Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ÔNG NĂM


Khoa vừa nắn nót ghi từng chữ vào cuốn sổ Đoàn viên, vừa kéo khẩu trang xuống để lấy không khí. Mới hôm qua, khi được tham dự cuộc họp nội bộ với cơ quan, Khoa đã bị nhắc khéo vì hành động này. Mọi người đều có vẻ e dè mỗi khi có ai đó gỡ lớp khẩu trang bên ngoài, bất kể vì lý do gì đi nữa. Việc đeo nó đã trở thành quy định bắt buộc.
Văn phòng Đoàn nơi Khoa làm việc nằm gọn trong khuôn viên của Uỷ ban phường. Vỏn vẹn chỉ có 2 người, Khoa và chị Duyên, bí thư Đoàn và là “sếp" trực tiếp.
Chiều hôm đó, Khoa vốn đã chuẩn bị xách cặp ra về. Đi được nửa chừng, đột nhiên có một cú điện thoại gọi tới:
- Alo, Khoa hả em? Em về chưa? Có việc nè - Chị Duyên nói.
- Dạ chưa chị. Em sắp về. Có việc gì vậy chị? - Khoa nói.
- Có công văn khẩn. Em khoan về nha. Ra ngay chỗ trạm y tế đi - Chị Duyên nói với giọng gấp gáp.
Khoa dạ dạ rồi liền phóng xe ra trạm y tế ngay. Ở đó, lúc này đang tập trung rất đông các anh chị trong cơ quan. Mọi người đang xếp hàng lần lượt để nhận đồng phục bảo hộ. Ở đằng trước, Khoa đã thấy chị Duyên đứng phát đồng phục cho mọi người. Thấy Khoa, chị Duyên liền nháy mắt, kêu Khoa đi lên đằng trước để nhận đồ. Trong khi Khoa còn đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã thấy mọi người lần lượt rời đi trong gấp gáp.
Khoa chỉ biết đi tới ngay nơi chị Duyên đã hẹn sẵn. Tại đây có thêm sự xuất hiện của các bạn đoàn viên mới. Chị Duyên phân công thành từng nhóm đứng gác trực tại các chốt trên địa bàn phường. Khoa được phân công trực ngay trước cổng cơ quan Thành đoàn. Đây được coi là khu “cửa ngõ" của phường khi dòng xe ra vào đều phải qua chốt chặn này. Với Khoa, đây là trải nghiệm mới nhưng cũng đồng thời là thử thách đầu tiên trong công việc. Anh lo lắng xen lẫn tự hào khi được giao nhiệm vụ quan trọng này. Khoa vẫn còn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên được khoác lên mình màu áo xanh của Đoàn. Đầy hãnh diện và rạng rỡ. Cảm xúc ấy giờ đây lại được tái hiện. Nhưng lần này, có lẽ sẽ cần nhiều sự nỗ lực hơn trước đây. Khoa nghĩ.

***

Ông Năm - Lê Trí Dũng.jpg

Minh họa: Lê Trí Dũng

Theo sự phân công của chị Duyên, Khoa và các bạn đoàn viên cùng 2 chú dân quân khu phố sẽ gác ở chốt Thành Đoàn. Lúc này, bên trong chốt, hai chú đều đã ở đây từ nửa đêm. Cả đội vừa ngồi canh chốt không để cho người lạ ra vào, vừa kiểm tra thẻ cũng như giấy đi đường của những “vị khách lạ". Thi thoảng, cũng có người dân phản đối. Họ cho rằng mình có lý do chính đáng là vào để gặp người thân. Nhưng vì họ chỉ nói suông, không thể xác minh, cả đội vẫn không cho phép.
Buổi trưa, sau khi ăn cơm, mọi người chia nhau ngủ để chuẩn bị cho ca trực sau. Khoa cũng tranh thủ chợp mắt để lấy lại sức. Hôm nay do mệt, Khoa ngủ thiếp đi quá giờ trực buổi chiều. Tới khi thức dậy đã thấy mọi người đứng sẵn ở đầu chốt. Nhưng có lẽ, điều làm Khoa ngạc nhiên hơn cả lúc này là sự xuất hiện của một vị khách lạ. Đó là một cụ ông có dáng người ôm ốm, tóc muối tiêu lấm tấm sợi bạc. Cụ ông đang ngồi ở chiếc bàn tròn giữa chốt. Thấy thế, Khoa liền đứng dậy:
- Dạ con chào ông. Con xin lỗi vì nãy giờ ngủ quên mất không để ý. Có phải ông tới từ bên khu phố không ạ?
- Không con. Nhà ta gần đây. Ta tới để xem tụi bây làm việc thôi. Con cứ gọi ta là ông Năm. - Ông Năm nói, giọng trầm trầm, bình thản.
- Dạ ông Năm. Ông để con bật cái quạt lên cho mát. Ông uống tạm nước suối ạ! - Khoa vừa nói vừa chạy đi bật quạt, sắp xếp lại bàn ghế xung quanh.
Ông Năm nhìn Khoa một lúc, rồi bật cười. Ông nói:
- Ngày xưa, ta cũng làm Đoàn như con đây. Ngày ấy xa rồi, nhưng trông con ta lại nhớ.
- Dạ, ông ơi. Hình như con đã gặp ông ở đâu rồi thì phải.
- Cũng có thể con thấy ta lúc họp dưới khu phố. Ngày xưa, ta làm ở cái toà nhà màu trắng ở phía trên kia kìa. Hồi đó có nhiều kỉ niệm lắm con. Cụ ông vừa nói, vừa nhìn về phía xa, ánh mắt đầy sự hoài niệm.
- Thật hả ông? Con nghe kể phải rất vinh dự mới được làm việc tại đó ông ơi.
- Ừ con! Con cứ về hỏi mọi người về ta. Hẳn là họ sẽ biết - Ông Năm nói.
Khoa gật gù nghe ông Năm kể lại từng câu chuyện xưa thời còn làm Đoàn. Từ khi ông còn hoạt động trong chiến khu cho đến khi trở thành lãnh đạo tổ chức Đoàn tại địa phương, ông Năm vẫn còn nhớ mồn một từng câu chuyện. Vừa được nghe ông Năm ôn lại chuyện cũ, lòng Khoa bất giác nhen lên cảm xúc tự hào vì có duyên hạnh ngộ với một cựu cán bộ Đoàn lừng lẫy một thời. Té ra, khi xưa ông Năm chính là một trong những thế hệ lãnh đạo Đoàn tiên phong ở nơi đây. Phong thái và cách nói chuyện cởi mở của ông càng khiến Khoa thêm phần cầu thị. Bởi với anh, được học hỏi từ những người đi trước luôn là những bài học đáng giá.
Giữa lúc đó, tiếng hai bạn đoàn viên ở đầu chốt gọi với tới, đòi Khoa phải ra thay người. Khoa cúi đầu chào ông Năm, rồi lại vui vẻ ra thay ca trực. Dòng người chiều nay có phần đông hơn, nhưng Khoa không còn coi đó là một áp lực quá lớn. 

***

Mấy hôm nay thời tiết trở nên nắng gắt hơn thường lệ. Chốt trực như một chiếc lò thiêu ngay buổi ban trưa. Khoa và các bạn đoàn viên vẫn không than vãn nửa lời. Mà cũng không biết than với ai. Vì thời điểm này, ai cũng khổ như nhau. Ở hẻm đối diện, người dân bắt đầu phản đối vì họ không thể ra ngoài như bình thường. Nhưng nguyên tắc vốn dĩ không thể thay đổi, chốt trực không thể ưu tiên cho bất kì trường hợp ngoại lệ nào.
Bỗng, ở trong hẻm có một bóng dáng thân quen từ từ bước ra. Khoa nhận ra ngay là cô Vân. Không biết có việc gì đây. Khoa nhủ thầm. Cô Vân đi tới chỗ hai chú dân quân. Khuôn mặt lộ rõ sự lo lắng. Cô xin các chú cho gia đình cô được ra ngoài chích vắc-xin vì có lịch hẹn. Vừa nói, cô Vân vừa cầm ra một tờ giấy được gấp tư, trên có đề tên mình. Hai chú dân quân cho cô bước qua. Nhưng, đến lượt các thành viên còn lại trong gia đình cô Vân, lại không ai có giấy hẹn. Và theo lệ, sẽ không ai được phép qua chốt. Cô Vân hốt hoảng, nói với giọng khẩn cầu:
- Mấy chú cho gia đình tôi ra với. Tôi xin các chú. Cả nhà tôi đã tự cách ly ở nhà mấy bữa nay rồi.
Khoa thấy thế liền kéo một chú dân quân ra nói riêng:
- Chú ơi, đây là người quen của con. Chú cho nhà cô ấy ra được không?
- Không được, mày. Cho ra rồi lỡ lây bệnh thì sao?
- Chú làm ơn đi. Không ai biết đâu. Có gì chú cứ báo với cấp trên là con chịu trách nhiệm.
- Mày nói nha. Tao cũng không muốn mất lòng ai hết.
- Dạ dạ!
Chú dân quân liền lại nói nhỏ với đồng nghiệp. Thế rồi cả gia đình cô Vân được cho ra ngoài trong ánh mắt ngỡ ngàng của những người dân trong hẻm. Khoa tạm yên lòng với điều đó. Trước nay, Khoa vẫn quen với cách “giúp đỡ người thân" như vậy.
Chiều hôm đó, giữa lúc đang gác ở chốt trực, Khoa nhận được tin nhắn của chị Duyên. “Em về văn phòng gặp chị gấp". Chỉ vỏn vẹn mấy chữ đó, Khoa phải tức tốc chạy về gặp “sếp".
Vừa về đến nơi, Khoa đã thấy chị Duyên cùng anh chỉ huy trưởng đợi sẵn. Thấy Khoa, chị Duyên nói:
- Sao, khoẻ không em? Đợt này em to gan lắm.
- Sao vậy chị? Em chưa hiểu.
- Em có biết chuyện sáng nay em làm lớn đến mức nào không? Và có biết hậu quả của nó thế nào không hả? - Chị Duyên lớn tiếng.
- Em… cứ nghĩ là mình làm đúng - Khoa lúng túng.
- Làm đúng? Em thực sự làm chị thất vọng. Sáng nay điện thoại của chị không ngừng reo vì những tin nhắn từ người dân dưới khu phố. Em có biết chuyện nghiêm trọng lắm không?
Khoa im lặng. Chị Duyên cùng anh chỉ huy trưởng bực dọc bước ra khỏi phòng. Lúc này đây, Khoa thực sự “sốc" với chuyện xảy ra. Khoa cứ nghĩ đơn giản mình đã làm được một việc tốt. Đáng lẽ phải được mọi người tán dương. Không ngờ câu chuyện lại đi quá xa như vậy. Khoa quên mất nguyên tắc đầu tiên chị Duyên đã dặn là phải tuân thủ theo những quy định. Vậy mà anh dám phá vỡ nó. Để rồi giờ hối thì đã không kịp.

***

Khoa vẫn được phân công gác chốt. Nhưng lúc này chỉ còn mình anh với hai chú dân quân. Các bạn đoàn viên đã không tham gia tiếp tục. Có lẽ đó là hình phạt. Khoa thầm nghĩ. Vừa ngồi ngẫm lại lỗi lầm của bản thân, Khoa bất giác thấy một bóng hình quen thuộc. Là ông Năm. Ông lại đi ra chốt để thăm mọi người. Thấy ông, Khoa đã vội kéo ghế mời ông ngồi. Và giữ khoảng cách khi giao tiếp như với mọi người khác. Ông Năm hoàn toàn cảm thông với điều đó. Nhìn vào ánh mắt đượm buồn của Khoa, ông Năm đoán được đã có chuyện xảy ra. Và sau khi ông hỏi thăm, Khoa cũng phân trần:
- Dạ, con đã cho người quen qua chốt. Con sai rồi ông Năm ơi. Con không biết phải làm sao nữa...
- Con trai. Chuyện đó là bình thường. Ở đời ai cũng có lúc sai. Ta nghĩ con không có gì phải buồn. Nhưng phải biết nhớ lấy làm kinh nghiệm.
- Con muốn từ bỏ luôn ông ơi. Con đã sai rồi! - Khoa nói.
- Nếu chỉ một lần sai mà con đã bỏ cuộc thì con sẽ không bao giờ đi được đường dài đâu con trai. Con hãy tạm quên chuyện đó đi và làm việc trước mắt cho thật tốt. - Ông Năm nói, giọng bình thản như thường lệ.
Ông Năm kể rằng, trước đây khi còn làm công tác Đoàn, cũng rất nhiều dịp ông gặp phải những tình huống như vậy. Kể cả thời chiến lẫn thời bình, khi thực hiện nhiệm vụ, ông luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Chưa bao giờ ông vì nể nang mà quên đi nhiệm vụ chính được giao. Đã có lúc, ông làm phật ý những người thân quen vì phong thái thẳng thắn đó. Nhưng ông muốn Khoa hiểu rằng có những giá trị không thể đánh đổi và có những sai lầm đôi khi không còn cơ hội làm lại. Ông tin rằng, Khoa rồi sẽ vượt qua chuyện này. Khoa cũng sẽ trở thành một cán bộ Đoàn vững vàng và tài giỏi, sẽ lại tiếp nối những truyền thống vẻ vang mà thế hệ ông đã cống hiến cho mảnh đất này.
Những lời ông Năm nói, Khoa đều khắc ghi. Anh tự nhủ mình đã may mắn khi gặp được ông Năm tại đây. Nếu bỏ cuộc lúc này, Khoa sẽ nhận lại được sự coi thường của các bạn đoàn viên. Vì té ra anh chỉ là một người hèn nhát, không dám đứng lên từ những vấp ngã. Nhất định không thể được. Khoa phải tiếp tục con đường phía trước để không phụ sự trông đợi của ông Năm, chị Duyên và các bạn đoàn viên.

***

Đã hai năm trôi qua…
Đại dịch năm nào giờ chỉ còn là dĩ vãng. Cuộc sống mọi người dần trở lại bình thường, không còn cách ly, phong toả, chốt chặn. Khoa giờ đây đã trở thành một cán bộ Đoàn vững vàng, uy tín và thay thế vị trí của chị Duyên. Hôm nay, có dịp đi công tác ngang chốt trực năm nào, Khoa liền ghé lại nhà cô Vân để hỏi thăm sức khoẻ. Thấy anh, cô Vân vẫn nhớ câu chuyện cũ. Nhưng đồng thời, cô lại báo cho anh một tin bất ngờ. Ông Năm vẫn hay ra chốt trực cùng Khoa đã không còn. Ông đã mất mấy tháng trước vì tuổi cao sức yếu. 
Khoa bàng hoàng. Anh không ngờ điều đó lại đến sớm như vậy. Anh còn chưa kịp gửi lời chào ông, vậy mà ông đã ra đi. Khoa vẫn còn nợ ông một lời cảm ơn chân thành. Có duyên được gặp ông Năm tại chốt, được nghe những câu chuyện mà ông Năm kể đã thay đổi cuộc đời Khoa. Khoa vẫn nhớ mãi giọng nói trầm trầm, bình thản của ông. Nhớ phong thái cởi mở của ông khi kể lại thời tuổi trẻ gắn bó với màu áo thanh niên của mình. Nhớ những lời dặn dò mà ông Năm đã đặt hy vọng nơi anh. Tất cả chỉ như mới đây thôi…

Chiều đó, Khoa cứ đứng mãi ở góc đường cũ. Anh nhớ về lần đầu tiên gặp ông Năm với mái tóc đã điểm bạc, dáng người ôm ốm, ánh nhìn hiền hậu vô tư.

Truyện ngắn của ĐÀM MINH KHÔI

(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)


ĐÀM MINH KHÔI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​