Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGƯỜI CŨ… MÀ KHÔNG CŨ



 

Có thể nói nhà văn Tùng Điển thuộc tạng người kín tiếng vào hạng nhất nhì trong làng văn. Rất ít khi thấy ông đăng đàn hay tranh luận về văn chương một cách quyết liệt, cốt chỉ để giành phần thắng về phía mình. Có chăng, nếu tranh luận, đăng đàn về một vấn đề gì đấy của văn chương cũng chỉ đặng làm cho chân lý được sáng tỏ. Đấy chính là cách ứng xử thường thấy của kẻ sĩ Bắc Hà.


đỗngọcyên-29.09.2021.jpg
Nhà Lý luận - Phê bình Văn họ​c Đỗ Ngọc Yên


nhà văn Tùng Điển-29.09.2021.JPG
Nhà văn Tùng Điển (phải) trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt  Nam tại Đại hội Hội VHNT Đồng Nai lần thứ VI (tháng 3/2019)



1. Nhà văn Tùng Điển có tên thật là Trần Quang Điển. Ông sinh ngày 01-01-1947, ở thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam từ năm 1978, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Hiện tại ông sống và làm việc tại Hà Nội.

Nhà văn Tùng Điển từng tốt nghiệp Đại học Xây dựng, ngành toán. Sau khi tốt nghiệp, ông làm nghề giảng dạy, đến năm 1972 Tùng Điển tham gia quân ngũ.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 ông chuyển ngành làm cán bộ biên tập sách tại Nhà xuất bản Thanh niên, sau đấy ông chuyển sang làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới (nay là Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm) của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Tùng Điển là Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Từ thuở nhỏ, cậu bé Trần Quang Điển đã ham đọc và viết truyện. Mới học cấp II, Trần Quang Điển đã dám viết truyện “Đời góa” dày 300 trang nói về cuộc đời của mẹ mình. Năm 1965, cậu học sinh Trần Quang Điển được tặng giải Ba trong cuộc thi viết của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội với truyện ngắn Niềm vui sáng tạo, trước khi Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội được thành lập.

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Tùng Điển đã xuất bản một số tác phẩm như: “Những ô cửa mầu nâu” (tập truyện ngắn, Nxb Lao động, 1976); “Mạch ngầm” (tiểu thuyết, Nxb Thanh niên, 1977); “Những đứa con thành phố” (tiểu thuyết, Nxb Hà Nội, 1979); “Kỷ niệm phố bãi” (truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới, 1981); “Khoảng trống” (tiếu thuyết, Nxb Thanh niên, 1983); “Bức ký họa” (truyện ngắn, Nxb Lao động, 1985); “Ngọn đèn như quả hồng chín” (truyện dài thiếu nhi, Nxb Hà Nội, 1987).

Ông cũng đã từng nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Văn học công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho tập truyện ngắn “Những ô cửa màu nâu” (1976); Giải A, Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội (Hội VHNTHN) cho tập tiểu thuyết Mạch ngầm (1976); Giải thưởng 5 năm một lần của Hội VHNTHN cuốn Những ô cửa màu nâu (1980); Giải C, Hội VHNTHN cho tiểu thuyết Khoảng trống (1980),... Nhà văn Tùng Điển được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt IV, năm 2016 cho Tập truyện ngắn “Những ô cửa màu nâu”.

 

2. Sau 31 năm im hơi lặng tiếng trên văn đàn, tính từ tác phẩm “Ngọn đèn như quả hồng chín”, truyện dài viết cho thiếu nhi do Nxb Hà Nội ấn hành vào 1987, đến năm 2018, nhà văn Tùng Điển mới “tái xuất” với tiểu thuyết Người cũ do Nxb Quân đội Nhân dân ấn hành. Điều ấy làm cho không chỉ riêng tôi mà còn có nhiều người nghĩ rằng có thể ông nhà văn thất thập này đã gác bút thật rồi. Tất nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, khiến ông tạm giải lao một quãng thời gian không phải là ngắn, ngót gần 1/3 thế kỷ như vậy. Cũng có thể, trước đây có nhiều bài viết về con người nhà văn Tùng Điển và tác phẩm của ông, nhưng khi ấy, ở nước ta còn chưa có internet, nên việc lưu trữ tài liệu chủ yếu là bằng phương pháp thủ công qua các văn bản in trên giấy.

Nói như vậy để thấy rằng các tài liệu, sách báo, tác phẩm văn chương ở nước ta trước năm 1995 ít được phổ biến rộng rãi và lưu trữ trong môi trường không gian mạng như hiện nay, nên việc truyền bá chúng là vô cùng khó khăn và phức tạp. Vậy mà phần lớn các tác phẩm văn chương của nhà văn Tùng Điển xuất bản cách trước thời gian 1995 chừng khoảng 7- 8 năm nên nếu như không đến tay bạn đọc nhanh và rộng khắp cả nước như hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng theo thiển nghĩ cá nhân, dù ít hay nhiều, vẫn còn có một nguyên nhân ​n tàng trong tâm thức nhà văn Tùng Điển, mà có thể ông chưa tiện nói ra. Đấy chính lòng tự trọng của một kẻ sĩ Bắc Hà, khi nghiệp văn đã thấm đẫm trong người như ông. Một khi chưa có (hoặc hết) hứng thú, có thể ông đã tự quyết định tạm ngưng viết một thời gian để tiếp tục tích lũy thêm tư liệu, trau dồi kinh nghiệm và tìm kiếm sự hứng thú trở lại trước khi cầm bút. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, đối với tác phẩm văn chương khi mà người sản sinh ra nó không có hứng thú viết thì lấy đâu ra cảm hứng để có thể truyền tới cho độc giả, nếu cứ cố tình viết, cùng lắm cũng chỉ có thể cho ra đời những tác phẩm ái văn chương, vô hồn mà thôi. Chính vì điều ấy mà tôi đánh giá cao sự tôn trọng chính mình và cũng chính là tôn trọng người đọc, những người yêu thích văn chương đích thực của nhà văn Tùng Điển.

Đối với các tập sách trước của nhà văn tôi chưa được đọc hết vì quá lâu rồi, nên xin phép không bàn đến. Trong bài viết này, tôi chỉ quan tâm đến tiểu thuyết gần đây nhất của ông, đấy là cuốn “Người cũ”. Có lẽ là nhà văn quá khiêm nhường nên đã đặt cho tác phẩm của mình một cái tên như vậy. Về nghĩa đen là hoàn toán xác tín, không còn gì phải bàn luận nữa. Nhưng, vừa với tư cách là một người thích đọc văn chương từ hàng chục năm nay, vừa với tư cách một người làm lý luận - phê bình văn học chuyên nghiệp, tôi thấy những câu chuyện mà nhà văn kể lại trong tác phẩm của ông không hề cũ chút nào. Nếu có, đấy chỉ là mốc giới thời gian, một đại lượng bất động, không bao giờ biến đổi được. Còn lại con người, sự việc xảy ra từ những năm nửa đầu thế kỷ XX cho đến hiện tại, đã được tác giả đem hết tâm, trí lực đặng thổi hồn vào, làm cho chúng sống động và hấp dẫn hơn, cứ như là chuyện vừa mới xảy ra cách đây chưa lâu.

 

3. Cuốn tiểu thuyết được cấu trúc với 5 phần gồm: Một - “Sân 51”, Hai - “Những người chân đất”, Ba - “Hai người lính Tây”, Bốn - “Người thiên cổ”, Năm - “Tìm về”. Thoạt nhìn qua tiêu đề của các chương, chắc không ít người thấy dường như chúng chẳng hề ăn nhập gì với nhau. Thế nhưng, nếu đọc kỹ thì hoàn toàn ngược lại. Đây là một cấu trúc mở, nhưng khá hoàn chỉnh, chặt chẽ và hợp lý. Bởi lẽ trong toàn bộ cuốn sách chỉ nói về chuyện đã qua, thì quá khứ mà nhà văn Tùng Điển đã gọi chúng bằng một cái tên nôm, dễ hiểu, đấy là “Người cũ”. Ngay ở phần Một - Sân 51, những tưởng nhà văn nói về trụ sở của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Nhưng xem ra đấy chỉ là cái cớ về không gian để nhà văn tạo dựng câu chuyện, gửi gắm tâm sự cũng như cõi lòng mình với một thái độ biết ơn vị Chủ tịch Hội tiền nhiệm là cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, con gái nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương.

Qua những trang viết của nhà văn Tùng Điển, chúng ta dễ dàng hình dung ra một họa sĩ Vũ Giáng Hương khi đang tại vị. Bà không chỉ là một người lãnh đạo cao nhất của giới văn nghệ sĩ cả nước, luôn hết lòng, tận tâm, tận lực chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà bằng một thái độ ân cần rất mực tử tế đối với các văn nghệ sĩ cả nước trong tư cách là bà chị cả của giới, bằng những ứng xử đầy văn hóa và nhân văn của con nhà dòng dõi trâm anh, mà dường như chỉ có ở những người phụ nữ Hà thành gốc trước đây mới có được.

Bên cạnh đấy, họa sĩ Vũ Giáng Hương còn là một người rất quan tâm tới văn hóa tâm linh, như là một phần tất yếu, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà. Minh chứng là, khi cánh thợ đào gốc cây đa cổ thụ trong sân 51 (nhà số 51, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, hiện là trụ sở của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam) để thay đất mới cho cây thì phát hiện dưới lớp đất sâu chừng một mét hai cụ rùa vàng, trên thân có khắc những dòng chữ Hán cổ. Nhà văn Tùng Điển khi ấy là Chánh Văn phòng cơ quan, liền mang hai cụ rùa vào nhà lau chùi, tắm rửa sạch sẽ rồi lập bàn thờ nghiêm trang cho các cụ. Sau đấy mới báo cho thủ trưởng cơ quan biết. Bà Vũ Giang Hương biết tin đã đến ngắm nghía, chiêm ngưỡng một cách say mê trước khi thắp hương, khấn vái hai cụ, mong hai cụ phù hộ độ trì cho anh em văn nghệ sĩ và nền văn nghệ Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Tiếp đến, bà giao cho Chánh văn phòng những công việc cần làm để bảo trọng hai cụ ở mức độ cao nhất có thể.

 

4. Theo thiển nghĩ, sau khi đọc xong cuốn sách, tôi thấy dường nhà văn dành nhiều tâm huyết cho việc tái hiện lại hiện thực lịch sử của vùng quê ngoại thành Hà Nội, vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước cho đến thời kỳ sau này ở phần 4, “Người thiên cổ”. Ở phần 1- 3 và phần 5 dường như là những câu chuyện khác, nhưng chúng lại có ý nghĩa bổ sung, tô đậm thêm một số tính cách nào đó hay chủ đề làm tăng điểm nhấn cần thiết ngõ hầu nổi rõ tính khuynh hướng tư tưởng chủ đạo của cuốn sách.

Riêng phần 4, theo tôi nó giống như một truyện vừa hoàn hảo, thậm chí là một tiểu thuyết mini, thay vì chỉ là một chương của cuốn sách. Bởi lẽ ở phần này kết cấu câu chuyện chủ yếu là xoay quanh nhà cụ Chánh, người đại diện cho chính quyền phong kiến địa phương, trước và sau cơn ba đào của lịch sử dân tộc, ngày chiến thắng Điện Biên, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, 1954. Cái chết của cụ Chánh và sự ra đi của cô con gái Phan Thạch Ngưu, ngay cả sự hy sinh của Bí thư Chi bộ Trần Văn Huề, việc thằng Nhỡ lại lang thang ra xó chợ Dáy, Văn Điển cải trang làm người quét chợ, rồi số phận của bọn lính tây, đứng đầu là thằng Tây lùn phụ trách các bốt ở khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội, tất cả dường như chỉ diễn ra xung vụ càn quét của quân giặc vào vùng ngoại ô thành phố này, là sự phản ánh kết cục tất yếu của dòng chảy lịch sử lúc bấy giờ.

Với khoảng 100 trang in, từ trang 82 đến trang 182, chiếm gần 60% dung lượng tác phẩm, tất cả những vấn đề về lịch sử - xã hội của vùng ngoại ô thành phố trước và sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp vào năm 1954 được hiện lên thật sự rõ nét. Đấy là cảnh tượng làng quê xưa đầy thơ mộng do thiên nhiên ban tặng và chưa có sự phá hoại của công nghệ hiện đại, mặc dù thời ấy xem ra có vẻ đơn sơ, tiêu điều xơ xác, sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ, không mấy phát triển nhưng lại rất đáng yêu. “Những cánh đồng như vựa thóc của người Hà Nội xưa mơn mởn xanh, giờ trơ đất hoang hóa, để ý lắm mới thấy lác đác trên cánh đồng, những người nông dân bất chấp hiểm nguy có thể đến lúc nào từ các lỗ châu mai, mong bòn hạt lúa, củ khoai nuôi sống gia đình”. (tr.91).

Hay là cảnh đôi trai gái yêu nhau, Huề và Ngưu đã được tác giả miêu tả hết sức thi vị: “Khi trai làng không dám mon men gần cô thì chú tôi lại có điều kiện ở bên ngôi sao Ngưu ấy. Hai người học cùng lớp cùng trường. Trường dưới huyện Đông Phù, cứ đi theo đường cái quan, men sông Tô Lịch chừng một thôi chạy gằn là đến. Nhưng đôi trai gái này không chạy, có xe đạp nô giỡn, đuổi bắt nhau. Mỗi người một xe Pơ-giô. Khi tiếng cười và tà áo trắng của cô, vừa như cánh bướm dập dờn trong sương sớm ven sông Tô Lịch, thì chú tôi cũng đã nhổm người trên yên xe, bứt khỏi làng ra đường cái quan”.

“Thế là họ đuổi nhau lúc nhanh lúc chậm, lúc cô Ngưu dướn người về phía trước thì chú tôi gò lưng tôm mà đạp, mà hổn hển thở; được đoạn dài cô chùng chân, buông thả người, lái một tay, ngoái lại, tay vẫy về phía sau như thách thức, thì chú tôi cũng như dềnh dàng không muốn đuổi. Tới đoạn đường một bên sông, một bên là cánh đồng thì họ đã đi bên nhau, xuống dắt xe, thật để ý mới nghe thấy hơi thở và tiếng líp xe tanh tách như vẫn còn muốn đôi trai gái đùa giỡn. Có những buổi đi học sớm, đường cái quan, ẩn hiện bên các lũy tre ven đường, một vài tốp người gồng gánh đi chợ, có người biết họ, kháo chuyện: - Cậu Huề con bác Chưởng với cô Ngưu con ông Chánh phải hơi bén tiếng nhau, đố mà có rời nhau được” (tr.85)

Chính ở nơi đây quan hệ giữa chính quyền thực dân xâm lược và quan lại phong kiến Việt Nam, thông qua hai nhân vật chính là ông Chánh và thằng Tây lùn; quan hệ giữa bọn thực dân xâm lược, đại diện là Tây lùn với chính quyền cách mạng (Việt Minh) do Trần Văn Huề làm Bí thư chi bộ; quan hệ giữ chính quyền phong kiến địa phương với người dân thông qua việc ông Chánh đã cưu mang giúp đỡ nhiều gia đình nghèo tại địa phương và gia đình ông Nhẫn, chạy loạn từ Mường Bi, Hòa Bình về đây cư ngụ và gia đình ông Chưởng bạ đã có một người con ưu tú, làm Bí thư chi bộ Đảng của thôn Tự Khoát là Trần Văn Huề; quan hệ giữa chủ nhà là cụ Chánh và cô Ngưu với người ở là thằng Nhỡ; đặc biệt là mối tình tuyệt đẹp tuổi học trò giữa Huề và Ngưu,... Tất cả đều được nhà văn miêu tả hết sức cụ thể, chân thực, nhưng cũng đầy sự tinh tế và hết sức nhân văn.

Có thể nói, mọi ý đồ tư tưởng của nhà văn được gói rất kín vào hình tượng nhân vật, khiến người đọc chỉ còn cảm thấy đấy là ngôn ngữ của nhân vật, những chuyện thực từng xảy ra và do những người trong cuộc tự nói ra, chứ không phải của người viết. Các cụ ta xưa dạy rằng “sông kỵ khúc, văn kỵ trực” quả là chẳng có sai. Nếu sông gấp khúc nhiều đoạn cua vòng, nước sẽ chảy chậm, nhiều rác thải dễ tù đọng và trở thành sông chết. Còn văn mà cứ nói ra tồng tộc tất cả những gì mình muốn nói thì sẽ gây cho người đọc cảm giác đơn điệu, tẻ nhạt và nhàm chán, như là áp đặt người đọc lúc nào cũng phải tuân theo suy nghĩ và ý đồ của người viết, mất hứng.

 

5. Tôi đặc biệt thú vị với những trang đặc tả tính cách nhân vật có chiều sâu, cũng như màn đối thoại giữa cô Ngưu và người kể chuyện, xưng tôi trong Người cũ. Từ thằng Nhỡ, đến cụ Chánh, cô Ngưu và thằng Tây lùn, mỗi người một ngoại hình, dáng vẻ cũng như tính cách khác nhau rất phù hợp với vai diễn cuộc đời mà nhân vật ấy đang nắm giữ.

Bằng kinh nghiệm quan sát tinh tế các hạng người trong xã hội trước đây còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ của cậu học trò Trần Quang Điển, theo đó thì loại người thường có hai nét mặt: “Loại người ở thường có hai nét mặt, một là bì bì trì độn; một là mặt mỏng, môi mỏng, mắt đảo như ngô rang. Thằng Nhỡ thuộc loại thứ hai, thêm hai cái chân, hai cái tay lúc nào cũng nhoăn nhoắt mà độ chính xác thì không sai lấy một ngón tay, đấy là chưa kể đến hai cái tai vểnh của nó, cứ như tai thỏ hết quay trái; quay phải, đố mà sót một tiếng động nào”. (tr. 94- 95).

Quả thực nhà văn Tùng Điển đã quan sát một cách ký lưỡng, tinh tế với một cái nhìn sắc lẹm về loại người này, không chỉ về mặt dáng vẻ, hình thể, mà quan trọng hơn là về tính cách của một kẻ lang bạt kỳ hồ nơi đầu đường, xó chợ được cụ Chánh mang về nuôi. Nhỡ có đầy đủ các phẩm chất của một con người từ trên trời rơi xuống vì hắn nào đâu có biết bố mẹ mình là ai, quê quán ở đâu, nhưng lại khá siêng năng, cần cù, nhanh nhẹ, láu táu, dẻo mỏ, hay hớt lẻo, thích cầm đèn chạy trước ô tô, tận tụy với công việc khi thấy có lợi, kể cả làm chỉ điểm cho địch, miễn có nhiều tiền. Đây là cái cách thằng Nhỡ chuẩn bị một bữa thịnh soạn tiếp thằng Tây lùn ở nhà cụ Chánh: “Thằng Nhỡ loáng mất dạng, đã thấy gà quang quác chạy ngoài vườn; rồi, trời rét thế, nó đã trần trùng trục, vận chiếc quần dài nâu vê hai bên hông cho gấu quần cao quá gối, tay thoăn thoắt buộc gọng tre, chống một đầu vào chân tường, đu người lên đầu kia căng lưới mắc dập… Chỉ một cú bổ nhào, một hơi lặn, nó đã thành thạo dồn con cá trắm đen to bằng đùi vế, cuốn chặt vào rường lưới, khiến con cá nằm bất động trên mặt nước. Mấy thằng lính nhìn thằng Nhỡ một cách thán phục”. (tr.106- 107).

Có ai ngờ chính lòng thương người của cụ Chánh đã khiến cụ quá tin hay là không thèm chấp Nhỡ, một thằng khố rách áo ôm mà cụ đã mang từ xó chợ về nuôi, trở thành người nuôi ong tay áo. Bởi lẽ thằng Tây lùn cáo già, người Pháp lai Việt vô cùng gian xảo, quỷ quyệt vừa tỏ ra thân thiện với cụ Chánh, vừa ra sức đút tiền cho thằng Nhỡ, vì theo hắn không người nào có thể am hiểu nhà cụ Chánh bằng thằng Nhỡ, với mục đích biến nó thằng một thằng tay sai đắc lực cho bọn xâm lược Pháp đang tìm mọi cách để triệt hạ lực lượng Việt Minh của ta ở khu vực ngoại ô này.

“Mày phải tìm hiểu cho kỹ ai là người làng, ai là người thiên hạ. Kẻ nào làm gì, nói gì. Quan trên khen mày làm việc tốt lắm, không chỉ cho mày nhiều tiền mà còn đưa mày đi huấn luyện... Hôm ấy thằng Nhỡ được mẻ tiền lớn, thêm câu dặn chắc như đinh đóng cột: mày không được rời mắt khỏi hai đứa, thấy cô cậu có vẻ như sắp trai trên gái dưới là phải xông vào ngay”... (tr. 120- 121).

Sự bắng nhắng, hóng hớt, thói mách lẻo của thằng Nhỡ những tưởng đấy chỉ là tính nết trẻ con vô hại của cu cậu, nhưng dưới mắt thằng Tây lùn thì đấy lại là cơ hội tốt để nó thấu hiểu tận gốc rễ từng cử chỉ sinh hoạt, đời sống và quan hệ của chính quyền phong kiến địa phương với người dân và đặc biệt là chính quyền Việt Minh. Tây lùn áp dụng phương thức nắm quyền cai trị khu vực này bằng cách vừa đấm vừa xoa, mang thức ăn, đồ hộp, bánh kẹo từ Pháp sang, đem thuốc phiện từ Myanma đến mời cụ Chánh, cho thằng Nhỡ ngày càng nhiều tiền để nó cung cấp tin tức về những chuyện từng xảy ra ở địa phương và ngay trong nhà cụ Chánh. Ngay cả việc xài món thuốc phiện hắn tỏ ra là người từng trải nên luôn tìm cách nhập gia tùy tục với cụ Chánh. “Đúng là bàn tay của thằng chuyên hút xách, ngón to như dùi đục, nổi gân mà Tây lùn vê thuốc thật khéo, thật nhanh, lúc hơ sái lên ngọn đèn, lúc xoay vào lọ thuốc phiện cứ mềm và thoăn thoắt như trẻ con chơi trò rải gianh vậy”. (tr.101)

Bởi theo Tây lùn, mọi việc xảy ra ở vùng này đều không qua được mắt cụ Chánh, nên bằng mọi cách nó cần phải nắm thật chắc lấy cụ. Nàng tiên nâu là thứ rất hấp dẫn đối với Tây lùn, dù vậy hắn vẫn không quên việc vừa thưởng thức thuốc phiện, vừa khai thác tin tức từ cụ Chánh về tình hình an ninh, trật tự ở cái làng mà hắn được trên giao phụ trách:

“Ông Chánh, thằng Huề là cầm đầu, ở cái xã Ngũ Hiệp này còn nhiều đồng chí của nó, biết đâu đã có thằng đi rải truyền đơn chống người Tây, tụ tập đông người hô hào ở chợ kêu gọi thành lập chính quyền, tuyên truyền tự do, dân chủ”.

“Thằng Nhỡ tròn mắt lắng nghe, đôi tai vểnh mỏng như động đậy được, nó như thay ông Chánh, đồng lõa:- Dạ, đúng như quan trên nói đấy ạ, đêm sáng giăng chúng còn tụ tập bọn trẻ con dạy hát, dạy múa nữa ạ. Mà sao cái bọn trẻ con hễ cứ nói đến hát, đến múa là lại inh lên rồi”.

“Tây lùn đang nhét thuốc vào nõ, nghe vậy, dương mắt nhìn thằng Nhỡ cóm róm đứng gần mép sập”.

“Ông xòe diêm, dựng ngược cho lửa hết lưu huỳnh mới nhẹ nhàng chấm vào bấc. Ngọn đèn dầu lạc tròn vo, bong bong. Mũi kim tiêm chấm sát vê nhẹ trên lửa khi cao khi thấp đã bện vào đầu kim, ro ro sôi, cái mùi thơm không cưỡng nổi của dân nghiện bắt đầu tỏa ra trên mặt chiếu. Cũng là lúc thằng Tây lùn dương đôi mắt xanh như mắt mèo nhìn ông Chánh, buông từng tiếng: - Ông có biết dạo này Việt Minh nổi lên như giặc cỏ không? Chúng giết lính người Tây người ta ngang nhiên giữa ban ngày. Chúng cắm cờ đỏ sao vàng ngay trên các ngọn cây sát đồn bốt, như muốn nhổ hết đồn bốt đi rồi. Nói để ông Chánh biết, một số vùng Việt Minh giết cả lý trưởng, chánh tổng muốn lập chính quyền cộng sản đấy. Ông nghĩ sao?”

“Bị hỏi bất ngờ, ông Chánh dừng vê thuốc, điềm tĩnh nhìn Tây lùn: - Chúng tôi không biết gì, làng này, xã này vẫn yên bình”.

“Tây lùn nhổm dậy, gõ gót giầy trên sập đánh cộp: - Yên bình gì. Cái làng Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp do ông trông nom, ngày thì cứ tưởng không có gì, nhưng đêm là Việt Minh nhộn nhịp, nhũng nhiễu. Ông có biết thằng Trần Văn Huề con lão Chưởng bạ, là Bí thư chi bộ Cộng sản giờ nó đang làm gì, trốn ở đâu không?”

“Ông Chánh sững người, giữa mùa đông mà mồ hôi trán ứa ra lấm tấm”. (tr.100- 103).

Đặc biệt, tôi rất thích những trang, đoạn viết về cô Phan Thạch Ngưu, con gái cụ Chánh vừa tinh tế vừa có chiều sâu tính cách của con gái nhà quan. Từ hình hài đến tướng mạo và cách ứng xử rất nữ tính, đúng đẳng cấp, nhưng cũng rất tình người, thấm đẫm tinh thần nhân văn của người Việt:

“Theo Nhị Thập bát tú, cô đã sinh vào ngày Ngưu Kim Ngưu, tướng tinh con trâu. Sao Ngưu là một trong Thất Sát tinh, sinh con vào ngày ấy khó nuôi, nên phải lấy tên sao đặt cho cô; không những vậy mà còn phải làm việc Âm Đức suốt tháng sinh, hoặc kéo dài thêm nữa thì mới mong nuôi con khôn lớn, thành người được… Có lẽ sự nghiệt ngã của số phận, của ngôi sao Ngưu thất sát tinh ấy, đã mờ ám, lọc lõi dụ bước chân thiếu nữ đặt vào miền cỏ lạ, ẩm ướt hơi sương để rồi cô cứ tự cất lên tiếng cười trong trẻo, tự giang tay mà đón nhận ánh nắng rực rỡ, tự hóa thân thành bướm lúc đậu, lúc tha thẩn, lúc rối rít vỗ cánh bay... đùa giỡn với những ngón tay tinh quái đang định nhón bắt mình. Người có những ngón tay tinh quái ấy, chính lại là chú ruột tôi. Khi trai làng không dám mon men gần cô thì chú tôi lại có điều kiện ở bên ngôi sao Ngưu ấy (…) Có những buổi đi học sớm, đường cái quan, ẩn hiện bên các lũy tre ven đường, một vài tốp người gồng gánh đi chợ, có người biết họ, kháo chuyện: - Cậu Huề con bác Chưởng với cô Ngưu con ông Chánh phải hơi bén tiếng nhau, đố mà có rời nhau được”. (tr.84- 85).

Dù biết rằng mọi chuyện xảy ra với gia đình cụ Chánh đều do cái thằng Nhỡ ăn cháo đái bát ấy mà ra. Sau cái đận cô Ngưu bị du kích bắt giải đi vì nghi là chỉ điểm, nên quân Pháp mới mở trận càn xuống vùng Ngũ Hiệp bắn chết Bí thư Chi bộ Trần Văn Huề, con trai cụ Chưởng bạ, ngay trên sân nhà cụ Chánh. “Từ hôm đưa chú Huề ra đồng, ông chỉ ngồi vậy, có lần tỉnh dậy giữa đêm, tôi thấy bóng ông vẫn lặng im trên vách. Tôi có cảm giác ông tôi hình như biết ông Chánh tổng đang đứng ngoài ngã ba ngõ, và cả ông Chánh tổng đứng ngoài kia cũng biết ông tôi đang ngồi trên tràng kỷ. Cả hai người biết có nhau nhưng đều không lên tiếng. Thật là một sự im lặng chưa thấy bao giờ. Chỉ sau này khi ông Chánh tổng và ông tôi đã là người thiên cổ và tôi đã lớn lên, có gia đình mới nhận biết được cuộc đối thoại câm lặng của hai ông già ngày ấy. Một người con mới bị giặc Pháp bắn chết, một người con nghi là chỉ điểm bị Việt Minh bắt đem đi, cũng coi như là không còn nữa; nhưng trong sâu thẳm hai người cha ấy không nghĩ nhau là thù địch, mà chỉ có nỗi đắng chát của hai người cha mất con. Những lần cô Ngưu sang nhà, ríu rít với chú Huề, ông bà tôi nhìn cô thật trìu mến, nhất là bà tôi ánh mắt cứ sáng lên, biết cười như nhìn con gái vậy. Đời sống có biến cố thật khốc liệt và thật xót xa với người cha đứng chống ba - toong ở ngã ba ngõ kia. Cái ngôi sao Ngưu, một trong thất sát tinh, chả lẽ lại đúng, kéo theo điềm gở đến mức đem cái chết của chú Huề tôi người bạn của con gái ông, một du kích, một Bí thư Chi bộ Đảng xã bị giặc Pháp bắn chết ngay trên sân nhà ông, cắt ngang tuổi trẻ của cô Ngưu, thấy sống đấy mà như đã chết. Cho dù hai ông già này có giáp mặt nhau, thì cũng chỉ biết ôm mặt mà khóc. Nhưng ngày ấy, một người ngoài ngõ, một ở trong nhà hai người cha này cũng đã khóc nhưng không thành tiếng và nước mắt thì cũng đã chảy ngược vào trong tụ lại, làm thành khối u uất để cả hai sớm phải từ giã cuộc sống vốn yên bình của mình”. (tr.137- 139).

Vài hôm sau, cụ Chánh chống ba toong ra đầu làng đến cầu Gạch thì bị ngã xuống đấy cùng con vện mà chết tức tưởi, thằng Nhỡ cũng ba chân bốn cẳng cao chạy xa bay khỏi nhà cụ Chánh.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, ít lâu sau cô Ngưu được trả tự do. Lúc này cô tiểu thư năm nào đã trở thành một bà già tiều tụy. Chỉ riêng những ngón tay ngọc ngà quý phái của cô vẫn còn đó làm minh chứng cho thằng Nhỡ nhận ra. Mặc dù, ngày trở lại làng Tự Khoát trong căn nhà xưa, tiêu điều và xơ xác vì lâu rồi không có người ở, chỉ thi thoảng có cô Nụ, con ông Nhẫn mang mâm cơm lên quét dọn nhà và hương khói cho cụ Chánh, như là một cách trả ơn ngày trước cụ đã cưu mang cả nhà cô từ Mường Bi đến đây cư ngụ, bà Ngưu muốn tìm bằng được thằng Nhỡ, vừa là đứa ở, vừa là thằng chỉ điểm cho giặc gây bao nhiêu đau thương, tang tóc cho không chỉ nhà cụ Chánh mà cả làng Tự Khoát này, nên bà cần phải trừ khử nó. Bà Ngưu đã chuẩn bị mưu kế, cách thức để hành động:

“Còn thứ để triệt thằng Nhỡ, tôi nhớ đến truyện tôi đã đọc hồi nhỏ. Tôi nhặt tóc từ một hàng cắt tóc về, lấy kéo tỉ mẩn cắt thật ngắn cho vào rượu. Tóc nhỏ li ti uống vào người không chết ngay nhưng sẽ ho, lâu ngày ho ra máu mà chết... Lần rót đầu này, tôi đã rút ngay chai rượu có pha tóc, tôi rót đầy oặc, rượu tràn cả ra chõng. Cầm chén rượu lên đưa về phía thằng Nhỡ thì tay tôi run bắn, tôi lật đổ chén rượu xuống đất, nhưng thằng Nhỡ như có chủ ý, nhanh tay hơn, nó gần như giằng lấy chén rượu, ngửa cổ tợp gọn... Nó cố tình uống chén rượu tôi rót ra, và biết rằng đấy là chén rượu tôi giết nó... Từ trong lều bỗng bật lên tiếng khóc thảm thiết, tức tưởi. Vừa khóc vừa nấc lên, ối cô chủ ơi, con có tội, con đáng chết, ối cô chủ ơi. Rồi lại tiếng réo lên thảm thiết lẫn trong tiếng đập tay thình thịch dội vào mặt đất, ối ông ơi, con giết ông rồi, con có tội, xin cho con được chết đi để xuống đấy hầu hạ ông, ối ông ơi là ông ơi... Mỗi lần cúi, thằng Nhỡ lại áp mặt xuống, hai tay xòe to vỗ xuống đất. Ối cô chủ ơi, con có tội, ối ông ơi, con giết ông rồi, xin cho con được chết đi để xuống đấy hầu hạ ông, ối ông ơi là ông ơi... Thằng Nhỡ biết tôi theo nó vào đây và nó thắp đèn, quỳ xuống chờ. Nó khóc, tự kể tội nhưng lòng tôi lạnh tanh, thù hận, tôi phải cúi xuống mới bước được qua cửa lều. Hình như biết tôi vào lều, nó im bặt, cúi gập người, phủ phục trên mặt đất, nhưng đầu nó vẫn run lên vì nấc nghẹn. Nhỡ, tôi gọi giật, người nó càng mọp xuống, không dám ngẩng lên, biết tao bỏ độc vào rượu, mày vẫn giằng lấy uống là sao. Thưa cô con có tội, ối giời cao đất dày ơi, con có tội cô chủ ơi”...

“Dạ, cô chủ ơi, con nhiều bệnh tự biết cũng không còn được lâu nữa, nhưng được chết bởi tay cô con thấy được bớt tội. Làm sao mày biết là tao. Ngay tối qua con đã nhận ra cô chủ rồi, lúc cô với tay ra lấy cái chén, ngón tay cô cứ như ngón tay Phật bà Quan âm con làm sao quên được, con còn thấy cô muốn ra tay từ tối qua nhưng cô còn có ý thương con... Tôi lùi dần ra ngoài cửa bảo nó, giờ sống hay chết là việc của mày, tao không còn nghĩ đến nữa. Biết tôi đã ra khỏi cửa, thằng Nhỡ lết gối theo, nhìn lên, mặt đầm đìa nước mắt, cô chủ ơi, cô hãy nói một câu tha tội cho con đi, thì có chết đi con cũng mới nhắm được mắt. Tôi bỏ đi được vài bước nó lại quì lết theo ra ngoài cửa lều, rền rĩ, cô chủ ơi, cô Ngưu ơi, cách đây mấy đêm, con có trốn về nghĩa địa làng thắp hương cho ông, cho bà, cho cả con vện nằm ở dưới chân ông nữa, ối cô ơi, con không bằng con vện, không dám đâm đầu xuống đầm bùn mà theo ông, không bằng con chó. Nhìn nó rũ ra như tàu lá héo, lúc đó lòng tôi thật trống trải, và tôi cũng không thể ngờ được rằng, sau cái buổi tối hôm ấy nó gọi tên tôi, mãi nhiều năm tháng sau này không còn ai gọi đến tên tôi nữa. Tôi bảo thằng Nhỡ, thôi thì đời tao cũng đã đến thế này rồi, tao tha tội cho mày. Tôi bỏ đi, không quay lại chợ Dáy Văn Điển nữa. Nhưng cũng chỉ thời gian sau tôi nghe tin, thằng Nhỡ đã chết trong cái lều cuối chợ, trước khi chết nó đã tự cuốn được người vào trong chiếu, nằm chờ”. (tr. 175- 181).

Những tưởng, một người như bà Ngưu hoàn toàn có lý do chính đáng để bắt thằng Nhỡ phải đền tội dưới tay bà. Nhưng không, cuối cùng nhìn dáng bộ tàn tạ của hắn, bà đã: “Tôi bảo thằng Nhỡ, thôi thì đời tao cũng đã đến thế này rồi, tao tha tội cho mày”. Thật là một cái kết vô cùng bất ngờ, khiến nhiều người sẽ rất khó đoán định, nhưng mà có hậu, thám đẫm tinh thần nhân ái của người Việt: “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.

Với tôi, đây là cuốn tiểu thuyết đọc rất thú vị, và là sự thành công của nhà văn Tùng Điển sau gần một phần ba thế kỷ trở lại với văn đàn.

Đỗ Ngọc Yên


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​