Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỚ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HOÀI THANH



     Nghề văn có khi viết dở chừng thì bế tắc, không biết câu chuyện sẽ tiếp tục ra sao, cái kết như thế nào cho đắt. Có người đành om ủ hàng vài năm, vài tháng, vài tuần. Cái cảm giác như người đang lưu thông trên đường bỗng bị nghẽn lại rất bức bối, khó chịu. Thế rồi một ngày nào đó trong lúc trà dư tửu hậu cùng bạn bè, lang thang trên đường phố vắng, một mình vò đầu vỗ trán trước trang giấy trắng hoặc tình cờ giở một cuốn sách, nhớ tới một lời bình bỗng dưng bật ra hướng giải quyết. Tôi đã gặp một trường hợp như thế khi viết dở truyện ngắn vui “Huyền thoại về một tấm gương sáng”, đang loay hoay thì chợt nhớ tới lời bình của ông Hoài Thanh về một bài ca dao chả ăn nhập gì với câu chuyện cả, thế mà có ngay lời giải đáp.

     Để bồi đắp cho sự học, sự dạy, sự viết văn tôi rất ham đọc nghiên cứu lý luận phê bình. Nó gợi ra cho mình một cách đánh giá, nhìn nhận - tuy là chủ quan của người viết - chuyện đúng sai chưa bàn tới, hoặc chỉ phù hợp với một thời cũng chưa nói tới nhưng ít nhất cũng trang bị cho mình một điểm nhìn. Chẳng hạn như các nhà nghiên cứu lý luận cho rằng văn của Nguyễn Khải là “hiện thực tỉnh táo”, văn của Nguyên Hồng là “hiện thực thống thiết”. Việc định danh hai loại phong cách như vậy đã giúp tôi hiểu ra rằng tùy theo tạng của nhà văn mà có những cách viết khác nhau. Tuy nhiên tôi vẫn thích đọc những bài nghiêng về cảm thụ hơn, thường là do các nhà văn  nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương - những người trong nghề am hiểu thấu đáo và tinh tế viết. Ngoài ra tôi rất mê đọc phê bình của ông Hoài Thanh. Tôi không rõ  Hoài Thanh có làm thơ không nhưng đọc  thấy cái chất tài hoa nổi lên trên từng câu, từng chữ, mỗi ý, mỗi cảm xúc. Với lối viết  “đem lòng tôi để hiểu lòng người” Hoài Thanh đã trở thành nhà thơ của mọi nhà thơ. Cách viết của Hoài Thanh vừa khái quát vừa cụ thể, câu văn mềm mại, uyển chuyển, giàu chất thơ khiến ta thấm thía, rung động. Cuốn “Thi nhân Việt Nam” viết chung với người em Hoài Chân đã trở thành sách phê bình văn học kinh điển. Bản tính khiêm nhường đã khiến Hoài Thanh trước lúc qua đời trăn trối lại với người con trai - nhà văn Từ Sơn: “... Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta công nhận cha thực sự là một nhà văn”. Thực ra sau cuốn Thi nhân Việt Nam nhà phê bình Hoài Thanh còn có rất nhiều thành tựu khác, ông vẫn có những cảm nhận rất tinh tế, có tính phát hiện về một số tác giả văn học hiện đại, về Truyện Kiều, thơ kháng chiến và ca dao, dân ca.

HoaiThanh1-050221.jpg

Chân dung nhà phê bình Hoài Thanh (st)


     Trở lại truyện ngắn “Huyền thoại về một tấm gương sáng”, tôi viết vào năm 1990 nhưng lấy bối cảnh câu chuyện từ những năm 1979-1980. Lúc bấy giờ Bộ giáo dục có đề ra chủ trương “Mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương sáng” và mỗi trường cần có ít nhất một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Chủ trương này hoàn toàn đúng vì nhà giáo không những là người truyền thụ kiến thức mà còn nêu tấm gương về nhân cách, nếu không đặt trong bối cảnh đất nước và ngành giáo dục lúc bấy giờ. Nhà giáo đói quay đói quắt, ở ngoài Bắc giáo viên phải nhận đồng lương còm tiêu vèo trong vài ngày là hết, thậm chí phải nhận cả phân bón, mỳ tôm thay lương. Trong Nam nhà giáo ăn độn bo bo dài ngày, thậm chí ăn độn chuối xanh, giá chợ đen cao ngất ngưởng, đồng lương thì ít ỏi. Nhà giáo bươn chải quay cuồng làm đủ mọi việc để vá víu vào những thiếu hụt. Buôn bán, nuôi heo, trồng rau, làm thuê. Ước mơ của nhà giáo lúc bấy giờ là mỗi bữa có “ một món canh một món mặn” mà không sao thực hiện được, trên mâm cơm chỉ chỏng chơ bát canh suông, lâu lâu mới có con cá, miếng thịt. Đã đói nghèo thì sinh ra nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cho nên cái chủ trương của Bộ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng” nó lạc điệu, chóng tàn, sớm rơi rụng. Năm 1990 tôi đã thấm thía tới tận cùng cái nghèo đói, đã bị bầm dập xót xa bởi cơ chế, sau khi nghỉ làm hiệu trưởng có thời gian rảnh rỗi tôi trăn trở  viết một truyện ngắn về cái thời kỳ ấy. 

     Dưới hình thức một câu chuyện vui nhằm phê phán nhẹ nhàng cái tư duy duy ý chí và bệnh chạy theo thành tích. Chuyện kể rằng có một ông hiệu trưởng trường trung học cơ sở được sự khích lệ của ông trưởng phòng giáo dục rằng muốn đạt được trường tiên tiến, được cất nhắc lên cao hơn thì trường phải đạt được bốn tiêu chí, trong đó có một tiêu chí là trường phải có ít nhất một thầy cô giáo là gương sáng. Hiệu trưởng nhớ lại cuộc họp tìm chọn tấm gương sáng cách đây một tuần. Người thì dính “phốt”, thiếu mẫu mực, người viện lý do phải lo chạy bán thuốc tây kiếm cơm, kẻ lại chối đây đẩy: “em mà sáng thì chồng con em tối đen mất”. Rút cục chẳng ai chịu nhận, thế mới não lòng, nào phải hiệu trưởng không quan tâm mà cơ sự như vậy nên đành chịu. Sau một thời gian loay hoay tìm kiếm thầy hiệu trưởng bỗng từ rầu rĩ chuyển sang hớn hở vì đã nhắm được một người. Đó là thầy giáo Tòng. Tòng hội tụ bốn đặc điểm: nghèo, có tinh thần vượt khó, nhiệt tình trong giảng dạy, có lòng thương yêu học sinh. Đó là đặc điểm làm nên tấm gương sáng. Ba lần đến nhà Tòng thuyết phục, vốn hiền lành, cả nể thầy Tòng nhận lời thầy hiệu trưởng. Nắm được yếu điểm “chết người” của thầy Tòng là nghèo khổ dù kinh phí nhà trường ít ỏi, thầy hiệu trưởng cũng đầu tư cho cái vẻ bên ngoài của thầy Tòng khá tươm tất: gắn vào chân một đôi giày tây đen, lồng vào cổ tay cái đồng hồ điện tử, thêm phanh và chuông vào chiếc xe đạp cà tàng - vốn là phương tiện để thầy vừa đi dạy vừa vào rừng lấy củi về bán, mua cho cái bàn là để ủi quần áo thẳng đơ. Thầy trở thành một tấm gương sáng thật sự: đi dạy đúng giờ, đúng buổi, giảng bài sôi nổi cuốn hút, đối xử với học sinh thân thiện. Mặc dù đã cố hết sức gồng lên như vậy nhưng thầy Tòng vẫn lộ ra những biểu hiện của sự thiếu đói, ngặt nghèo. Khuôn mặt héo rũ khi chưa có lương, qua quán phở chỉ nuốt nước bọt…. Người ta thấy thầy ngày càng xanh xao, hốc hác, lo sợ… Viết câu chuyện tới đây thì tôi bó tay, không tìm ra cái kết truyện thật đắt. Và thật ơn trời, trong óc tôi bỗng nhớ tới một bài bình luận của Hoài Thanh đã đọc từ hồi xưa, một bài bình luận chả ăn nhập gì với câu chuyện này cả nhưng lại được lưu vào bộ nhớ của tôi vì ông rất tài hoa trong phát hiện. Thời chống Mỹ, Đài tiếng nói Việt Nam có chương trình binh vận “Gửi anh lính bờ Nam”, đã mời nhiều nhà văn, nhà thơ như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh đến nói chuyện. Từ một bài ca dao xưa, Hoài Thanh đã nhìn ra con người giả - con người công cụ và con người thật – con người đau khổ, bị ép buộc trong anh lính thời phong kiến. Qua bài nói chuyện thơ ấy ông muốn nhắn gửi, thức tỉnh những người lính Việt Nam cộng hòa hãy quay súng trở về với nhân dân, với chính nghĩa. Lời bình ấy như sau:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài

Một tay thì cắp hỏa mai

Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa

     Mấy câu đó nói về anh lính thời xưa, anh lính bị bọn vua quan buộc phải đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, đi chém giết những người chân lấm tay bùn, nghĩa là đi làm những việc trái với lương tâm, trái với quyền lợi của mình. Cho nên từ buổi bước chân ra đi con người của anh lính thời xưa đã không còn là con người thống nhất. Có một con người giả và một con người thực cùng ở trong anh ấy. Ta hãy để ý: bao vàng, nón dấu, súng hỏa mai, giáo… trên mình anh ta thắt, đội, mang, cắp nhất nhất đều do lệnh quan. Chân anh ta bước cũng là do tiếng trống giục. Con người giả, con người công cụ ấy choán hết bài thơ, nó đè nặng lên con người thực. Có một cái gì đó như nghẹn ngào, tức tối. Đến khi con người thực vụt hiện ra ở cuối bài thơ thì câu thơ bỗng khóc òa lên, người ta không trông thấy gì ngoài những dòng nước mắt:

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”

(Hoài Thanh – Phê bình và tiểu luận tập II)

Điều tôi lĩnh hội ở bài viết này là hai mặt trong một con người: con người thật và con người giả. Vận vào câu chuyện tôi đang kể ở trên thì con người giả của thầy giáo Tòng là “một tấm gương sáng” mẫu mực về mọi mặt, thực ra là thầy đang cố diễn, đóng kịch theo ý đồ của trên. Con người thật là đây: nghèo khổ, xác xơ, đói rách. Vì vậy tôi viết kết câu chuyện như sau:

“Một hôm thầy hiệu trưởng đi thị sát lớp. Đến lớp thầy Tòng bỗng nghe tiếng sôi réo òng ọc. Hiệu trưởng dừng lại. Kỳ quá! “Ai sôi bụng”?

Hiệu trưởng bỗng thấy thầy Tòng ôm bụng ngã vật xuống, bọt mép xùi ra đặc quánh, chân tay lạnh ngắt, co quắp. Hiệu trưởng cùng một số giáo viên đưa “Tấm gương sáng” vào bệnh viện cấp cứu, “Ôi thầy ấy đau bụng”- hiệu trưởng báo cáo với bác sĩ. Uống nhiều đợt thuốc kháng sinh vẫn không khỏi. Uống thuốc bổ vẫn li bì, lịt bịt. Đến khi người ta mang tô phở đến hai cánh mũi bệnh nhân phập phồng, ăn hết bát phở “Tấm gương sáng” tỉnh hẳn. “Tấm gương sáng” nhăn mặt nói với mọi người:

- Nhà tôi nghèo lắm, vợ là công nhân nông trường nghỉ mất sức, ba đứa con lít nhít, chỉ trông vào đồng lương ba cọc ba đồng. Từ ngày trở thành “Tấm gương sáng” tôi hết dám đi vào rừng lấy củi về bán.

Nhìn về phía thầy hiệu trưởng, Tòng rân rấn nước mắt:

-Tôi đã không chịu nhận, anh cứ ép hoài.

      Hiệu trưởng  rơm rớm nước mắt:

      -Thầy tha lỗi cho tôi, tôi cũng chỉ là “nạn nhân” của phong trào thôi…

*

 *             *

      Thế là sau nhiều năm loay hoay với thể loại truyện ngắn, viết nhiều nhưng gửi đi chẳng tờ báo nào chịu đăng thì truyện ngắn “ Huyền thoại về một tấm gương sáng” đã được đăng trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh vào giữa năm 1990. Nó choán hết một trang rưỡi báo với giấy báo vàng khè như nghệ, chữ màu đen, có hai hình vẽ minh họa của họa sĩ Nguyễn Đào. Tòa soạn báo lúc ấy nếu tôi nhớ không nhầm nằm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau này truyện được đưa vào Tuyển tập sáng tác của Hội văn nghệ Đồng Nai. Nhà văn Nguyễn Đức Thọ - người phụ trách biên tập tủm tỉm cười bảo tôi: “Bác viết cái truyện ngắn hóm thật”. Truyện ngắn được đăng đã khai mở cho tôi nhiều hướng tiếp cận hiện thực, nhiều cách viết.

      Trong đời thực tôi chỉ gặp ông Hoài Thanh loáng thoáng vài lần,  chủ yếu là biết qua cái đọc, nhưng con trai ông– nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Hồng Giang thì tôi lại quen thân. Năm tháng trôi qua tình cờ giở báo Văn nghệ thành phố có cái truyện ngắn viết và đăng hồi năm 1990 lại nhớ ơn nhà phê bình văn học bậc thầy Hoài Thanh đã gợi mở cho tôi viết cái kết truyện ngắn nâng cao được tầng ý nghĩa của câu chuyện.

Bùi Quang Tú




Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​