắm rồi, Ban Văn nghệ dân gian mới có một chuyến điền dã thú vị dù cuối năm, công việc dồn dập, ai cũng bận rộn. Tuy vậy, chuyến đi về vùng đồng bào Stiêng đã thôi thúc quyết tâm của chúng tôi.

Khởi hành từ Bảo tàng Đồng Nai lúc 6 giờ sáng, qua cầu Hóa An, qua Tân Uyên, chúng tôi ghé ăn sáng tại một quán hủ tiếu trong khu chợ đêm khá sạch sẽ và ngon. Gần 9 giờ sáng xe ghé trạm xăng huyện Đồng Phú để đổ dầu. Trời le lói chút nắng nên khá ấm áp. Mấy hôm trước áp thấp nhiệt đới làm mưa trên diện rộng suốt từ Bắc đến Nam. May mắn hôm nay thời tiết lại khá tạnh ráo.

Nghỉ chân uống chén trà nóng ở trạm xăng, chúng tôi liên lạc với anh em Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Qua thị xã Đồng Xoài, đường phố rộng thênh thang, tượng đài chiến thắng Bình Phước nằm giữa công viên với khá nhiều cây xanh. Khi chúng tôi ghé vào trụ sở Hội Văn học nghệ thuật đã tầm 10 giờ sáng.

Anh em văn phòng Hội Bình Phước đón chúng tôi rất vui vẻ, nhiệt tình, lại tặng một số tạp chí, tác phẩm văn học và đĩa nhạc của văn nghệ sĩ Bình Phước. Đoàn cũng tặng lại đặc sản quê hương Tân Triều (bưởi) và một số sách nghiên cứu văn hóa lịch sử Đồng Nai. Đến Bảo tàng tỉnh, chúng tôi gặp lại những đồng nghiệp cùng làm nghề di sản. Những cái bắt tay chân tình thắt chặt thêm tình nghĩa của anh em giới bảo tàng ở miền Đông Nam Bộ.

sóc bom bo.jpg
Giã gạo chày đôi - Ảnh: NT

Buổi chiều, đoàn tham quan các di tích lịch sử, chào xã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước. Chuyện râm ran khiến chủ và khách không rứt ra được. Một số thành viên của đoàn tách ra đi chụp hình các công trình, tượng đài, cảnh quan ở thị xã Đồng Xoài. Bữa ăn tối hội ngộ đồng nghiệp của ngành văn hóa, Thể thao, du lịch cùng đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau bữa ăn chúng tôi dạo theo đường Lê Duẩn ra trung tâm thị xã. Một tô phở nóng ăn khuya làm mọi người ấm bụng sau một ngày khởi hành với những cảm xúc lẫn lộn vừa mới lạ, vừa thân quen…

Ngày hôm sau, xe đưa chúng tôi tiến thẳng về huyện Bù Đăng cách thị xã Đồng Xoài chừng hơn 50 cây số. Con đường quốc lộ 14 trải nhựa khá tốt, xe bon bon qua thị trấn Đức Phong, rẽ vào con đường nhựa chừng 15 cây số thì đến sóc Bom Bo. Xe dừng trong sân khu bảo tồn, đập vào mắt chúng tôi là một công trình kiến trúc khá đẹp, mang dấu ấn kiến trúc nhà rông nhiều mái. Đã có rất đông bà con dân tộc Stiêng đến đây với trang phục đa dạng,truyền thống có,hiện đại như người Kinh cũng có. Ấn tượng nhất là vài phụ nữ ăn mặc, trang sức đầy đủ theo truyền thống của người Stiêng: váy thổ cẩm, áo túi tay dài, cổ đeo nhiều xâu chuỗi hạt cườm, hai phụ nữ lớn tuổi đeo khuyên tai ngà voi trĩu nặng. Những người lớn tuổi cả đàn ông và phụ nữ đều có lỗ tai rộng và dãn dài, dấu vết phong tục căng tai khi xưa của đồng bào.

 Chuyến đi điền dã, chúng tôi kết hợp gửi tặng 300 cuốn tập học sinh, một số lượng lớn quần áo cũ cho đồng bào. Sau khi thống nhất chương trình, đoàn quay trở ra thị trấn Đức Phong, đến tham quan khảo sát nhà già làng Điểu Đố, một trong những nhà dài còn lưu giữ khá nhiều đặc điểm cơ bản của nhà dài Stiêng. Nhà dài Điểu Đố nằm trong khu dân cư Đức Lợi, địa bàn tập trung đồng bào Stiêng sóc Bù Môn. Ngôi nhà nằm giữa trũng đất, chung quanh có một vài ngôi nhà khang trang kiến trúc hiện đại. Nhà dài có hai mái lợp tôn khá thấp, vách gỗ ghép, nền nhà đất có sàn bằng tre cao khoảng 30cm. Nhà dài chừng 12 mét có hai cửa ra vào ở hai đầu hồi. Đây là kiến trúc nhà của người Stiêng Bù Lơ (vùng cao) khác với nhà của người Stiêng Bù Đek (vùng thấp) với kiểu nhà sàn dài, cầu thang và cửa ra vào được bố trí ngay chính giữa ngôi nhà… Trong nhà khá tối, vì không có cửa sổ. Có hai kho lúa chất cao làm cho nhà khá chật chội và không thông thoáng. Không ai bảo ai,chúng tôi tự tác nghiệp theo cách của mình, người thì gặp già làng hỏi tư liệu chữ viết, số đếm, cách đọc cách viết; người thì tìm các góc ảnh, góc kiến trúc và đồ vật bài trí trong nhà để nghiên cứu tìm hiểu. Ai cũng mê hồn vì hàng trăm cái ché, tố bằng gốm được sắp thành nhiều dãy trên sàn tre và dưới đất dọc theo chiều dài ngôi nhà. Tất cả đều phủ một lớp bụi thời gian. Cả đoàn vừa thao tác chuyên môn, vừa tìm mọi cách chụp vài kiểu ảnh cá nhân hoặc tập thể nơi góc bếp, cột nhà, sàn ngủ hoặc sàn ngồi bên ché rượu trong nhà dài…

Vợ chồng già làng Điểu Đố cũng bận rộn không kém, vừa tiếp đoàn, vừa lo việc nhà, cả việc dỗ dành mấy đứa cháu nhỏ bám xung quanh nhìn lấm lét vào đoàn người lạ. Theo yêu cầu của đoàn, vợ chồng già làng mặc trang truyền thống, bới tóc, cài lông chim, cầm chà gạc, dao côi, đeo gùi, khuyên tai, chuỗi cườm, ngậm tẩu, thổi khèn bầu… biểu diễn để đoàn chụp hình làm tư liệu. Không khí chộn rộn hẳn lên. Sau hơn hai giờ đồng hồ, đoàn kết thúc điểm khảo sát nhà dài của già làng Điểu Đố.

Lên xe, chúng tôi còn râm ran, nghi vấn về tuổi và gia đình của già làng Điểu Đố. Già làng tự nhận 98 tuổi, 4 vợ và 18 người con, hiện nay già đang ở chung với hai bà, họ sống khá hạnh phúc và bình yên. Quả thật nếu già làng tuổi gần 100 thì ai cũng đoán ông chỉ chừng 75 - 80.

Sóc Bù môn 2, thôn 7 cảnh quan khá yên tĩnh, vắng vẻ, nhà cửa cất dọc theo mặt lộ nhưng cách xa nhau. Đoàn dừng lại nhà ông Điểu Khăn, bí thư chi bộ Thiện Quang bao gồm hai sóc Bù Môn và Bù Tơm. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, đoàn vào việc trọng tâm: nghe đánh cồng chiêng, thổi sáo, đàn tre, khèn môi... Bí thư Điểu Khăn cũng là một nghệ nhân còn lưu giữ nhiều kiến thức về phong tục tập quán của đồng bào Stiêng. Ông biết làm và sử dụng nhiều loại nhạc cụ như: đàn tre, chiêng tre, sáo… Ở nhà bí thư Điểu Khăn, chúng tôi còn được nghệ nhân Điểu Nhân đánh chiêng đồng. Nhạc sĩ Trần Viết Bính say sưa thích thú vì thu được một số bài hát dân ca như: Sa tam rông, ru con… tại nhà Điểu Khăn.

Quá trưa, đoàn đi Thác Đứng, một trong những thắng cảnh của huyện Bù Đăng. Dòng thác chảy cuồn cuộn tung bọt trắng xóa. Lại chụp ảnh lưu niệm. chúng tôi trở ra ăn trưa tại một quán ven đường. 13 giờ chiều, ai cũng đói, mệt nên ăn rất ngon.

Chúng tôi trở lại sóc Bom Bob về nhà già làng Điểu Lên, gia đình khá vững về kinh tế vì kinh doanh nhiều dịch vụ như: rượu cần, dệt thổ cẩm, may đồ thời trang… chưa kể trồng cà phê, tiêu, điều. Già làng Điểu Lên say sưa kể cho chúng tôi nghe về những đóng góp của đồng bào Stiêng trong kháng chiến. Đặc biệt, phong trào giã gạo nuôi quân mà nhạc sĩ Xuân Hồng đã lấy cảm hứng để sáng tác ca khúc bất hủ “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”.Thật xúc động khi biết vợ già Lên cũng tham gia giã gạo khi mới 16 tuổi.

Nhóm 2 tìm hiểu về ẩm thực gặp chị Điểu Thị Xi A (con gái già Điểu Lên), cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn Sóc Bom Bo ở dưới bếp với những nguyên vật liệu, thực phẩm đã được khai thác trong rừng hoặc mua về chuẩn bị. Thịt heo ướp sẵn gia vị xiên que nướng. Những em gái nhỏ lo chuốt vỏ ống cơm lam. Chị Xi A giới thiệu nguyên liệu, các loại gia vị như lá tiêu dùng để gói cơm, là quế giã làm món chấm đặc trưng của người Stiêng… Chúng tôi thích thú tìm hiểu món canh thụt, nguyên liệu gồm cà nút áo, cà gai, đọt kơla kơlang, lá nhíp, đọt mây nấu với thịt heo; món canh bồi gồm lá nhíp già, đọt mây, gạo giã nhuyễn, bột lá nhàu nấu với thịt cá trê, cá lăng nướng; món lá nhíp (bép), đọt mây xào với thịt heo; cơm lam hoặc cơm nắm gói lá tiêu; thịt hoặc cá nướng… là những món ăn ưa chuộng của người Stiêng sóc Bom Bo.

Buổi chiều, nhóm chúng tôi được em trai chị Xi A đưa vào rẫy cà phê, tiêu ở gần làng để tận mắt nhìn thấy những cây lá nhíp, lá bướm, cây cà nút áo, cà gai, cây mây nhỏ. Anh cho biết cây lá la gey có tác dụng chữa đau họng, mọi người thi nhau ngắt lá non nhai thử, mùi thơm như mùi mía, vị nhẫn đắng.

Chiều tối, đoàn tập trung lên ngọn đồi phía sau Khu Bảo tồn để sinh hoạt dã ngoại, đánh cồng chiêng, giã gạo, xem đồng bào Stiêng sóc Bom Bo biểu diễn văn nghệ. Ngọn đồi khá đẹp với các hạng mục: sân đốt lửa trại nằm giữa, hai nhà dài hai phía đông và tây. Trước sân hai nhà dài đều có các cụm manơcanh nam nữ Stiêng với các tư thế múa hoặc giã gạo. Chúng tôi được thưởng thức một đêm giao lưu khá ấn tượng mang đậm dấu ấn văn hóa Stiêng ở sóc Bom Bo. Khoảng 5 giờ chiều, tổ hậu cần bày hai bàn ăn đãi đoàn và khách mời.

Mở màn đêm giao lưu là đội chiêng sóc Bom Bo đi vòng quanh đống lửa cháy rừng rực. Tiếp đến là các tiết mục ca múa của nam thanh nữ tú Stiêng trong trang phục thổ cẩm truyền thống. Nét khỏe mạnh duyên dáng của các chàng trai, cô gái Stiêng làm ngất ngây du khách đang cùng nhau thưởng thức rượu cần. Điểm nhấn của đêm giao lưu là tiết mục múa giã gạo trên nền nhạc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”được bốn phụ nữ Stiêng thực hiện, tạo thêm hứng khởi cho khán giả tìm hiểu về văn hóa Stiêng và dấu ấn của nhạc sĩ Xuân Hồng, người làm nên thương hiệu cho sóc Bom Bo hôm nay. Một số nghệ nhân Stiêng ngà say cất lên những câu hát ru hoặc cùng song ca bài Satamrông, được lão nhạc sĩ Bính ghi lại bằng camera.

Chia tay bà con, đoàn chúng tôi về nghỉ tại khu bảo tồn sóc Bom Bo. Ban đêm không gian im ắng, ngôi nhà như to hơn gấp nhiều lần và rộng thênh thang. Giấc ngủ dã chiến không tròn giấc bởi không khí khá lạnh. Sáng ra, chúng tôi đến nhà già Điểu Pal 71 tuổi nghệ nhân làm nghề thủ công. Già biết làm nhiều sản phẩm như: rèn dao côi, chà gạc, đan gùi, giỏ đựng tép, cá, dần, sàng, đồ xúc tép, cá… Già nói, bệnh tim đã làm già không thể lao động thường xuyên, khi nào khỏe già mới đan một vài món đồ để gia đình sử dụng. Hiện nay Ban giám đốc khu bảo tồn đã bước đầu khôi phục và bảo tồn nghề thủ công của người Stiêng để phục vụ khách tham quan. Chúng tôi may mắn gặp anh Điểu Khui 33 tuổi, rất am tường phong tục tập quán của dân tộc mình. Anh kể cho chúng tôi nghe về tín ngưỡng dân gian, tục cúng rừng, núi, sông suối, rẫy, nhà… cả những kiêng kỵ và những biến đổi trong đời sống văn hóa xã hội của người Stiêng.

Tạm biệt sóc Bom Bo, chúng tôi ghé Trảng Cỏ Bàu Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng nơi có đông đồng bào Stiêng, Mạ, M’nông sinh sống trước khi trở về Biên Hòa. Con đường trở về dường như ngắn hơn lúc đi. Xe dần qua từng địa danh của Bình Phước. Tạm biệt Đồng Xoài, Đồng Phú, Tân Uyên, tạm biệt Sóc Bom Bo với bao điều chưa khai thác hết, chúng tôi tin sẽ có dịp quay trở lại nơi này.

 

N.T

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​