Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÌNH YÊU Ở MIỀN SƠN CƯỚC




Bút ký của LÊ HƯƠNG THƠM

(Ngun: Tạp chín ngh Đng Nai s​ 43)




Trong dòng chảy của cuộc sống thường ngày, chung quanh mỗi người chúng ta, luôn có những mối quan hệ anh em, bạn bè thân thiết; họ sống một cách bình lặng, khiêm nhường như những hạt phù sa âm thầm hòa theo dòng chảy. Nhưng rồi, từ những cuộc đời bình lặng ấy, bỗng nhiên có người trở nên “nổi tiếng” trong cộng đồng, xã hội. Và khi người “nổi tiếng” đó chính là người anh em thân thiết của mình, ta mới chợt nhận ra: họ có những phẩm chất và nghĩa cử cao đẹp bắt nguồn từ tấm lòng thiện lương đã được tích dồn trong suốt cuộc đời đầy cam go, nhưng cũng rất bình lặng. Câu chuyện tôi kể dưới đây, sẽ phần nào minh chứng cho điều đó:

 Vào giữa tháng 4 năm 2015, báo Đồng Nai đăng một tin nóng hổi về gương cứu người đuối nước ở lòng hồ Trị An. Tôi đọc tin, thấy nêu tên hai người có nghĩa cử cao đẹp ấy là Đào Tự Lân và Lê Mai Long đều thường trú ở xã Mã Đà. Nội dung bản tin cho biết: buổi sáng ngày 12/4, hai người rủ nhau đi câu cá trên lòng hồ bằng một chiếc xuồng nhỏ, đến gần trưa, khi chuẩn bị thu câu trở về, thì bất ngờ phát hiện một vụ lật thuyền cách họ không xa, ngay lập tức, cả hai bơi xuồng đến ứng cứu, do xuồng câu quá nhỏ, nên họ đã nhảy xuống nước, cố hết sức dìu xuồng bơi vào bờ, lần lượt cứu được 7 người thoát nạn. Đọc xong bản tin, nhìn hình ảnh đăng trên báo thì ra hai người đàn ông này đều là người thân của tôi: một người là anh họ, một người là anh rể (chồng chị họ Lê Thị Hạnh). Cầm điện thoại tôi gọi cho anh rể Đào Tự Lân, để xác minh thông tin và không quên chúc mừng nghĩa cử cao đẹp của 2 người anh. Qua điện thoại, anh Lân nói: “À, đúng là anh và anh Long đã được báo Đồng Nai đăng, nhưng anh nghĩ: sự việc cũng bình thường thôi, ai gặp tình huống đó, cũng sẽ làm như vậy...”.

Chuyện cứu 7 người thoát nạn đuối nước... trên lòng hồ Trị An, anh Lân nói “bình thường thôi” cũng đúng, vì hành động như các anh rất có thể nhiều người khác bắt gặp cũng sẽ làm như vậy. Nhưng bối cảnh để cứu được 7 người thoát chết của các anh thì lại có lô-gic đặc biệt. Vì nếu hôm ấy anh Lân và Long không bơi xuồng ra xa bờ (khác với mọi lần) để câu cá thì làm sao phát hiện ra chiếc thuyền của người dân bị chìm do chở nhiều người lại gặp phải dòng nước xoáy... Bởi vì đã trở thành thú vui giải trí, cứ vào ngày nghỉ, chủ nhật anh Lân và Long lại xách câu ra hồ Trị An câu cá nên hôm ấy các anh mới có cơ hội để cứu được người bị nạn.

Sau vụ cứu được 7 người chìm thuyền đuối nước, hai anh Lân và Long được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen: “Dũng cảm cứu người”. Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu và xã Mã Đà cũng tặng họ giấy khen; nhưng theo anh Lân, cảm xúc làm anh an lòng nhất là bản thân đã làm được một việc có ý nghĩa nhất ở nơi mình sống gắn bó một phần tuổi thanh xuân và gần suốt cuộc đời.  

Anh Lân, sinh năm 1956, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1974, sau khi tốt nghiệp PTTH, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, được bổ sung làm lính bộ binh của tiểu đoàn 1, trung đoàn 273, sư đoàn 341. Hoàn thành đợt huấn luyện tân binh, anh cùng đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Trận đánh đầu tiên, trung đội anh tham gia với nhiệm vụ chủ công là trận tập kích chi khu quân sự Chơn Thành. Trận đánh đầu tiên trong đời lính, đã được anh Lân ghi lại trong cuốn hồi ký “Hoài niệm cuộc đời”: “... Khi màn đêm buông xuống, đơn vị được lệnh hành quân xuyên qua một cánh rừng hoang sơ để đến vị trí tập kết. Trung đội trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu đội. Chúng tôi áp dụng kỹ thuật tiềm nhập, bí mật vượt qua bãi đất trống, áp sát hàng rào thép gai, căng mắt quan sát mục tiêu phía trước, sẵn sàng đợi lệnh. Tôi có cảm giác đầu nóng như lửa, ruột gan bồn chồn, hồi hộp, căng thẳng khủng khiếp!. Bỗng nhiều ánh lửa như tia chớp lóe sáng, tiếp sau là hàng loạt tiếng nổ lớn inh tai buốt óc của pháo cối đồng loạt trút xuống chi khu. Ba tiếng nổ cực lớn của bộc phá ống mở hàng rào thép gai, trung đội trưởng hô “xung phong”, chúng tôi nhất tề xông lên dưới làn đạn đủ các cỡ súng, pháo đan chéo nhau từ hai phía. Trung đội vận động theo đội hình zich zắc, lợi dụng địa hình nhà cửa, cây cối, ụ súng, nã đạn vào nhũng mục tiêu nghi vấn. Lửa trùm lên các dãy nhà trong khu căn cứ, xe pháo của địch bị súng phóng lựu B40 của chúng tôi bắn trúng, phát nổ và bốc cháy, lửa đỏ trời. Bị tập kích dữ dội và bất ngờ, bọn địch phải bỏ căn cứ, tháo chạy. Chúng tôi làm chủ trận địa chỉ sau một giờ chiến đấu. Khi trở ra vị trí dừng nghỉ, chúng tôi lả cả người, trung đội trưởng kiểm tra quân, thấy còn thiếu 6 người, đã phân công từng nhóm vào tìm, nhưng chỉ đưa ra được 4 thi thể đồng đội, 2 người khác không tìm thấy. Các chiến sĩ thay nhau khiêng xác đồng đội và cõng thương binh lùi về tuyến sau. Trận đánh này, tôi bắn hết 57 viên đạn trong cơ số mang theo là 90 viên...”.

Sau trận đánh đầu tiên này, anh cùng đơn vị tiến quân về chiến khu Đ, băng qua rừng Mã Đà và sông Đồng Nai, tiến về bao vây, tham gia đánh phá phòng tuyến tử thủ của địch ở Xuân Lộc rồi hợp quân tiến về Sài Gòn. Nhưng tiểu đoàn 1 thuộc sư đoàn 341 của anh lại được giao nhiệm vụ chiếm giữ sân bay Biên Hòa và anh đã ghi lại trong hồi ký: “5 giờ sáng ngày 30/4, tiểu đoàn 1 của chúng tôi tiếp cận sân bay Biên Hòa. Trên đường băng, vài ba chiếc máy bay còn mang theo bom đạn, chưa kịp cất cánh, tủ lạnh, ti-vi trong nhà nghỉ của lính vẫn còn cắm điện, những chiếc xe GMC đen như bọ hung vẫn nằm yên trong lán, vài ba chiếc xe hon-da vẫn dựng bên rìa đường băng... quang cảnh sân bay có vẻ hoang tàn. Khoảng gần 11 giờ 30 phút, tiểu đoàn trưởng ra lệnh tập hợp và thông báo ngắn gọn: “Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chúng ta đã toàn thắng”. Không kìm được cảm xúc đang dâng trào, nhiều chiến sĩ chĩa súng nổ hàng đạn lên trời. Tôi cũng bắn vài loạt, rồi chợt nhớ tới người mẹ hiền đang mong ngóng tin con ở quê nhà, tôi ứa nước mắt, thầm gọi: “Mẹ ơi! Con vẫn còn sống, con sẽ vào đại học!”.

Nhưng anh không vào đại học ngay mà còn tham gia làm nhiệm vụ quân quản tại quận 11, TP. Hồ Chí Minh rồi được tổ chức cho dự thi và đậu vào trường Đại học Nông nghiệp IV. Đang chờ kết quả thi, thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn giặc Pol Pot gây ra, chúng bắn giết đồng bào ta hêt sức dã man, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến đấu bảo vệ nhân dân và biên giới của Tổ quốc. Bọn Pol Pot được sự hà hơi tiếp sức của thế lực bá quyền, ngày càng gây thêm nhiều tội ác đẫm máu với đồng bào ta. Hưởng ứng lời kêu gọi “cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng” của chính phủ cách mạng do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu; đơn vị anh đã thừa thắng xông lên truy kích kẻ thù, để chặn đứng bàn tay gây tội ác của chúng. Anh được phong quân hàm và thăng chức trung đội trưởng. Trên đường cùng đơn vị truy đuổi quân địch, do không thông thuộc địa hình, đại đội của anh bị một tiểu đoàn Pol Pot bao vây, gọi hàng. Cả đại đội đã dũng cảm chiến đấu, nhưng cũng bị tổn thất lực lượng khá lớn. Trận đánh đó, anh lại thêm một lần may mắn, thoát chết. Trong hồi ký của mình, anh đã ghi lại khá đầy đủ với nhiều chi tiết xúc động về trận đánh này...

Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tạm lắng, anh đang tham gia củng cố, xây dựng đơn vị, thì bất ngờ nhận giấy báo đậu đại học của trường Đại học Nông nghiệp IV. Được đơn vị chấp thuận, anh bồi hồi trao lại súng đạn, quân hàm, quân hiệu, khấp khởi khoác ba lô tìm về trường làm thủ tục nhập học. Thời sinh viên mặc áo lính với nhiều chuyện vui buồn của anh cũng đã qua nhanh. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được phân công về nhận công tác tại ty Lâm nghiệp Đồng Nai. Rồi, khi cầm quyết định lên nhận công tác tại lâm trường Mã Đà, anh cảm thấy như có gì “duyên nợ” với vùng đất chiến khu Đ, nơi anh cùng bao đồng đội đã một thời gắn bó. Vài năm sau, từ một nhân viên, anh đã được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm lâm - nông, trực thuộc lâm trường. Những tháng ngày làm việc tại đây, anh đã từng lần theo đường mòn, tìm đến thăm các di tích Cách mạng như: Căn cứ chỉ huy của TW Cục miền Nam, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ và Bộ Tư lệnh Miền... Những tên đất tên rừng như: Bà Hào, Suối Linh, suối Rang Rang, Đồi Mỹ... đều gắn với những chiến tích lịch sử hình thành và phát triển của Chiến khu Đ như nguồn khí ô xy hòa trong hơi thở và dòng máu của anh, một Cựu chiến binh - người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới. Tôi đã đọc trong nhật ký của anh những dòng giàu cảm xúc: “Lịch sử anh hùng của Chiến khu Đ là một kho khổng lồ chứa đầy vàng và máu. Mỗi dáng cây rừng như sự hiển hiện của một linh hồn liệt sĩ đã anh dũng bám trụ, chiến đấu với quân thù và ngã xuống nơi đây. Tôi yêu vùng đất linh thiêng này như yêu quê hương và những người thân yêu nhất...”

Và, tình yêu cao đẹp ấy đã được nhân lên, cộng hưởng thành nguồn sinh lực mới trong cuộc sống, khi anh Lân bén duyên cùng chị Lê Thị Hạnh, người chị họ thân thiết nhất của tôi. Chị Hạnh tốt nghiệp khoa kế toán tại trường Trung cấp Nông Lâm, tỉnh Vĩnh Phú năm 1977, được điều động vào công tác tại Ty Lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai và được phân công lên làm kế toán cho lâm trường Mã Đà vừa mới thành lập. Chị kể: “Lâm trường thời kỳ đầu (1977 - 1978) chỉ vỏn vẹn có 5 người, gọi là “Ban điều hành”, địa điểm ăn ở của Ban lúc ấy tạm đóng ở thành phố Biên Hòa (gần khu Vườn Mít bây giời). Hàng ngày, 5 người, gồm giám đốc là cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợt cùng 4 cán bộ trong Ban, từ Biên Hòa lên Lâm trường Mã Đà làm việc. Ngày đó, mình chị là học sinh mới ra trường và là người phụ nữ duy nhất trong Ban. Ba anh còn lại đều là bộ đội chuyển ngành. Nơi ở và làm việc tại Mã Đà cũng chỉ là căn phòng được che chắn bằng tre nứa, rất tạm bợ. Đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn, phải đi bằng nhiều loại xe, kể cả xe chạy bằng than, khói bụi mù mịt; có hôm xe cộ trục trặc, anh em phải cuốc bộ hàng chục cây số dưới trời nắng, mưa, bụi bặm, thất thường. Có hôm, cảm thấy cực khổ quá sức chịu đựng, chị đã bật khóc. Nếu không có tình thương yêu, giúp đỡ, động viên nhiệt thành của giám đốc và các anh trong Ban điều hành, có lẽ chị đã “đào ngũ” về quê từ ngày đó rồi. Những năm sau, khi đã hình thành bộ khung cán bộ, Ban điều hành chuyển lên Mã Đà, Lâm trường bắt tay vào xây dựng nhà ở, tuyển công nhân và chính thức đi vào sản xuất từ năm 1979, với nhiệm vụ: trồng mía, chế biến đường. Năm 1980 phát triển trồng dâu, nuôi tằm; trồng rừng, tu bổ rừng; khai thác, chế biến lâm sản… Cũng từ những năm đó lâm trường có thêm những cán bộ điều động từ miền Bắc vào như: chị Nguyễn Thị Sắc, anh Nguyễn Văn Hoan và một số người khác. Một lần “thân gái dặm trường” tôi đã lặn lội từ Thanh Hóa vào thăm chị, tìm đến “nhà chị”, gọi là nhà nhưng nhìn quanh những căn nhà anh chị em cán bộ Lâm trường ở dựng bằng tre nứa như lán trại giữa bốn bề rừng núi hoang vắng, đêm nghe tiếng cú kêu, ớn lạnh cả người. Chị nấu cơm cho tôi ăn, nhưng khi mở vung ra thì chỉ thấy toàn là hạt bo bo, rời rã khô và cứng, nhai mỏi cả răng. Gian khổ buổi đầu là vậy, nhưng chị vẫn “bám trụ”, đóng góp công sức xây dựng lâm trường Mã Đà từ ngày đầu thành lập đến khi nghỉ hưu theo chế độ - và đã gắn bó với vùng đất Mã Đà gần 45 năm. Chị lập gia đình với anh Lân từ năm 1985. Anh Lân, chồng chị, sau nhiều năm làm giám đốc Trung tâm Lâm - Nông tại Lâm trường Mã Đà, được giao nhiệm vụ làm giám đốc Lâm trường 600, quản lý rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Tân Phú, rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Công đoàn ngành Nông lâm tỉnh Đồng Nai cho đến ngày nghỉ hưu. Anh chị từng có nhà ở TP Biên Hòa, dự định sau khi nghỉ hưu sẽ chuyển về sống tại thành phố, nhưng có lẽ vì tình yêu và sức hấp dẫn của vùng đất linh thiêng Mã Đà, nên họ đã bán nhà thành phố để ở mãi với miền rừng “sơn cước” năm xưa.

   Cũng giống như chị Hạnh, anh Lân, nhiều người khác như anh Nguyễn Văn Hoan, chị Nguyễn Thị Sắc, các anh Lê Mai Long, Lê Văn Đức, Lê Văn Chiến... họ đã trải qua cuộc đời người lính, rồi cùng gặp nhau tại Mã Đà và đều đã xây dựng được cuộc sống ổn định ở vùng đất mới. Chính những người như họ đã góp phần hình thành nên một vùng dân cư mới. Từ 5 người “Ban điều hành lâm trường” (năm 1977), đến nay đã thành lập xã Mã Đà, thuộc huyện Vĩnh Cửu, với diện tích đất và rừng rộng hơn 400 km2, dân số hơn 8.000 người, sinh sống tại 6 ấp; cả xã hiện có 1 trường THCS, 4 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, khu trụ sở hành chính của xã cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang từ năm 2015 và xã Mã Đà cũng đã đạt các tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới...

***

 Lâm trường Mã Đà nay đã chuyển thành “Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai”, diện tích khoảng 100 ngàn héc ta, bao gồm cả phần ngập nước hồ Trị An. Trung tâm Khu bảo tồn xây dựng khá bề thế khang trang ngay trung tâm xã Mã Đà bên bờ hồ Trị An hiền hòa ngày đêm lộng gió. Từ thành phố Biên Hòa lên Khu bảo tồn, đường mới trải nhựa rộng thênh thang. Đường vào Bà Hào, Suối Linh, đến Khu di tích Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục Miền Nam hay Bộ Tư lệnh Miền... xe đưa các đoàn khách về nguồn chạy êm ru dưới tán cây rừng xanh tươi bát ngát. Nhưng để đến được quang cảnh và hành trình đổi mới như hôm nay là cả một chặng đường không ít gian nan vất vả, thấm đẫm mồ hôi và công sức bao người suốt 46 năm qua, kể từ sau giải phóng miền Nam...

Mới rồi, trong chuyến đi thực tế về nguồn thăm lại các khu di tích lịch sử Chiến khu Đ do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức, tôi tranh thủ ghé thăm anh chị Lân - Hạnh. Trong căn nhà khá mát mẻ, khiêm tốn nép mình dưới rặng cây xanh, bên bờ hồ Trị An, anh chị đã dành cho tôi một cuộc tiếp đón và trò chuyện thật ân tình. Trên gương mặt anh chị, dù đã hằn lên những nếp nhăn thời gian, nhưng vẫn chan chứa nụ cười tươi rất đỗi hiền lành từ thời son trẻ. Bằng chất giọng trầm ấm của người xứ Nghệ, anh Lân đã đọc lên mấy câu thơ mà anh rất tâm đắc của tác giả Lê Đăng Kháng viết “Tặng những người trồng rừng ở lâm trường Mã Đà”.

“… Nghe tiếng gà gáy nao lòng

Da diết nhớ về quê cũ

Yêu rừng ta tụ về đây

Ươm những mầm cây từ đó…

 

Măng rừng chấm cùng muối ớt

Quên sao những ngày đắng cay

Phập thồng đèo mây, lán nứa

Chúng mình duyên nợ từ đây…

 

Tuổi xuân rồi cũng trôi qua

Thoắt thôi đầu ta điểm bạc

Làm sao anh đếm lá rừng

Như tình yêu ta bồi đắp...”.

Anh bảo: “Anh tâm đắc vì tác giả đã nói hộ nỗi lòng những người ở rừng, yêu rừng, yêu cuộc sống quá khứ và hiện tại của vùng Chiến khu Đ - Trang lịch sử huy hoàng của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

 

L.H.T


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​