Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới hiện nay


*LTS: Tham luận do NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch - Bí thư Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai, trình bày tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới (do Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 13/4/2023)


515ce9f3967d4a23136c.jpg
NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch - Bí thư Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai, trình bày tham luận


Đảng đoàn Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai xin được trình bày tham luận "Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Nai, nâng cao chất lượng hoạt động Lý luận Văn học Nghệ thuật, Hoạt động Phê bình Văn học Nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới hiện nay” như sau:

Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học Nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội VHNT Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả tinh thần của Nghị quyết bằng những chương trình, nội dung, kế hoạch và việc làm cụ thể, phát huy tốt vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT, của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của 10 chuyên ngành cùng chung chí hướng, phấn đấu nỗ lực vượt mình đồng hành gắn bó máu thịt với đảng bộ và nhân dân, lấy sức lao động sáng tạo vĩ đại của nhân dân làm nguồn cảm hứng vô tận cho khát vọng sáng tạo những công trình tác phẩm VHNT nóng hổi, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, thấm đẫm tình người, tình đất, tình dân tộc. Các tác phẩm đó đều chứa đựng các giá trị tư tưởng sâu sắc, tính nghệ thuật cao, mang bản chất nhân văn cao đẹp.

Với bề dày truyền thống Văn hóa - Lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển, chính vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn bao thế hệ văn nghệ sĩ Đồng Nai. Trải qua chặng đường 43 năm thành lập Hội và 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 về phát triển VHNT trong tình hình mới, Hội VHNT tỉnh nhà đã sáng tạo, công bố, quảng bá, xuất bản, giới thiệu hàng chục ngàn công trình tác phẩm VHNT phục vụ nhân dân, khối lượng hàng chục ngàn tác phẩm được sáng tác và công bố là sản phẩm tinh thần phục vụ xã hội. Các sáng tác của văn nghệ sĩ Đồng Nai đã đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Để minh chứng cho những thành tựu nêu trên bằng những số liệu cụ thể: Hội VHNT Đồng Nai đã có 02 nghệ sĩ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân, 03 văn nghệ sĩ được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 08 NSUT cùng trên 500 Giải thưởng VHNT các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế, trong đó có nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng (Nhất, Nhì, Ba) với những thành tích trong lao động sáng tạo các công trình, tác phẩm nghệ thuật. Chỉ tính 05 năm trở lại đây, Hội VHNT đã được UBND tỉnh 03 lần tặng cờ thi đua xuất sắc, 05 năm liền được UBTQ Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam tặng cờ thi đua suất xắc. Những thành tựu trên đã khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu, chất lượng hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai với bạn bè khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai trong thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần đánh giá thẳng thắn, trung thực khách quan về thực trạng đời sống VHNT hiện nay:

 - Đồng Nai là nơi hội tụ lực lượng văn nghệ sĩ khá dồi dào, mang phong vị từ nhiều vùng miền, tạo nên sự phong phú, đa dạng, giọng điệu sắc thái khác nhau. Nhưng tính khái quát của hầu hết các tác phẩm còn hạn chế, chưa có nhiều tác phẩm phản ánh sâu sắc, chân thật về đời sống xã hội của đất nước, về những thành tựu đổi mới, xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế, về những vấn đề lớn lao của quốc gia, dân tộc và thời đại đặt ra.

 Vì vậy mà còn ít tác phẩm đạt được tầm giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, chưa tạo được dấu ấn, chưa có sức cuốn hút, chưa có sức lan toả, thấm sâu, làm lay động lòng người. Khối lượng sản phẩm ra đời nhiều nhưng lại thừa tác phẩm yếu mà thiếu tác phẩm hay.

- Về phát triển nguồn nhân lực trong đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ kế cận hiện nay: 

Vẫn biết để trở thành một Tác giả - Đạo diễn – Nhà văn – Nhà thơ – Nhà nghiên cứu Lý luận Phê bình hay một Nhạc sĩ - Hoạ sỹ, Nghệ sỹ nổi tiếng…, yếu tố đầu tiên là năng khiếu bẩm sinh vượt trội. Vì vậy, lao động trong lĩnh vực VHNT không đơn giản, một sớm một chiều mà đòi hỏi sức cống hiến miệt mài bằng tài năng, công sức, tâm hồn, trí tuệ và một không gian lặng lẽ, âm thầm, bền bỉ tìm tòi để sáng tạo nên các công trình, tác phẩm VHNT  chân chính, là sản phẩm của trí tuệ, trái tim, mồ hôi và cả nước mắt nữa của người nghệ sĩ, là kết quả của quá trình nếm trải, nung nấu, cảm xúc dào dạt – cái mà người ta gọi là cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật… để con người hướng tới các giá trị chân, thiện, mĩ và đem lại cho con người nghị lực trong cuộc sống, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân… Các thế hệ tài năng VHNT Đồng Nai đều đã lớn tuổi. Thời gian qua, Hội chưa phát hiện được nhân tố tài năng mới kế cận. Bên cạnh đó, chúng ta chưa tạo được đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực đối với lĩnh vực VHNT. Gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, tỉnh nhà chưa gửi sinh viên chuyên ngành VHNT đi đào tạo ở nước ngoài. Vì vậy, thiếu hụt đội ngũ có trình độ chuyên môn cao.

- Các sản phẩm VHNT của nước ngoài đang chiếm lĩnh thị phần lĩnh vực giải trí ở Việt Nam. Các tập đoàn kinh tế lớn ở các nước tư bản giàu có đã đầu tư mạnh mẽ tiền của vào thị trường Việt Nam. Tại các rạp chiếu phim, trên các Đài Truyền hình, các Trung tâm Tổ chức Sự kiện… chủ yếu là giới thiệu quảng bá phim Mỹ - Hàn - Trung Quốc, điện ảnh Hàn Quốc, âm nhạc Hàn Quốc, thời trang Hàn Quốc, mỹ phẩm Hàn Quốc, thẩm mỹ viện cũng Hàn Quốc. Chúng ta đang nhập siêu các sản phẩm văn hóa, VHNT của nước ngoài mà chưa có chiến lược bảo vệ, xuất khẩu sản phẩm VHNT của Việt Nam ra thế giới. Vì vậy sản phẩm VHNT của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã và đang bị ảnh hưởng về lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.

- Hoạt động Lý luận VHNT và Hoạt động Phê bình VHNT:

Mảng Lý luận Phê bình VHNT ở Đồng Nai đang mỏng, thiếu các cây viết LLPB, thiếu chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm, có uy tín, có trình độ cao, am hiểu lĩnh vực Lý luận VHNT và Phê bình VHNT. Một phần với tính đặc thù của Hội gồm 10 chuyên ngành: Văn học, Thơ ca, Âm nhạc, Sân khấu Điện ảnh, Mĩ thuật, Nhiếp ảnh, Múa, Văn nghệ Dân gian và Lý luận phê bình. 10 chuyên ngành là 10 thể loại khác nhau về thủ pháp sáng tác và hình thức thể hiện. Vì vậy đối với Hội VHNT các địa phương, rất khó thu hút được 10 chuyên gia - nhà LLPB VHNT công tác. 

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai kiến nghị một số giải pháp phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Nai, nâng cao chất lượng hoạt động LLPB VHNT hiện nay như sau:

1. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà gửi đi đào tạo tại các trường Đại học VHNT trong nước và tại các Trung tâm VHNT có uy tín ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ hoạt động VHNT của Đồng Nai trong thời kỳ mới.

2. Các cấp lãnh đạo tỉnh có chính sách, cơ chế đặc thù, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, lắng nghe, chia sẻ, ghi nhận những đóng góp lao động sáng tạo VHNT của anh chị em VNS bằng chủ trương thu hút, sử dụng - trọng dụng nhân tài phụng sự cho sự nghiệp phát triển KT-VH-XH của tỉnh. 

3. Xây dựng lộ trình quảng bá tác phẩm VHNT Đồng Nai trong hợp tác, giao lưu quốc tế khi đất nước mở cửa, hội nhập. Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong quan hệ hợp tác quốc tế ,đặc biệt là về kinh tế, phát triển CNH-HĐH đất nước. Hội VHNT đang lưu giữ và quản lý hàng chục ngàn tác phẩm VHNT của VNS Đồng Nai sáng tác về tỉnh nhà.

Đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho Hội tham gia quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa để Hội giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT về văn hóa - lịch sử - vùng đất - con người Đồng Nai hơn 300 năm với bạn bè các nước và bà con Việt kiều tại nước ngoài. Giao lưu VHNT có khả năng tạo ra diện mạo mới về hình ảnh vị thế, sự thân thiện, gần gũi ,gắn kết của Đồng Nai với bạn bè quốc tế, đồng thời quảng bá được những sản phẩm VHNT tiêu biểu, sâu sắc, độc đáo của nền văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế…

4. Đối với lĩnh vực Lý luận VHNT và Phê bình VHNT: Lý luận phê bình VHNT là lĩnh vực khó, đòi hỏi người làm công tác LLPB phải có trình độ chính trị, trình độ chuyên môn vững chắc, vốn tri thức dồi dào, đánh giá - phân tích - phản biện sắc bén, tinh tế, thuyết phục. Các tác phẩm được sáng tạo để phục vụ xã hội, công tác LLPB cần được phản ánh, phân tích, đánh giá, soi chiếu ở nhiều góc độ. LLPB được ví như mũi khoan đột phá mạnh mẽ, phản bác những tác phẩm VHNT lệch lạc, phiến diện, ngộ nhận, quy chụp, phản cảm, độc hại, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tâm hồn, cốt cách, đạo đức xã hội và công cuộc đổi mới của đất nước. Đó là phế phẩm, hàng giả, hàng nhái cần được phê phán kịp thời, đúng lúc, định hướng dư luận xã hội. 

Trong thời gian tới, tỉnh phối hợp với hội đồng lý luận VHNT Việt Nam mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về LLPB tại Đồng Nai dành cho các đối tượng là cán bộ quản lý Hội VHNT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo đài, Sở VHTT& DL, Sở TTTT thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, các VNS, các nhà quản lý VHNT, các nhà LLPB được trang bị kiến thức phương pháp phân tích, biện giải các hiện tượng, xu hướng phát triển VHNT.

Kính thưa Hội nghị!

Nghị quyết 23 của Đảng đã khẳng định VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, tài năng VHNT là tài sản quý của quốc gia. Hội VHNT ra đời là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Sau Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, đội ngũ VNS tin tưởng rằng Đảng và Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế, chính sách bằng tầm nhìn chiến lược đối với sự nghiệp phát triển VHNT của nước ta trong giai đoạn mới. Hội VHNT  Đồng Nai sẽ tập hợp, động viên VNS tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác dựa trên 04 hệ giá trị: Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Hệ giá trị con người Việt Nam và Hệ giá trị gia đình Việt Nam. Văn nghệ sĩ Đồng Nai luôn đồng hành với đất nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm của nghệ sĩ với đất nước bằng khát vọng cháy bỏng và tình yêu quê hương, mảnh đất Đồng Nai thiết tha, sâu nặng, sáng tạo ra nhiều công trình tác phẩm VHNT sâu sắc về chủ đề, tư tưởng – chân thật về đời sống và hoàn mỹ về thủ pháp nghệ thuật, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân,  nâng cao hình ảnh đất nước - con người Đồng Nai trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Hội nghị!


ĐẢNG ĐOÀN HỘI VHNT ĐỒNG NAI


Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​