Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VĂN HÓA MIỆT SÔNG NƯỚC CUỐI TRỜI CÀ MAU

z4852768199566_d8104eb18de2516cab7d1dbc680c1d86.jpg 

Kéo lưới đánh bắt thủy sản của ngư dân Cà Mau. Ảnh: T.K

Vùng đất Cà Mau - nơi tận cùng phía Nam của Tổ quốc, địa hình chằng chịt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch; dày đặc với gần 30 cây cầu lớn nhỏ trong khoảng cách hơn 100 km đường bộ. Cà Mau cũng nổi tiếng với đặc sản tôm, cá và nhiều loài thủy hải sản với những cánh rừng đước ngập nước bạt ngàn đang nghiêng mình chắn sóng. Có thể gọi Cà Mau là nơi hội tụ của những dòng sông, dường như sông, rạch là nguồn sống của người dân nơi đây từ bao đời, biết bao thế hệ đã đến rồi đi chọn sông nước làm quê hương để ký thác đời mình. Nếu có dịp đến và ở lại vùng đất đầu sóng ngọn gió này, du khách mới cảm nhận được Cà Mau không chỉ có những sản vật dồi dào từ thiên nhiên ban tặng, mà còn là vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng và một đặc trưng văn hóa vùng sông nước được lưu truyền qua bao đời.

Cà Mau là mảnh đất cuối cùng trên con đường người Việt chinh phục vùng hoang vu mở mang bờ cõi Nam Bộ. Ngược dòng lịch sử, Cà Mau xưa là vùng đất hoang vu, rừng rậm, mặt đất ẩm thấp, thiếu nước ngọt, ruộng nhiều phèn, nhiều muỗi vắt ít người sinh sống, được khai khẩn muộn so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cuối thế kỷ XVII, nhiều thế hệ cư dân tiếp nối nhau từ miền Bắc và miền Trung đến đây khai phá vùng đất hoang sơ tụ cư, tạo lập nên làng xã (tên gọi xã Cà Mau có từ thời Gia Long - Minh Mạng)… Biết bao lớp người tiên phong khai phá Nam Bộ đã chịu đựng nắng mưa, chống chọi với thú dữ, bệnh tật, vượt qua thử thách, gian truân để mở mang bờ cõi. Trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã thuở ban đầu, các cư dân người Kinh, người Khmer, người Hoa đã luôn đoàn kết, kiên cường trước những hiểm họa “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua" để tạo dựng Cà Mau thành nơi “đất lành chim đậu". Truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên trung, đoàn kết, lao động cần cù cũng đã trở thành những tố chất cơ bản nhất, bền vững nhất trong giá trị lịch sử văn hóa của cộng đồng các thế hệ dân cư ở Cà Mau.

Trải qua bao đời, sông nước đã gắn liền với nếp ăn, nếp ở của người dân Cà Mau, như lời của một nhà thơ địa phương khi giới thiệu về quê hương mình “là người Cà Mau khi còn nằm trong bụng mẹ ai đã quen nghe tiếng sóng, vừa cất tiếng khóc chào đời đã chạm mắt với dòng sông, cho nên trên da thịt của người Cà Mau dường như đều có dáng dấp của phù sa và trong đó có pha chút vị mặn nồng của biển cả…" . Sông nước đã tạo dựng nên sự sống đa dạng, phong phú cho người Cà Mau; sông cho con tôm, con cá, sông cung cấp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng và sông cũng là loại hình giao thông phổ biến nhất. Dường như mọi sinh hoạt diễn ra trong đời sống sinh hoạt, lao động của người dân đều gắn liền với sông nước.

Về Cà Mau, xuôi mái chèo sông Ông Đốc hay ngược dòng Ghành Hào mới thấy rất nhiều những ngôi nhà sàn nửa trên bờ, nửa dưới sông rất phổ biến có nét đặc trưng rất riêng, người địa phương vẫn gọi là nhà “cao cẳng". Do đặc thù vùng sông nước nên tập quán sinh sống, đi lại, giao thương… của người dân gắn liền với những dòng sông, kênh, rạch mà người dân thường cất nhà cặp mép sông. Những căn nhà sàn, quay mặt trước ra sông, trước nhà có bến cầu, có ghe thuyền neo đậu, để trao đổi, buôn bán hàng hóa được dễ dàng. Các ngôi nhà sàn được xây cất mé sông dù là kiến trúc kiên cố với bê tông, cốt thép hay thô sơ bằng gỗ lá, mái tôn vẫn làm theo kiểu nhà ba gian (gian giữa lớn hơn 2 gian hai bên), mặt hướng ra sông, ở dưới cắm trụ bằng gỗ hay cọc bê tông để tránh bị triều cường mỗi khi mùa nước đến và để tạo độ vững chắc cho căn nhà. Ấn tượng nhất có lẽ là những “ngôi nhà nổi", đúng hơn là những chiếc thuyền mà trên đó là cả một gia đình lưu động, trên thuyền có những thiết bị, dụng cụ gia đình giản đơn, có vợ chồng, con cái sum vầy thắm đượm tình cảm. Cuộc sống của những gia đình này nay đây mai đó, lênh đênh theo con nước, theo từng phiên chợ sớm, sống kiểu thương hồ. Những em bé sống trên thuyền cùng cha mẹ, có lẽ trong giấc mơ của chúng chỉ có con thuyền, bến nước và những buổi chợ sớm khuya đi về theo con nước vơi đầy.

Trên sông còn nhiều phiên chợ nổi nhóm họp, sản phẩm trao đổi mua bán chủ yếu là các loại hàng nông sản thực phẩm, trái cây, rau củ… có loại sản xuất tại địa phương, có cả sản phẩm các vùng lân cận chuyển tới để trao đổi phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ hoặc được vận chuyển đi xa hơn đến những vùng miền khác. Từng chiếc thuyền, ghe xuôi ngược chở đầy những bắp cải, khoai lang, bầu, bí, quýt, cam, bưởi… những lời mời gọi khách mua hàng tạo nên một khung cảnh rất đặc trưng của sông nước. Văn hóa biểu tượng thương mại của chợ nổi là những “cây bẻo", đầu cây treo một vài món nông sản hay hàng hóa được bán trên ghe xuồng.

z4852767775218_2cd860ba7179fece601dcb18dc2abc77.jpg

Nhà sàn và ghe xuồng vùng sông nước Cà Mau. Ảnh: T.K

​Sống trên sông nước từ bao đời nên các hình thức khai thác, đánh bắt các nguồn thủy sản của người dân Cà Mau cũng khá phong phú và đa dạng như những nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng. Các hoạt động khai thác dần trở thành nghề, làng nghề được trao truyền qua nhiều thế hệ như đóng đáy, ghe cào, chài lưới, cất vó, đặt lợp, giăng câu, dựng chà, đăng… Trong đó, nghề đóng đáy có truyền thống từ lâu đời và đặc trưng với ngư dân vùng sông nước Cà Mau, với ngư dân nghề đóng đáy vất vả, cực nhọc hơn những nghề khác rất nhiều, đóng đáy có các hình thức khai thác là đáy hàng khơi (hàng đáy đóng ngoài biển khơi) và đáy hàng cặm, đáy hàng bè trên sông hay kênh rạch. Ở các cửa sông phổ biến là hình thức đóng đáy hàng cặm, thường là ở những nơi có mực nước sâu từ 15 đến 16m, ngư dân đóng những cây trụ chừng 17 đến 18m xuống lòng sông và cố định một chỗ để xếp hàng từ 2 tới 10 miệng đáy (đáy đan bằng lưới) giăng ngang mặt nước. Khi thả và kéo đáy, theo con nước chảy xiết, luồng tôm cá sẽ chui vào bên trong những chiếc miệng đáy. Đáy hàng bè thì khác biệt hơn vì thường được đóng ở những nơi có lòng sông sâu, nước chảy xiết với dàn đáy liên kết bằng những chiếc ghe lớn (nhiều chủ đáy liên kết đóng bè và hỗ trợ nhau khai thác). Đây cũng là hình thức khai thác đơn giản nhất trong nghề đóng đáy. Ngư dân có thể dựng trụ, giăng đáy hàng bè ở bất cứ khu vực sông nước nào miễn có dòng nước chảy xiết. Vất vả cực nhọc là vậy, nhưng những mẻ đáy kéo theo con nước đầy ắp những con cá, con tôm cũng xứng đáng với công sức lao động của ngư dân.

Những dòng sông cứ miệt mài chảy biết bao mùa nước nổi, đã bồi đắp nên những cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, không thể phân biệt đâu là bờ đâu là ruộng, chỉ thấy thấp thoáng những ngôi nhà lá đơn sơ. Những bóng người đang miệt mài lao động và những đàn chim đang bay theo hướng về cội… Tất cả vẽ nên một bức tranh miền quê thật bình yên, gần gũi đến nao lòng.

Cuộc sống của người dân trên sông nước Cà Mau rất đỗi bình dị và có phần thiếu thốn là vậy, nhưng đến đâu cũng gặp những nụ cười tươi tắn, hồn hậu, có đến mới hiểu được không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Thanh Sơn (quê Sóc Trăng) đã hết lòng khen ngợi con người nơi đây qua bài hát nổi tiếng “Áo mới Cà Mau", thật ấn tượng với những câu ca: Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam… Xuồng ghe ngày đêm không ngớt, người Cà Mau dễ thương vô cùng... Có lẽ nhờ vậy mà sự dễ thương, cái tình của người Cà Mau đã trở thành "thương hiệu" nổi tiếng góp phần khẳng định Cà Mau không chỉ là một vùng đất mộc mạc, chân quê mà rất đỗi thân thiện và mến khách.

Đến với Cà Mau những ngày cuối tháng 10 khi những cơn mưa cuối mùa không còn nặng hạt và những tiếng ì đùng của sấm chớp, mưa cuối mùa rất nhẹ nhàng, rơi rả rích, từ từ như rót vào lòng du khách từng chút buồn lâng lâng. Nếu có trải nghiệm nơi đây, đến khi chia tay chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách rất nhiều cảm xúc về mảnh đất cực Nam thân yêu này. Hy vọng trong tương lai gần, Cà Mau thực sự “thay màu áo mới" phát triển với nhiều thành tựu kinh tế bên cạnh dấu ấn văn hóa đặc trưng miệt sông nước U Minh của các thế hệ cư dân Nam Bộ đã tạo lập hơn ba thế kỷ qua.               

T. K

(Nguồn: VNĐN số 69 – tháng 11, năm 2023)


TRẦN KIỆT
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​