Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHU ỦY MIỀN ĐÔNG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Đinh Huyền Phan

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 

 

Khu ủy miền Đông là tổ chức của Đảng lãnh đạo có truyền thống gắn liền với phong trào cách mạng miền Đông Nam bộ từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ qua các hình thức tổ chức phù hợp với từng giai đoạn. Vai trò của Khu ủy miền Đông là sự tiếp nối, kế thừa trên nhiều mặt của các tổ chức lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ, Đông Nam bộ - đặc biệt ở Chiến khu Đ anh hùng.

- Phân Liên khu ủy miền Đông

Trong kháng chiến chống Pháp, phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam bộ dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tổ chức vào tháng 3 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam có sự điều chỉnh về tổ chức Đảng lãnh đạo kháng chiến đối với Nam bộ. Trên cơ sở của Xứ ủy Nam Kỳ, thành lập Phân cục Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nam bộ - gọi tắt là Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục gồm các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ở Nam bộ. Vào tháng 5 năm 1951, Trung ương Cục miền Nam tổ chức hội nghị về nhiệm vụ cách mạng ở Nam bộ; trong đó có việc bố trí lại địa giới các tỉnh, chiến trường, sắp xếp lại tổ chức cơ quan kháng chiến, lực lượng vũ trang. Các đơn vị Khu 7, Khu 8 và Khu 9 được giải thể, chia thành 2 Phân liên khu trên cơ sở lấy sông Tiền làm ranh giới và một Đặc khu: Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Phân liên khu miền Đông gồm 5 tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hòa), Gia Ninh (Gia Định, Tây Ninh), Bà Chợ (Bà Rịa, Chợ Lớn), Mỹ Tân Gò (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công/ Mỹ Tho mới), Long Châu Sa (Sa Đéc, một phần Long Xuyên, Châu Đốc phía tả ngạn sông Hậu). Lúc bấy giờ phong trào cách mạng ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một (tỉnh Thủ Biên) đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thủ Biên (cấp địa phương), Phân liên khu ủy miền Đông (cấp liên khu) và Trung ương Cục miền Nam (cấp Miền). Việc bố trí chiến trường và sắp xếp tổ chức Đảng đã tạo sự thuận lợi trên nhiều lĩnh vực của phong trào kháng chiến ở miền Nam bộ nói chung, khu vực Đông Nam bộ và các địa phương - trong đó có Biên Hòa nói riêng trong tình hình bị bao vây, chia cắt trên chiến trường cho đến thời gian sau Hiệp định Giơnevơ (giai đoạn 1951 - 1954).

- Liên Tỉnh ủy miền Đông

Tháng 9 năm 1954, trước tình hình mới sau Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết, trong đó giải thể Trung ương Cục miền Nam và thành lập Xứ ủy Nam bộ. Trên cơ sở này, để phù hợp trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam, các Phân liên khu ủy ở Nam bộ được chia thành 3 Liên Tỉnh ủy; bao gồm: Liên Tỉnh ủy miền Đông, Liên Tỉnh ủy miền Tây, Liên Tỉnh ủy miền Trung và Thành ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Liên Tỉnh ủy miền Đông gồm các tỉnh Gia Định, Tây Ninh, Tân An, Thủ Biên, Bà Rịa. Để thuận lợi cho lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức lại các tỉnh; trong đó tỉnh Thủ Biên được tách thành 2 tỉnh (Thủ Dầu Một, Biên Hòa). Tỉnh Biên Hòa gồm các huyện: Tân Uyên, Châu Thành, Vĩnh Cửu, Long Thành, Dĩ An, Xuân Lộc, Bà Rá. Liên Tỉnh ủy miền Đông được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong giai đoạn đối diện nhiều khó khăn, thách thức sau hiệp định Giơnevơ (tập trung đấu tranh chính trị) trước chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” được đẩy mạnh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong giai đoạn lãnh đạo của Liên Tỉnh ủy miền Đông, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương xây dựng căn cứ địa của Xứ ủy ở miền Đông Nam bộ. Vùng Đông Bắc là Chiến khu Đ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được mở rộng (căn cứ khu A) và vùng Tây Bắc là căn cứ Dương Minh Châu được mở rộng đến biên giới Việt Nam - Campuchia (căn cứ khu B).

- Khu ủy miền Đông

Tháng 2 năm 1961, Khu ủy miền Đông được thành lập tại Suối Linh (Chiến khu Đ). Lãnh đạo Khu ủy miền Đông gồm các đồng chí: Mai Chí Thọ (Bí thư, Chính ủy Quân khu), Nguyễn Văn Chí (Phó Bí thư), Nguyễn Hữu Xuyến (Khu ủy viên, Tư lệnh Quân khu), Nguyễn Trọng Nhân (Chánh văn phòng). Một số Ban của K.U.MĐ được thành lập với nguồn cán bộ được bổ sung về sau. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, các tỉnh ủy trực thuộc đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo phong trào đấu tranh của địa phương, phát triển lực lượng vũ trang, tiếp tục duy trì phương châm đấu tranh vũ trang song song đấu tranh chính trị, binh vận.

Tại Chiến khu Đ, ngay từ năm 1961, Khu ủy miền Đông đã xây dựng căn cứ và đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng toàn khu cho đến năm 1967. Ngày 25 tháng 10 năm 1967, Trung ương Cục miền Nam quyết định giải thể Khu miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định và thành lập các Phân khuchuẩn bị cho và chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) với tinh thần chủ trương chuyển cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định.

Tháng 6 năm 1972, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập lại Khu ủy miền Đông. Trong tình hình mới, Khu ủy miền Đông đứng chân ngoài phạm vi Chiến khu Đ trước đây, trên địa bàn Krachê (Campuchia). Đồng chí Trần Nam Trung làm Bí thư kiêm Chính ủy Quân khu. Tổ chức của Khu ủy về sau được tăng cường, bổ sung nguồn cán bộ để thành lập các ban, ngành, đoàn thể. Các tổ chức của Khu ủy: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Trường Đảng, Ban An ninh, Ban Binh vận, Ban Kinh tài, Ban Dân y, Ban Dân vận, Nông hội, Công đoàn, Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu… Các Bí thư Tỉnh ủy ở miền Đông Nam bộ được cơ cấu ủy viên của Khu ủy, gồm các địa phương: Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Bình Phước (Bình Long, Phước Long sáp nhập). Khu ủy miền Đông tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông tại Chiến khu Đ

Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ tại Chiến khu Đ được hình thành từ năm 1963 với hệ thống địa đạo và các nhà làm việc khu vực Suối Linh. Hệ thống căn cứ này được phục hồi, tôn tạo từ năm 2001 sau được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1997. Cấu trúc di tích hiện nay trên một khoảng rừng đồi đồi đất sỏi, độ dốc thoai thoải, cây cối nhiều, có diện tích khoảng 28 ha, độ cao 20m so với bề mặt Suối Linh. Dấu tích được phát hiện, tôn tạo, trùng tu gồm các bộ phận chính:

- Hệ thống giao thông hào được phân làm ba tuyến: tuyến phòng thủ vòng ngoài, tuyến phòng phủ vòng trong và tuyến nội bộ phục vụ cho hoạt động, chiến đấu. Nhiều đoạn giao thông hào được nối thông vào cửa hầm địa đạo.

- Hệ thống địa đạo liên hoàn. Đường đi trong địa đạo tương đối bằng phẳng và nhiều đoạn được đào gấp khúc, quanh co và có các ngã ba nối thông với nhau hoặc dẫn lên các miệng địa đạo.

- Bên cạnh đó còn có hệ thống miệng địa đạo độc lập; hệ thống hầm trú ẩn, làm việc của lãnh đạo Khu ủy và các cơ quan trực thuộc gồm: Văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh được phân bố đều khắp.

Từ đầu năm 1963, Khu ủy miền Đông bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống địa đạo, giao thông hào, hầm trú ẩn… với chủ trương xây dựng nơi này thành căn cứ địa quân sự vững chắc, hoàn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não Khu ủy để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên toàn miền Đông Nam bộ, chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” Mỹ - ngụy trong những năm đầu thập nên 60 thế kỷ 20. Đường chính vào căn cứ nằm được ngụy trang cẩn thận. Để vào căn cứ phải qua hệ thống cây được chặt ngã chồng lên nhau sau đó đi qua một đoạn giao thông hào.

Từ căn cứ địa này trong giai đoạn 1962 - 1967, Khu ủy miền Đông, Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng cùng phối hợp với quân chủ lực Miền làm nên những chiến thắng vang dội và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng trên nhiều mặt để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng địa bàn Đông Nam bộ: xây dựng căn cứ địa, lực lượng, tổ chức công tác binh vận, hậu cần vững chắc phục vụ cho các chiến dịch quan trọng, phối hợp, hỗ trợ cho đấu tranh vũ trang tấn công vào kho tàng quân sự của chính quyền Sài Gòn trên chiến trường Đông Nam bộ. Trong giai đoạn này, Khu ủy miền Đông đã góp phần quan trọng với cách mạng của miền Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam làm phá sản 2 chiến lược chiến tranh quan trọng của chính quyền Sài Gòn với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ: chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), chiến lược chiến tranh cục bộ (1965 - 1968).

***

Khu ủy miền Đông có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Chiến khu Đ, góp phần trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với phong trào cách mạng miền Đông Nam bộ. Trong giai đoạn 1961 - 1967, căn cứ Khu ủy miền Đông đóng tại Suối Linh. Cùng với căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà (1961 - 1962), căn cứ Ban Thông tin Khu ủy miền Đông (địa đạo Suối Linh) là những dấu ấn của lịch sử được xếp hạng di tích, ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lòng Chiến khu Đ anh hùng. Cùng với hệ thống những dấu tích căn cứ, địa bàn đứng chân, nơi ra đời, thành lập, cơ sở của các lực lượng cách mạng miền Đông Nam Bộ, của miền Nam… đã đi vào vào trang sử vàng của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc qua hai thời kỳ kháng chiến. Từ Chiến khu Đ, những chiến sĩ cách mạng, lực lượng vũ trang và quần chúng yêu nước miền Đông Nam bộ đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, hy sinh với tinh thần chiến đấu kiên cường, làm nên “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Đ.H.P

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​