Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NẶNG TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Phạm Văn Đảng

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

  

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, hơn ai hết, Đại tá Dương Hòa Hiệp thấu hiểu những đau thương, mất mát của những người lính đã từng xông pha lửa đạn. Trong số đồng đội của anh, nhiều người trở về không còn nguyên vẹn, nhiều người mãi mãi tuổi thanh xuân, lặng yên dưới bia mộ vĩnh hằng... Trách nhiệm với nhân dân, với đồng đội một thời trận mạc càng thôi thúc anh tiếp tục công việc gian lao mà cũng rất đỗi tự hào.

Nghỉ hưu không có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ

Đại tá Dương Hòa Hiệp tâm sự với tôi như vậy trong một buổi chiều hiếm hoi không tiếp khách. Nói là hiếm hoi bởi vì anh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh quản lý 32 ngàn hội viên. Một con số quá lớn làm tôi khá bất ngờ. Anh cho biết, mảnh đất miền Đông nói chung và Đồng Nai nói riêng vốn là chiến trường trọng điểm trong kháng chiến trước đây. Có hàng vạn liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc nằm lại nơi này. Trong số đó, nhiều người chưa tìm được tên, và rất nhiều người còn ở đâu đây giữa hoang vu rừng núi. Thế nên, chỉ nội việc rà soát chế độ chính sách và lãnh đạo Hội hoạt động theo quy chế đã ngốn của anh không biết bao nhiêu thời gian. Vì vậy, sau khi nhận được cuộc hẹn của tôi, phải ba lần xếp lịch thì tôi mới gặp được anh trong căn phòng làm việc chất đầy công văn, sổ sách. Gặp tôi, anh cầm thước khoanh tròn trên tấm bản đồ công tác và giới thiệu địa hình khu vực. Vẫn dáng người quắc thước, tác phong chỉ huy của vị Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh dường như không thay đổi là mấy. Khi nói với anh cảm nhận ấy, anh cười hiền bảo, mỗi cương vị có khó khăn khác nhau. Nhưng tựu chung, đã là người lính thì thời nào cũng thế. Đã là việc nghĩa thì lại càng không được suy nghĩ thiệt hơn.

Vâng, đơn giản thế nhưng khi bắt tay vào mới thấy còn biết bao trăn trở. Người lính già rưng rưng khi kể về tháng ngày chân mang dép đúc, xắn quần lội bưng mang truyền đơn cho cách mạng. Ngày ấy, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút quân khỏi miền Nam nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn đang say máu lùng sục khắp mọi nơi. Chàng thanh niên 16 tuổi Dương Hòa Hiệp xung phong gia nhập đội quân du kích xã Bảo Định, huyện Xuân Lộc. Không biết bao nhiêu lần giáp mặt với lính cộng hòa và cũng không biết bao nhiêu lần vượt qua các chốt kiểm soát gắt gao của địch. Chỉ biết rằng tất cả công văn tài liệu mà mấy anh, mấy chú giao đều được chiến sĩ trẻ vận chuyển thành công. Theo đó tình hình mỗi ngày một biến chuyển và chiến thắng nối tiếp nhau trong đó đóng góp phần không nhỏ của các đội du kích địa phương đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Một trong những trận chiến đấu ác liệt mà anh nhớ mãi đó là trận tiến công tập kích địch của trung đội trinh sát huyện Xuân Lộc ngày 17/5/1974. Đó là một căn cứ bảo an với rất nhiều tên ác ôn có nợ máu với cách mạng. Tỉnh đội Đồng Nai giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Xuân Lộc điều nghiên và sử dụng đại đội trinh sát làm nòng cốt tập kích tiêu diệt. Kết quả ta đã quét sạch căn cứ địch làm nức lòng quân và dân vùng tạm chiếm, còn trung đội trinh sát có 4 đồng chí hi sinh.

Kể đến đây anh Hiệp hơi nghẹn giọng và dừng lại hồi lâu, đôi mắt nhìn xa xăm nghĩ ngợi. Tôi khẽ châm thêm ly trà đưa anh, người lính già xoay mãi trong hai bàn tay lặng lẽ. Anh đứng dậy bước ra mở cửa sổ rồi chậm rãi nói: Vẫn biết chiến thắng nào mà chẳng có mất mát hi sinh. Nhưng trận này có một đồng chí của anh, đến bây giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Tôi đang định hỏi nguyên do thì anh ra dấu im lặng. Chiến tranh mà! Có nhiều điều tương tự thế. Nhưng anh tin liệt sĩ Hồ Hai sẽ sớm được công nhận thôi. Vì anh là người chứng kiến toàn bộ trận đánh, và cũng còn rất nhiều nhân chứng sống ở Xuân Lộc giúp anh hoàn thiện hồ sơ của chiến sĩ Hồ Hai. Anh Hiệp bảo, lúc hy sinh anh ấy chưa vợ con gì, sau này cha mẹ mất đi, anh chị em của liệt sĩ thì mỗi người mưu sinh tứ tán mỗi phương, thành ra trách nhiệm bây giờ là của anh và những người đồng chí. Họ đã không tiếc máu xương thì công việc thủ tục giấy tờ khó cỡ nào anh Hiệp cũng sẽ quyết tâm thực hiện. Mang trong mình nỗi ưu tâm ấy, nên từ khi trúng cử Đại biểu HĐND tỉnh và được giao địa bàn huyện Tân Phú, anh Hiệp luôn đau đáu với công việc giải quyết nguyện vọng cử tri trong đó có công tác đền ơn đáp nghĩa. Cuộc tiếp xúc nào với bà con anh cũng lắng nghe tâm tư nguyện vọng một cách nghiêm túc nhất và sẵn sàng chia sẻ. Những ý kiến trong thẩm quyền, anh phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết ngay. Những vấn đề mang tính thủ tục phức tạp, anh soạn công văn tham mưu cho các sở ngành có liên quan đốc thúc giải quyết.

Kể đến đây anh cười vui, nói là đốc thúc bởi người lính quen như thế, phần nữa vì trước đây anh Hiệp là Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, nên rành rẽ về chế độ chính sách. Cái khó nhất theo anh là các văn bản hướng dẫn kê khai còn vướng nhiều rào cản. Hơn nữa, qua thời gian có những chương trình đã giải quyết cơ bản, song vẫn còn một vài trường hợp như liệt sĩ Hồ Hai quê anh là ví dụ điển hình. Gần đây nhất, tháng 9/2018, trong một khu vườn của người dân huyện Tân Phú phát hiện xương cốt và di vật quân giải phóng. Anh lập tức hiệp đồng với cơ quan chuyên trách, tổ chức cất bốc và quy tập được 10 bộ hài cốt liệt sĩ. Lễ truy điệu trọng thể được tổ chức tại địa phương, nhưng việc xác định danh tính liệt sĩ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Có lẽ anh lại sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa, để tìm thêm từ bất cứ một manh mối nào.Vậy nên dù đã được nghỉ hưu theo chế độ, song với cương vị mới: Chủ tịch Hội CCB và Đại biểu HĐND, Đại tá Dương Hòa Hiệp chưa bao giờ nghĩ mình được phép nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Anh coi đó là lẽ sống, là trách nhiệm cao cả với những người ngã xuống để góp phần giải phóng quê hương.

“Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”

Chia sẻ thêm về công việc của một Đại biểu HĐND, Đại tá Dương Hòa Hiệp cho biết: Từ khi trúng cử năm 2016 đến nay, trải qua các lần tiếp xúc với cử tri, anh đã đi giáp vòng gần hết 18 xã, thị trấn trong toàn huyện. Căn cứ vào lịch làm việc, anh cùng các Đại biểu là cán bộ ban ngành chức năng luôn chuẩn bị chu đáo từ thông báo tình hình chung đến kế hoạch cụ thể và việc giải đáp những văn bản hướng dẫn của các cấp. Vì thế anh Hiệp luôn nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của cử tri. Với đặc thù là một huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc giải quyết sinh kế cho đồng bào các dân tộc nơi đây là ưu tiên trước mắt. Theo đó, với khả năng, quyền hạn của mình, anh Hiệp đã động viên sự quyên góp tự giác của Hội CCB tỉnh, huy động vốn ban đầu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Căn cứ vào nguyện vọng của bà con, anh tham mưu cho HĐND huyện đầu tư cây, con giống cho từng hộ sản xuất. Ai có nhu cầu chăn nuôi bò, dê, heo, gà… thì đầu tư chuồng trại, công nghệ và giống vật nuôi cho họ. Hộ gia đình nào trồng cây lương thực hoặc cây ăn trái thì hỗ trợ thành lập HTX, kết hợp định hướng đầu ra sản phẩm… Qua thời gian gần 3 năm, kết quả cho thấy đại đa số các hộ nghèo (theo chuẩn của Đồng Nai) đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là số hộ nghèo là cựu chiến binh trong huyện Tân Phú đã thoát nghèo và phát triển khá bền vững. Hơn 10 trường hợp thuộc diện hưởng chính sách sau chiến tranh theo thông tư của Chính phủ đã được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và có quyết định chi trả đúng quy định. Anh cho biết thêm, trong những năm qua, CCB toàn tỉnh luôn đi đầu trong tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, tích cực xây dựng và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Trải qua các địa bàn như xã Phú An, Thanh Sơn, Phú Lộc, Phú Thuận, Núi Tượng… anh Hiệp nhận ra rằng phản ánh của bà con hầu như rất có cơ sở và hợp lý. Đơn cử như một số hộ gia đình chăn nuôi mất vệ sinh, xả thải ô nhiễm môi trường. Với tác phong sâu sát của người lính, anh cùng cán bộ cơ sở kiểm tra và phát hiện đúng sự thật. Từ đó cấp xã, huyện phối hợp tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi khắc phục ngay. Hoặc như đề nghị của bà con về hệ thống công trình điện, giao thông, tưới tiêu… cũng được anh phối hợp chặt chẽ với các ban ngành giải quyết thấu đáo. Hay như việc xử lý bãi rác ô nhiễm môi trường, anh lập tức làm công văn đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định và sau đó có kết quả khắc phục ngay…

Rất nhiều kiến nghị của cử tri trong toàn huyện được các đại biểu lắng nghe, chia sẻ có hiệu quả. Những hành động kịp thời của anh và tổ Đại biểu Tân Phú đã để lại trong lòng người dân tình cảm, sự tin tưởng lớn lao vào các cấp ủy, chính quyền. Trên cương vị là Chủ tịch Hội CCB tỉnh, anh động viên các cấp Hội CCB tham gia công tác Đảng, chính quyền các cấp. Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức và nhân dân giao phó. Hiện nay có 1476 hội viên tham gia cấp ủy, 756 hội viên trúng cử HĐND các cấp. Đây chính là cơ sở để những người Đại biểu như anh ra sức cống hiến trí tuệ và năng lực nhằm giúp giải quyết những ý kiến, nguyện vọng của cử tri tại mỗi địa phương. Khắc sâu lời Bác Hồ đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, anh tâm niệm học ở Bác những điều giản dị nhất và làm vì chức trách, nhiệm vụ của mình, vì đồng đội, vì sự giàu mạnh, tươi đẹp của đất nước quê hương.

P.V.Đ

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​