Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÀM CHU VĂN VÀ CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI THƠ CA

Bùi Công Thuấn

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 Đàm Chu Văn.jpg


Xao Thu là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Đàm Chu Văn. Anh cho biết, khoảng 15 năm trở lại đây, anh đã nỗ lực đổi mới thơ ca. Xao Thu là một thành tựu rất đáng trân trọng.

 TRUYỀN THỐNG NHƯNG MỚI LẠ, ĐỘC ĐÁO

Tập Xao Thu có nhiều bài nối tiếp những đề tài về người lính kháng chiến và người lính Tình nguyện. Những bài thơ này đọng rất sâu nghĩ suy, tình cảm đã thành thiêng liêng của dân tộc. Xin đọc: Mùa xuân người đi giữ nước, Những ý nghĩ rời rạc trong ngày 30 tháng Tư, Ánh mắt mẹ ngày tiễn con nhập ngũ, Với người tập bắn trên sân thượng cơ quan, Nói gì với Hải, Những ánh nến ở nghĩa trang liệt sĩ, Lời hẹn áo dài, Thăm lại Điện Biên…

Anh ghi nhận vẻ đẹp người lính trẻ hôm nay:

Lá ngụy trang mươn mướt xanh non

Quệt vào đôi má măng tơ các chàng lính trẻ

lách chách, xập xòa lũ chim sẻ

ngó nghiêng cặp mắt xoe tròn

hương sầu riêng, chôm chôm

quấn quýt đượm vai pháo thủ…

(Với người tập bắn trên sân thượng cơ quan)

Những hình ảnh này khác rất xa người lính trong Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), và gần đây, người lính Trường Sơn của Lê Quang Trang (Trên con đường ấy, Trường Sơn - 2018)

Kế thừa truyền thống nhưng Xao Thu có rất nhiều mới lạ và độc đáo, xin đọc Ngược ru, Âm bản:

Thiếu phụ trẻ đứng bên chồng, con - cười rạng rỡ

Sau lưng họ - dòng sông mịn màng mặt lụa

Trước mặt họ - phố thị ồn ào

 

Thao thao gió thổi

tóc nàng bay rười rượi mênh mang

những sợi tóc bay rối vào gương mặt

rối vào ánh nhìn

 

Chìm đáy sông sâu

sóng nổi…

 

Khoảng tối

ở đằng sau bóng nàng…

(Âm bản)

Gần như nhà thơ chỉ làm mỗi một việc là chụp ảnh một gia đình trẻ hạnh phúc: Người thiếu phụ đứng bên chồng con, cười rạng rỡ. Sau lưng họ là dòng sông mịn màng. Không gian thoáng đãng bình yên. Người đọc nhìn họ thật hạnh phúc. Không phải vậy. Tư tưởng thơ bùng nổ ở tứ thơ cuối cùng: “Khoảng tối/ ở đằng sau bóng nàng…”. “Khoảng tối” ấy là gì người chồng trẻ không hề biết!

Thật là thú vị khi nhìn bức ảnh tuy rất thực nhưng lại không dễ nắm bắt. Bí mật của thơ hay chính là sự thách đố khả năng của người đọc.

CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI THƠ CA

Trong Xao Thu, Đàm Chu Văn rời khỏi trường thơ kháng chiến và chuyển hẳn sang thơ tự do với kiểu cấu tứ như một bức tranh (bài Âm bản). Kiểu tư duy nghệ thuật này giúp nhà thơ đi sâu vào bản chất đời sống hôm nay. Từ phản ánh hiện thực, thơ trở thành thơ tư tưởng. Thơ Đàm Chu Văn là thơ trữ tình - tư tưởng. Nhà thơ cảm nhận và suy tư về một góc cạnh nào đó của hiện thực. Đó là những suy tư uyên nguyên. Nhà thơ không bị dính mắc vào tư tưởng triết học nào. “Suy tư uyên nguyên” được chưng cất từ những trải nghiệm của bản thân trong những thăng trầm lớn lao của lịch sử, trong những cơn sóng xô, bão dập chìm nổi của dòng đời. “Tư tưởng thơ” hiện ra một cách tự nhiên qua hình ảnh và cấu trúc thơ, vừa mang ý nghĩa khái quát vừa có sức lay động sâu xa tâm thức người đọc về lẽ sống thiện. Xin đọc:

ĐI

Đi suốt một ngày đường, đi suốt nhiều ngày đường không gặp được một người quen

càng đi càng vắng

ai cũng đi nhanh, căm cắm che mưa xiên nắng tạt phía mình

mưa không có mùa

nắng không có hẹn

đường xa ai xẻ cùng ta?

 

Vỡ òa

gặp bụi cây mắc cỡ

cây còn biết xấu hổ

mong manh hoa tím thơ ngây

lá còn biết lấy tay che mặt

mắc cỡ cho ai?

 

Lầm lũi đường dài

hành trang mang theo là ánh nhìn của cây xấu hổ.

Người đọc hẳn sẽ giật mình khi nhận ra con người trong xã hội hôm nay cô độc đến thế, vô cảm và vị kỷ đến thế. Ai cũng “che mưa xiên nắng tạt phía mình”. Hình tượng cây xấu hổ được nhân hóa để chuyển tải một thông điệp: sự tự hổ thẹn. Vâng con người hôm nay không còn biết tự hổ thẹn là gì. May mà Ta còn có được sự nhắc nhở của cây mắc cỡ: “Lầm lũi đường dài/ hành trang mang theo là ánh nhìn của cây xấu hổ”.

Những bài thơ như bài Em, Đi, Âm bản, Thiếu phụ và những sợi đêm, Tìm nàng Tô Thị… đánh dấu một sự đổi mới rất triệt để cả về tư tưởng và thi pháp của thơ Đàm Chu Văn. Tôi thích những tứ thơ độc, sáng của anh. Điều ấy khẳng định một cốt cách riêng, một khuôn mặt riêng của một nhà thơ có tâm huyết với đời.

Trong nỗ lực đổi mới thơ, Đàm Chu Văn tiếp cận với dòng thơ trẻ đầu thế kỷ XXI, nhưng anh không hướng ngòi bút của mình theo thi pháp của dòng thơ này (đặc biệt là thi pháp Hậu hiện đại). Đàm Chu Văn chỉ dung nạp cách làm mới ngôn ngữ và tư duy thơ, đó cũng là xu hướng làm mới thơ Việt hôm nay. Xin đọc Trước bức tượng mỹ nữ cụt đầu ở một phế tích

Bài thơ với cảm thức hoài cổ, ẩn dấu những nghĩ suy về thực tại “đui mù mỹ cảm”, thời của bóng tối hoang lạnh và sự tàn bạo lên ngôi, cái Đẹp, sức sống, xuân thì bị tàn sát bằng những “nhát chém oán thù”. Tâm hồn nhà thơ ngập tràn nỗi tiếc thương, khao khát “rỡ hoàn ngọc diện mỹ nhân” (làm rạng rỡ lại mặt ngọc của mỹ nhân - tức là làm sáng lại cái Đẹp, mùa xuân, sức sống).

Tôi tâm đắc với sự đổi mới thơ của Đàm Chu Văn mà căn cốt là ở điều này:

“Như người thợ khai quặng, mỗi ngày tiếp tục tiếp cận hơn vào bề sâu của cuộc sống. Mỗi ngày, qua hiểu biết tích tụ, tôi cũng nhìn thấy, hiểu ra nhiều điều hơn sau những lóng lánh, ầm ào. Tuy nhiên, một góc nào đó trong tâm hồn vẫn còn nguyên vẹn độ trong trẻo, tơ non trước thiên nhiên, con trẻ. Không còn sự trong trẻo này thì cũng chẳng còn thơ nữa. Đó là niềm tin trước cái Đẹp.”(2)

B.C.T

____________________

(1) Đàm Chu Văn: Tiểu sử, tác phẩm và giải thưởnG https://vanchuongphuongnam.vn/nha-tho-dam-chu-van.html

(2) http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202001/dam-chu-van-voi-xao-thu-day-dan-them-gia-tai-tho-2984201/ 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​