Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHÔI VŨ VỚI “SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM”

Trần Hồng

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

Khôi Vũ.jpg 
  

Đối với người viết bình thường, một đôi năm xuất bản một cuốn sách đã được cho là có nội lực, riêng nhà văn Khôi Vũ xứng đáng được tôn vinh là “nhà văn siêu hạng” vì hầu như năm nào ông cũng in… vài đầu sách. Chỉ trong năm 2020, Khôi Vũ cho ra lò cuốn “Dấu ấn đời văn” dày trịch “như hòn gạch”, thêm 2 tập truyện thiếu nhi “Thằng heo sữa” và “Má và con”. Đó là chưa kể ông vừa được bạn đọc hoan nghênh vì đã viết lời cho bộ truyện tranh lịch sử về các danh nhân Đồng Nai do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành. Tuy nhiên điều bất ngờ nhất trong năm 2020 không phải là việc Khôi Vũ in mấy đầu sách rồi mang sách tặng bạn đọc nhỏ tuổi như ông vẫn thường làm mà là ở chỗ cuốn tiểu thuyết mang tên “Sông Luộc ở phương Nam” mới ở dạng bản thảo đã đạt giải C cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây được coi là giải thưởng thuộc loại “khó tính” bậc nhất trong các giải thưởng văn chương của nước ta và ở Đồng Nai mới chỉ có 3 tác giả đạt được (gồm Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí). Đáng nói, đây là lần thứ 2 Khôi Vũ giành giải thưởng danh giá này (năm 1990 ông giành giải A tiểu thuyết “Lời nguyền hai trăm năm”). Khôi Vũ chia sẻ, ông viết xong cuốn “Sông Luộc ở phương Nam” nhưng mang đi chào hàng các nhà xuất bản đều bị “ngó lơ” vì nó… quá dày (Khoảng 800 trang sách). Ông nghe lời bạn bè khuyên gửi dự thi để “cầu may”, biết đâu sẽ “đổi vận” cho đứa con tinh thần, không ngờ “ẵm” luôn giải C.

Khôi Vũ nói, ông đã ấp ủ ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết về Biên Hòa - Đồng Nai từ hàng chục năm nay nhưng đến giờ mới thực hiện được. “Sông Luộc ở phương Nam” chính là sự tri ân của nhà văn đối với Biên Hòa - quê hương thứ hai của ông và Thái Bình, quê hương của cha mẹ ông. Sau ngày thống nhất đất nước, ông nhiều lần trở về thăm họ mạc ngoài Bắc và nhận ra Thái Bình có dòng sông Luộc rất giống với sông Đồng Nai, có nguồn nội địa rồi đổ ra biển. Từ ngày gia đình vào sinh sống ở vùng đất mới Biên Hòa, cha mẹ ông khôn nguôi nhớ về Thái Bình, nơi có dòng sông mang cái tên dân dã chở nặng phù sa, có làng Hới với nghề dệt chiếu cói nổi tiếng. Cha ông từng mơ uớc giây phút nhắm mắt xuôi tay được nằm trên tấm chiếu cói của làng Hới để cảm nhận hơi ấm đặc trưng của quê nhà. Sự giống nhau giữa hai dòng sông ở hai đầu đất nước, nỗi nhớ thương đau đáu của cha mẹ về làng quê xưa đã khiến Khôi Vũ nung nấu ý tưởng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về những người di cư gốc Bắc. Rất may, vì có chữ nghĩa nên ông được thân nhân giao cho nhiệm vụ viết gia phả dòng tộc minh Nguyễn ở làng Hới, vậy là có dịp “lục lại” quá khứ, lấy đó làm chất liệu cho cuốn sách của mình. Nhà văn cho biết, bà Nguyễn Thị Lộ - vợ thiếp của Nguyễn Trãi chính là chị ruột của ông tổ dòng tộc Nguyễn ở làng Hới, đến nay bà vẫn được dòng họ Nguyễn làng Hới thờ phụng. Khôi Vũ đã viết liền 200 trang bản thảo rồi dừng lại, đọc và… xóa sạch, chỉ vì thấy chưa rõ chủ đề, nhân vật chưa nổi bật tính cách điển hình. Ông đã viết lại 500 trang bản thảo hoàn toàn mới, nâng tầm tư tưởng của cuốn sách, làm nổi bật tính cách người nông dân đồng bằng Bắc bộ vì những biến động lịch sử phải dứt áo ra đi, nhưng “tơ lòng” vẫn vấn vương với quê hương, nguồn cội. Để viết “Sông Luộc ở phương Nam”, Khôi Vũ đã nghiên cứu kỹ lưỡng phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống giữa người Việt ở miền Bắc với người Việt ở phương Nam, của người Việt trong nước với người Việt định cư ở nước ngoài, tìm hiểu, lý giải sự cọ sát, chuyển hóa, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa các vùng miền. Ông thuê hẳn một con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông Luộc chỉ để cảm nhận hương vị phù sa, từng làn gió, từng tiếng sóng vỗ óc ách bên mạn thuyền. Sự đắm đuối trước vẻ đẹp sung mãn, nét hùng vĩ của con sông quê hương từ Khôi Vũ đã “lây” sang những người cháu họ trẻ tuổi, khiến họ ngạc nhiên thú nhận sông Luộc với họ thân thương như máu thịt nhưng mãi đến bây giờ họ mới nhận ra vẻ đẹp của nó. Có lẽ những trang văn thấm đẫm chất thơ của “Sông Luộc ở phương Nam” đã chinh phục Ban giám khảo khó tính và cuốn sách mới ở dạng bản thảo đã được đánh giá là cuốn tiểu thuyết viết về “văn hóa và quê hương” rất cuốn hút. Khôi Vũ bộc bạch, thông qua các nhân vật, các biến cố, ông thể hiện tư tưởng hòa giải dân tộc, đó là nhu cầu của trái tim ông và cũng là một tất yếu lịch sử…

“Sông Luộc ở phương Nam” ghi nhận thành công mới của nhà văn Khôi Vũ trên hành trình văn chương. Nhưng ông vẫn chưa dừng lại. Hiện tại hai mắt đã mờ nhìn không rõ chữ nhưng Khôi Vũ vẫn miệt mài với những dự án. Qua năm 2021, ông sửa chữa bộ sách biên soạn và kể chuyện về lịch sử mở nước từ thời Nguyễn Hoàng, gồm 3 tập dài khoảng 800 trang sách. Ông tự giao hẹn mỗi ngày phải viết 1.000 chữ cho các sáng tác mới. Nhà văn còn dự kiến viết một cuốn tiểu thuyết về nhà văn Lý Văn Sâm nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn gây dựng phong trào sáng tác của địa phương và cuốn tiểu thuyết theo bút pháp hiện thực huyền ảo về dân tộc Chơro - một trong những dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên đất Đồng Nai.

Dù đã sang tuổi “thất thập” nhưng những gì Khôi Vũ nói ai cũng tin ông sẽ làm được, bởi ông không chỉ là một nhà văn tài năng mà còn là người được trời phú cho nguồn năng lượng dồi dào hiếm có, đủ để ông hiện thực hóa giấc mơ của mình.

T.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​