Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CON GÀ TRONG TRANH DÂN GIAN VÀ ĐỒ GỐM VIỆT NAM

 

Thúy Anh

(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)


   Con gà, đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong các nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Được thuần hóa từ rất lâu, gà hoang dã trở thành gà nhà, gắn bó với đời sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng gắn chặt với nhiều tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần). Gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, nhất là ở nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức giúp nông dân ra đồng cày cấy đúng giờ. Trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu.

   Truyền thuyết về vua An Dương Vương Thục Phán cố công xây thành nhưng đấp đến đâu thì đất lở đến đấy, Rùa thần báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con gà trắng thì xây được thành. Trước đó trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng để gả con gái Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

   Hình ảnh gà có rất nhiều trong tiểu thuyết, thơ ca, nhạc họa nhưng ở giới hạn bài khảo cứu này chỉ muốn tìm hiểu đôi nét về hình ảnh gà trong tranh dân gian và đồ gốm sứ Việt Nam.

Con gà trong tranh dân gian Việt Nam

  Theo tôn giáo dân gian của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thì gà là thực phẩm dành riêng để kính dâng lên tổ tiên và thờ cúng Thành Hoàng Trong tiếng Hán, Đại kê (gà trống) gần âm với chữ Đại cát. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân. 

Nơi thôn xóm Việt Nam, người nông dân bao đời chân lấm tay bùn, bạn cùng cây lúa, củ khoai, đàn gà, đàn lợn, ước mơ từ ngàn đời một cuộc sống no ấm bình yên của những tâm hồn chất phác, đôn hậu, thuần khiết đã hình thành nên một nền văn hóa dân gian đáng trân trọng trong các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Hàng trống, tranh Kim Hòa, tranh Làng Sìn... Tranh Gà Đông Hồ hay tranh Gà Hàng Trống thường bán chạy vào dịp Tết Nguyên đán ở các vùng quê bởi vì hình ảnh con gà mang lại biểu tượng sung túc, sum vầy, mọi điều thuận lợi (Đại cát). Nhất là hình ảnh con gà trống tuyệt đẹp, oai vệ được in khắc độc nét vừa mạnh mẻ vừa mềm mại lại thêm vào những sắc màu tươi sáng có thể làm rực lên ngôi nhà vách nứa đơn sơ trong những ngày Tết.

Tranh ga dong ho.jpg 
Tranh gà Đông Hồ

   Những con vật nuôi trong nhà như: chó, mèo, gà, lợn là những con vật không thể thiếu ở nông thôn. Người nông dân lý giải chức năng của chúng cụ thể rõ ràng: Con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, gà, lợn nhặt nhạnh cơm thừa, canh cặn, hạt rơi hạt vãi nhưng vẫn sinh sôi, nảy nở về số lượng mang lại sự khá giả, sung túc cho người chủ.

 

Vinh hoa.jpg 
 
 Vinh hoa - Tranh Đông Hồ

  Trên bức tranh Đại Cát, chú gà trống kiêu hãnh, hùng dũng cất tiếng gáy “oai phong”báo hiệu rạng đông, cần mẫn, chính xác như một cái đồng hồ, biểu tượng cho sự tốt lành, mọi điều thuận lợi. Đó cũng là câu chúc tụng đầu năm mới. Em bé trai ôm gà là Vinh Hoa, bé gái ôm vịt là Phú Quý. Với ước mơ vinh hiển, giàu sang, tranh gà đàn gợi lên ý nghĩa phồn thực, sinh nở. Đẻ như gà, còn có ví von cụ thể nào hơn. Trên vách tre nứa giản dị, xôn xao bức tranh gà đàn như một ước muốn đầu xuân thật thà mà giản dị: Con đàn cháu đống vui cửa vui nhà!

​   Con gà trong đồ gốm Việt Nam

​   Gốm Việt Nam trải qua gần một vạn năm phát triển đã trở nên vô cùng phong phú từ hình dáng, xương đất đến kỹ thuật trang trí gốm. Trang trí phổ biến trên gốm Việt Nam là các đồ án Tứ linh (Long, lân, qui, phụng), Tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), Tứ quý (Mai, lan, cúc, trúc). Nhưng các con vật quen thuộc, thân thiết với người nông dân như: lợn, gà, cá, chim… vẫn thường xuyên xuất hiện trên các đồ gốm dân dụng và cả gốm mỹ nghệ. Hình ảnh con Gà được nghệ nhân gốm khá chú ý nhờ hình dáng oai vệ, đẹp tuyệt của gà trống: 

​   “Đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên

​   Ngày năm bảy vợ, tối ngủ riêng một mình”

                                      (Câu đố dân gian)

​   Và hình ảnh đàn gà đông đúc quây quần, quấn quýt bên nhau của gà mái mẹ và bầy con hay có đủ cả gà trống, gà mái và đàn con tượng trưng cho hạnh phúc sum vầy, sung túc, theo quan niệm dân gian Việt Nam được tạo hình thành tượng gốm gà bằng đất nung ở Thế kỷ 13 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh không những tái tạo được hình ảnh con gà mà còn thể hiện được sinh khí (Hình1) ; ấm hình gà Chu Đậu thời Lê sơ, đầu gà có mào, đuôi cong, chân đế hình bầu dục, vẽ lam lông cánh và đuôi đậm tính mộc mạc, thân thiện và gần gũi (Hình 2). Hình con gà luôn ở tư thế động, bươi tìm thức ăn cho đàn con, đấu đá nhau giữa hai con gà trống hay bay, nhảy với đôi cánh dang rộng nhưng đôi khi cũng ở tư thế tĩnh, nghỉ ngơi dưới tàng cây râm mát, bảo bọc đàn con tránh khỏi sự săn lùng của diều hâu, chó sói, âp ủ đàn con trong đêm đông giá rét… 

​   Hình ảnh gà còn được vẽ trên các dĩa, bát, thố, ấm trà thuộc gốm dân dụng hay trang trí trên các bình hoa, chậu kiểng bằng men màu xanh lam, men màu nâu trang nhã.

​   Gốm hoa nâu - một dòng gốm lấy trang trí màu nâu làm chủ đạo, mang đậm nét nghệ thuật dân gian đã từng chiếm vị trí rất quan trọng trong phức hợp gốm suốt bốn thế kỷ, đóng góp nhiều nét riêng cho nền mỹ thuật Đại Việt. Gốm hoa nâu cũng sử dụng hình gà để trang trí gốm.Thạp có nắp, gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13,14) - (Hình 3) vẽ hai con gà trống bằng men màu nâu trên nền màu vàng ngà. Nét chạm khắc mạnh mẻ thể hiện được vẻ oai vệ của gà trống đang “xửng cồ”.

​   Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam (Ceramics on five Shipwrecks off the coast of Viet Nam) cũng có gốm sứ Việt Nam trong tàu cổ Cù Lao Chàm ở thế kỷ 15: Đĩa được trang trí bằng đôi gà đang chọi nhau bằng màu xanh cô-ban và nhiều màu trên men đã phai nhạt do nước biển, nét vẽ mộc mạc, đáng yêu nhưng đầy biểu cảm - (Hình 4)

​   Gốm sứ Bát Tràng cũng có tượng gốm gà trống tuyệt đẹp biểu tượng cho sức sống trường sinh và sự tỉnh thức.

​   Tượng gốm gà trống Bát Tràng

​   Tiếng gáy của con gà trống như báo hiệu về ánh sáng, về sức mạnh thần linh, về sự xua đuổi mọi tà ma, bóng tối và sự chết. Gắn liền với đời sống văn hóa làng quê Việt, bàn tay người thợ gốm Bát Tràng đã sáng tạo ra tượng gốm gà đẹp hoàn hảo.

​   Tóm lại, con gà được con người chọn làm một trong mười hai con giáp biểu tượng cho mười hai tháng trong một năm không phải là ngẫu nhiên mà là cả một triết lý sống, nhân sinh quan, phong thủy và trên tất cả là biểu tượng tâm linh thuần khiết, vừa sâu sắc lại giản dị, vừa gần gũi, mộc mạc lại thấm đậm tính văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, hình ảnh con gà thể hiện ở lĩnh vực tranh dân gian và gốm sứ Việt Nam từ truyền thống cho đến hiện đại đã gồm thâu được toàn bộ giá trị về nhân văn và mỹ thuật với biểu tượng cho cái đẹp, sức sống, lao động tần tảo, thủy chung và sự sinh sôi nảy nở.

 T.A

MỘT VÀI HÌNH ẢNH THAM KHẢO:

 

hinh 1.jpg
(Hình 1)

hinh 2.jpg
(Hình 2)

Hinh 3.jpg
(Hình 3)

Hinh 4.jpg
(Hình 4)



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​