Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VIẾT CHO THIẾU NHI- KHOẢNG TRỐNG CHƯA THỂ LẤP ĐẦY

   

        1. Vài cảm nhận về sáng tác cho trẻ em hiện nay

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sách, báo, những chương trình nghệ thuật giàu giá trị chân thiện mỹ có thể nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ luôn là nỗi trăn trở lớn của toàn xã hội. Văn học thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Trong số các nhà văn Việt Nam, có những người viết cho thiếu nhi rất nổi tiếng như Đoàn Giỏi, Phùng Quán, đặc biệt là nhà văn Tô Hoài với tác phẩm để đời Dế mèn phiêu lưu ký tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Từ đó đến nay, dường như chưa có một cuộc du ngoạn nào của loài vật vượt qua được chuyến đi trứ danh của chú dế mèn nhỏ bé. Có những nhà văn gần như cả đời chỉ viết cho thiếu nhi như Phạm Hổ, Nguyễn Quỳnh, Định Hải, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Nhật Ánh... Nếu tính những nhà văn nhà thơ trong sự nghiệp sáng tác thi thoảng lại ghé qua “sân” văn học thiếu nhi và để lại dấu ấn thì có rất nhiều, như Xuân Quỳnh, Hồ Phương, Võ Quảng, Xuân Sách, Trần Thiên Hương, Vũ Duy Thông, Trần Đức Tiến, Trần Hoài Dương, Nguyễn Ngọc Tư, Lý Lan, Nguyên Hương, Võ Diệu Thanh, Võ Thu Hương, Mai Bửu Minh, Nguyễn Thị Kim Hòa… Và còn khá nhiều tác giả viết cho trẻ em khác mức độ thành công khiêm tốn hơn ở các Hội VHNT địa phương trong cả nước. Nói như vậy văn học thiếu nhi dường như có vẻ mang một diện mạo sáng sủa và một tương lai rất khả quan. Nhưng sự thật lại đang ở chiều ngược lại. 

Có nhiều ý kiến cho rằng văn học thiếu nhi hiện nay đang khan hiếm. Đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi thưa thớt, quanh đi quẩn lại chỉ thấy nổi lên cái tên Nguyễn Nhật Ánh, vì thế ông được một số nhà phê bình gọi là “ngôi sao cô đơn” trên bầu trời văn học thiếu nhi.

IMG_20190523_115615.jpg
       Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp và các văn nghệ sĩ Đồng Nai trong chuyến thực tế sáng tác tại công ty Lixil Việt Nam - Khu công nghiệp Long Đức, Đồng Nai
 


Nguyên nhân do đâu mà ngày càng ít người sáng tác cho thiếu nhi? Xin thưa, có nhiều lý do. Tỷ lệ người đọc sách ở Việt Nam khá thấp so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Theo Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), trung bình mỗi người Việt Nam đọc 4 cuốn sách/ năm nhưng trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là các loại sách khác, con số này ở Nhật Bản là 20 cuốn/ năm. Trẻ em Việt cũng ít đọc như người lớn. Nhà thơ thần đồng một thời Trần Đăng Khoa từng than rằng nhà ông đầy sách, ông đi đến các trường khuyến khích trẻ em đọc sách nhưng chính con ông cũng không đọc. Nhà thơ cho rằng lỗi ấy không do trẻ em mà do người lớn. Trẻ em bây giờ xoay như chong chóng với việc lên lớp, làm bài tập, học thêm… Có chút thời gian rảnh thì các loại game giải trí lại vừa sẵn vừa hấp dẫn khiến trẻ không còn mặn mà với sách văn học. Một số em ham đọc thì lại lựa chọn truyện tranh như Doaremon, Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng và rất nhiều truyện tranh khác in trên giấy xấu, chằng chịt hình vẽ với những lời thuyết minh cụt ngủn theo kiểu ùng, oàng, huỵch, xoẹt...  Trẻ em không đọc sách văn học thì dĩ nhiên, hứng thú viết cho thiếu nhi của các nhà văn, nhà thơ sẽ sút giảm. Trong bối cảnh ảm đạm ấy, Hội Nhà văn Việt Nam lại giải thể Ban văn học thiếu nhi, giải thường dành cho văn học thiếu nhi cũng không còn. Điều này khiến những người sáng tác cho thiếu nhi càng hụt hẫng, giảm động lực, chỉ những ai yêu trẻ lắm mới có thể cầm bút sáng tác cho các em. Nếu tình hình không được cải thiện thì văn học thiếu nhi có lẽ sẽ còn tiếp tục là nỗi lo của những người quan tâm đến trẻ em Việt Nam.

       2.  Sáng tác cho thiếu nhi ở Đồng Nai

Sáng tác cho thiếu nhi trong cả nước đang là bức tranh sẫm màu, vậy ở Đồng Nai thì sao? 

Nhớ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, gần như tất cả trẻ em miền Bắc đều say mê cuốn truyện thiếu nhi “Tướng Lâm Kỳ Đạt “ của nhà văn Hoàng Văn Bổn với các nhân vật Lâm Kỳ Đạt, bé Ái, lão Thần nước mặn… hết sức sinh động. Chú bé Lâm Kỳ Đạt là vị chỉ huy nhỏ tuổi của trẻ em làng Bình Long chống thực dân Pháp rất gan dạ, thông minh, mưu lược và cũng rất tình cảm với gia đình, bạn bè, quê hương từng là thần tượng của rất nhiều cô bé cậu bé. Nhà xuất bản Kim Đồng đã in đi in lại hàng vạn bản sách để phục vụ nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi. Thời điểm đó tôi chưa biết tác giả là nhà văn của Đồng Nai. Có thể nói, nhà văn Hoàng Văn Bổn là người viết cho thiếu nhi ấn tượng nhất mà tôi được biết khi còn cắp sách đến trường. Ngoài Tướng lâm Kỳ Đạt, ông còn viết nhiều cuốn khác như Tuổi thơ trong làng, Bên kia sông Đồng Nai, Theo dấu người xưa, Ngày xửa ngày xưa… 

Không biết có phải chịu tác động ít nhiều từ nhà văn Hoàng Văn Bổn hay không mà trong mấy chục năm qua, Hội VHNT Đồng Nai đã hình thành một đội ngũ người viết cho thiếu nhi khá hùng hậu. Bản thân tôi từng đọc nhiều sách thiếu nhi của bạn bè, đồng nghiệp như Đường bong bóng bay, Ông thầy cũ kỹ, Cả làng biếtbay của Thu Trân, Năm đứa trẻ xóm đồi của Nguyễn Một, Tuổi thơ không có cánhdiều và Chuyện trên đồi Đất Đỏ của Nguyễn Trí, Lạc giữa hành tinh và Cuộc chiếncua kềnh của Phạm Thanh Quang, Cơn lũ ốc sên và hoa hồng, Chàng thợ gốm của Trần Thu Hằng. Riêng nhà văn Khôi Vũ thì tôi đã đọc hàng chục đầu sách thiếu nhi của ông như Kỳ nghỉ hè ở biển, Cha con ông mắt mèo,Vụ án ba trái xoài,Người giỏi chưa chắc đã thắng, Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ…vv… Một số nhà văn, nhà thơ khác như Bùi Quang Tú, Lê Đăng Kháng, Đàm Chu Văn, Dương Đức Khánh… đều từng viết cho trẻ em. Đó là chưa kể các tác giả khác đôi khi viết một vài mẩu chuyện nhỏ cho độc giả nhí. Gần đây trên văn đàn xuất hiện cái tên viết truyện thiếu nhi rất duyên dáng, dí dỏm là Trâm Oanh và một người làm thơ thiếu nhi khá hồn hậu là Phạm Đình Phượng với tập thơ Lời của gió. Năm 2018, hội viên của Hội xuất bản được khá nhiều sách thiếu nhi, gồm Chuyện Mếu và Máo của Trâm Oanh, Chuyện Bin mũi hếch, Cù lao yêu dấu của Hoàng Ngọc Điệp, Trên đồi đấtđỏ của Nguyễn Trí, Cuộc chiến của kềnh của Phạm Thanh Quang… Năm 2020 tác giả Trâm Oanh được Hội đồng tư vấn xuất bản duyệt tài trợ cuốn truyện thiếu nhi Lũ trẻ hẻm cây khế, đó là tín hiệu vui, góp phần khích lệ người viết cho thiếu nhi. 

Đến với bạn đọc nhỏ tuổi, mỗi nhà văn Đồng Nai một kiểu kể chuyện, một cách mô tả và đều có sức hấp dẫn riêng. Nhưng khách quan mà nói, ở Đồng Nai số nhà văn có phong cách, cá tính riêng và theo đuổi việc sáng tác cho trẻ em như một thúc bách nội tâm còn qúa ít, dường như chỉ có nhà văn Khôi Vũ. Đến nay ở tuổi 70 ông vẫn sáng tác đều và luôn được trẻ em hào hứng đón nhận. Nhà văn nữ Thu Trân từ lâu đã chuyển về TP Hồ Chí Minh cũng là tác gỉa chịu khó viết cho thiếu nhi. Nhà thơ Cao Xuân Sơn từng có tiếng là một cây bút viết cho thiếu nhi cả văn xuôi lẫn thơ rất sắc sảo, có duyên, cũng về thành phố Hồ Chí Minh từ lâu và gần như đã thôi không còn sáng tác cho tuổi thơ. Ngoài những gương mặt kể trên và vài tác giả khác có sách viết cho trẻ em, một số tác giả dường như chỉ sáng tác cho thiếu nhi như một việc làm tay trái, một sự đổi món cho đỡ nhàm tẻ. Gần đây, tiêu thụ sách khó khăn, sách thiếu nhi cũng chung cảnh ngộ nên việc sáng tác cho thiếu nhi càng gặp khó hơn. Năm 2017, để cải thiện phần nào tình hình, Hội VHNT Đồng Nai tổ chức một trại sáng tác cho thiếu nhi nhưng cũng phải kèm thêm vào đề tài dân tộc thiểu số. Sau trại sáng tác, Hội đã xuất bản được một tuyển tập dày dặn. Tiếc rằng điều này cũng không vực lên được tinh thần sáng tác cho trẻ em của các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh. 

Về chất lượng, các tác giả Đồng Nai viết cho thiếu nhi tuy chưa có những cái tên đình đám nhưng cũng có dấu ấn riêng. Ai đã đọc Mếu và Máo của Trâm Oanh sẽ thấy tác giả có năng lực quan sát, giọng văn hóm hỉnh, hài hước là những yếu tố rất cần đối với người sáng tác cho thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Trí nói, ông chưa bao giờ viết cho trẻ em. Khi in xong cuốn Tuổi thơ không có cánh diều ( NXB Kim Đồng ấn hành) ông hỏi tôi, liệu cuốn sách của ông có phải là sách thiếu nhi không, tôi bảo phải, lúc ấy ông mới tạm an lòng. Tuổi thơ không có cánh diều gần như là tự truyện của Nguyễn Trí về một tuổi thơ không bình yên, phải trải qua rất nhiều biến cố mất mát thua thiệt khiến người đọc xúc động vì tính chân thực của nó. Qua hai cuốn sách, nhà văn Nguyễn Trí cho thấy ông là một người viết cho trẻ em cũng cuốn hút như khi ông viết cho người lớn. Nhà văn Phạm Thanh Quang gắn bó máu thịt với ruộng đồng nên ông mô tả thế giới dưới nước của cua cá, ếch nhái, lươn, chạch vô cùng sinh động, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đọc Cuộc chiến cua kềnh của ông cũng thấy thú vị. Phạm Thanh Quang còn có khả năng sáng tác thơ cho thiếu nhi, tiếc là ông chưa đủ đam mê và quyết tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này. Có thể thấy, tuy chưa theo được nhà văn tài danh Hoàng Văn Bổn, nhưng văn học thiếu nhi Đồng Nai đã có sự tiếp nối thế hệ đi trước và ít nhiều có dấu ấn.

Viết cho trẻ em dễ hay khó? Câu trả lời là: viết cho đối tượng nào cũng khó, nhất là viết làm sao để các em chịu bỏ thời gian tìm đọc sách của mình. Thực tế, nhu cầu của thiếu nhi, của các bậc phụ huynh và của những người quan tâm đến chiến lược giáo dục trẻ em là rất lớn. Nhưng sách thiếu nhi bày ở các cửa hàng sách đang hoàn toàn bị lấn át bởi một rừng sách các loại.

Tôi có sở thích đọc văn học thiếu nhi của các tác giả nước ngoài. Nhiều người viết rất hay, đó là nhờ tài năng. Nhưng có lẽ còn vì ở nước ngoài, các nhà văn không bị gò bó bởi quan niệm viết cho thiếu nhi phải chuyển tải được một thông điệp nào đó, một bài học đạo đức chẳng hạn. Họ không tự trói buộc mình vào những chuẩn mực có phần giáo điều, có thể thoải mái mô tả một thầy hiệu trưởng với bộ dạng hài hước, gây cười, như một bức tranh biếm họa, một cô giáo với ngoại hình và cá tính kỳ quặc, như “con ngoáo ộp” mà không sợ bị quy chụp là bôi bác ngành giáo dục. Nhiều người cho rằng sách thiếu nhi của ta quá chú trọng những bài học luân lý đôi khi khô cứng, xa rời hiện thực nên không hấp dẫn trẻ em. Có lẽ chúng ta chưa thật hiểu tâm lý trẻ, không biết chúng thích gì, ghét gì, chỉ viết những cái mình thích và cho là cần nên đôi khi áp đặt suy nghĩ già nua cho trẻ. Nói vui là người lớn “suy bụng ta ra bụng trẻ”. Tại một cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng các nhà văn, nhà thơ ít viết cho trẻ em vì chưa thấy hết vai trò quan trọng của văn học thiếu nhi trong văn học nghệ thuật. Ông cho rằng đã đến lúc phải khác đi. Viết cho trẻ em không thể mãi là những cuốn sách khô cứng, đầy tính đạo đức mà phải tạo ra một thế giới của trí tưởng tượng. Tác giả phải nhập cuộc vào đời sống của trẻ em. Người sáng tác cho thiếu nhi nếu không thật sự hòa mình vào đời sống của trẻ thì rất dễ rơi vào tình trạng “ cưa sừng làm nghé”, xa lạ với cách cảm, cách nghĩ, cách hành xử của các em. 

Trẻ em ngày nay khôn hơn, khó tính hơn, đời sống vật chất với những nhu cầu ảo và thực tác động khiến cho tâm hồn trẻ em bớt trong sáng, hồn hậu như trẻ cách đây nhiều thập niên. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng giáo dục trẻ em mà như không giáo dục thì mới thuyết phục được trẻ. Những bài học đạo đức nếu có cũng chỉ nên nhẹ nhàng giản dị, gần gũi với tâm hồn trẻ em. Tác phẩm VH thiếu nhi cần bảo lưu những giá trị truyền thống, nhưng cũng phải hiện đại, mới mẻ, phù hợp với nhịp sống hôm nay. 

       3. Đề xuất giải pháp thúc đẩy sáng tác cho thiếu nhi

Văn học thiếu nhi đang cần một “cú hích”, xin mạo muội đưa ra một vài giải pháp như sau:

        Về phía các cơ quan quản lý, xuất bản, phát hành:

Nhà xuất bản Đồng Nai gần đây đã liên kết, phối hợp với nhà văn Khôi Vũ làm truyện tranh về đề tài lịch sử, đề tài danh nhân, nhằm phát hành trong hệ thống trường học trong tỉnh. Nếu sự kết hợp có tính thử nghiệm này thành công thì không chỉ trẻ em hưởng lợi, được bổ sung kiến thức về truyền thống lịch sử văn hóa vùng đất ĐN mà còn mở ra cho nhà văn ĐN một hướng đi mới. Gần đây nhà văn Nguyên Hương viết lại truyện cổ tích Việt Nam với một tâm thế mới và một phong thái khác, đó là gợi ý hay cho những người sáng tác cho thiếu nhi. Tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn xuất bản tổ chức vào tháng 8 năm 2019, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Xuất bản Nguyễn Hòa Hiệp đã đề nghị NXB Đồng Nai xuất bản cuốn Những đứa trẻ hẻm cây khế của tác giả Trâm Oanh, phát hành trong nhà trường. Nếu hiệu quả, Hội đồng Tư vấn Xuất bản tỉnh sẽ ưu tiên hơn cho sách thiếu nhi. Nên chăng Nhà xuất bản Đồng Nai tham mưu cho Uỷ ban ND tỉnh tổ chức trại sáng tác giành riêng cho các tác giả viết cho thiếu nhi. Ngoài NXB Đồng Nai còn cần có sự chung tay của cấp, nhiều đơn vị. Trong cơ chế khen thưởng tác phẩm VHNT của tỉnh, rất cần trao giải thưởng cho những cuốn sách xuất sắc viết cho trẻ em.

       Về phía lực lượng sáng tác

      * Quan tâm tới đội ngũ sáng tác trẻ

Nhiều năm qua, Hội VHNT rất chú trọng bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ, hàng năm đều tổ chức trại sáng tác VHNT giành cho bạn trẻ dưới 35 tuổi. Năm 2019 Hội VHNT đã xuất bản cuốn Khi tôi dám ước mơ gồm tác phẩm chọn lọc của các em từng được sinh hoạt tại CLB Sáng tác Trẻ Nhà thiếu nhi ĐN, do nhà văn Khôi Vũ trực tiếp dẫn dắt. Có thể thấy tuổi của người viết và tuổi bạn đọc nhí gần nhau nên rất dễ tìm được tiếng nói chung. Hầu hết thơ, truyện của các tác giả trẻ đều tươi tắn, chân thực, mang hơi thở của thời đại nên được bạn đọc nhỏ yêu thích. Điều đó cho thấy Hội VHNT cần tiếp tục bồi dưỡng, khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ, kế tục sự nghiệp của các nhà văn nhà thơ lớp trước. Các nhà giáo dục cũng phải quan tâm quảng bá, làm cầu nối giúp trẻ em và các bậc cha mẹ tiếp cận với các tác phẩm hay, có giá trị.

      * Thay đổi cách nghĩ về văn học thiếu nhi

Không biết từ bao giờ, nhiều nhà văn mặc định rằng truyện thiếu nhi là “ chiếu dưới”, chưa phải văn học. Vì thế những người viết cho thiếu nhi không mấy được đề cao. Từ thực tế văn học thiếu nhi Đồng Nai, có thể nói, viết cho thiếu nhi muốn thành công không thể coi đó là việc đổi món, thêm gia vị cho sự nghiệp cầm bút của mình. Sáng tác cho trẻ em cũng phải giành hết tâm huyết, chuyên tâm, chăm chút cho từng trang viết, đó là cách ta tôn trọng mình, tôn trọng độc giả nhí. 

HOÀNG NGỌC ĐIỆP 

 


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​