Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHO NHỮNG MÙA NGÂU

 


Tản văn của Nguyễn Hải Yến

(Nguồn: VNĐN số 39 – tháng 09 & 10 năm 2020)

  

10. Cho những mùa ngâu - Lâm Văn Cảng.jpg(Minh họa: Lâm Văn Cảng)

Chợt giật mình trong đêm không ngủ nghe trong lòng đêm thăm thẳm tiếng rì rầm. Không phải cái rì rầm đơn điệu của giàn máy lạnh củ rủ đứng ngoài hiên mà là cái trầm hiền nhưng đủ nặng kéo trời nghiêng trĩu xuống, nghe thân thương như kí ức gọi mình. Nằm yên không được phải mở cửa bước ra hiên để giật mình thấy mình đang trôi giữa mênh mông, trắng xóa một màu mưa. Mây sũng nước oằn trĩu xuống. Tưởng rằng nếu cao thêm một tí là với tay mình chạm được tới trời.

À ra thế! Tháng Tám đã rút chân từ mặt đường rần rật nóng sang trảng cỏ xanh ngằn ngặt giáp đồng. Miền Bắc bắt mùa ngâu dẫu có muộn hơn thường lệ.

Mùa ngâu của bước thời gian nghìn năm trước.

Mùa ngâu của riêng mình những ngày xưa.

Làng mình trũng, tiếp nối to nhỏ ao gò. Ngâu về nước đầy dần lên, mấp mé bậc trên cùng cầu ao đá. Cả một lũ lít nhít quen quanh quẩn bụi bờ được dịp lên theo. Lũ sặt sọi đuôi cờ. Lũ đòng đong bụng ỏng. Lũ gọng vó nghều ngào. Lũ rồng rồng cuồn theo đàn như sóng và cả lũ ốc nhồi óng ả bám vào thân mai nước hay lững lờ bơi. Nhưng ngày ấy mình ghét ốc nhồi nhớt miệng, không thèm bắt mà chỉ chờ ngày mưa, bố được nghỉ làm, kèo nhèo đòi món chuối xanh om. Móng giò ninh nhừ, chuối xanh đúng mùa nấu bở mềm, sánh quyện vào nhau, lựt sựt vài lát vỏ, thơm ngậy lên mùi tía tô, lá lốt điểm vài sợi mùi tàu. Món chuối xanh om chỉ có mùa ngâu mới mướt mềm đến thế.

Ngâu làm trời xịu xuống, đất dềnh lên, khói bếp rạ xanh mờ, nặng trĩu, quẩn quanh, nồng nàn mùi muối vừng thơm trong cối giã, mùi cá bồi trấu đun lại cho keo nước. Lũ cháu quẩn chân bà chờ nắm cơm nguội dần sau lần lá chuối tươi héo xìu. Cơm nắm chấm muối vừng bà phần ngay trong lòng cối. Vị ngọt thơm ấy cứ đến mùa ngâu lại men theo dấu khói tìm về.

Ơi những mùa ngâu xưa, giữa ruộng bãi mênh mông nước rong chơi thỏa thích. Nước từ sân men vườn ra ao nhỏ, lấn qua gò, lút bãi nhập vào sông. Bao dung và phóng khoáng, sông đưa nước ao vườn theo sóng phiêu du để rồi mùa ngâu sau lại nhờ mưa rơi về chốn cũ, tìm lại góc vườn xanh sẫm bóng lá có bậc cầu ao đá ngày xưa.

Ơi những mùa ngâu giờ chỉ nhớ mà không mong về nữa. Bởi ruộng bãi không còn, ao gò xưa đầy cơi lên nhà cửa. Ngâu cũng đỏng đảnh trái chiều. Có khi bắc cầu chờ mà tháng Bẩy vẫn hừng hực nắng, sang tháng Tám mới sầm sập quay về. Ngâu như bão.Chỉ nửa tiếng thôi mà nước đã dềnh lên, không có lối đi đành ngơ ngác đổ ra đường. Lại tìm thấy kênh mương, sông hồ xưa trên đường phố. Tiếng ống xả sặc nước rít lên sòng sọc. Tiếng ô tô rào rào tạt nước thành sóng tràn qua mép cửa vào nhà. Dòng xe chết máy lầm lũi nhích. Ướt sũng tất cả. Ướt quần áo, ướt nụ cười và ướt cả nỗi nhớ mùa xưa.

Ngâu nay về, người của những ngâu xưa ngàn lối trăm đường lo lắng. Lo nước vào nhà. Lo xe chết máy. Lo xe khác chạy ẩu tạt mẹ con ướt sũng người. Lo con đường vào trường mênh mông nước trắng biết đâu là ổ gà, biết miệng những cống ngầm hun hút có cái nào mở hay không? Lo sân trường ngập ngang đầu gối, lội lên đến lớp lại chân đất đứng giảng bài...

Nhưng những kẻ chỉ biết mùa ngâu nay thì không thế. Chúng mừng reo xớn xác ùa ra sông ngay trước hiên nhà. Hoặc lấy thau nhựa làm phao đẩy kéo ào ào. Hoặc bắc ghế, kiếm cái cần câu, thả xuống vỉa hè, dàn cảnh chụp hình đăng Facebook. Hoặc ào xuống sân trường lăn lê, té nhau ướt sũng mặc cho cô quát gào. Với chúng, những cơn ngâu dữ nghịch mùa trong chớp mắt mở ra những dòng sông. Nước vừa từ trời xuống, còn trong văn vắt, đẹp và lành hơn hẳn những dòng sông còn sót lại - những dòng sông nước đen mà trong mơ chúng cũng không dám xuống bao giờ.

Ừ thế nhỉ? Ngồi tiếc mùa ngâu xưa chi bằng mở lòng ra đón mùa ngâu mới? Như chiều nay.

Xe sặc nước giật lên ặc ặc rồi chết máy. Phố cạnh sông, bốn bề đường nước không biết dắt lối nào đành gọi chờ cứu hộ. Vội không được đành chậm lại. Đôi chân lâu ngày bó buộc trong giày nay được thả ra với nước. Mắt lâu ngày bị chặn bởi người xe hôm nay được ngẩng lên nhìn ra sông trước phố và giật mình bởi sông lên cao, bởi cầu thấp xuống. Hàng chục con tàu mắc nước không qua được, neo lại thành hàng, bình yên và kiên nhẫn chờ xuôi. Tàu nọ bắc sang tàu kia bằng cây cầu gỗ. Những người phụ nữ lúi húi giặt giũ, phơi phong ngay mép tàu sấp sảnh nước. Đám đàn ông tụm lại bên li, chén ngổn ngang. Con chó bẹc giê cao lừng lững quẩng chân chạy trên boong tàu, thỉnh thoảng gặm cái dây vải buộc chân thằng cu bé giật lại, không cho nó bò quá mép boong. Tiếng gà gáy vu vơ trong cái lồng treo ngoài mép sóng. Tiếng Chế Linh hát lan theo gió, theo sóng gọi chiều: "Mưa từ đâu mưa về. Tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa. Mỗi khi mưa rừng về muộn màng, bóng chiều vàng dần tàn...".

Ơ những cái này mùa ngâu xưa không có. Và mình thầm hẹn với mình: mùa ngâu sang năm dẫu không ngập, không chết máy, không ướt sũng, cũng vẫn về đúng nơi này để tìm lại bóng tàu xưa, để xem thằng cu bé đã biết bơi chưa hay vẫn còn quẩn quanh boong tàu với sợi dây vải mềm giữ cữ. Khi Ngưu Lang vẫn còn tìm Chức Nữ, khi Bầu Trời còn tìm Mặt Đất, khi Người còn muốn tìm gặp Người thì Ngâu ơi dẫu muộn cũng cứ về!

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​